Nỗ lực gìn giữ chèo
Việc phát triển các loại hình sân khấu cải lương, chèo, tuồng... trong thời buổi giải trí nghe nhìn đa dạng, phong phú như hiện nay luôn đặt ra nhiều thách thức với các nhà hát.
Việc phát triển các loại hình sân khấu cải lương, chèo, tuồng... trong thời buổi giải trí nghe nhìn đa dạng, phong phú như hiện nay luôn đặt ra nhiều thách thức với các nhà hát. Thế nhưng, hai năm qua Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn mạnh dạn thực hiện chương trình “Năm cung chèo” tại nhà hát Kim Mã (Hà Nội) để quảng bá về nghệ thuật chèo cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Thực tế phản ánh, các chương trình giải trí như ca nhạc, truyền hình thực tế... vẫn không ngừng được thực hiện, đồng thời đổi mới hàng ngày ở nước ta để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là có rất ít khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đến các nhà hát để xem một trích đoạn tuồng, chèo, cải lương, ca trù, xẩm... Có lẽ vì thế mà các loại hình nghệ thuật này đang xa dần với thế hệ tương lai. Thời đại mới, với nhiều người trẻ chỉ là K-pop, rock, rap, ballad, hiphop - những thể loại nhạc sôi động nhưng đôi khi có chứa “tạp chất” được thể hiện bởi những “hot boy, hot girl”.
Các nghệ sĩ hòa tấu từ nhạc cụ dân tộc trong chương trình “Năm cung chèo”.
Sự bùng nổ của thế giới giải trí nói trên khiến nhiều nhà hát truyền thống rơi vào cảnh lao đao trong việc bảo tồn cũng như phát triển thị phần khán giả, trong đó có hát chèo. Vì thế, tìm cách để tồn tại hoặc ít nhất để giữ nghề đối với các nhà hát truyền thống là việc làm không thể chậm trễ. Và rồi Nhà hát Chèo Việt Nam cách đây hai năm nảy ra ý định thực hiện chương trình Năm cung chèo, biểu diễn tại Nhà hát Kim Mã tối thứ 6 hàng tuần. NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, Năm cung chèo được xây dựng dựa trên cơ sở khai thác vốn cổ, với trọng tâm là các làn điệu chèo truyền thống, kết hợp với phần âm nhạc được các nhạc sĩ sáng tác thành công cho một số tác phẩm kinh điển như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Xúy Vân... Các tác phẩm này sẽ được thể hiện bằng ngôn ngữ của các nhạc cụ truyền thống như nhị, sáo, trống, mõ, đàn bầu, đàn tranh... chứ không phải ngôn ngữ của lời ca, tiếng hát. Có nghĩa, đây là chương trình “nhạc không lời truyền thống trong nghệ thuật chèo được tấu lên từ nhị, sáo, đàn bầu...
Năm cung chèo hiện nay chỉ diễn ra từ 25-30 phút cho một chương trình quy mô nhỏ. Sở dĩ chương trình này ngắn vì sân khấu hiện nay cho việc quảng bá không đủ đề quy tụ tất cả 20 nhạc công, nhạc cụ của Nhà hát Chèo Việt Nam vào một sân khấu. Cho nên “Chỉ khi nào chúng tôi được đặt hàng hay chương trình lớn nào đó yêu cầu thì Năm cung chèo mới là “đại nhạc hội” - NSƯT Thanh Ngoan chia sẻ. Chương trình này, theo giới chuyên gia sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc chèo nói riêng, nghệ thuật chèo nói chung. Bên cạnh đó, chương trình cũng giới thiệu thêm với khả giả một kênh khác để tiếp cận với sân khấu chèo thông qua những bản nhạc không lời trong nghệ thuật chèo.
Trước đây có thời điểm Nhà hát Chèo Việt Nam phải vay mượn các bản nhạc cổ để thực hiện chương trình Năm cung Chèo vì kho âm nhạc nếu dùng mãi cũng sẽ vơi cạn, nhưng bây giờ thì việc đi vay hay đặt hàng không còn nữa vì khâu sáng tác, nhà hát đã có nhạc sĩ Đào Tuấn Hải, Nguyễn Duy Hòa và nhạc sĩ Huỳnh Tú cũng tham gia để mang lại hơi thở mới. Điều đặc biệt là có lúc Nhà hát Chèo Việt Nam đã hạ giá vé xuống thấp để lôi kéo khán giả tới xem và ủng hộ nhưng vẫn không có ai ngó ngàng.
Nhưng bây giờ khi giá vé tăng thì nhiều người lại tới dù không đông như các chương trình ca nhạc của các ca sĩ dạng hot girl, hot boy trong showbiz Việt. Có đêm diễn là 50 khán giả, cũng có đêm chỉ có 10 người đến xem. Tuy nhiên các nghệ sĩ vẫn thể hiện hết mình, vẫn ngân vang tiếng trống, tiếng đàn và lời ca của chèo đến với khán giả. “Bây giờ cứ mỗi tối thứ 6, Nhà hát Kim Mã lại đón hàng tốp khán giả kéo đến xem Năm cung chèo, thậm chí có nhiều người đến sớm trước khi chương trình diễn ra 30 phút” - NSƯT Thanh Ngoan lạc quan chia sẻ.
Dù chấp nhận thực tế “bữa có bữa không” nhưng Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn bền bỉ với Năm cung chèo. Thu nhập từ chương trình còn ít ỏi và gặp không ít khó khăn nhưng các nghệ sĩ đều chỉ xác định được làm nghề. Nói như NSƯT Thanh Ngoan “vì lòng yêu nghệ thuật, đồng thời cũng là việc gìn giữ những bản sắc văn hóa của Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ cố đến lúc nào không cố được nữa thì thôi”.
(Nguồn: http://suckhoedoisong.vn)