Quà tháng năm dâng Người - Hồng Đăng -Thế Bảo
Lòng rộn vui dâng lên chúc Bác sống ngàn năm
Kính yêu Người luôn nhắc nhau nhớ lời Người
Mỗi năm vào dịp cả nước kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, người yêu nhạc Việt Nam lại có dịp nghe những câu hát thật mượt mà, trong sáng:
Quà tháng năm dâng Người - (Hồng Đăng) - Quý Dương - Trung Kiên
Nhìn bầu trời quê hương lung linh nắng chiếu cành hoa xoan.
Rộn ràng chân bước, bước đến lớp các em nhỏ quàng khăn..
Lòng rộn vui dâng lên chúc Bác sống ngàn năm
Kính yêu Người luôn nhắc nhau nhớ lời Người
Luôn khuyên ta vì nhân dân nâng cao văn hóa
Ngày đêm ta vun muôn ngàn hoa
Quà tháng năm kính dâng Người cha
Từng tiếng hát khắp xa gần thiết tha dâng Người
Quà tháng năm dâng Bác là một trong những ca khúc hay nhất viết về Hồ Chủ tịch. Bài hát rất nổi tiếng, tuy nhiên, ít người biết rằng nó được nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác trong một hoàn cảnh thú vị: khoảng 20 phút trên đường đạp xe về nhà.
Đó là khoảng thời gian đầu tháng 4/1960. Nhạc sĩ Hồng Đăng lúc đó đang làm công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội. Một hôm, nhà báo Dương Đình Hy ở báo Người Giáo viên Nhân dân tìm gặp ông, đề nghị nhạc sĩ sáng tác một ca khúc mừng sinh nhật Bác Hồ, để báo đăng cho số tới. Yêu cầu rất rõ ràng: Bài hát phải nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời, do đăng trên một tờ báo của ngành giáo dục, nên bài hát cần nhắc tới giới học sinh - sinh viên hoặc giáo viên.
Hồng Đăng vui vẻ nhận lời ngay. Ông cũng như hàng trăm nghệ sĩ ngày ấy là vô cùng yêu quý và ngưỡng mộ Bác Hồ. Hình ảnh người cha già dân tộc in sâu vào tâm khảm mọi người đến mức việc sáng tác, kể cả theo đơn đặt hàng, trở thành hết sức tự nhiên.
Đẹp như đàn chim tung tăng bay tiếng hát đẹp thơ ngây
Đàn em ríu rít nắng chói lóa những chiếc khăn quàng bay
Lòng rộn vui cao tiếng hát dâng lên mừng Bác
Trưa hôm ấy, Hồng Đăng và Dương Đình Hy thủng thẳng đạp xe từ tòa soạn báo Người Giáo viên Nhân dân (số 139 Nguyễn Thái Học) về nhà, vừa đi vừa trò chuyện. Một nét nhạc lóe lên như tia chớp trong đầu ông.
Chia tay Dương Đình Hy, về tới nhà, ông lao vào viết ngay, gần như chỉ là ghi lại cái giai điệu vừa hình thành trong đầu. Tính ra, khi đi từ tòa soạn ở đường Nguyễn Thái Học về nhà ông ở mạn Hàng Bông - Thợ Nhuộm, chỉ khoảng 20 phút, và 20 phút ấy đủ để ông cho ra đời một tác phẩm xuất sắc về lãnh tụ.
Phần lời của bài hát thì không được suôn sẻ như thế. Thoạt đầu, lời do cả ông và nhà báo Dương Đình Hy cùng viết, nhưng chưa ổn. Sau, Giáo sư, nhạc sĩ Thế Bảo đã sửa lại lời cho ca khúc, vẫn đảm bảo là một ca khúc về Hồ Chủ Tịch và có nhắc tới học sinh: “...Đàn em ta đó, nắng chói lóa những chiếc khăn quàng bay. Từng mùa Xuân măng non đã lớn lên từ đây. Núi sông này luôn vẫn ghi nhớ công ơn Người, hy sinh suốt đời sao cho nhân dân no ấm...”.
Ban đầu, bài hát được Hồng Đăng đặt tên là Quà tháng năm dâng Người. Tuy nhiên về sau, nhiều lúc nó được gọi là Quà tháng năm dâng Bác, thậm chí có lúc rút ngắn thành bài Quà tháng năm. Ông cười hồn hậu: “Ngoảnh đi ngoảnh lại, thế mà đã 48 năm rồi đấy. Khi nhận lời và bắt tay vào sáng tác, tôi không hề nghĩ bài hát lại sống tới bây giờ và vẫn được nhiều người yêu thích”.
Quà tháng năm dâng Bác được in trên báo Người Giáo viên Nhân dân đúng hạn. Chỉ vài ngày sau, nó đã vang lên trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, qua giọng ca của hai nghệ sĩ Quý Dương và Trung Kiên. Hai ông biểu diễn xuất sắc đến mức sự thể hiện của họ đã trở thành kinh điển, mẫu mực cho các nghệ sĩ về sau đi theo.
Ngày đêm ta vun muôn ngàn hoa
Quà tháng năm kính dâng Người cha
Từng tiếng hát khắp xa gần thiết tha dâng Người
Sau hai ông, nhiều ca sĩ như Lê Dung, Lệ Quyên, Lê Gia Hội cũng hát Quà tháng năm dâng Bác, nhưng theo nhạc sĩ Hồng Đăng thì cặp song ca Quý Dương Trung Kiên vẫn thể hiện bài hát thành công nhất.
Gần đây có nhóm Năm dòng kẻ hát Quà tháng năm dâng Bác, cũng được Hồng Đăng đánh giá cao. Ông cho rằng nhóm đã xử lý ca khúc này theo một cách khá mới mẻ, mang màu sắc tươi tắn, nhẹ nhàng, giàu nữ tính.
Ngoài Quà tháng năm dâng Bác, Hồng Đăng còn có khoảng 5-6 bài hát về Hồ Chủ Tịch, như bài Nhớ ơn Bác Hồ sáng tác từ năm 1953 (nghĩa là khi ông mới 17 tuổi), Một dáng tiên ông trong thần thoại, sáng tác năm 1985... Tuy nhiên, Quà tháng năm dâng Bác là tác phẩm được nhiều người biết đến hơn cả.
Hồng Đăng nhận xét: “Gần như nhạc sĩ Việt Nam nào cũng từng sáng tác về Bác Hồ. Người viết ít cũng vài bài, người viết nhiều như anh Thuận Yến thì phải tới hàng chục bài. Tính tổng cộng, tôi nghĩ có tới hàng nghìn ca khúc viết về Bác. Không phải lãnh tụ nào trên thế giới cũng được yêu mến và ngợi ca như thế đâu; Bác Hồ của chúng ta có lẽ là người duy nhất”.
(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)