Phê bình tự phê bình

03/07/2015

Con người ta tự cho mình quyền chê bai người khác và thích phán xét người khác hơn là tự chê mình. Phê bình người khác xem chừng dễ hơn tự phê. Tôi rất ngưỡng mộ những người luôn tự phê, tự trào, bởi phải biết rõ điểm yếu của mình và phải rất tự tin mới làm được thế, và nhờ thế mà họ dường như trở nên lớn mạnh hơn.

Với tinh thần tự phê để được lớn mạnh hơn và sớm vượt lên khỏi những yếu kém của mình, những người làm nghề phê bình chúng tôi chẳng ngại gì mà không tự thú: phê bình âm nhạc vẫn mang tiếng yếu kém từ xưa và cho tới nay yếu kém vẫn hoàn yếu kém. Chúng tôi chẳng sợ gì mà không dám “soi” những cái dở của mình, chẳng ngại gì mà không nhắc lại những nguyên do “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” trong không ít hội nghị hội thảo chuyên ngành. Với danh nghĩa trưởng ban Lí luận Hội Nhạc sĩ, tôi xin thay mặt những người làm lí luận phê bình âm nhạc có vài lời tự phê như sau: chúng tôi yếu bởi nhiều cái thiếu, ở đây chỉ xin điểm qua vài cái thiếu nghiêm trọng.

Thiếu đào tạo phê bình:

Cho đến nay trong đào tạo chính quy vẫn không có mã ngành phê bình âm nhạc. Sinh viên lí luận tốt nghiệp học viện và nhạc viện chủ yếu vẫn chọn nghề nghiên cứu và dạy học. Bộ môn phê bình Học viện Âm nhạc quốc gia mới hình thành chỉ trong vài năm gần đây, còn quá sớm để nói đến vai trò đảm trách cho ra lò những tay nghề chuyên ngành phê bình được trang bị đầy đủ kĩ năng cần thiết. Sách vở giáo trình về phê bình âm nhạc để tham khảo cho sinh viên hoặc những người tự học cũng quá thiếu.

Thiếu chất lượng phê bình: cả về học thuật cũng như nghệ thuật.

Tính hình thức đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng bài viết cũng như công trình dài hơi. Bài đăng báo cốt để tính điểm, thường được cắt dán chắp vá các tư liệu khác nhau, thậm chí nhờ người khác viết hộ. Tạp chí Nghiên cứu âm nhạc (Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia) luôn phải gánh những bài tính điểm như thế, ban biên tập chúng tôi đành tìm một giải pháp tình thế là mở thêm mục độc giả viết dành riêng cho những bài bị ép buộc đăng tải cho các thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư tương lai.

Giữa bài viết chuyên ngành âm nhạc với đời sống xã hội luôn có khoảng cách xem chừng khó vượt qua. Nói thẳng ra là cách viết của dân lí luận chuyên nghiệp không hấp dẫn người đọc, chủ đề mà chúng tôi bàn luận ít gắn với hiện trạng đời sống âm nhạc. Tính học thuật vốn khó phổ cập, nay ngày càng khó tiếp cận với công chúng, nhất là công chúng trẻ gần như chỉ biết đến nhạc giải trí.

Thiếu môi trường phê bình: cả diễn đàn cũng như không khí phê bình.

Thiếu diễn đàn phê bình:

Chúng tôi hoàn toàn không có một tờ báo chuyên ngành phê bình nào cả. Báo chí chỉ chú trọng đưa tin sự kiện sắp diễn ra, không cần những bài phê bình sau chương trình nghệ thuật. Có viết bài phê bình cũng chẳng nơi nào nhận đăng, hoặc chỉ đăng ở báo chuyên ngành âm nhạc ít người đọc.

Thiếu không khí phê bình:

Không khí phê bình được tạo bởi tinh thần phê bình và văn hóa ứng xử trước sự phê bình - dường như cả hai đều rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu, gây bất lợi cho sự phát triển của ngành phê bình.

Giới bình luận âm nhạc đa phần là những cây bút không chuyên ngành âm nhạc, chẳng lạ gì nếu trên mặt báo hiện nay đầy những bài về âm nhạc mà lại chỉ khai thác những chi tiết “ngoài âm nhạc”. Đáng buồn hơn là người viết thiếu tôn trọng đối tượng được phỏng vấn, sẵn lòng dùng “thủ đoạn” như đưa câu hỏi bẫy để lừa đối tượng vào tròng, truyền đạt câu chuyện với tinh thần bóp méo cốt gây tò mò.

Trong tình trạng “bình loạn” như vậy, các nhà lí luận chuyên nghiệp chúng tôi càng cố né tránh “cho nó lành!”. Thôi thì cứ tránh đụng chạm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, nhất là đối với đối tượng đương chức. Những cây bút quả cảm hiếm hoi ít được ủng hộ. Số mới nhất tạp chí Nghiên cứu của chúng tôi vào phút chót được chỉ thị gỡ bài viết về đạo văn trong âm nhạc, chờ đối tượng bị phê phán về hưu rồi mới tính tiếp.

Thiếu hợp tác tương tác:

Có lẽ quen với điều kiện làm việc âm thầm, lặng lẽ nên hầu hết dân lí luận chúng tôi ngại xuất đầu lộ diện. Tinh thần tự thân cố gắng ở mỗi người dù cao đến đâu cũng khó đạt được hiệu quả mong muốn nếu thiếu sự hợp lực. Hợp lực trong giới lí luận phê bình chuyên ngành âm nhạc với nhau chưa đủ mạnh, hợp tác giữa ngành lí luận âm nhạc với báo giới lại càng lỏng lẻo. Chúng tôi sẵn lòng đùn đẩy hết vai trò bình luận âm nhạc trên báo chí (báo giấy - báo hình - báo tiếng) cho các cây bút không chuyên và đôi khi còn tự an ủi một cách cao ngạo rằng “giết gà đâu cần đến dao mổ bò”.

Câu lạc bộ Âm nhạc và báo chí của Hội Nhạc sĩ chủ yếu là cổng thông tin một chiều để nhà báo khai thác thôi, chứ chưa thực sự là cầu nối qua lại hỗ trợ cho nhau nhạc giữa hai đội ngũ cùng cầm bút viết về âm nhạc là dân lí luận và báo giới.

Thiếu hiệu quả xã hội:

Tất cả những cái thiếu trên dẫn đến hậu quả thiếu tính xã hội trong hoạt động lí luận phê bình.

Vì cầu toàn cầu an nên nhiều nhà lí luận ngại dây với phê bình, an toàn hơn vẫn là nghiên cứu những đề tài vĩ mô hoặc chuyên sâu về học thuật dành cho đối tượng hẹp. Thành thử chúng tôi cam chịu mang tiếng áo gấm đi đêm với những bộ sách đồ sộ chẳng mấy người biết đến.

Thực ra chưa bao giờ ngành phê bình làm được nhiều việc như những năm đầu thế kỉ XXI, cụ thể là nhiều công trình lí luận phê bình ra đời, nhiều người được đào tạo có bằng cấp chính quy, nhiều cây bút hành nghề lý luận phê bình hơn hẳn thế kỉ trước.

Song, vẫn có những khoảng cách giữa đào tạo với yêu cầu xã hội, giữa sản phẩm nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp với độc giả đại chúng. Dân lí luận chuyên “cày chữ” chúng tôi rất kém khoản quảng bá sản phẩm của mình. Vì khâu quảng bá quá dở nên sách báo chuyên ngành, kể cả những công trình nghiên cứu phê bình được các nhà chuyên môn đánh giá “mang tầm thế kỉ” hầu hết theo nhau chui vào kho để chờ đợi một cách vô vọng ngày đẹp giời nào đó có thể đến được tay người đọc.

Những cố gắng “xã hội hóa” hoạt động lí luận phê bình của Ban Lí luận và website Hội Nhạc sĩ trong nhiệm kì khóa VIII cũng chưa thấm vào đâu vì còn phụ thuộc kinh phí. Vậy là một cái thiếu nữa mang tính quyết định đến mức lẽ ra phải được nêu ra đầu tiên, đó là tiền đâu.

Kinh phí không cho phép họp mặt thường xuyên nên Ban Lí luận ưu tiên hoạt động qua mạng. Các thành viên của Ban trước hết phải có email, nếu sử dụng mạng xã hội thì càng tốt. Lí luận phê bình cũng như mọi lĩnh vực khác sẽ chẳng có tương lai nếu không thu hút được giới trẻ, mà muốn nắm được giới trẻ thì không gì bằng tận dụng website và mạng xã hội. Quá ưu tiên hoạt động trên mạng và sự kết nối với đối tượng trẻ nên chúng tôi có phần thiếu sót với những hội viên cao tuổi - những người không sử dụng internet. Cũng vì ưu tiên hội thảo tại các khu vực đăng cai liên hoan nên chúng tôi còn bị trách là tổ chức hội thảo họp hành tại Hà Nội quá ít.

Kinh phí không cho phép vung tay quá trán nên website hoinhacsi chọn đối tác quản lí kĩ thuật và admin là cơ quan nhà nước cho rẻ - điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng truy cập. Website không có điều kiện trả nhuận bút hợp lí để thường xuyên đặt bài - điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nội dung. Chúng tôi chưa kịp tạo được mạng lưới cộng tác viên rộng khắp ở các địa phương để phát huy hiệu quả cầu nối giữa các hội viên, cũng như chưa làm được như mong muốn trong việc quảng bá tác phẩm đến công chúng.

Đồng hành - Đồng cảm - Định hướng - Điều chỉnh - Động viên - Đấu tranh, đó là nguyên tắc “6 Đ” mà Hội đồng Lí luận phê bình trung ương đang cố gắng gây dựng. Nếu chiểu theo tiêu chí này thì quả thật chúng tôi đã cố rất nhiều mà hiệu quả chưa được bao nhiêu. Đồng cảm và động viên người sáng tạo thì có thể khá thường xuyên, nhưng chưa hẳn lúc nào cũng đồng hành; còn vai trò định hướng, điều chỉnh và đấu tranh trong sáng tạo và thưởng thức âm nhạc thì quả thực rất nhiều thiếu sót.

Tạm kể đôi lời về những thiếu hụt, trong đó có những thứ chúng tôi đang cố tự xoay xở bồi đắp dần, và còn có nhiều thứ nếu chỉ trông chờ vào nỗ lực cá nhân thì chẳng nên cơm cháo gì hết. Nói vậy để thấy vai trò của Hội là rất lớn trong việc tập hợp những người cùng chung một tình yêu dành cho âm nhạc - một tình yêu không vụ lợi vụ danh.

Cuối cùng, chẳng ai đánh thuế ước mơ, song tôi vẫn chỉ dám ước một điều giản dị là sẽ tới ngày những người làm nghề lí luận phê bình chẳng cần phải đay lại những điều “biết rồi nói mãi” nhưng thế này nữa.

(Tham luận Đại hội IX Hội Nhạc sĩ VN)


Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu trình bày tham luận tại đại hội Hội Nhạc sĩ khóa IX

 

 

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...