Nơi mảnh đất cuối trời và nhạc cảnh “Hòn Khoai”

07/01/2015

Đó là một chiều mưa tầm tã, báo trước cuộc gặp giữa Chức Nữ và Ngưu Lang bên trạm đầu cầu phía thượng nguồn Vàm Cỏ Đông. Hễ mỗi lần ra đi là trời cứ chực đổ mưa. Phải chăng vì vậy mà tôi đã chọn một cơn mưa để đặt tên mình? Hai đứa tôi sẽ lặn lội xuống tận mũi Cà Mau. Nàng về quê mẹ, còn tôi về quê vợ.


(Trích từ truyện Ngày ấy đã qua rồi của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ)

Giã từ rừng Tây Ninh, nhớ sao những đám cưới trong rừng, những cuộc liên hoan mừng chiến thắng, những đêm chộn rộn giữa giao thừa. Tôi là người hái rau rừng nổi tiếng hơn… sáng tác. Các loại rau rừng tôi “rành sáu câu”. Nào là lá bún, lá lụa, đọt sộp, lá bứa, lá vừng, lá giang, lá ngành ngạnh, đọt trâm, đọt kim cang, đọt nhãn lồng. Lá bí bái gói thịt “cờ tây” đem nướng, mùi thơm bay xa mấy dặm. Lá bún non mượt mà gói kèm chả giò nhưn rắn choàm oạp thì hết sảy. Lá bứa và lá giang nấu canh chua thịt gà rừng chưa nếm đã chảy nước miếng.

Tôi cũng là tay chịu cực đi hái nấm. Nấm dẻ đỏ nấu cháo không cần bột ngọt. Nấm sao trắng mọc trên gò mối nhai giòn như mề gà. Nấm mối cuốn lá chuối rừng đem nướng vị ngọt thấm tận ruột gan. Nấm trứng ngỗng và nấm trứng gà để nấu cà ri. Nấm dai hầm xương khỉ, nấm mèo nấu chè thưng. Hãy coi chừng cái nấm nào mà côn trùng chưa nhấm, nó sang trọng quý phái như cái lọng nhà vua thì “xa chạy cao bay”. Nó đích thị là loài nấm độc.

Tôi lại có tài trèo cây hái trái (dân miền Đông mà!). Ơi rừng chiến khu, nơi tôi đã gắn chặt một quãng đời. Tôi mang theo bao nhiêu vết thẹo của loài ve, mò, bò cạp, rắn, rít… Trong tai tôi đầy tiếng rú của bom B.52, tiếng cuốc đào huyệt chôn đồng đội, tiếng búa chẻ củi, tiếng cưa cây làm nhà, tiếng ó ma lai, tiếng con sóc nhảy, tiếng chân cheo rón rén, tiếng gà rừng gáy, tiếng voi ầm ì…

Tạm biệt rừng cổ tích của đời ta!

Tôi chia “gia tài” cho những người thân ở lại rừng. Cây đàn piano xinh xinh bé xíu tặng anh Thanh Nghị. Tôi biếu anh Tư Siêng chiếc bếp dầu tí hon làm bằng quả bom bi và ống pháo sáng. Tôi trao cho em vợ chiếc đèn dầu dã chiến có mấy hột cam thảo đỏ đen nhảy nhót trong chai alcool de menthe. Người sồn sồn thì xách giò phong lan Ngọc Điểm, Bạch Hạc, Long Tu. Ai còn trẻ thơ thì rinh cành Ngọc Điệp, Trường Kiếm, Đai Châu. Chị nuôi khiêng bếp lò Hoàng Cầm cải tiến. Cặp tân hôn rước chén bát nồi niêu. Đám con nít có mứt guồi vừa chua vừa ngọt đặc sệt. Còn mấy ông chưa vợ cặp nách mền mùng chiếu gối. Ai hay tán gẩu thì xí bộ uống trà, lấy giùm cái ghế…

Ngôi nhà chúng tôi anh em thường gọi đùa là “biệt thự”. Tôi tự thiết kế và thi công. Cũng tường vách hẳn hoi, tô trát bằng đất gò mối rắn chắc. Cũng cột bằng cây tai nghé, róc vỏ phết dầu trong láng ót. Cũng rèm mây buông thả hành lang. Biệt thự này sẽ bàn giao cho cặp vợ chồng nào sắp làm cha làm mẹ.

Giờ này Ngô Y Linh, Thái Ly, Thanh Trúc, Phạm Minh Tuấn cùng Đoàn Ca múa và Đoàn Cải lương Giải phóng chắc đã đến Hà Nội. “Tiếng cồng vượt thác” sẽ báo với bạn bè rằng chúng tôi vẫn còn”vượt thác”. Tuy vậy, bạn Nguyễn Trọng Huấn ơi, chớ vội dọn dẹp bàn thờ vì tôi đang tiếp tục cuộc hành quân trên chặng đường đầy gian nan và khốc liệt chẳng thua gì đường Trường Sơn.

Từ đất Tây Ninh, chúng tôi men theo biên giới, qua đồng “Chó Ngáp”, vượt sông Tiền và sông Hậu rồi lội qua kinh Vĩnh Tế. Con kinh đã làm nhiều người “vĩnh biệt” và suýt chút nữa thì Lê Giang bị nó nhấn chìm vĩnh viễn. Cũng may là nghề lặn hụp của tôi chẳng thua gì loài rái cá.

Chúng tôi lại lội trắng đêm giữa đồng tràm Châu Hà. Cứ đi mãi đi hoài mà ngọn đèn pha trên Bảy Núi vẫn cứ đuổi theo. Mười móng chân đã lần lượt chìm sâu nằm lại đồng tràm.. Đến trạm Tràm Dưỡng, chúng tôi bị kẹt nằm lại hai mươi ngày vì địch đang đánh phá đường dây. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới thưởng thức cái đói muối, người yếu xìu như sợi bún, hai đầu gối run run mềm nhũn. Một hôm, ngồi buồn đem súng đạn ra lau chùi, bỗng phát hiện trong hộp đựng đạn còn sót lại hột muối to bằng hột đậu xanh, đặt nửa hột muối lên đầu lưỡi nghe ngọt lịm, chất muối thấm vào cơ thể và người cảm thấy khỏe lại.

Sau ba tháng rưỡi hành quân chúng tôi đặt chân trên chót mũi Cà Mau. Ôi, quê vợ đây rồi! Sao em sinh ra trên cái Đất Cuối Trời này chi vậy để cho hai đứa ta lặn lội hụt hơi? Tối tối nằm giữa rừng đước nghe gió biển xô sóng vào bờ, tôi chợt nhớ bài thơ tôi làm từ năm 1957, tôi đã chép bài thơ ấy trong cuốn sổ lưu niệm của anh Hoàng Việt trước khi anh đi học ở Bungari:

Tôi nhớ ngày ra đi
Giờ chia ly
Mình không khóc
Gió thổi tung mái tóc
Phất phơ trên mảnh ruộng xanh màu
Mình đứng trên Mũi Cà Mau
Bóng in lên sóng biển
Áo bà ba quyến luyến
Cánh khăn rằn âu yếm ngọn tràm xanh.

Tôi vốn sinh ra ở miền Đông Nam Bộ, chỉ biết xứ Cà Mau trên bản đồ hoặc qua sách báo. Vậy mà tôi đã tưởng tượng ra ý thơ miêu tả cảnh chia tay hồi tập kết ra Bắc. Và cũng lạ thay – như trời xui đất khiến tôi lại gặp “nàng Cà Mau” thật. Nàng với tiếng chày giã lá thuốc rừng miền Đông khi chiều xuống, nàng đã đem sự sống cho tôi. Nàng Cà Mau!

Chúng tôi đứng trên chót Mũi nhìn ra cái eo biển tưởng đã trông thấy Cổng trời Hà Giang. Tôi lột nón tai bèo vẫy ê ê ê… tiếng sóng biển nhồi lại tiếng gọi của tôi. Hòn Khoai xa xa dát vàng ánh nắng chiều tà.

Chúng tôi trở lại xóm Bàu Dừa. Nơi Đoàn Ca múa Tam Giang đang đóng quân. Viết cái gì về Cà Mau đây? Tôi băn khoăn lo nghĩ mà chưa biết xoay xở một đề tài nào. Rồi sẽ lo liệu tính sau vậy. Ban ngày tôi tập chèo xuồng và tập lái vỏ lãi hoặc ghé thăm chú Tám Đờn nghe Nói thơ Bạc Liêu, sau đó đánh cờ tướng vài ván. Ban đêm tôi tập giăng câu lưới cá. Tôi bám theo mấy ông thợ câu học bài vỡ lòng: Muốn bắt cá lóc, cá dày thì giăng lưới ở đâu. Muốn bắt cá trê vàng thì hãy chờ chạng vạng. Muốn đặt trúm bắt lươn thì phải dùng mồi gì. Muốn lưới cá thác lác phải thức suốt đêm trăng sáng. Muốn đón lõng rắn hổ đất phải giăng lưới cách mặt nước mười phân. Muốn chống bù mắt cắn phải rê bếp lò lên mũi xuồng mà xông khói.

Thấy tôi say mê ngư nghiệp, Lê Giang sốt ruột và nhắc nhở tôi nên bắt tay vào việc. Tôi cười vì nàng đâu có biết trong những đêm tôi bơi xuồng đi lưới cá, tôi đã suy tư về câu chuyện Phan Ngọc Hiển cùng đồng chí của mình từ bãi Khai Long trương buồm ra Hòn Khoai giết Tây cướp Hòn trong cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ năm 40. Hồi nhỏ, Lê Giang cũng đã chứng kiến cảnh thầy giáo Hiển bị Tây hành quyết trên pháp trường tại chợ Cà Mau như thế nào. Giáo Hiển mặc đồ bà ba lụa Lèo trắng tinh, không cho bịt mắt, miệng ngậm điếu thuốc lá. Trước lúc vĩnh biệt quê hương, vĩnh biệt bà con, giáo Hiển hô to: Bà con ở lại mạnh giỏi. Việt Nam độc lập vạn tuế, vạn vạn tuế!” Bữa đó Cà Mau chìm trong cơn mưa trắng xóa…

Hơn mười năm trước, trong những ngày Đồng Khởi, Đội văn nghệ Cà Mau (tiền thân của Đoàn Ca múa Tam Giang) cũng đã dựng một hoạt cảnh nói về sự tích Phan Ngọc Hiển vượt ra Hòn Khoai. Do yêu cầu phải có tiết mục nói về truyền thống đấu tranh bất khuất của tỉnh nhà nhằm phát động quần chúng đứng lên đồng khởi chống Mỹ Diệm. Các anh lấy bài Vượt trùng dương của Nguyễn Văn Tý rồi vừa hát vừa múa theo nông tác vũ. Ấy vậy mà bà con hết sức hoan nghinh, vì bà con thấy Đội văn nghệ đã nói đúng tình cảm của mình.

Vài ngày sau, Lê Giang viết xong kịch bản Hòn Khoai gồm 5 chương với tiêu đề:

1- Tiếng ru

2- Lời nói lương tâm

3- Người hát dạo

4- Gọi gió

5- Bão biển

Đây là một kịch hát mang tính sử thi nơi mảnh đất cuối trời của Tổ quốc. Diễn viên chưa hề trải qua trường lớp. Hơn hai phần ba chưa biết nốt nhạc ra sao. Tuy nhiên, các cháu đều sáng dạ, học truyền miệng rất nhanh. Chúng tôi vào Đoàn Ca múa trong rừng tràm xem giò xem cẳng coi ai đóng vai Phan Ngọc Hiển, ai là bà mẹ kể lại sự tích anh hùng, ai là cô gái du kích, ai là anh Giải phóng quân và đứa nào đóng thằng cò Tây với lính mã tà. Thôi được, hãy liệu cơm mà gắp mắm!

Cái nết của tôi trước khi viết một tác phẩm dài hơi bao giờ cũng lao động chân tay hoặc la cà đây đó. Chưa có một nốt nhạc nào làm thuốc thì tôi đâu có chịu ngồi cắn cán viết lai rai nghĩ ngợi. Sáng tác mà suy tư quằn quại, uốn éo mình mẩy thì ngán lắm! Hầu như các giai điệu của tôi đều bất chợt lóe lên những tia chớp giữa lúc tôi gò lưng đạp xe trên đường phố; hoặc đang ngồi chót vót trên cây cổ thụ hái phong lan, hái trái guồi; hoặc đang giặt giũ bên bờ suối hát nghêu ngao, hay lúc bửa củi đào hầm…

Tôi đóng cái bàn con bằng gỗ cây mắm, đặt nó giữa mùng trốn bầy muỗi. Tôi mua một cây thuốc lá Rubi, hai lố đèn cầy và bắt đầu viết lia viết lịa. Viết tới đâu Lê Giang đặt lời tới đó. Đến lúc này, tôi đành trốn luôn mấy cuộc đám cưới và đám giỗ, nhưng đâu có được. Trời tối mà bà con còn lái vỏ lãi kêu í ới. Bưng một mâm thức ăn lên nhà sàn của chúng tôi: “tụi bay phải tẩm bổ đặng có sức làm việc”.

Có những đêm trăng sáng, tôi vừa viết vừa đi thăm lưới. Tôi trăn trở trong sương lạnh và dầm mình “hành xác” dưới nước để nắm bắt giai điệu lúc ẩn lúc hiện, khi chìm khi nổi trong đầu. Đó là đoạn tự sự của giáo Hiển trên đường ra pháp trường:

Ơi quê mẹ Cà Mau
Mảnh đất cuối trời Việt Nam
Mảnh đất hùng thiêng mà lòng ta yêu dấu thiết tha
Đất Khai Long còn đây in dấu chân
Sóng Tam Giang ngày đêm vẫn vỗ về

Nét nhạc mùi mẫn gợi cảm lòng người. Chương Lời nói lương tâm sau này gây ấn tượng mạnh mẽ với khán thính giả. Ai ai cũng nổi gai ốc và không cầm được nước mắt. Các diễn viên mỗi lần tập diễn cảnh này đều xúc động hát không nên lời! Nhạc mới mà làm cho người nghe khóc là một chuyện lạ, không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả như vậy. Có thể khi viết tôi đã cảm xúc chân thật trong trạng thái bùi ngùi. Tôi đã đóng vai Phan Ngọc Hiển đứng giữa xuồng câu đậu bên chang đước trong đêm khuya thanh vắng, hai tay giơ lên trời đầy sao mà hát một mình. Chính bên cành đước này, giặc đã treo cổ hai người trong chiến dịch tố cộng năm nào.

Tôi viết tới cảnh “Người hát dạo” vào một đêm mưa giông chớp giựt dữ dội. Mái nhà dột nát phải che thêm miếng nilon trên mùng. Đột nhiên hình ảnh khắt khổ của lão hành khất ở bến xe chợ Thủ ngày nào lại hiện về rõ mồn một. Giọng ông lão trầm trầm hòa theo tiếng độc huyền rè rè mà truyền cảm:

Đời ta khổ lắm ai ơi!
Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than…

Mỗi lần đi học, tôi thường nhịn ăn sáng và đặt vào chiếc nón để ngửa của ông lão một cắc bạc. Qua bao tháng năm mà dư âm giọng hát vẫn còn đọng lại trong ký ức, nó ám ảnh hoài và quấn quýt theo bước chân tôi. Và mới đây ở xóm Mũi, tôi nghe chú Tám Hàng Nói thơ Bạc Liêu theo tiếng ghi ta phím lõm. Chú kể sơ lai lịch vì sao chú “sáng chế” ra điệu này trong thời chín năm kháng chiến chống Pháp. Rồi hôm nay ở xóm Bàu Dừa lại gặp chú Tám Đờn chuyên chơi nhạc tài tử với cây đờn kìm. Tôi liền “hóa phép” ông lão hành khất ở quê tôi, chú Tám Hàng và chú Tám Đờn nhập một, biến thành Người hát dạo. Nhân vật của tôi len lỏi trong các ấp chiến lược, hát lên sự tích về thầy giáo Hiển, phát động quần chúng đứng lên diệt ác phá tề giải phóng quê hương.

Viết một hơi đến sáng bách, tôi sảng khoái chống xuồng đi thăm lưới, miệng hát nghêu ngao:

Chim khôn (thời) ăn trái nhãn lồng
Người khôn (thời) ắt phải tầm đường thẳng ngay
Có thầy giáo Hiển – Hòn Khoai
Đứng lên mà thề giết lũ giặc Tây rửa thù…

Ối trời, cái gì vậy? Một lưới đầy nhóc cá trê vàng! Tôi bẻ ngạnh từng con, đếm: một hai, ba, bốn,… Hai mươi bảy con! Ông trời ông đãi tôi. Một kỳ tích của nhạc sĩ miền Đông. Nhưng bà con Cà Mau coi đây là sự thường tình mới tức chớ.

Tôi hay cóp nhặt đồng nát, để đó, có ngày dùng đến. Việc giăng lưới bắt cá cũng vậy. Từng con tép mòng, con tăm tích đến cá rô mề, cá lóc, tôi đều hốt hết không bỏ xót một con nào. Cá nhí thì kho tiêu, cá bự thì nướng trui. Người Cà Mau ăn cá một lửa. Cá kho, cá nấu ngót, hễ ăn một lần còn thừa không thèm hâm lại mà đem đổ ào xuống nước. Tôi tiếc quá, có người cười giỡn:

Miền Tây ăn cá bỏ đầu
Miền Đông thấy vậy xỏ xâu đem về.

(Tôi nghĩ bụng mà cười thầm: miền Đông quê tôi nghèo lúa gạo và tôm cá nhưng giả tỷ không có miền Đông thì miền Tây lấy gỗ đâu mà đóng ghe xuồng, vỏ lãi, tủ giường, bàn ghế, cất nhà. Và chẳng lẽ móc đất phù sa màu mỡ làm chén bát, bình tích uống trà; lấy đâu ra khạp da bò, lu vại chứa nước mưa?)

Tôi chắt chiu vốn sống để tạo hình ảnh anh Giải phóng quân trong chương kết kịch hát Hòn Khoai có tiêu đề Bão biển. Anh lính này từ miền Bắc vượt Trường Sơn chi viện cho tiền tuyến lớn, hoặc anh lính có thể là hiện thân của tác giả. Anh kiêu hãnh cất cao:

Từng đoàn người vượt núi cao ờ ơ…
Trường Sơn ơi, chập chùng vách đá tai mèo cheo leo.
Từ Khe Sanh mà về Ấp Bắc mây giăng mấy từng?
Ta lại về đây, giữa quê nhà!
Từng đoàn người vượt sóng xô ờ ơ…
Chào Tam Giang đục bùn nước xoáy dân chài ra khơi
Chào Viên An mùa này bãi đước lá xanh mấy từng.
Ta lại về đây, giữa quê nhà!...

Trong sáng tác tôi thường hết sức tiết kiệm vốn liếng, dè xẻn các giai điệu. Tôi nghĩ rằng chủ đề âm nhạc mà mình tích lũy được trong chiến tranh không phải chỉ trả giá đắt bằng mồ hôi và nước mắt mà còn đánh đổi máu và mạng sống nữa. Do vậy, mình không thể trút sạch túi cho một tác phẩm để sau đó mình trở thành bần cùng, nghèo túng, thậm chí chạy vạy vất vả vay đầu này, mượn đầu kia cho những tác phẩm nối tiếp. Nhạc sĩ cũng nên biết “hạch toán” vốn liếng để tái sản xuất mở rộng, chớ có tham lam, phung phí, xa xỉ chủ đề một cách đại trà.

Trong lao động chân tay cũng như lao động nghệ thuật, tôi thường tự nhắc phải trao dồi kiến thức đức tính cần cù, nhẫn nại. Trước khi viết, nhìn thấy xấp giấy kẻ nhạc dày cộm và trắng toát mà mình sắp vắt óc để gieo lên đó những nốt nhạc li ti như hột mè đen thì ai lại không ớn dội. Trước tình cảnh đó, tôi phải đốt lửa lên để nung sôi cảm xúc, đưa hồn mình vào trạng thái say say tỉnh tỉnh. Chừng đó, mình chỉ còn nghe tiếng sột soạt của ngòi viết, các nốt nhạc hầu như đang bốc lên hơi nóng của sự rung động. Để động viên mình hơn nữa, tôi thường mường tượng cách trình bày tác phẩm trước công chúng.

…Thế rồi, sau hai tháng dàn dựng rất khẩn trương và khá chật vật, với tài đạo diễn và biết xoay xở của đạo diễn múa Việt Nhân, vở Hòn Khoai ra mắt Tỉnh ủy Cà Mau và người xem ở các vùng lân cận, trong hội trường cất giữa rừng đước. Xuồng ghe, vỏ lãi tấp nập đông ken nhộn nhịp như ngày hội. Tôi cầm đũa chỉ huy truyền niềm tin đến diễn viên. Cảnh trang trí và phục trang mới khá xôm tụ (tuy nhiên, nó chỉ phù hợp với tuồng cải lương hơn kịch hát nhạc mới). Trưởng đoàn Kim Chi đóng vai bà mẹ, phó đoàn Ba Chiến thủ vai Phan Ngọc Hiển. Kiều Tiên vai cô gái du kích, Thành Công (con của Kim Chi) là anh lính giải phóng. Thành Cộng (có bộ giò kềnh càng thô kệch) sắm vai tên cò Tây.

Đến phút giáo Hiển sắp vĩnh biệt đồng bào, ông hô: “Việt Nam độc lập vạn tuế!”, cả hội trường cũng đồng hô: “Vạn tuế, vạn vạn tuế!. Và khi tên cò Tây ra lịnh bắn giáo Hiển, tôi nghe nhiều tiếng khóc tức tưởi và một số người la lớn: “Đả đảo, đả đảo!”. Trong lúc tôi quơ đũa điều khiển đội nhạc, dàn đồng ca và tốp múa sắp vô đoạn cao trào giải phóng Hòn Khoai thì… có một em bé ôm hai chân tôi đánh đu. Tôi cố chịu nhột, nhịn cười và khua gậy chỉ huy đến khuôn nhịp cuối cùng. Có vài ông lão chỉ chăm bẳm dòm tôi đang múa may quay cuồng giống như thầy pháp, các cụ hết sức thích thú và không còn để ý việc gì đang diễn ra trên sân khấu. Do vậy, mấy ngày sau các cụ phải chèo ghe bám theo Đoàn Tam Giang coi cho rõ ngọn ngành.

Chúng tôi đành phải chia tay bà con xóm Bàu Dừa để trở về căn cứ khu Tây Nam Bộ chuẩn bị tiếp quản Cần Thơ. Đoàn Ca múa Cà Mau cũng sắp lên đường hướng về thị xã. Nhân dịp gặp em vợ là Tuấn Việt, phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng ghé qua. Vậy là buổi thu thanh vở Hòn Khoai được tổ chức ngay. Phòng thu là một cái hầm chứa lưng lửng nước mưa. Diễn viên đơn ca và dàn đồng ca bắc ghế đứng xung quanh cái hầm nước, đầu trút xuống để khi hát dội lên từ mặt nước rồi cộng hưởng bởi bốn bức tường của hầm nước biến thành hiệu quả của “âm thanh nổi” (écho)?! Tôi leo lên góc hầm và đứng dạng chân, có hai người giữ chặt hai chân vì sợ “nhà chỉ huy” té nhào xuống nước. Đó là một buổi thu thanh kỳ quái và ngộ nghĩnh có một không hai trên đời này. Sau ngày Cà Mau giải phóng, khắp thị xã nghe lanh lảnh, oang oang, eo éo vở kịch hát thu trong hầm chứa nước nói trên. Ấy vậy mà không có phần thưởng nào hấp dẫn và đẹp đẽ đối với tôi bằng phần thưởng này! Đến năm 1980, vở kịch hát Hòn Khoai được chúng tôi chỉnh lý lại và Đoàn Ca múa Tam Giang dựng lại quy mô hơn với sự cộng tác của Quốc Trụ (đạo diễn), Bá Thái (dựng múa) và Thái Hà (thiết kế mỹ thuật).

V

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.