Quan họ hát hàng tuần, không xin tiền để bảo tồn

29/08/2017

Tỉnh Bắc Ninh chính thức khai mạc chương trình biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh trên thuyền định kỳ phục vụ nhân dân và khách du lịch, như một cách để bảo tồn di sản văn hóa dân ca quan họ.


Biểu diễn hát quan họ trên thuyền thu hút hàng nghìn khán giả tại hồ Nguyên phi Ỷ Lan (TP Bắc Ninh)

Bảo tồn, quảng bá và thực hiện cam kết với UNESCO

Bắc Ninh vốn được biết đến là quê hương của những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, với những liền anh, liền chị hát đối đáp giao duyên. Nếu như trước đây, du khách thường chỉ được thưởng thức các chương trình hát dân ca chủ yếu vào những dịp lễ hội, thì tới đây, những khán giả yêu thích quan họ sẽ có thêm một địa chỉ để thưởng thức di sản văn hóa này mỗi tháng tại hồ Nguyên phi Ỷ Lan (TP Bắc Ninh).

Theo ông Trần Quang Nam, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Bắc Ninh, chương trình này được tổ chức là một trong những cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới, cũng như quảng bá dân ca quan họ tới người dân và khách du lịch, thực hiện cam kết với UNESCO. Tuy nhiên trước mắt, hát quan họ trên thuyền sẽ được tổ chức từ 1 - 2 buổi/tháng, sau đó sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, tiến tới tổ chức định kỳ vào tối thứ bảy hàng tuần. Đặc biệt, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, hát quan họ tuyệt đối không được hát nhép, hát nhại. Đồng thời, bố trí đầy đủ dàn nhạc, âm thanh, ánh sáng... theo đúng yêu cầu của một chương trình nghệ thuật để phục vụ nhân dân và du khách.

"Những khán giả tinh ý bây giờ sẽ thưởng bằng cách gài tiền thưởng vào bó hoa tặng nghệ sĩ. Điều này vừa tế nhị cho cả người tặng lẫn người nhận. Số tiền ấy sẽ được trích vào quỹ chung để chi cho những hoạt động phát triển dân ca quan họ."

Chị Lê Thị Thành
liền chị CLB Dân ca quan họ Bồ Sơn (Bắc Ninh)

Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện, xây dựng nội dung biểu diễn cho chương trình này. Các tiết mục có thời lượng khoảng 90 phút, được xây dựng kịch bản thành từng chương trình cụ thể, gồm các tiết mục đơn ca, song ca, đối ca, tốp ca. “Nội dung chương trình sẽ không trùng lặp, không hát nhép, âm nhạc là dàn nhạc dân tộc của Nhà hát Dân ca quan họ. Ngoài ra, sẽ có sự giao lưu tương tác giữa các du khách với các liền anh, liền chị quan họ và các CLB của các làng quan họ gốc. Việc định kỳ tổ chức hát quan họ trên thuyền sẽ góp phần tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ông Nam khẳng định.

Nghệ sĩ Thanh Quý, Phó giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh cho biết, nhà hát vừa lên kế hoạch thực hiện, vừa phải nghe ngóng ý kiến của người dân về chương trình này để có thể rút ra những cách làm mới, những phương án biểu diễn phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả. Tuy nhiên, nhà hát cũng gặp nhiều áp lực vì không cẩn thận sẽ dễ gây ra nhàm chán, không thu hút được khán giả. “Phong cách của hát trên thuyền cũng chỉ có vậy. Nếu có đổi mới cũng chỉ về bài phối sao cho phong phú, thay đổi nghệ sĩ theo từng tuần. Dân ca quan họ có hơn 500 lời ca, nên chúng tôi cũng không lo trong việc đổi mới lời hát cho các tiết mục phong phú hơn”, nghệ sĩ Thanh Quý chia sẻ.

Băn khoăn thưởng tiền và xin tiền

Từ xưa tới nay, chuyện khán giả vì yêu thích nên thưởng tiền cho nghệ sĩ biểu diễn như một cách ủng hộ đã được nhiều người coi là một nét văn hóa truyền thống trong biểu diễn quan họ. Thế nhưng, dựa vào nét văn hóa này, không ít câu lạc bộ được lập ra với mục đích biểu diễn quan họ để kiếm tiền, xin tiền, khiến hình ảnh của những nghệ sĩ hát quan họ trở nên xấu đi. Bởi thế, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo, tuyệt đối cấm nghệ sĩ ngả nón xin tiền khi biểu diễn trên thuyền lần này. Đây là một cách để giữ gìn hình ảnh đẹp của nghệ sĩ hát quan họ trong mắt khán giả, nhưng cũng khiến nhiều người trong cuộc băn khoăn.

Với nghệ sĩ Thanh Quý, chuyện nhận tiền thưởng từ khán giả không phải điều xấu, nhưng nhiều người dân lại coi đây là hành vi xin tiền. Những nghệ sĩ hát quan họ chuyên nghiệp, mang trọng trách bảo tồn quan họ sẽ không có ai đi xin tiền, nhưng nhận tiền thưởng thì vẫn có. Bởi lẽ, nghệ sĩ biểu diễn trên thuyền ở xa, trong tay chỉ có chiếc nón quai thao. Khán giả đứng trên bờ muốn ủng hộ nên đưa tiền thưởng, nghệ sĩ chỉ còn cách đưa nón ra để nhận. Tuy nhiên, hình ảnh này đã bị nhiều người xuyên tạc thành xin tiền.

“Tôi cảm thấy bất bình và không đúng cho quan họ chúng tôi. Bây giờ phải từ chối tình cảm đó của người dân, thực sự trong thâm tâm tôi không vui vì nó đã là một nét văn hóa. Nhiều lúc bà con đưa tiền thưởng nhưng nghệ sĩ sợ không dám nhận, tránh thuyền ra xa thì bà con lại bảo nghệ sĩ coi thường khán giả. Tôi chỉ mong người dân hiểu và thông cảm cho các nghệ sĩ”, nghệ sĩ Thanh Quý bộc bạch.

(Nguồn: http://www.baogiaothong.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...