Porgy and Bess: Lịch sử phức tạp và gây tranh cãi
Việc Porgy and Bess trở thành tác phẩm mở màn mùa diễn của nhà hát Opera Metropolitan (Mỹ) đã khơi gợi lại quá khứ phức tạp, gây tranh cãi nhưng không kém phần thú vị của vở diễn kinh điển do Gershwin sáng tác gần 85 năm trước.
Một phiên bản “Porgy and Bess” trên sân khấu năm 1953. Nguồn: NYT
Nhà hát Opera Metropolitan đang tham gia vào lịch sử phức tạp của tác phẩm khi chuẩn bị dàn dựng phiên bản mới do James Robinson đạo diễn và David Robertson chỉ huy âm nhạc. Họ đã tập hợp một dàn diễn viên hùng hậu, dẫn đầu là giọng bass-baritone Eric Owens và giọng soprano Angel Blue, và thiết kế một sân khấu nhằm giải cứu Catfish Row cùng cư dân của nó khỏi cảnh bị rập khuôn với các dàn dựng trước, đồng thời tổ chức các buổi nói chuyện về tác phẩm và hướng ống kính về quá khứ chủng tộc gây sóng gió bằng một cuộc triển lãm tại chính nhà hát.
Tranh cãi không ngừng từ buổi diễn đầu tiên
Năm 1935, một trong những đêm điễn huyền thoại ở New York chính là buổi công diễn lần đầu trên sân khấu Broadway vở Porgy and Bess. Đêm diễn mở màn đã thu hút cả những nhân vật danh giá của Hollywood tới dự, bao gồm cả Katharine Hepburn và Joan Crawford. Sau những hoan hô chúc tụng lắng xuống, những nhân vật thượng lưu đã tới dự một bữa tiệc đêm hấp dẫn, nơi George Gershwin chơi những trích đoạn từ tổng phổ của mình trên cây đàn piano.
Thế nhưng đến sáng hôm sau, các nghi vấn về thể loại, về diễn xuất, về sự lạm dụng văn hóa – đã theo Porgy and Bess qua suốt lịch sử hơn tám thập niên.
Một vấn đề khiến nhiều người quan tâm: liệu Porgy and Bess có phải là một bức chân dung nhạy cảm về cuộc sống và những đấu tranh của một cộng đồng người Mỹ gốc Phi bị phân biệt đối xử ở Charleston, Nam Carolina không? (Maya Angelou, từng là một vũ công trẻ biểu diễn trong một dàn dựng lưu diễn tại Nhà hát La Scala ở Milan vào năm 1955, sau này đã ca ngợi tác phẩm có “nghệ thuật thể hiện tuyệt vời” và phơi bày “một sự thật về con người.”) Liệu có tồn tại những định kiến hạ thấp người da đen, được nói bằng phương ngữ khiến người ta phải cau mày? (Harry Belafonte đã từ chối lời đề nghị đóng vai chính trong phiên bản điện ảnh vì ông thấy không tôn trọng chủng tộc). Đây có phải là một chiến thắng của nghệ thuật Mỹ đa văn hóa, sự hợp tác giữa George và Ira Gershwin (con trai của những người nhập cư Do Thái gốc Nga) với DuBose Heyward (con dòng cháu giống của một gia đình da trắng nổi tiếng ở Nam Carolina) cùng người vợ sinh ra ở Ohio, Dorothy, để kể một câu chuyện độc đáo của người Mỹ gốc Phi? Hay là sự lạm dụng văn hóa? Vở opera về trải nghiệm của người Mỹ gốc Phi được trình diễn nhiều nhất lại là tác phẩm của nhóm người da trắng, điều đó có phải là thất bại của các nhà soạn nhạc da đen, những người từng đấu tranh để âm nhạc của mình được vang lên?
“Vì Porgy and Bess liên quan đến cuộc sống của người da đen ở Mỹ, nó mang các yếu tố về một hình thức opera chưa từng xuất hiện trong lịch sử thể loại này” (George Gershwin).
Và có phải việc Gershwins nhất quyết Porgy and Bess chỉ nên được các nghệ sỹ da đen biểu diễn – ban đầu chỉ nhằm mục đích khỏi phải hóa trang màu da mặt – đã giúp các thế hệ ca sỹ da đen bằng cách trao cho họ cơ hội biểu diễn trên một số sân khấu lớn? Hay có phải nó đã phân loại một số nghệ sỹ và giới hạn vai diễn họ được đề nghị?
Có phải câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này là đúng?
George Gershwin đã gọi Porgy and Bess là một “vở opera dân gian” và rút cục chính nó xếp ông vào danh sách những nhà soạn nhạc lấy cảm hứng từ các chủ đề dân gian, có thật hoặc tưởng tượng. Trong một bài đăng trên tờ New York Times năm 1935, ông tiết lộ, để giữ cho tác phẩm được thống nhất về mặt âm nhạc, ông đã quyết định sáng tác “các bài dân ca tôn giáo và các khúc dân ca theo cách riêng của mình.”
Và ông cũng thảo luận về các khía cạnh mà sau này các nhà phê bình vẫn hay chỉ trích: “Vì Porgy and Bess liên quan đến cuộc sống của người da đen ở Mỹ, nó mang các yếu tố về một hình thức opera chưa từng xuất hiện trong lịch sử thể loại này và tôi đã điều chỉnh phong cách để có thể tận dụng đủ các yếu tố như tính hài hước, sự mê tín, lòng sùng đạo, tinh thần chủng tộc và cả vũ điệu vào một vở diễn.”
Hall Johnson, một nhà soạn nhạc da đen, tác giả vở musical Run, Little Chillun! thành công trên sân khấu Broadway vào năm 1933, đã viết trong một bài tiểu luận năm 1936 trên tờ Opportunity do Urban League xuất bản: “Gershwin đã tự do viết về người da đen theo cách riêng của mình như bất kỳ nhà soạn nhạc nào có thể tự do viết về bất cứ chủ đề gì”. Tuy nhiên, ông bổ sung, cái được của tác phẩm “không đơn thuần là một vở opera về người da đen của Gershwin mà là nêu quan điểm sáng tác một tác phẩm nghệ thuật về lĩnh vực còn ít được quan tâm như thế nào.” (Nhiều thập kỷ sau, khi bình luận về phiên bản điện ảnh, James Baldwin đã lặp lại lời phê bình đó, dù viết rằng ông thích Porgy and Bess vẫn giữ lại tầm nhìn của một người da trắng về cuộc sống của người da đen”)
Việc Gershwins quyết tránh các màn trình diễn của Porgy and Bess sử dụng cách hóa trang màu da mặt, một thói quen từ cách làm của những gánh hát rong vẫn còn sót lại trên sân khấu và màn ảnh vẫn còn phổ biến khi ấy. Bằng cách đó, Porgy and Bess đã góp phần đưa các thế hệ ca sỹ người Mỹ gốc Phi được đào tạo cổ điển bài bản lên sân khấu vào thời điểm mà sự phân biệt đối xử đã loại họ khỏi nhà hát Opera Metropolitan và các nhà hát hàng đầu khác. Do vẫn chịu cảnh phân biệt đối xử ngay trong buổi diễn đầu tiên tại Nhà hát Quốc gia ở Washington DC, các ngôi sao người Mỹ gốc Phi trong đội hình diễn viên đã tuyên bố không biểu diễn nữa. Điều này đã buộc nhà hát phải xem xét lại cách đối xử của mình. Sau những lần như vậy, nhiều ca sỹ da màu khởi đầu sự nghiệp từ Porgy and Bess, trong đó có cả giọng soprano Leontyne Price, người đóng vai Bess ngay khi vừa tốt nghiệp Juilliard School.
George Gershwin, DuBose Heyward và Ira Gershwin, những người sáng tạo nên “Porgy and Bess.” Nguồn: NYT
Cuối cùng, Porgy and Bess đã trở thành một biểu tượng cho văn hóa Mỹ. Được biểu diễn khắp thế giới, nó lại gây ra những tranh cãi mới như việc ra mắt châu Âu tại Copenhagen trong Thế chiến II, việc dàn dựng một tác phẩm của một nhà soạn nhạc Do Thái về người Mỹ da đen bị coi là một hành động khiêu khích nhằm vào Đức quốc xã đang chiếm đóng Đan Mạch hay tạo ra những mâu thuẫn không tránh khỏi trong chuyến lưu diễn thời Chiến tranh Lạnh ở Leningrad và Moscow vào giữa những năm 1950. Nhưng âm nhạc của Porgy and Bess chỉ trở nên phổ biến khi các thế hệ nghệ sỹ nhạc Jazz tiên phong bao gồm Billie Holiday, Louis Armstrong, Ella Fitzgerald và Miles Davis đặt dấu ấn của riêng họ vào các ca khúc.
Những mâu thuẫn mới
Yêu cầu tuyển diễn viên da đen vẫn có hiệu lực đối với các màn trình diễn sân khấu của Porgy and Bess trên toàn thế giới, Sargent Aborn, giám đốc điều hành của Tams-Witmark, nơi cấp phép biểu diễn vở này, đã viết trong email gửi NYT.
Đó là một quy định bất thường trong thời đại khi mà việc tuyển diễn viên đang ngày càng không phân biệt màu da. Porgy and Bess là một vở opera mà dàn hợp xướng riêng của nhà hát Opera Metropolitan không biểu diễn: họ đã thuê hẳn một dàn hợp xướng ca sỹ da đen cho dàn dựng mới của mình. Khi Nhà hát Opera Quốc gia Hungary dàn dựng Porgy and Bess với một đội ngũ diễn viên da trắng hồi đầu năm nay, trái với mong muốn của anh em nhà Gershwin, nhà hát đã yêu cầu các ca sỹ của mình ký tên vào tuyên bố rằng nguồn gốc và tinh thần của người Mỹ gốc Phi đã tạo thành một phần bản sắc của họ, một trang tin của Hungary thuật lại.
Một số ca sỹ da đen cảnh giác với Porgy and Bess, vì vừa không cảm thấy thích tác phẩm gây tranh cãi này, vừa lo ngại về tương lai, họ có thể sẽ toàn bị phân kiểu vai điển hình như vậy và khó có thể khám phá kịch mục khác. Davóne Tines, một ca sỹ giọng baritone-bass, người đóng vai chính gần đây trong The Clown Black (Anh hề da đen) – một chuyển thể musical mới từ bài thơ khám phá chủng tộc và biểu trưng thấm thia năm 1931 của Langston Hughes – nói trong một cuộc phỏng vấn, anh cảm thấy phiền toái khi vở opera da đen chuẩn mực duy nhất, và vẫn là một trong những cơ hội chính cho nhiều ca sỹ da đen, lại đòi hỏi họ phải “thể hiện những kiểu tính cách rập khuôn nhạt nhẽo”. Anh giải thích thêm, “cứ như chúng ta đã chuyển từ gây hấn sang gây hấn tinh vi, từ tín hiệu analog sang tín hiệu digital, từ độ trung thực thấp sang độ phân giải cao. Nên ta cũng phải chuyển từ những nhát cọ khoáng đạt và điểm một nét bút thanh mảnh hơn khi mô tả trải nghiệm của người da đen.”
Một số người đã cố gắng để tái tạo tác phẩm, trong đó dàn dựng đầu tiên mà Golda Schultz, giọng nữ cao người Nam Phi sẽ hát vai Clara tại Metropolitan, từng xem là một dàn dựng nổi tiếng của Nhà hát Opera Cape Town, trong đó bối cảnh được chuyển đến một khu ngoại ô (dành cho người da màu) ở Nam Phi. “Khi đặt bối cảnh tại một khu ngoại ô, mọi người đều hiểu khái niệm về một cộng đồng chật vật, gắn kết chặt chẽ với các khu ngoại ô”, Schultz nói trong một buổi diễn tập tại Metropolitan. “Bố tôi đã lớn lên ở một khu ngoại ô, nơi hàng xóm đều biết nhau, biết chuyện của nhau – vì những bức tường bằng tôn của căn lán vô cùng mỏng.”
Angel Blue và Eric Owens trong phiên bản “Porgy and Bess” mới nhất đã mở màn mùa diễn của Nhà hát Metropolitan Opera. Nguồn: NYT
Dàn dựng mới nhà hát Metroplitan cho thấy đội ngũ ca sỹ da đen của Metropolitan giờ đây nhiều hơn bao nhiêu so với khi đoàn dàn dựng Porgy and Bess lần đầu vào năm 1985. Trong dàn dựng đó hai ngôi sao của Metropolitan đã thủ vai chính nhưng nhà hát đã phải đưa thêm nghệ sỹ mới vào nhằm có đủ ca sỹ da đen đóng nhiều vai khác. Ngược lại, năm nay, gần như tất cả các ca sỹ sắm các vai chính nổi bật đã từng hát tại Metropolitan, bao gồm Denyce Graves (người vào vai một Carmen đặc sắc) và các ca sỹ trẻ đang lên như Schultz, Ryan Speedo Green và Latonia Moore...
Tại một buổi diễn tập, đội ngũ diễn viên Porgy and Bess đã lên sân khấu Metropolitan diễn tập cảnh cơn bão dữ dội tấn công Charleston. Sức mạnh từ âm nhạc của Gershwin đã xuyên thấu nhà hát, ngay cả khi chỉ do một nghệ sỹ piano chơi trong hố nhạc tại buổi diễn tập. Hợp xướng hát những lời cầu nguyện một cách đam mê. Thế nhưng một số phương ngữ (“hab mercy!”) nghe vẫn còn nghịch tai.
Thậm chí nhà hát Metroplitan đưa ra một góc nhìn mới cho khán giả ngay trước khi họ bước vào nhà hát. Họa sỹ Kerry James Marshall, được hoan nghênh vì những bức tranh khổng lồ là những tưởng tượng về cuộc sống và lịch sử của người đen, đã tạo ra một biểu ngữ “Porgy and Bess” hấp dẫn treo ở bên ngoài nhà hát. Nó ngược lại hoàn toàn với hình ảnh Porgy truyền thống, một kẻ hành khất tàn tật và người phụ nữ anh ta yêu, Bess, người đã bị lạm dụng và nghiện ngập. Porgy của Marshall được vẽ theo phong cách hiện thực xã hội cơ bắp, gần như siêu anh hùng trong truyện tranh, đứng tấn sẵn sàng hành động, cầm nạng như vũ khí và mang Bess trên vai. Marshall nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, “tôi muốn tạo cho Porgy bộ dạng anh hùng, ít nhất là trong một khoảnh khắc.”
Dù chưa có câu trả lời cho rất nhiều nghi vấn vây quanh Porgy and Bess nhưng từ khoảnh khắc này, người ta thấy rằng, tác phẩm dường như xứng đáng có một vị trí trong kịch mục opera chuẩn mực, vốn không thiếu những vở diễn gây tranh cãi và nhiều mâu thuẫn.
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/)