Phong cách độc đáo trong Romance của Rachmaninov

05/03/2015

Rachmaninov sinh ngày 1-4-1873 trong một gia đình quý tộc lâu đời ở vùng Semyonovo nước Nga. Ông là nhạc sĩ, nghệ sĩ độc tấu đàn piano, đồng thời là nhà chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng. Ông đã viết nên trang sử chói sáng cho nền văn hóa âm nhạc thế giới. Di sản nghệ thuật ông để lại cho nhân loại gồm nhiều thể loaị: 5 bản hòa tấu (concerto) cho đàn piano và dàn nhạc, 3 bản giao hưởng, những opera, đại hợp xướng (cantata), nhiều sáng tác cho đàn piano và những romance. Trong hầu hết tác phẩm đó đều mang những nét ấn tượng sáng tạo cá nhân độc đáo có một không hai, đó là sự sắc bén của những xung đột cuộc sống, cảm xúc nồng nhiệt, tính trữ tình tha thiết chân thành.

Cá tính nghệ thuật sáng chói của Rachmaninov đã được bộc lộ ngay từ những năm đầu học tại nhạc viện Moscow. Nhưng sự phát triển, nở hoa thực sự trong sáng tạo phải kể từ những năm đầu TK XX, khi ông sáng tác những tác phẩm bất hủ như bản Concerto số 2 (1901), tác phẩm này đã được nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn biểu diễn rất thành công trong chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Một lĩnh vực độc đáo trong di sản của nhạc sĩ để lại cho hậu thế, đó là Tuyển tập những tác phẩm romance xuất sắc của Rahcmaninov. Trong tuyển tập này, dễ nhận thấy những cung bậc tình cảm rất đa dạng, nhưng một trong những mặt quan trọng của thiên tài sáng tạo, đó là những trang cảm hứng hồn nhiên bình dị gắn liền với chất trữ tình.

Bản romance đầu tiên có tiêu đề Bên hàng rào tu viện thiêng liêng lời thơ của M. Lermontov, viết xong ngày 29-4-1890 khi ông 17 tuổi, lời thơ kể rằng:

Anh đứng mãi bên hàng rào tu viện
Chìa bàn tay chờ một mẩu bánh thừa
Tôi bỗng thấy trong tay anh vẻn vẹn
Hòn đá dối lừa lạnh ngắt ai cho

Bản romance cuối cùng Giấc mộng lời thơ của F. Sologuba viết xong ngày 2-11-1916:

Tôi có một miền quê ruột thịt
Rừng thông xanh đưa võng trên đầu
Ở nơi đó bao người thân thiết
Giờ chỉ là giấc mộng qua mau.

Một chuỗi dài 83 bản romance, đó là một khoảng thời gian khá dài mà Rachmaninov đã dành cho hoạt động sáng tác của mình, bắt đầu từ những bày tỏ của tuổi trẻ và kết thúc bằng những sáng tạo độc đáo của thời kỳ trưởng thành.

Rachmaninov thuộc tầng lớp trí thức Nga, nhưng ông không thể chịu nổi điều kiện sống nặng nề cũng như bầu không khí ngột ngạt của xã hội Sa hoàng nước Nga những năm cuối TK XIX đầu TK XX. Một xã hội đau thương đến cực độ, mặc dù trong đó đang tiềm ẩn những sức mạnh to lớn, nhưng vẫn chưa tìm được cho mình một con đường giải phóng thực sự. Vì vậy, sáng tác của Rachmaninov cũng là những thể nghiệm ở chính trong những mâu thuẫn sâu sắc của thời đại. Sẽ là sai lầm nếu chúng ta cố đi tìm trong ca khúc nghệ thuật của Rachmaninov phản ánh trực tiếp những xung đột của xã hội và những sự kiện cách mạng cụ thể.

Rachmaninov cũng như nhiều nghệ sĩ của thời đại "đã vượt qua lịch sử nước Nga”, không phải trong tình trạng không thể giác ngộ được bản chất thực sự xảy ra trong nước. Nhưng là một nghệ sĩ lớn, với sự tinh tế, nhạy cảm trước những mâu thuẫn của cuộc sống và tất nhiên ông không thể không phản ánh mọi mặt xảy ra của thời đại trong sáng tác của mình.

Trong những romance của Rachmaninov với một sức mạnh to lớn thể hiện sự không hài lòng về nề nếp của cuộc sống, về tâm trạng đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm của ông. Sự công phẫn mãnh liệt, sự tích cực phản đối, tất cả tâm trạng đó được ánh xạ trong nhiều tác phẩm qua những nét nhạc đau đớn, bi thương, lãng mạn. Tính kịch sâu sắc trong những sáng tác của Rachmaninov đôi khi đạt được sức mạnh khác thường của sự biểu hiện. Điều dễ nhận thấy cùng với sự không hài lòng và ý chí lớn lao đối với cuộc sống, với hoài bão không thể ghìm nén, nên nhiều trang viết của Rachmaninov biểu hiện sự tin tưởng vào sức mạnh tinh thần và phẩm chất trong vẻ đẹp của con người, vào khả năng tiêu diệt chế độ Sa Hoàng với thế giới của những điều ác độc.

Tuy nhiên, Rachmaninov chưa khắc phục được sự bối rối trong tâm hồn, bởi nhận thức của ông nhiều khi đã rơi vào sự tuyệt vọng đến vô hạn. Sự chuyển biến trong tác phẩm của ông không khó để người ta nhận thấy rằng, càng đấu tranh mạnh mẽ phản kháng cuộc sống xã hội, ông càng gặp ở nơi mình ý nghĩ về những khát vọng không bao giờ đạt được của con người trong quá trình vươn tới sự tồn tại một xã hội hài hòa.

Cấu trúc giai điệu trong những romance của Rachmaninov rất rộng, điều đó đã mở ra một thế giới vô cùng phong phú của người nghệ sĩ với sự tinh tế, nhân đạo, trải qua một cuộc đời bằng cảm xúc chân thành và tình yêu chân thực đối với con người, những lo lắng thường xuyên về số phận của họ. Rachmaninov thường xuyên tìm kiếm những phương thức cần thiết cho sự biểu hiện âm nhạc, trong đó ông thấy được sự gắn bó mật thiết giữa các nhạc sĩ với truyền thống quý giá nhất của âm nhạc cổ điển Nga thông qua tác phẩm của nhạc sĩ: Glinka, Dargomysky, Tchaikovsky, Mussorgsky, Borodin. Trong một cuộc phỏng vấn trên báo New Youk The Etude năm 1919, Rachmaninov đã trình bày quan điểm về sáng tác của ông như sau: "Người nhạc sĩ trước hết phải luôn luôn chú ý tới giai điệu, như là sự dẫn dắt đầu tiên trong âm nhạc. Giai điệu là âm nhạc, là điều cơ bản của toàn bộ âm nhạc, bởi vì giai điệu hoàn thiện đương nhiên thách thức tất yếu bố cục của hòa âm. Sự sáng tạo giai điệu trong ý nghĩa cao cả của từ này là mục tiêu chính của nhạc sĩ”.

Trong thực tế sáng tác của Rachmaninov, ở mỗi tác phẩm, chúng ta tìm thấy sự thể hiện đầy đủ của những quan điểm trên. Trong các romance xuất sắc của ông, giai điệu sáng sủa, đẹp đẽ, đơn giản lạ thường, thể hiện một cách biểu cảm, luôn luôn tự nhiên và vô cùng thơ mộng. Thông qua những tác phẩm, có thể thấy nhạc sĩ đã nắm giữ một bí mật trong phương thức sáng tạo. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa kết cấu giai điệu êm ái, tuôn trào với tâm lý nhạy cảm, tinh tế được dồn nén trong chất liệu âm nhạc mà ông đã chọn. Trong các tác phẩm, hòa thanh cũng luôn được Rachmaninov chú ý tới. Bởi vậy hòa thanh của ông luôn mang tính biểu cảm tối đa và là yếu tố quan trọng của hình tượng âm nhạc trong tác phẩm của ông. Chính những điều nói trên mà Rachmaninov đã ghi được dấu ấn trong sự cách tân chân chính và mang phong cách cá nhân độc đáo của mình.

Trên một phương diện khác, khi nhìn vào bè piano trong các tác phẩm romance của Rachmaninov thì thấy nó có một ý nghĩa thật lớn lao. Bởi thông qua bè piano, không những tạo điều kiện thuận lợi cho ca sĩ diễn xuất, mà nó còn làm cho hình tượng âm nhạc trong tác phẩm càng trở nên sóng sánh, lung linh và có tính thống nhất, hoàn chỉnh hơn. Nhiều bản romance phần bè piano mang tính chất như một tác phẩm hòa tấu thính phòng, phần bè hát và phần piano cùng thực hiện những chức năng quan trong như nhau. Thực ra, đề cao vai trò của phần bè piano ở romance đã xuất hiện trong các tác phẩm thanh nhạc của nhiều nhạc sĩ TK XIX. Nhưng, romance thực sự trở thành thể loại phức tạp hơn - song tấu thanh nhạc khí nhạc - tạo điệu kiện biểu hiện tâm lý sâu sắc của nội dung thì điều này chỉ thể hiện đầy đủ trong các tác phẩm của Rachmaninov.

Khi sáng tác, Rachmaninov luôn quan tâm tới thơ ca thuộc những thời đại, phong cách nào khác nhau. Ông cũng không chỉ chú trọng tới những nhà thơ vĩ đại như Puskin, Lermontov, Giukovsky, Tolstoi, Goethe, Haine.. mà còn quan tâm tới một số tác giả ít tên tuổi như Ratgauz, Ianov, Davidov... Điểm cốt yếu của Rachmaninov là tìm được sự đồng cảm cho những tác phẩm của mình.

Trong nhiều bản romance nổi tiếng của Rachmaninov, thì Hoa tử đinh hương (lời thơ E. K. Beletov) là tác phẩm xuyên xuất hiện trong các buổi hòa nhạc và cả trong giáo trình thanh nhạc bậc đại học, cao học của các nhạc viện, học viện ở nước ta:

Cứ mỗi buổi bình minh
Trên cỏ xanh sương đêm còn đọng
Tôi đi thở không khí trong lành
Trong bóng mát hương thơ ngào ngạt
Tôi tìm hạnh phúc của mình
Hạnh phúc nghèo nàn nở hoa trong khóm tử đinh hương

Trong phần đầu của bản romance, phần bè piano vang lên chủ đề tử đinh hương. Chủ đề luân phiên nhau vang lên như tiếng lá xào xạc (trong giới hạn quãng năm, giọng la giáng trưởng, âm hình ba phách). Chủ đề nhắc lại cùng một hình ảnh như sự phong phú bất tận của hoa Tử đinh hương. Đó là chùm hàng ngàn đóa hoa thơm, tựa hình chiếc cốc nhỏ xinh, hẹp ở phía dưới, mở rộng ở phía trên. Trong những khóm hoa đôi khi gặp những bông hoa năm cánh - dân gian gọi là bông hoa hạnh phúc. Đi tìm hạnh phúc đó là sự tìm kiếm bất tận những bông hoa tử đinh hương năm cánh.

Trong bản romance này, nhân vật ước mơ về hạnh phúc. Tìm trong hoa tử đinh hương năm cánh là anh ta tìm hạnh phúc trong cuộc đời. Ngay trong cụm từ mỗi buổi sáng trong lành tác giả bản romance đã ghi chỉ dẫn hơi chậm lại (un poco ten) vẽ lên sự linh cảm hạnh phúc tương lai của mình. Những âm điệu nối tiếp của nhân vật khẳng định "trong hạnh phúc duy nhất tôi quyết tìm kiếm” anh ta biết tìm hạnh phúc ở đâu. Trong những từ “và chính hạnh phúc tồn tại nơi hoa Tử đinh hương” giọng hát của ca sĩ (theo chỉ dẫn của tác giả) ngọt ngào lặng đi trong từ “tồn tại trong hoa Tử đinh hương”. Sự linh cảm tìm thấy “trên những cành lá xanh, trong những chùm hoa thơm, hạnh phúc nghèo nàn của tôi nở hoa”.

Giai điệu vút cao, và từ của tôi mô tả tâm hồn ngất ngây của nhân vật trong hạnh phúc đã tìm thấy, dù rằng hạnh phúc là nghèo nàn, nhưng lại vẫn to lớn. Đó là hạnh phúc riêng tư sâu sắc của nhân vật đạt được trong kết quả của sự tìm kiếm lâu dài. Âm nhạc của bản romance khô cạn đi với âm hình quãng ba nhắc đi, nhắc lại trong giọng la giáng trưởng (As-Dur).

Lời bài thơ Người đẹp ơi!Nàng đừng hát nữa của A.S.Puskin:

Người đẹp ơi nàng đừng hát nữa
Những bài Grudia buồn bã xót xa
Khiến lòng tôi lại càng tưởng nhớ lại
Cuộc đời xưa và một bến bờ xa...

(Hoàng Trung Thông dịch)

đã được hai nhạc sĩ Nga là M. I.Glinka và S. Rachmaninov cùng chọn phổ nhạc, nhưng hai bản romance hoàn toàn khác biệt nhau. Ở bản romance của Glinka thì giản đơn, ngắn gọn, còn bản romance của Rachmaninov ngược lại, rất đa dạng, đó là một tác phẩm đầy thử thách với nhiều ca sĩ. Trong phần prelude và phần hát mở đầu của romance, âm nhạc vang lên theo phong cách phương Đông với tiết tấu, niêm luật nghiêm ngặt, nghe như những tiếng trống đều đặn, xen vào đó là những điểm nhấn tương phản củng cố thêm sự dữ dội của phần hát. Bài hát người phụ nữ mà Puskin yêu mến hát cho ông nghe, khi giáp mặt nàng Puskin quên đi những đau thương đã qua: “Tôi đã như bị ảo ảnh, bất hạnh , khi gặp em, tôi đã quên đi, nhưng khi em hát - trước mặt tôi bao bóng dáng lại hiện về”. Trong phần âm nhạc chậm (meno mosso) như những tiếng thở dài sâu của nhân vật luyến tiếc về quá khứ, phản ứng lại nỗi đau hồi tưởng lại.

Tiếp theo một tiếng thở dài xin lỗi, cố gắng giải thích nguyên nhân sự không tự chủ được của mình:

Ôi khúc ca tàn bạo của nàng
Làm cho tôi càng thêm nhớ lại
Chốn thảo nguyên, đêm tối - dưới trăng
Hình bóng người trinh nữ xa xăm, đầy thương hại

Âm nhạc nhỏ đi, và bắt đầu chậm lại (meno mosso). Nhà thơ thở dài, giải thoát tâm hồn anh khỏi sự nặng nề của hồi tưởng. Lại vang lên hợp âm rải, nhưng giờ đây, không phải là mệnh lệnh cứng rắn, mà là yêu cầu mềm dịu xin đừng hát nữa. Tiếp sau là lời của nhà thơ vang lên nhẹ nhàng rất nhỏ, trên âm khu cao của giọng hát (pp): "Khiến lòng tôi càng tưởng nhớ lại, cuộc đời xưa và một bến bờ xa”. Âm nhạc rất nhỏ (ppp). Trong tâm hồn nhà thơ còn lưu lại hồi ức xưa, nhưng không còn làm anh bị thương tổn. Chỉ còn sự buồn bã và đã mất đi sự cứng rắn.

Bản romance Nước mùa xuân (lời thơ: F. I.Chutstrev), thực ra gọi một cách đúng hơn là Mùa xuân đến. Nước mùa xuân là sự trình bày và báo hiệu trước rằng mùa xuân xắp đến. Từ trên đỉnh núi dòng nước bị bẻ gẫy thành những thác nước lao nhanh xuống. Tiết tấu âm nhạc nhanh (Allegro vivace) giọng mi giáng trưởng (Es-Dur).

Trên cánh đồng vẫn còn trắng tuyết
Mà nước mùa xuân đã ồn ào
Mùa xuân đến, gọi lòng tha thiết
Để má em hồng trong nắng xôn xao

Những dòng âm nhạc mãnh liệt còn chưa kịp thức tỉnh thiên nhiên. Nó báo trước mùa xuân sắp đến gần. Và mùa xuân xuất hiện. Thay đổi tiết tấu âm nhạc aleegro vivace dịu đi hơi chậm lại (andante). Thay đổi cả cấu trúc âm nhạc, tất cả như bỗng yên tĩnh lại khi mùa xuân xuất hiện...

Bắt đầu giây phút trọng đại. Mùa xuân đến trước con mắt chờ đợi của mọi người. Giây phút yên tĩnh đầu tiên dần tan biến mất. Những chuyển động nhẹ nhàng trở nên rộn ràng theo điệu múa vòng của mùa xuân. Tiết tấu âm nhạc nhanh dần lên, nhập vào âm điệu ban đầu của bản romance.

Tác phẩm Đẹp thay chốn này (lời thơ: Calina) là một bức tranh thiên nhiên rộng mở, yên tĩnh như giấc mơ:

Bập bùng ngọn lửa bờ sông vắng
Ôi thật đẹp thay ở chốn này
Thung lũng nằm dài nhìn mây trắng
Thông già ru giấc mộng ta say

Mở đầu một giai điệu vút cao đẹp thay chốn này như tiếng chim sơn ca đồng nội trong buổi sáng trong lành. Câu kết là sự khẳng định nỗi nhớ nhung sâu thẳm về miền quê luôn mơ ước được trở về. Bài romance ngắn ngủi nhưng mang lại một ấn tượng thật ngọt ngào...

Nguồn: Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012

 

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.