Phát triển một số loại hình biểu diễn hợp xướng mới tại Tp. Hồ Chí Minh
Ban hợp xướng được thành lập dù với mục đích nào cũng luôn nhắm tới việc biểu diễn. Do đó những yếu tố đóng góp vào sự thành công của một buổi diễn luôn phải được quan tâm đúng mức. Bên cạnh những yếu tố đem lại thành công cho một buổi biểu diễn hợp xướng như: nội dung của chương trình hấp dẫn người xem, xử lý kỹ thuật biểu diễn tốt và chính xác (như: chọn tốc độ thích hợp, diễn tả chính xác sự thay đổi cường độ, xử lý dấu giọng ca từ đúng,…), đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán thính giả, v.v…còn có một yếu tố quan trọng là xây dựng một số phương thức trình diễn mới. Ở đây, những phương thức được xem là mới khi chúng “khác với cách biểu diễn hợp xướng truyền thống” và hàm chứa những yếu tố hình thành nên các loại hình hợp xướng mới.
Xây dựng một số phương thức trình diễn mới
1. Tạo hình sân khấu
Trong cách trình diễn hợp xướng truyền thống, ban hợp xướng có thể được sắp xếp theo nhiều cách nhưng vẫn theo nguyên tắc dàn hàng ngang như một trong hai sơ đồ dưới đây.
Sơ đồ sắp xếp hợp xướng truyền thống
S: Soprano; A: Alto; T: Tenor; B: Bass; CT: Chỉ huy
Hình 1 - Tạo hình sân khấu mới trên cơ sở truyền thống
Hình 2 - Tạo hình sân khấu 2
Với những cách sắp xếp mới, chúng ta có thể tạo nên những hiệu quả hình ảnh, cấu trúc sân khấu để chuyển tải một ý đồ nghệ thuật nào đó mà người đạo diễn muốn đưa đến khán thính giả. Chẳng hạn, khi trình diễn, ở đầu tác phẩm, hợp xướng được sắp xếp theo lối truyền thống trên đây; vào chỗ cao trào, một phần của ban hợp xướng rời khỏi bục hát phía sau mà dâng lên trước nhằm tạo cảm giác gần gũi với khán thính giả, đem âm nhạc đến gần với người nghe hơn (Hình 1). Một cách khác: ban hợp xướng được tách thành nhiều khối đứng xen lẫn vào dàn nhạc để tạo hiệu quả giọng người như một nhạc cụ thành phần của dàn nhạc (Hình 2). Như vậy, việc tạo hình sân khấu không chỉ nhằm tìm ra cái mới để thu hút người xem mà còn đáp ứng nhu cầu nghe của họ.
2. Thay đổi không gian diễn
Hình 3: Thay đổi không gian diễn 1
Hình 4: Thay đổi không gian diễn 2
Thay đổi không gian diễn là một cách khai triển mở rộng của phương thức tạo hình sân khấu trên đây.
Quan sát các hình 3, 4 chúng ta thấy hợp xướng không chỉ biểu diễn trên sân khấu như thông thường mà được chia thành hai nhóm: bên trên sân khấu và bên dưới khán giả. Trong phần đầu của tác phẩm, nhóm bên dưới vừa hát vừa di chuyển lên vị trí dưới chân sân khấu. Tại đó, tác phẩm tiếp tục được hát lên và cuối cùng nhóm bên dưới di chuyển lên sân khấu để hợp chung với nhóm bên trên để trình diễn bản hợp xướng cho đến lúc kết thúc. Đây là kiểu thay đổi không gian diễn một cách lưu động (trong lúc tác phẩm được trình diễn).
Hình 5: Thay đổi không gian diễn 3
Hình 6: Thay đổi không gian diễn 4
Hình 7 - Thay đổi không gian diễn 5
Có thể thực hiện kiểu thay đổi không gian diễn một cách cố định, nghĩa là ban hợp xướng được sắp xếp ở các vị trí không thay đổi trong suốt thời gian tác phẩm được trình diễn. Theo cách sắp xếp ban hợp xướng theo lối truyền thống, giọng nữ (tần số cao) được đặt bên dưới giọng nam (tần số thấp). Điều đó có lợi là bước sóng của hai loại giọng này hòa quyện vào nhau và cho được âm thanh cân đối trong khu vực phía trước ban hợp xướng, đặc biệt ở khoảng vị trí của người chỉ huy. Nhưng ở các khu vực bên dưới khán giả, càng xa sân khấu càng nghe không rõ nếu không được khuếch âm. Với cách sắp xếp như trong hình 5, 6, 7, chúng ta có thể đưa âm nhạc đến khán giả một cách trọn vẹn hơn.
3. Hợp xướng thực hiện vũ đạo, diễn xuất
Trong opera, ban hợp xướng vừa hát vừa làm động tác hoặc diễn xuất như nhóm diễn viên. Trên cơ sở nghệ thuật đó, tại TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện (tuy chưa nhiều) một số buổi trình diễn hợp xướng trong đó, toàn bộ ban hợp xướng vừa hát vừa thực hiện vũ đạo và diễn xuất. Yếu tố mới ở đây là vũ đạo và diễn xuất của ban hợp xướng không chỉ đóng vai trò phụ, thêm thắt mà phải trở thành một phương tiện hỗ trợ cho ca từ để diễn tả nội dung và phải xuyên suốt cả tác phẩm.
4. Hình thức đa hợp xướng
Theo nhu cầu của tác phẩm cần có số lượng thành viên mà một ban hợp xướng không đáp ứng đủ, người ta có thể ghép 2 hay nhiều ban hợp xướng lại. Sự kết hợp này chỉ mang tính hình thức, tạo vẻ hoành tráng bên ngoài. Kiểu trình diễn đa hợp xướng được đề cập đến ở đây xuất phát từ ý đồ nghệ thuật âm nhạc của người sáng tác.
Khi phối hợp xướng cho ca khúc Thơm ngát ơn Người của nhạc sĩ Từ Huy, chúng tôi đã chủ định viết cho các giọng lĩnh xướng, hợp xướng 4 bè hỗn hợp (nam,
nữ) và hợp xướng thiếu nhi. Trong đó hai phần hợp xướng được tiến hành giai điệu độc lập, trao đổi vị trí lúc thì đảm nhiệm vai trò chính, lúc thì giữa phần đệm. Dưới đây là 4 nhịp đầu (nếu không kể phần Intro) của bản hợp xướng đó:
Các phương thức trình diễn hợp xướng trên đây có thể được áp dụng riêng biệt hoặc kết hợp với nhau để tạo nên những yếu tố mới trong hoạt động biểu diễn hợp xướng và là cơ sở để tổ chức những loại hình hợp xướng mới một cách có hệ thống.
Tổ chức các loại hình hợp xướng mới
Kể từ năm 2000 Nhạc viện TP Hồ Chí Minh bắt đầu đẩy mạnh những hoạt động biểu diễn giao lưu quốc tế. Trên sân khấu của phòng hòa nhạc lớn tại Nhạc viện và của Nhà hát Thành phố bắt đầu xuất hiện nhiều những đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nước trên thế giới. Bắt nguồn từ những kinh nghiệm thực tế cá nhân về tổ chức biểu diễn hợp xướng nhiều năm tại TP Hồ Chí Minh chúng tôi muốn đề xuất việc tổ chức một số loại hình hợp xướng mới để hoạt động biểu diễn hợp xướng Việt Nam không chỉ sớm hòa nhập được với dòng phát triển hiện nay trong khu vực và trên thế giới mà còn có thể tham gia các cuộc thi quốc tế một cách phong phú và tự tin hơn.
1. Hợp xướng phi truyền thống
Xét về mặt sáng tác, cũng như đối với nhiều thể loại âm nhạc khác trong nền âm nhạc thế giới, nhạc hợp xướng đã phải trải qua giai đoạn thử nghiệm và phát triển trong suốt thế kỷ XX. Có nhà soạn nhạc quay về với các thể loại cổ nhưng áp dụng ngôn ngữ hòa âm hiện đại như trường hợp của Ralph Vaughan William1 trong sáng tác Bộ lễ cung Sol thứ (Mass in G minor) theo phong cách Phục hưng. Có người áp dụng kiểu hòa âm, phối khí mới vào những bài dân ca như nhà soạn nhạc người Ukraina Mykola Leontovitch2 (Микола Дмитрович Леонтович) đã làm để sáng tác ca khúc hợp xướng Bài thánh ca của những quả chuông (Carol of the bells) từ bài dân ca Ukraina Buổi tối tràn ngập ân phúc (Щедрий вечiр). Có nhạc sĩ lại đưa ra những khái niệm hoàn toàn mới lạ, không có trước nay trong truyền thống như ở Arnold Schönberg3 qua việc áp dụng âm nhạc vô âm thể, các kỹ thuật và hệ thống hòa âm phi truyền thống để sáng tác nhạc hợp xướng.
Trong biểu diễn hợp xướng, để đáp ứng với nhu cầu thưởng thức của khán giả và nhu cầu thể hiện của nghệ sĩ đương đại cần có những ban hợp xướng theo các phong cách mới lạ từ danh mục biểu diễn đến cách trình diễn trên sân khấu. Chúng tôi gọi những ban hợp xướng mà từ phong cách biểu diễn đến danh mục tác phẩm trình diễn đều khác với (hoặc không theo) “lệ thường” của các ban hợp xướng trước đây là hợp xướng phi truyền thống. Dĩ nhiên, cái mới cần phải được nghiên cứu, định hướng và thử nghiệm. Tuy nhiên đều cầ thiết để có phong cách biểu diễn phi truyền thống trước hết cần phải có những tác phẩm hợp xướng không theo truyền thống. Vì vậy, các ban hợp xướng phi truyền thống phải có đội ngũ sáng tác riêng.
Quan niệm về nghệ thuật phi truyền thống rất rộng và là một vấn đề mở. Nhưng có một xu hướng tiêu cực thường xảy ra là sa đà vào việc tìm những phương thức trình diễn phức tạp đến quái lạ. Phức tạp quá độ luôn đi ngược với nghệ thuật.
2. Hợp xướng dân ca đương đại
Từ nguyên bản, dân ca Việt Nam vốn không có thể loại hợp xướng nhiều bè mà chỉ có hát nhóm đồng giọng. Đã có nhiều tác giả ở TP Hồ Chí Minh dựa trên giai điệu của các bài dân ca để viết thành ca khúc hợp xướng cho nhiều bè giọng (như Trống Cơm của Bình Trang, Em yêu làn điệu dân ca – phỏng theo bài Lý bằng răng của Nguyễn Bách, v.v…). Vào đêm mở màn của chương trình Giai điệu mùa thu 20134 ngày 16/8/2013 tác giả Trần Mạnh Hùng đã cho công diễn tổ khúc hợp xướng dân ca Việt Nam với chủ đề Dòng chảy. Có thể nói khi áp dụng hợp xướng nhiều bè cho dân ca chúng ta đã mang yếu tố đương đại vào thể loại này. Để phát triển được loại hình biểu diễn hợp xướng dân ca đương đại, trước hết, chúng ta cần có nhiều hơn nữa các sáng tác hợp xướng khai thác từ nguồn dân ca Việt Nam phong phú.
Trong ba liên hoan hợp xướng quốc tế ở Hội An và Huế vừa qua, đoàn Việt Nam tham gia chủ yếu và tỏ ra có thế mạnh ở loại hình hợp xướng dân ca đương đại. Rõ ràng là sự phong phú và đa dạng của văn hóa Việt Nam qua cách kết hợp giữa giọng hát và động tác sân khấu trong đó có trang phục đã ảnh hưởng tốt đến các buổi biểu diễn hợp xướng và gây ấn tượng mạnh cho ban giám khảo cũng như khán thính giả. Tuy nhiên những động tác sân khấu, thậm chí có những phần múa (do hợp xướng đảm nhiệm) vẫn đang dừng ở mức minh họa (có khi không phù hợp) cho ca từ của bản hợp xướng. Cần khai thác dân vũ và đưa những động tác biểu diễn trở thành một phần của các sáng tác hợp xướng trên chủ đề dân ca. Có như vậy, loại hình hợp xướng dân ca đương đại của chúng ta mới mang nét độc đáo trong cả phần nhạc lẫn phần trình diễn.
3. Hợp xướng tài tử
Theo cách hiểu phổ thông cho đến nay ở nước ta, từ nghiệp dư vẫn được dùng để gọi chung cho hai thuật ngữ non professional (không chuyên nghiệp) và amateur5 (tạm dịch là “tài tử”). Và cũng theo cách hiểu đó, những gì được gọi là “nghiệp dư” thường được xem là kém chất lượng hơn, ở một đẳng cấp thấp hơn “chuyên nghiệp”. Từ cách hiểu thiên lệch (thường gặp trong việc sử dụng ngôn ngữ) như vậy đã có nhiều ngộ nhận đáng tiếc. Ở đây chúng tôi sử dụng thuật ngữ “hợp xướng tài tử” (amateur) để gọi loại hợp xướng bao gồm các thành viên là những người không sống bằng nghề ca hát (đơn ca hoặc hợp xướng), họ đơn thuần chỉ là những người yêu thích hoạt động hát tập thể.
Chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh đã có hơn 400 ban hợp xướng Công giáo, chưa kể đến các ban hợp xướng Phật giáo, Tin Lành. Đó là những ban hợp xướng thuộc loại hình tài tử (amateur) và đạt đến số lượng đáng kể. Chúng ta cần phải khai thác và nâng cao tính nghệ thuật cho các ban hợp xướng tài tử ấy. Đã đến lúc cần phải kết hợp các ban hợp xướng tài tử ở TP Hồ Chí Minh lại trong những hoạt động chung. Hiệp hội hợp xướng của Thành phố là một giải pháp đáng được quan tâm.
Trong quá trình hình thành và phát triển nền âm nhạc mới tại Việt Nam từ sau năm 1945 đến nay đã có những giai đoạn mà hoạt động hợp xướng được phát triển mạnh mẽ và góp phần đáng kể vào sự phát triển xã hội, đặc biệt trước năm 1975. Trong quá khứ, chúng ta đã có đủ ba yếu tố để phát triển loại hình này: lực lượng sáng tác hợp xướng chuyên nghiệp, lực lượng biểu diễn được huấn luyện tốt, và công chúng có trình độ để thưởng thức các tác phẩm hợp xướng.
Từ sau thời kỳ Đổi mới, đặc biệt khi bước vào thế kỷ XXI, trước sự phát triển ồ ạt của kinh tế thị trường, âm nhạc Việt Nam trong đó có thanh nhạc cũng phát triển nhưng thiếu định hướng rõ ràng. Âm nhạc nói chung, loại hình hợp xướng nói riêng cần được sớm phục hồi và phát triển như một loại nghệ thuật đúng nghĩa, một phương tiện giáo dục, phát triển nhân cách (lòng khiêm tốn, giảm trừ bệnh “sao”,…) chứ không chỉ đơn thuần là một loại hình biểu diễn giải trí.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Phạm Hoàng Anh (1974): Điều khiển ca đoàn. Sài Gòn.
2. Nguyễn Bách (2010): Nghệ thuật chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc. Nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh.
3. Minh Cầm (1982): Chỉ huy và biểu diễn hợp xướng. Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa.
4. Tiến Dũng & Trần Văn Tín (1974): Nghệ thuật chỉ huy. Đại học Minh Đức, Sài Gòn.
5. Đoàn Phi (2007): Giáo trình Chỉ huy và dàn dựng hợp xướng. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội.
6. Nhiều tác giả (2000): Âm nhạc mới Việt Nam – Tiến trình và Thành tựu. Viện Âm nhạc.
Tiếng nước ngoài
7. Gordon Lamb (2010): Choral techniques – Kỹ thuật hợp xướng. Đại học Rice, Houston, Texas, USA.
8. Imogen Holst (1973): Conducting & Choir – Chỉ huy & Hợp xướng. Đại học Oxford, Ely House, London, Anh.
9. John R. Weiss (2001): Vocal health in the choral rehearsal – Sức khỏe cho giọng hát khi tập hợp xướng. Đại học Arizona, USA.
10. Marcel Corneloup (1957): Guide pratique du chant choral - Hướng dẫn thực hành hát hợp xướng. Nhà xuất bản Francis Van de Velde, Paris, Pháp.
11. Mihoko Tsutsumi (2007): A History of the Japanese Choral Association – Lịch sử Hiệp hội hợp xướng Nhật Bản. Đại học bang Florida, USA.
12. Pierre Kaelin (1949): Le livre du chef de chœur – Sách cho chỉ huy hợp xướng. Nhà xuất bản René Kister, Genève, Thụy Sĩ.
________________________________
1 (872 - 1958), nhà soạn nhạc giao hưởng và hợp xướng người Anh.
2 (1877 - 1921)
3 (1874 - 1951), nhà soạn nhạc người Áo.
4 Kéo dài trong 7 đêm từ ngày 16 đến 22/8/2013 tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh.
5 có nguyên gốc từ “amare” (tiếng Ý) nghĩa là yêu mến. Như vậy, “amateur” cần được hiểu là người yêu mến (một ngành nghề, bộ môn nào đó) thay vì vẫn thường được hiểu là “người kém chất lượng, thiếu chuyên nghiệp”.