Opera “Lá Đỏ” tôn vinh các anh hùng Trường Sơn

01/04/2016

Thực hiện cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975, do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động, vở Opera “Lá đỏ” sẽ ra mắt công chúng thủ đô vào hai đêm diễn 26 và 27 tháng 5 năm 2016 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tác giả âm nhạc: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; kịch bản thơ: nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát; Nhạc trưởng: Honna Tetsuji; đạo diễn sân khấu: NSDN Phạm Anh Tú; biên đạo múa: NSND Phạm Anh Phương; dàn dựng Hợp xướng: NSND Nguyễn Thiếu Hoa - NSƯT Mạnh Chung; thiết kế sân khấu: NSƯT họa sĩ Đạt Tăng; tổng đạo diễn: NSND Ngô Hoàng Quân… cùng tập thể diễn viên Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam; Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam dàn dựng và công diễn.


Ekip thực hiện Lá đỏ tại lễ khởi công

Ý tưởng văn học của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, kịch bản được lấy cảm hứng từ một tứ thơ được phổ nhạc đầy hình ảnh vừa lãng mạn vừa hào hùng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Hoàng Hiệp “Gặp em trên cao lộng gió - Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ”; cảm hứng qua những tác phẩm nổi tiếng của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật – một nhà thơ tiêu biểu, đại diện cho văn nghệ sĩ đã đồng hành cùng đất nước, viết lên những bài thơ để đời phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân động viên kịp thời các chiến sĩ dũng cảm chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống Mỹ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” những năm 60-70 của thế kỷ trước. Anh dũng nhưng không kém phần lãng mạn trong tình yêu đôi lứa. Và nhân vật nam chính (Sơn) trong kịch bản phần nào mang bóng dáng của nhà thơ. Một chiến sĩ công binh nhưng có tâm hồn thơ, viết được những bài thơ ca ngợi người yêu và các bạn đồng ngũ là những thành phần chính, tiêu biểu như: công binh, pháo binh, lái xe, thanh niên xung phong... bám trụ trên con đường Trường Sơn năm xưa. Đồng thời, những bài thơ hay đó cũng là đất để nhạc sĩ có thể phổ thành những bài ca rung động lòng người.

Kịch bản được lấy cảm hứng từ câu chuyện bi tráng của 8 chiến sĩ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa đường Trường Sơn, trong một trận cứu hàng, tránh bom đã bị vùi lấp trong hang và hi sinh - nay có tên gọi là “Hang 8 cô” nổi tiếng được lưu truyền và thờ phụng. Chuyện thực thì trong 8 người đó có cả nam và nữ - nhưng tác giả đã hư cấu, chuyển thành 8 cô gái để có điều kiện thể hiện trên sân khấu hình tượng 8 cô gái hi sinh tuổi xuân trong trắng của mình cho đất nước.

Kịch bản cũng lấy từ cảm hứng của chính tác giả, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã có những trải nghiệm thực tế từng lăn lộn trên dãy Trường Sơn những năm 1968 và 1972. Ý tưởng và chất liệu kịch bản văn học của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát sẽ được thể hiện và nhân lên qua phần âm nhạc với những bản aria, duo, recitativ, hợp xướng, những màn múa... do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ khởi công vở Opera “Lá đỏ” vào ngày 1 tháng 3 năm 2016, tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Opera “Lá đỏ” được Cục Nghệ thuật biểu diễn đặt hàng với tác giả Đỗ Hồng Quân.


Tác giả âm nhạc Đỗ Hồng Quân

PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có những chia sẻ:

“Cuối năm 2013 thực hiện Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ và đặt hàng những tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giai đoạn 1930-1975, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã mời những nhóm tác giả để đặt hàng, tôi là một trong những tác giả nhận được đơn đặt hàng với thể loại là rất khó, đó là một vở Opera - nhạc kịch.

Như chúng ta đã biết từ năm 1965 cũng tại Nhà hát kịch Việt Nam đã ra mắt vở nhạc kịch đầu tiên “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và sau đó rất nhiều năm đã có các nhạc sĩ viết Opera như nhạc sĩ: Nhật Lai, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Tấn... Thời kỳ sau đó thì những thể loại Opera vắng bóng trên sân khấu chuyên nghiệp ở Việt Nam và chúng ta chỉ dàn dựng lại các vở Opera của nước ngoài. Hiện nay, việc dựng lại các hình thức nghệ thuật kinh điển trong đó có Opera, Ballet là một trong những nhiệm vụ rất chính đáng và nghiêm túc mà Đảng và Nhà nước đã đặt lên vai các văn nghệ sĩ và vì vậy việc đặt hàng cá nhân tôi là một nhạc sĩ sáng tác để thực hiện vở Opera thì đó là điều rất vinh dự và tôi ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình trước một công trình nghệ thuật có tính tập thể rất lớn.

Opera là vở kịch thống soái về âm nhạc, linh hồn là âm nhạc kết hợp với ca từ, nghệ thuật vocal, nó là cái đích để chúng ta hướng tới. Để làm được loại hình đó, tôi với tác giả kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát phải có một quá trình làm việc chi tiết. Chị Ngát là nhà thơ, đồng thời là nhà biên kịch chuyên nghiệp, rất hào hứng bắt tay vào viết ngay từ những trang đầu tiên và rất có cảm xúc”.


Tác giả kịch bản văn học Hồng Ngát

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát:

“Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã tin tưởng đề nghị hai chị em phối hợp làm một vở Opera về đề tài chiến tranh cách mạng, là người viết nên tôi rất vui mừng vì được đặt niềm tin tưởng, được tôn trọng và được bảo đảm vì được đặt hàng và có khả năng sẽ ra được vở diễn và đây cũng là một cơ hội cho tôi. Được kết hợp với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân làm vở “Lá đỏ” và từ bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi “Lá đỏ”. Chúng ta đều thích bài thơ đó, bài hát đó, thế nhưng mà riêng cái Lá đỏ nó gợi cho tôi rất nhiều, ở trong kịch bản này nó như một nhân vật, tham gia vào rất nhiều sự kiện, cho ta thấy như một huyền thoại, nó ước lệ cách điệu và nhân cách hóa để nâng cao sự lãng mạn, anh hùng ca.

Đề tài mà cấp trên kêu gọi và ủng hộ rất phù hợp với chúng tôi, hơn nữa là tấm lòng của mình tri ân những người hi sinh trên tuyến đường Trường Sơn, phù hợp với khả năng của tôi viết kịch bản vừa viết thơ để nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng của vở Opera, là loại hình mà tôi rất thích, mà khó vô cùng trong tất cả các loại hình nhạc kịch. Viết kịch bằng thơ, thoại cũng bằng thơ cũng là sở trường của tôi, vì vậy tôi cố gắng để làm sao để vở diễn không chỉ đẹp, lãng mạn, mà còn có tính hấp dẫn. Hy vọng tháng 5 tới chúng ta có những buổi diễn cực kỳ thành công và ấn tượng”.

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.