“Phê” và “bình” âm nhạc trên báo chí: Còn hay mất? - Phần 2

30/06/2016

Âm nhạc hiện là loại hình nghệ thuật chiếm vị trí thượng phong trong showbiz Việt. Những bài viết về mảng âm nhạc nhờ vậy cũng chiếm ‘thị phần” áp đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, những bài viết chất lượng, xứng đáng là những bài phê bình âm nhạc, đủ thấu đáo và tin cậy trong việc thẩm định các tác phẩm và định hướng dư luận lại rất ít ỏi. Nguyên do vì đâu: Vì thiếu nhà phê bình cá tính? Vì các nhà phê bình né tránh?Vì nghề phê bình ở Việt Nam khó tồn tại…

Phần 1 là cuộc trò chuyện với Nhạc sĩ- nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long và nhà báo Chu Minh Vũ. Phần 2 chúng tôi xin đưa 2 ý kiến sắc sảo, khá toàn diện về thực trạng phê bình âm nhạc trên báo chí của 2 nhà báo chuyên theo dõi âm nhạc: Nhà báo Bùi Dũng (Báo Tuổi trẻ) và nhà báo Cẩm Thơ (Vietnam Plus)

Nhà báo Bùi Dũng (Báo Tuổi trẻ): “Phê bình bảy nổi ba chìm”

Cuộc sống thay đổi thì báo chí, âm nhạc và phê bình thay đổi là chuyện đương nhiên. Liệu có thiếu công bằng nếu cứ đòi hỏi phê bình âm nhạc trên báo chí hiện nay phải giống và lặp lại những gì mà khán giả, độc giả của những năm trước đã nghe, đã đọc? Nói như vậy không có nghĩa là nhạc thời nay không cần đến phê bình, nhất là từ những cây bút vững nghề báo, am hiểu âm nhạc. Tuy nhiên, khán giả mới, không gian thưởng thức âm nhạc mới nên đã nảy sinh cách “phê” và kiểu “bình” mới.

Chúng ta cũng đã thấy từ báo giấy nay có báo mạng và không gian của truyền thông số đang khuynh đảo đời sống. Âm nhạc ngày nay gắn liền với những hình thức truyền tải này. Người nghe nhạc không còn ở thế thụ động, người tạo ra sản phẩm âm nhạc cũng không nhất thiết học ở trường lớp hay theo đuổi con đường sáng tác, ca hát, trình diễn chuyên nghiệp. Báo chí và truyền thông đa phương tiện, với khả năng tương tác và có độ mở cao, cho phép một khán giả, độc giả bình thường, đến từ bất cứ đâu cũng có thể đưa ra ý kiến bình luận về thứ âm nhạc họ nghe.

Tôi thấy, nhiều độc giả có bài “phê bình” viết lặng lẽ trên trang cá nhân của họ hay hơn, sâu hơn, sáng sủa hơn nhiều so với bài các nhà báo viết, đăng trên báo chính thống. Tất nhiên, người viết có thể không tự gọi mình hay người khác gọi họ là “nhà phê bình âm nhạc” bởi tính tự do, tuỳ hứng ở công việc đó. Nhưng điều này cho thấy, đâu phải ta đang thiếu “phê”, vắng “bình”? Một bài hát, bản nhạc khi đưa đến công chúng, vẫn đối diện với sự “phê bình” từ khắp các ngả đường.

Lạc quan hơn, dù có hơi tếu, là với hình thái “phê bình” kiểu “đại chúng hoá” đang áp đảo kiểu “phê bình” chính thống, thì ngày ngày, hễ mở TV, tôi vẫn thấy xuất hiện yếu tố “phê bình” từ việc nở rộ các kênh truyền hình, các cuộc thi hát, các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đấy chứ. Trước và sau mỗi chương trình âm nhạc, đội ngũ BGK, huấn luyện viên từ nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, nhà báo đến các “anh hùng bàn phím” vẫn tới tấp đưa ra các đánh giá, khen chê tới từng bản nhạc, phần trình diễn, thậm chí uốn nắn tới cả nhịp phách, bản phối đấy chứ. Đến những bài hát đi cùng năm tháng, ví dụ ở chương trình Giai điệu tự hào, nay vẫn được “phê bình”, nhận xét đến từng chân tơ kẽ tóc cơ mà?

Đâu xa xôi gì, mới đây, chuyện Mỹ Linh hát quốc ca trong buổi đón tiếp Tổng thống Obama đã được đem ra môt xẻ hàng tuần. Người chê, kẻ khen, không ít người góp ý cho Diva nhạc Việt nên thể hiện bài Quốc ca sao cho hay, cho đẹp, trong đó có rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, nhà báo có “tham luận” dài như sớ Táo Quân trên trang mạng cá nhân, trên báo. Thậm chí, “không khí phê bình” nóng rực, phe nào cũng hừng hực, đến mức có người phải chột dạ, liệu ngày xưa các cụ nhà mình tranh luận mãi về “nghệ thuật vị nghệ thuật”, hay “nghệ thuật vị nhân sinh” liệu có sôi nổi bằng?

Dẫn giải ở trên là bảy phần nổi của câu chuyện phê bình âm nhạc trên báo chí. Vậy còn ba phần chìm? Với tôi, đó là sự chuyên nghiệp và chuẩn mực trong phê bình báo chí. Tôi không sa vào giải thích điều này là thế nào; thay vào đó, nói đến sự trái ngược, ấy là kiểu “phê bình” thiếu căn cứ, không có nền tảng âm nhạc vẫn múa bút, sự hởi hợt đến ngay từ nhận xét, tường thuật hơn chứ chưa được gọi là ăn tiền, thông cáo báo chí và các mối quan hệ lợi ích lũng đoạn mặt báo, viết bài kiểu “ngậm tiền nhả chữ”…

Vâng, hy vọng đó chỉ là “phần nổi” của thực trạng phê bình âm nhạc trên báo chí hiện nay! Là một khán giả, tôi mong sao, bên cạnh những hình thức thể hiện, những cách phê bình mới lạ, phù hợp với sự thay đổi của truyền thông và phương thức tiếp cận, tôi vẫn được đọc những bài phê bình âm nhạc giúp tôi bù đắp kiến thức, bồi đắp thẩm mỹ, nâng cao năng lực cảm thụ… Có vậy thì mới không có cảnh “phê” đã thiếu, “bình” lại càng vắng trên báo chí, giống như âm nhạc đang ngập ngụa sản phẩm mà hiếm hoi tác phẩm.

Nhà báo Cẩm Thơ (Báo điện tử VietnamPlus): Copywriter đang thế chỗ giới phê bình trên báo chí

Phê bình trên báo chí, đặc biệt về văn hoá nghệ thuật hiện nay hầu như không còn tồn tại. Sự vắng bóng (hoặc im tiếng) của những nhà báo giỏi nghề, có văn hóa, được đào tạo về phê bình và sự lên ngôi của báo mạng, ngày càng mải mê chạy theo những đề tài giải trí “sốc – sex – sến” để câu view khiến đặc quyền phê bình trên báo chí hiện nay đang dần bị chuyển giao vào tay các “ông trùm” truyền thông, mặc sức thao túng và sử dụng báo chí thành cỗ máy “copywriter” để “lăng xê.”

Ngoài kiến thức và được đào tạo chuyên ngành phê bình, thì lực lượng được gọi là phê bình đúng nghĩa là bởi vì họ là những người rất dũng cảm, có trách nhiệm và sứ mệnh, dám lên tiếng, dám đương đầu khi đưa ra những nhận định trên góc nhìn khách quan riêng biệt… Lực lượng phê bình trên báo chí hiện nay, nếu có, thì đó là sự tồn tại rất ít những nhà báo cứng cựa, có cá tính và theo dõi lâu năm. Đại đa số nhà báo theo dõi văn hóa còn lại, hoàn toàn hổng kiến thức căn bản về các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, điện ảnh, hội họa…

Nguyên do chính bởi lực lượng phóng viên theo dõi văn hoá văn nghệ hoạt động một cách chính thống hiện nay của chúng ta hầu như không có ai được đào tạo về chuyên môn phê bình. Thành ra, mọi nhận định về văn hóa nghệ thuật trên báo chí hiện nay mới dừng lại ở sự hiểu biết hoặc cảm tính cá nhân của những nhà báo viết về văn hoá. Thực tế đó khiến chất lượng những bài viết cũng mới dừng lại mức khen/ chê, trong đó, khen là chủ yếu.

Mặt khác, sự phát triển áp đảo của báo mạng với mục đích “câu view” đã “đẻ” ra lực lượng “đông như quân Nguyên” những phóng viên và BBV văn hóa làm nghề thiếu nhiệt huyết và có ý thức trau dồi, tiệm cận chuyên môn, nghe-xem-đọc để thu nạp kiến thức. Hầu hết nội dung họ làm ra chủ yếu là theo dõi, đưa tin sự kiện, phản ảnh về phần “vỏ” của hiện tượng. Thậm chí, sự dễ dãi của báo mạng, làm xuất hiện ngày càng nhiều những nhà báo viết văn hóa giống như cỗ máy copywriter chuyên nghiệp “ngồi máy lạnh” sản xuất những sản phẩm “copy and pase” na ná nhau theo TCBC với định hướng của ca/nhạc sỹ, những người làm truyền thông.

Thiếu kiến thức, thiếu tự trọng, thiếu lòng nhiệt huyết say sưa, thiếu cả định hướng, họ, những nhà báo văn hóa đang nhanh chóng bị cuốn vào cơn lốc của truyền thông, thời “ăn xổi” của báo mạng chú trọng “câu view” bởi “sốc”, “sex”, “sến”… Sự hời hợt, trớt quớt và thực dụng của những nhà báo văn hóa cũng như sự dễ dãi của báo mạng đang dần hình thành lối tư duy phê bình mang tính chất “tô hồng” cho giới văn nghệ, mà trong nghề chúng tôi hay gọi là “tung mì chính.”

Cá nhân tôi cho rằng, chính thực trạng này đã tác động, làm “hư” lực lượng sáng tạo. Thiếu vắng lực lượng phê bình trên báo chí, nghệ sỹ nói chung và ca/nhạc sỹ nói riêng nhanh chóng bằng lòng, chạy theo giá trị thương mại, những tung hô được coi là “lềnh phềnh” trên mặt báo. Ngày càng nhiều các sản phẩm nghệ thuật được làm chóng vánh, cẩu thả, thậm chí sao chép ý tưởng của nhau khiến diện mạo văn hoá văn nghệ ngày một nhạt nhoà, kém khởi sắc. Thời đặc quyền phê bình trên báo chí dần bị chuyển giao vào tay những “ông trùm” truyền thông, mặc sức thao túng, sử dụng báo chí như cỗ máy “copywriter” lăng xê nghệ sỹ quá đà, không màng đến đúng sai, thực hay ảo.

Thiếu những ý kiến phê bình đúng nghĩa, đời sống văn hoá văn nghệ cũng mất tính cạnh tranh giữa các chủ thể sáng tạo với nhau cũng như sự đối thoại giữa cung/ cầu trong lĩnh vực thưởng thức để thúc đẩy sự phát triển. Đi vào chi tiết, hậu trường nghề nghiệp một chút, dễ nhận ra, khi có một sự kiện về văn hoá, ngay lập tức trên mặt báo xuất hiện những tin, bài giống nhau về nội dung và hình thức. Nếu một hiện tượng nào gây lùm xùm, thay vì phê bình khách quan trên góc độ chuyên môn và góc nhìn cá nhân, báo chí lại nhảy vào theo kiểu “gió chiều nào theo chiều ấy” với mục đích câu view… Tình trạng đó kéo theo hiện tượng nhiễu loạn thông tin, càng ngày độc giả càng thiếu một kênh phê bình chính xác trên báo chí để tin tưởng và định hướng đúng đắn. Báo chí từ quyền lực thứ 4, phản ánh sự thật có sức tác động định hướng đến xã hội ngày càng trở thành công cụ của những nhóm lợi ích.

Có lẽ, đến lúc này, chính các nhà báo nên thấy mình cũng đang bị showbiz hoá…/.

(Nguồn: http://congluan.vn)

 

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...