Phác thảo bức tranh âm nhạc 2018: Chưa thấy khởi sắc
Xét trong toàn cục từ đầu năm, 2018 không phải là năm ồn ào của thị trường âm nhạc thiên về bề nổi như 2017. Nếu ở dòng nhạc trẻ, sự đình đám của những bản hit đạt tới mốc 300 triệu lượt nghe dư âm từ năm cũ có vắt sang nửa đầu năm 2018, nhưng đang trở nên im ắng hơn vào thời điểm này. Trong khi đó, ở dòng nhạc có chiều sâu hơn, lại không nhiều khởi sắc.
Về hình thức, các chương trình biểu diễn ca nhạc ngày càng bài trí công phu. Trong ảnh: Ca sĩ Phạm Thu Hà với một ca khúc được đánh giá cao trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 28.
Những bản hit trăm triệu lượt nghe
Cho đến giữa tháng 10/2018, bản “Đừng như thói quen” của nhạc sĩ Dương Khắc Linh do 2 ca sĩ Jaykii và Sara Lưu song ca vừa chạm mốc 300 triệu lượt nghe chỉ sau 5 tháng phát hành trên thị trường. Một thành tích “khủng” vào thời buổi âm nhạc trực tuyến đang làm mưa làm gió. Và việc “mua view”, “mua like” đang là lẽ sống còn của các ca sĩ dòng âm nhạc thị trường.
Cũng giống như nhiều bản hit khác trong thời gian qua, kiểu “Em gái mưa”, “Người lạ ơi…”, “Đừng như thói quen” trở nên hit nhờ giai điệu dễ bắt tai, ca từ đánh đúng vào tâm lý giới trẻ - những người đang rất sẵn tâm trạng đau khổ trong tình yêu.
Kể từ khi ra mắt vào tháng 5, “Đừng như thói quen” đã tạo nên cơn sốt lớn trên mạng xã hội. Chỉ 3 tuần sau khi ra mắt, ca khúc nhanh chóng cán mốc 100 triệu lượt nghe. Như vậy tính trong năm 2018, có thể kể đến những ca khúc đã cán mốc 300 triệu lượt nghe như: Em gái mưa (Hương Tràm), Phía sau một cô gái (Soobin Hoàng Sơn), Buồn của anh (K-ICM, Đạt G, Masew), Người lạ ơi (Karik, Orange, Superbrothers), Nơi này có anh (Sơn Tùng M-TP), Đừng như thói quen (JayKii, Sara Lưu)...
Tuy nhiên, các bài hát này đều xuất hiện ở nửa đầu năm 2018. Kể từ giữa năm, bức tranh nhạc thị trường trở nên yên ắng.
Nói gì thì nói, xét ở khía cạnh thị trường, sự nỗ lực của các nhạc sĩ trẻ và ca sĩ trẻ với các dự án âm nhạc như vậy cũng đã thổi một luồng gió mới cho thị trường nhạc Việt. Âm nhạc trực tuyến với lượng khán giả rộng khắp, đa dạng có một nhu cầu khác với thế hệ khán giả trước đây. Và việc nhiều bản MV vừa mới phát hành đã nhanh chóng trở thành hit chứng tỏ đã đáp ứng đúng nhu cầu giải trí một lượng khán giả đông đảo sử dụng internet như một nhu cầu hàng ngày.
Phần lớn các bản hit làm mưa làm gió các bảng xếp hạng âm nhạc ở Việt Nam thời gian qua đều là các ca khúc ballad nhẹ nhàng cho thấy một xu hướng thị hiếu dễ đánh trúng là chỉ cần giai điệu dễ nghe, ca từ dễ thuộc.
Nhạc sĩ Quốc Trung và ca sĩ Thanh Lam.
Vẫn trông vào “diva”
Ở chiều ngược lại, có thể hiểu không phải nhạc trẻ, tức là âm nhạc vẫn được coi là có chiều sâu hơn, có tính nghệ thuật hơn, thì trong năm 2018, chưa nhìn thấy những dấu hiệu khởi sắc. Những dự án đáng kể hơn cả vẫn là “trông vào” tên tuổi của các ca sĩ được xếp vào hàng diva, divo. Trong đó, Mỹ Linh đầu năm 2018 có sự xuất hiện của “Chat với Mozart 2” với hai phiên bản đĩa nhạc và đĩa than. Và tháng 8 vừa qua là tour diễn xuyên Việt “Thời gian” được tuyên ngôn là show diễn lớn cuối cùng sau 20 năm ca hát của ca sĩ “Tóc ngắn”.
Cũng trong tháng 8, Tùng Dương nỗ lực làm mới mình bằng liveconcert “Bộ tứ sông Hồng”, hát các ca khúc của 4 nhạc sĩ nổi tiếng: Dương Thụ, Trần Tiến, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường...
Cũng thuộc hàng tên tuổi, cũng trong tháng 8, ca sĩ Bằng Kiều đánh dấu 30 năm ca hát bằng chương trình: “Câu chuyện Bằng Kiều: Trái tim không ngủ yên”...
Trong các dự án trên, chương trình của Bằng Kiều có vẻ được lòng khán giả hơn cả bởi những bản hit Bằng Kiều từng làm mưa làm gió gần với giới trẻ hơn. Trong khi đó, cả “Chat với Mozart 2” lẫn tour diễn “Thời gian” của Mỹ Linh đều không ghi thêm dấu ấn nào cho cô. Có vẻ như đỉnh cao sự nghiệp Mỹ Linh đã đạt tới và bây giờ không phải là lúc để có thể còn chờ đợi thêm được sự bùng nổ. Còn đối với Tùng Dương, việc làm một concert đầu tư kỹ lưỡng, hát lại các bài hát đình đám của 4 nhạc sĩ gạo cội cũng mang nhiều ý nghĩa tri ân và chứng tỏ nội lực Tùng Dương vẫn đang sung sức chứ ít mang tính đột phá trong sáng tạo âm nhạc...
Từ giờ đến cuối năm, trong dự báo chưa có nhiều liveshow, chương trình của Thanh Lam tới đây đang được chờ đợi. Live show được đặt tên “Bình minh”, đánh dấu sự hợp tác trở lại đúng nghĩa của Thanh Lam - Quốc Trung, cặp đôi từng làm nên “Đêm huyền diệu”- live show đầu tiên trong lịch sử nhạc Pop Việt Nam (kéo dài suốt một tuần lễ) vào 25 năm trước. Ở trong chương trình này (diễn ra vào ngày mùng 1-2/12 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội), ngoài Thanh Lam, chỉ có sự tham gia của ca sĩ khách mời duy nhất là ca sĩ Trần Thu Hà. Nhạc sĩ Quốc Trung soạn hoà âm phối khí của toàn bộ chương trình (với 22 bài hát), cùng với sự tham gia của các nhạc sĩ như Lưu Hà An, Trần Thanh Phương, Hùng Cường...
Được chờ đợi bởi nhà sản xuất Quốc Trung – một nhạc sĩ mà trong những năm vừa qua những chương trình anh đứng ở vai trò sản xuất đều đạt tới đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, nhưng với “Bình minh”, chắc cũng không thể kỳ vọng hơn nữa về giọng hát Thanh Lam khi mà chị cũng như các nghệ sĩ đã nhắc tới ở trên, đều đã đạt tới đỉnh cao sự nghiệp từ những năm trước đây.
Như vậy, với những gì đã điểm qua, tuy chưa đầy đủ, nhưng có thể hình dung về một bức tranh âm nhạc trong năm 2018 chưa có những sáng tác và những tên tuổi nhạc sĩ mới xuất hiện đủ định hình một xu hướng âm nhạc mới. Một nền âm nhạc vẫn đang phải trông cậy vào các nghệ sĩ đã thành danh, làm mới các bài hát cũ và thậm chí còn có xu hướng làm nóng lại các dòng nhạc cũ như bolero.
(Nguồn: http://daidoanket.vn/)