Phỏng vấn nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc về hợp xướng “Đất nước”

13/04/2018

Đặng Hữu Phúc năm 17 tuổi

Xin anh cho biết bản Hợp xướng “Đất nước” đã được ra đời như thế nào?

Đặng Hữu Phúc: Bối cảnh ra đời bản hợp xướng “Đất nước” rất đặc biệt. Chiến tranh Việt nam (với sự dính líu của Mỹ) đã đi đến hồi kết đầy kịch tính. Mỹ muốn lật lại thế cờ bằng những trận ném bom B52 trong 12 ngày đêm khủng khiếp nhưng rồi đành chịu thất bại. Hiệp định Paris sau nhiều lần bị huỷ bỏ đã được kí kết chính thức ngày 27/1/1973. Xin trích mấy dòng Nhật ký của tôi khi đó: “Chủ nhật 28.1.1973. Từ sáng hôm nay, tất cả nước được hít thở bầu không khí hoà bình. Cờ đỏ rợp trời, chưa có ngày nào lại cảm động như hôm nay trong đời mình…”

Sau đó hơn một tháng, đêm ngày 20/3/1973 nghe buổi Tiếng thơ của đài tiếng nói VN nghệ sĩ Châu Loan ngâm bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi làm tôi vô cùng xúc động, cả đêm tôi không ngủ được vì nảy ra ý nghĩ sẽ phổ bài thơ này thành hợp xướng, trằn trọc chỉ mong trời sáng để đi tìm bài thơ. Sáng hôm sau, tôi đạp xe ra thư viện Quốc gia và tìm được bài thơ. Nhà tôi thì chật và đông người nên tôi tính buổi tối sẽ đạp xe vào trường nhạc (bây giờ là học viện âm nhạc QG) để sáng tác.

Bạn không thể tưởng tưởng nổi cảnh trường nhạc thời đó. Cạnh một dòng sông nước đen nên có thể gọi là “Thủ đô muỗi”, lúc đó lại không có điện nên tôi phải chuẩn bị một cái đèn bão. Thế đó, trong một cái phòng có đàn Piano rộng chừng 6m2, từ chập tối cho tới 12h đêm. Tôi - một cậu bé chưa tròn 20 tuổ i- trong 2 đêm liền, trong ánh sáng lờ mờ của đèn dầu, trong tiếng vo ve của muỗi như vãi trấu, đã hoàn thành toàn bộ đường nét giai điệu của bản hợp xướng “Đất nước”

Khi dựng lại bản hợp xướng sau mấy chục năm, anh có sửa chữa thay đổi gì nhiều không? Cái tâm thế cảm xúc của anh lúc này hẳn khác với cách đây 36 năm?

Đặng Hữu Phúc: Bản HXĐN được viết phần đệm bằng Piano từ năm 1973, Năm 2009 này. Tôi đã phối từ bản piano đó cho dàn nhạc giao hưởng lớn. Có thể nói mọi ý tưởng đã nằm trong bản piano từ năm 1973, Vì vậy chỉ thực hiện việc chuyển soạn từ bản piano ra dàn nhạc. Gần như không có sữa chữa thay đổi gì nhiều. Bây giờ nhìn lại, tôi vẫn không tưởng tượng được vì sao mình lại có thể viết được một bản nhạc phức tạp và đa dạng như thế khi chưa có nhiều kinh nghiệm sáng tác

Bản HX này đầy chất giao hưởng (Symphonique) vậy khi đó anh đã thường nghiên cứu những tác giả nào của thế giới ?

Đặng Hữu Phúc: Lúc đó tôi đã rất mê các tác giả hiện đại như Bartok, Stravinsky, Debussy, Ravel… và tất nhiên là cả nhạc phức điệu của Bach nữa. Trước khi viết bản HXĐN này, vào dịp Tết, tôi đã chuyển soạn bản Symphonie fantastique của H.Berlioz (một trong những bản giao hưởng cách tân vĩ đại nhất) từ tổng phổ dàn nhạc giao hưởng cho đàn piano độc tấu, sự chuyển soạn này chỉ với mục đích học tập. Có lẽ chính vì vậy tư duy của tôi lúc đó rất “giao hưởng”

Sự độc đáo khác biệt của tác phẩm này so với những bản hợp xướng của VN trước kia với nội dung về Tổ quốcnhư thế nào?

Đặng Hữu Phúc: Những năm 60 của thế kỷ trước. Môi trường âm nhạc ở miền Bắc khá là chuyên nghiệp. Mọi nhạc sĩ đều biết rằng phải viết những tác phẩm khí nhạc, hoặc hợp xướng, opera thì mới có giá trị chuyên môn chứ không phải như bây giờ, tất cả chỉ sáng tác ca khúc quần chúng rất ít giá trị nghệ thuật. Nhiều bản hợp xướng đã ra đời thời kỳ đó (như của Hồ Bắc, Tô Hải, Hoàng Vân…) bây giờ nhìn lại thì thấy những bản hợp xướng đó cũng có những vấn đề khó có thể tránh khỏi của thời kỳ đó, Nhất là phần lời ca còn mang nặng tính tuyên truyền chính trị mà bây giờ hát lên không còn phù hợp với thời đất nước phát triển nữa.

ĐẤT NƯỚC
Nguyễn Đình Thi

Sáng mát trong như sáng năm xưa 
Gió thổi mùa thu hương cốm mới 
Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội 
Những phố dài xao xác heo may 
Người ra đi đầu không ngoảnh lại 
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Mùa thu nay khác rồi 
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi 
Gió thổi rừng tre phấp phới 
Trời thu thay áo mới 
Trong biếc nói cười thiết tha.

Trời xanh đây là của chúng ta 
Núi rừng đây là của chúng ta 
Những cánh đồng thơm mát 
Những ngả đường bát ngát 
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta 
Nước những người chưa bao giờ khuất 
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất 
Những buổi ngày xưa vọng nói về

Ôi những cánh đồng quê chảy máu 
Dây thép gai đâm nát trời chiều 
Những đêm dài hành quân nung nấu 
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Từ những năm đau thương chiến đấu 
Ðã ngời lên nét mặt quê hương 
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu 
Ðã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt 
Bay còn giằng khỏi miệng ta 
Thằng giặc Tây thằng chúa đất 
Ðứa đè cổ đứa lột da

Xiềng xích chúng bay không khoá được 
Trời đầy chim và đất đầy hoa 
Súng đạn chúng bay không bắn được 
Lòng dân ta yêu nước, thương nhà.

Khói nhà máy cuộn trong sương núi 
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng 
Ôm đất nước những người áo vải 
Ðã đứng lên thành những anh hùng.

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội 
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh 
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới 
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Súng nổ rung trời giận dữ 
Người lên như nước vỡ bờ 
Nước Việt Nam từ máu lửa 
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

Xin bổ xung thêm tư liệu: *Bản hợp xướng "Đất nước" đã được dựng lần đầu tiên để thi học kỳ hai trung cấp sáng tác năm thứ 2, tháng 8/1973, do các nghệ sĩ Ái Vân - Măng Thị Hội (Soprano), Tuyết Nhung - Từ Hậu (alto), Bằng Phác (terno) và Trần Tiến (bass), tác giả chơi phần piano. *Trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (30/10/1976) do dàn hợp xướng học sinh, sinh viên của trường thể hiện. Phần đệm piano 4 tay do chính tác giả và Nguyễn Quang Huy biểu diễn. Đăng bởi Đặng Hữu Phúc on 01/07/2013 - 11:01

(Tác phẩm) Đất nước - (Đặng Hữu Phúc) - Mạnh Dũng - Vành Khuyên - Hợp Xướng Nhà Hát Nhạc Vũ Kịch VN - Hợp xướng Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư.

Nghe tác phẩm tại đường link sau:

http://baicadicungnamthang.net/tu-lieu/phong-van-nhac-si-dang-huu-phuc-v...

Tác giả: Hội Nhạc sĩ Việt nam.

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.