Piano và thanh nhạc - sự kết hợp hoàn hảo

31/03/2015

1. Sự gắn kết giữa piano và thanh nhạc

Trong chặng đường hơn nửa thế kỷ qua, một nền âm nhạc xã hội chủ nghĩa mà ca hát chuyên nghiệp là một phần quan trọng đã ra đời và trưởng thành nhanh chóng. Từ khởi điểm ban đầu còn nhỏ bé, đến nay chúng ta đã gặt hái được những kết quả nhất định: có được một lực lượng không chuyên và chuyên nghiệp khá hùng hậu, một đời sống âm nhạc khá phong phú. Nghệ thuật hát chuyên nghiệp trong quá trình hình thành và phát triển đã có những thành công đáng kể trong nhiều lĩnh vực như đào tạo, biểu diễn, lý luận và nghiên cứu khoa học... Những kết quả đạt được ấy có một phần đóng góp không nhỏ của bộ môn piano, đã luôn song hành cùng với nghệ thuật thanh nhạc trên các hoạt động đào tạo và biểu diễn ngay từ thuở ban đầu.

Trong quá trình phát triển của nghệ thuật thanh nhạc, không thể không nhắc đến sự tác động tích cực của cây đàn piano. Piano đóng một vai trò hết sức quan trọng, cần thiết cho người hát từ giai đoạn tiếp cận một tác phẩm thanh nhạc cho đến khi tác phẩm đó được thể hiện một cách hoàn chỉnh. Đàn piano với những tính năng vượt trội như: sự chuẩn xác về cao độ, vẻ đẹp của âm thanh biểu hiện được nhiều loại sắc thái, sự tinh tế của phím đàn, sự thuận lợi trong việc kết hợp các chồng âm cùng lúc tạo nên màu sắc hòa âm có thể thay thế dàn nhạc... đã tạo được hiệu quả nghệ thuật rất lớn trong việc hỗ trợ cho thanh nhạc trên các lĩnh vực đào tạo cũng như biểu diễn.

Theo các tài liệu nghiên cứu, thời kỳ Trung cổ (trước thế kỷ XV) kéo dài gần một nghìn năm với sự phát triển cực thịnh của Cơ đốc giáo. Âm nhạc thời kỳ Trung cổ là sự phát triển mạnh của âm nhạc nhà thờ (với các thể loại âm nhạc tiêu biểu như Messe, Motets, Madrigal, Madrigaux...), được sử dụng như là một phương tiện mạnh mẽ để tuyên truyền tôn giáo, tạo ảnh hưởng to lớn trong quần chúng. Các hình thức hát thánh ca xuất hiện và đặc biệt phát triển trong thời kỳ này với sự ra đời của phong cách âm nhạc phức điệu giai đoạn sơ khai, đó là thêm bè vào các giai điệu thánh ca (thoạt đầu bè phụ chạy song song với giai điệu chính, trên một quãng 4 hoặc 5; về sau trở thành một giai điệu đối âm độc lập). Nhạc cụ chính được sử dụng để đệm hát và luyện thanh là đàn orgue nhà thờ.

Sang thời kỳ Tiền Cổ điển (đầu thế kỷ XVIII), phong cách âm nhạc thiên về sự duyên dáng, tao nhã, nhấn mạnh kết cấu chủ điệu với sự hài hòa âm thanh giữa giai điệu và phần đệm. Đàn harpsichord là loại nhạc cụ phổ biến nhất trong giai đoạn này, sử dụng cả trong độc tấu và đệm cho thanh nhạc.

Thời kỳ Cổ điển (thế kỷ XVIII) là giai đoạn ra đời và hoàn thiện của cây đàn piano. Với tầm cữ âm vực rộng, cấu tạo các nốt trong hệ thống hàng âm cách nhau 1/2 cung; với âm thanh và sắc thái phong phú, tinh tế: khi thì vang dội như sấm sét, khi thì mềm mại du dương, êm ái; piano đã chinh phục được giới nhạc sĩ cũng như người yêu âm nhạc. Thành công ban đầu đã thúc đẩy các nhà chế tạo nhạc cụ tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi nhằm hoàn thiện hơn cây đàn piano. Đàn piano ngày nay là sản phẩm cải tiến của rất nhiều thế hệ nghệ nhân chế tạo đàn. Hiện nay, đàn piano đã đạt tới sự hoàn chỉnh về cơ học, một động tác nhấn nhẹ lên phím cũng truyền đến được dây đàn, pedal đã có thể sử dụng để ngân dài hoặc tắt âm thanh theo ý muốn. Ngay cả những khi thực hiện kỹ thuật phức tạp như trémolo ở tốc độ nhanh hoặc xử lý các sắc thái tinh tế ở cường độ nhẹ (pp, ppp) các âm thanh vẫn phát ra rõ ràng và trong trẻo... Với những tính năng ưu việt ấy, piano đã nhanh chóng trở thành nhạc cụ phù hợp nhất được lựa chọn để kết hợp với thanh nhạc.

Và cho đến bây giờ, piano vẫn giữ vị trí quan trọng, là một phần không thể tách rời, luôn song hành với nghệ thuật thanh nhạc. Sự hỗ trợ của đàn piano đã góp phần tạo ra hiệu quả tốt nhất cho thanh nhạc trên cả hai lĩnh vực biểu diễn và đào tạo; piano luôn giữ vai trò chủ đạo mà không một nhạc cụ nào có thể thay thế được.

Sự gắn kết mật thiết giữa piano và thanh nhạc còn được thể hiện rõ trong những sáng tác cho thanh nhạc. Trong kho tàng âm nhạc thế giới, phần lớn các tác phẩm viết cho thanh nhạc đều sử dụng phần đệm piano: các ca khúc, các bản Ballade, Suite, Vocalise, Elegie, Barcarolle và các bài dân ca... Trong số đó, Romance là thể loại nghệ thuật thể hiện tính chuyên nghiệp cao, Romance hay còn được gọi là Ca khúc nghệ thuật không đơn thuần chỉ là một ca khúc có phần đệm piano, mà ở đây giọng hát và các bè piano hòa quyện thành một tổng thể thống nhất không thể phân chia ra thành các bè chính và phụ. Phần đệm không còn là bè phụ họa cho giọng hát mà đã trở thành một nhân tố cấu thành bình đẳng, thể hiện sức biểu cảm cao.

2. Vai trò của piano trong đào tạo thanh nhạc

Có thể khẳng định rằng, piano giữ vị trí quan trọng trong quá trình đào tạo và hoàn thiện một ca sĩ chuyên nghiệp. Đặc điểm của thanh nhạc là đơn âm, tự do nên piano vừa giúp cho việc cảm nhận được tác phẩm; vừa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp định vị âm chuẩn, khả năng nghe màu sắc hòa thanh, phức điệu và rèn luyện sự nhạy cảm về tiết tấu. Ngoài ra, thông qua đàn piano, người học có cơ hội tiếp cận với các tác phẩm âm nhạc kinh điển của thế giới nhằm củng cố và phát triển kiến thức âm nhạc nền tảng.

Trong đào tạo thanh nhạc, vấn đề đòi hỏi trước tiên là sự thể hiện chính xác về cao độ của âm thanh. Một trong những nguyên nhân của việc hát không chuẩn xác là do hạn chế về tai nghe, cảm giác về âm thanh không nhạy. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc điều chỉnh hoạt động của cơ quan phát âm phù hợp còn cần đến sự hỗ trợ của đàn piano thông qua luyện tai nghe các hợp âm, kiểm tra việc nắm vững giai điệu trên đàn.

Sự trợ giúp của đàn piano là vô cùng cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hoàn thiện giọng hát: những bài tập luyện thanh thông qua các mẫu âm được tiến hành trên đàn piano theo hệ thống từ đơn giản tới phức tạp, từ ngắn tới dài có giai điệu và tiết tấu lên cao hoặc xuống thấp dần từng nửa cung; nhằm phát triển giọng theo những yêu cầu kỹ thuật khác nhau như hát liền giọng (cantilena), hát nảy (staccato), hát nhanh nhiều nốt (passage), hát rung láy (trillo), hát từ nhỏ tới to (crescendo), hát từ to tới nhỏ (diminuendo)...

Một dạng khác của luyện thanh là các bài Vocalise có giai điệu phát triển và tiết tấu rõ ràng (không có lời ca) với phần đệm piano thể hiện những hình tượng âm nhạc khác nhau; đây là bước tiếp nối giữa luyện tập mẫu âm và xử lý các tác phẩm thanh nhạc. Vocalise không chỉ có ý nghĩa như là bài luyện kỹ thuật mà còn được xem như một tác phẩm nghệ thuật chuyển tải những nội dung hoàn chỉnh. Các bài tập luyện thanh kinh điển được sử dụng trong các nhạc viện hiện nay được viết bởi các nhà sư phạm, bậc thầy cả về kỹ thuật thanh nhạc và kỹ thuật piano như Giuseppe Concone, M.Glinka, S.Rachmaninov... nên đã tạo được sự phối hợp vô cùng ăn ý giữa giọng hát và phần bè đệm. Phần piano đóng vai trò hết sức quan trọng tạo nên màu sắc cho tác phẩm với những hình tượng âm nhạc phong phú minh họa cho nội dung và tính chất âm nhạc của từng tác phẩm.

3. Vấn đề trang bị kỹ năng piano cho người học thanh nhạc hiện nay

Hiện nay, phần lớn các ca sĩ chuyên nghiệp không thể sử dụng đàn piano một cách thuần thục để hỗ trợ trong công việc, giảng viên thanh nhạc không có đủ kỹ năng piano để phục vụ giảng dạy. Điều này là do những lý do sau: sự hạn chế về nhận thức, năng lực và điều kiện để luyện tập của mỗi cá nhân; việc giảng dạy và học tập môn piano phổ thông đối với chuyên ngành thanh nhạc trong các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ piano hạn hẹp cũng là nguyên nhân gián tiếp làm hạn chế việc phát triển tư duy âm nhạc, tạo ra những khó khăn nhất định trong hoạt động chuyên môn (đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy).

Vấn đề trang bị kỹ năng piano phổ thông hiện nay vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm:

- Điều kiện bổ trợ cho chuyên ngành là không có do sự không đồng nhất về mặt bằng trình độ; môn piano không phải là môn điều kiện khi tuyển vào (khác với quy trình đào tạo của các nhạc viện nước ngoài). Phần lớn đối tượng tuyển vào cả ở bậc trung học và đại học là chưa biết gì về kỹ thuật tay đàn piano, đặc biệt yếu tố vùng miền cũng góp phần tạo ra sự chênh lệch về trình độ nhận thức cũng như kỹ năng piano ban đầu.

- Việc giảng dạy môn piano phổ thông tại các trung tâm đào tạo âm nhạc lớn của cả nước là chưa mang tính đồng bộ: chưa có sự thống nhất trong quy chế đào tạo; chưa thống nhất về chương trình, giáo trình; chuẩn đầu ra cũng như trình độ từng năm không được qui định rõ ràng và chặt chẽ.

Ở các nhạc viện nước ngoài, môn piano là môn học bắt buộc ngay từ năm đầu tiên của bất kỳ một chuyên ngành nào, được bắt đầu ở bậc học thấp nhất và được xem như là chuyên ngành thứ hai với những quy định chặt chẽ cả về số lượng và thể loại bài học.

Thử làm một phép so sánh giữa đào tạo thanh nhạc tại các nhạc viện nước ngoài với đào tạo trong nước để thấy được sự khác nhau trong cách thức tiến hành giờ lên lớp cũng như việc trang bị kỹ năng piano cho người học thanh nhạc được đầu tư khác nhau như thế nào:

Đào tạo thanh nhạc ở nước ngoài Đào tạo thanh nhạc trong nước
- Học viên có những giờ được làm việc riêng với người đệm đàn (đề cao khả năng làm việc độc lập, thúc đẩy khả năng sáng tạo của học viên). - Học viên chỉ được làm việc với người đệm đàn trong khoảng thời gian trước khi thi cuối kỳ.
- Có giờ hòa tấu (đệm hát) và chương trình piano Concert  cuối kỳ cho học viên thanh nhạc (chú trọng việc trang bị kỹ năng piano). - Không có giờ hòa tấu và chương trình Concert dành riêng cho piano phổ thông.
- Giảng viên giảng dạy piano phổ thông là những giáo sư, nhà giáo có uy tín nghề nghiệp và khả năng sư phạm cao. - Vấn đề giảng dạy piano phổ thông còn bị xem nhẹ so với dạy piano chuyên nghiệp.
- Giáo trình được thiết kế phù hợp cho từng loại đối tượng học (coi trọng vấn đề trang bị kỹ năng piano phổ thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người học). - Có nơi còn chưa có giảng viên chuyên trách và chưa có giáo trình riêng phù hợp với đặc thù từng nhóm ngành học.
- Giảng viên thanh nhạc trong giờ lên lớp có thể trực tiếp đệm đàn những bài tập luyện thanh và các tác phẩm không quá phức tạp cho học viên, phân tích được tính chất âm nhạc thông qua giai điệu và hình tượng âm nhạc của phần đệm piano (thể hiện tính chuyên nghiệp cao). - Phần lớn giảng viên thanh nhạc không có đủ kỹ năng piano để hỗ trợ trong quá trình lên lớp: không thể đệm hát theo đúng tổng phổ, không thể đòi hỏi cao đối với việc xử lý bè piano của người đệm đàn khi phần đệm chưa đạt yêu cầu (thể hiện tính không chuyên nghiệp).


4. Tạm kết

Đào tạo toàn diện là nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong cả nước. Với mục đích đào tạo ra các ca sĩ chuyên nghiệp có kiến thức chuyên môn sâu rộng cả về lý luận và thực tiễn nhằm cung cấp đội ngũ nhà giáo, diễn viên, các cán bộ văn hóa văn nghệ cho xã hội; để nghệ thuật hát chuyên nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí của mình ở khu vực Đông Nam Á và ngày càng có tiếng vang trên thế giới; để piano phát huy hơn nữa vai trò hỗ trợ đối với lĩnh vực thanh nhạc, chúng tôi có những kiến nghị và đề xuất đối với các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trên toàn quốc như sau:

- Có kế hoạch thường xuyên nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên (trang bị kiến thức sâu rộng cả về chuyên môn và các lĩnh vực âm nhạc liên quan) nhằm tạo được sự gắn kết, bổ trợ giữa piano và thanh nhạc trong quá trình giảng dạy.

- Xây dựng chiến lược đào tạo mang tính chuyên môn hóa cao thông qua việc phân cấp giảng viên dạy piano phổ thông cho từng nhóm chuyên ngành để có sự nghiên cứu chuyên sâu vào đặc thù của từng ngành học.

- Đầu tư biên soạn giáo trình riêng của bộ môn piano phổ thông (thiết kế nội dung giảng dạy phù hợp với đặc thù của ngành học).

- Đa dạng hóa các phương pháp dạy học, kết hợp giữa phương pháp lên lớp truyền thống "một thầy, một trò" với phương pháp dạy học hiện đại "dạy học hợp tác nhóm": Sự trao đổi giữa các thành viên trong nhóm sẽ tạo điều kiện cho các thông tin được xuất hiện nhiều lần, được nói ra, được giải thích, được tích hợp và được cung cấp hợp tác.

- Môn piano phổ thông nên đưa vào nội dung chương trình đào tạo ngành thanh nhạc từ bậc trung học lên đại học: có kỹ năng piano vững vàng sẽ giúp học viên có thể chủ động trong luyện tập, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào người hướng dẫn. Có kế hoạch tổ chức các chương trình Concert, Seminar, Concourt piano mang tính định kỳ dành cho những người chơi piano nghiệp dư.

- Xây dựng quy chế đào tạo mới, đa dạng và phù hợp với cơ chế hiện nay, đồng thời thống nhất trên phạm vi toàn quốc phương pháp sư phạm chung về đào tạo cũng như giáo trình sử dụng.

H

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...