Những tiếng chim trong vườn nhà ngõ phố
Theo thống kê trên website vnmusic.com.vn năm 2013, Hội nhạc sĩ VN có tất cả 1649 hội viên (kể cả những nhạc sĩ đã qua đời). Ngoài hai trung tâm âm nhạc lớn là Hà Nội và Sài Gòn, khoảng một nửa trong số đó đã và đang hoạt động trên 61 tỉnh thành còn lại của đất nước, những nơi mà trên bình diện ca khúc đương đại, chúng ta có thể gọi chung bằng một cái tên là “Những tỉnh lẻ về âm nhạc”.
Vâng, tỉnh lẻ! Một danh từ mang nội hàm của một tính từ. Đó là những nơi cho dù đang lưu giữ một chiếc nôi văn hóa vô cùng phong phú, trong đó có cả một kho tàng âm nhạc cổ truyền; cho dù đang sở hữu vô số những danh lam thắng cảnh, những di sản mang tầm vóc quốc gia và thế giới, trong đó có nhiều di sản âm nhạc; và cho dù không thiếu những tác giả tài năng với hàng nghìn ca khúc đã được sáng tác theo mọi chủ đề, từ địa phương ca đến đất nước ca, từ tình ca đến ca ngợi ca..., trong đó có nhiều tác phẩm từng đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi thố, thế nhưng gương mặt âm nhạc vẫn cứ mang dáng dấp... “tỉnh lẻ”.
Để có thể hình dung được đặc điểm “tỉnh lẻ” biểu hiện như thế nào, chúng ta có thể ví mỗi bài hát như một chú chim với hai thuộc tính cơ bản là hót và bay. Tất nhiên, ở đây chỉ nói về chim trời chứ không phải chim nuôi trong lồng. Chú chim sẽ nhận được nhiều sự chú ý và ngưỡng mộ khi sở hữu một giọng hót hay, lạ và phải có khả năng bay xa để mang tiếng hót của mình đến với nhiều không gian rộng lớn. Trước tiên, chúng ta hãy thử bàn về giọng hót, tức là giá trị nội tại của các ca khúc hiện nay ở khu vực đang nói tới.
Nhạc sĩ Phan Văn Minh (Quảng Nam)
Có thể là do sự ràng buộc bởi các yêu cầu đáp ứng nhiệm vụ văn hóa - văn nghệ ở địa phương, có thể là do những hạn chế về điều kiện tiếp cận với môi trường âm nhạc đương đại, và có thể là do thói quen tư duy sáng tác trong chiếc nôi quê nhà thường dành ưu tiên cho những vấn đề truyền thống, chậm tiếp nhận sự khác biệt, cho nên ở khu vực này tuy vẫn có không ít tác phẩm hay nhưng không nhiều những phong cách lạ. Thiết nghĩ người nhạc sĩ không chỉ cần một kinh nghiệm dày dặn về sáng tác mà còn cần có một độ nhạy về sự chuyển dịch trong xu hướng cảm thụ âm nhạc của công chúng qua không gian và thời gian, cần phải “lắng nghe và thấu hiểu” để thay đổi góc nhìn vào sự vật hiện tượng từ lúc thai nghén cho đến khi hoàn thành tác phẩm. Bên cạnh đó, ngôn ngữ của âm nhạc không chỉ là sự tinh lọc những gì thuộc về quá khứ mà còn phải tiếp cận được với hơi thở của nhịp sống đương đại. Đã qua rồi cái thời viết về một miền quê nào thì cứ liệt kê dày đặc các địa danh, các sự kiện, các sản vật của miền quê ấy. Chúng ta nên hiểu rằng những yếu tố đó mới chỉ là cái vỏ vật chất của một vùng miền. Điều quan trọng là người nhạc sĩ phải tìm ra, cảm xúc và diễn đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật riêng của mình cái tâm thức văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân nơi đó. Trong bài La Paloma của Sebastian Iradier chỉ nêu một địa danh duy nhất là La Habana nhưng toàn thế giới đều nhận diện được không gian thơ mộng và những nét văn hóa phóng túng, lãng mạn của con người vùng biển Carribe. Cũng vậy, bằng cách mô tả dáng dấp các cô gái trong chiếc khăn Ma-tơ-ra cùng với tiết tấu bập bùng của điệu trống ba-ra-nưng, nhạc sĩ Trần Tiến đã cho chúng ta cảm nhận được phần nào tâm hồn của người Chăm bên dòng Hậu Giang. Trong tâm thức của cư dân một cộng đồng địa phương có sự cộng hưởng cả về tri giác với bóng núi hình sông, hương nội cỏ đồng lẫn những yếu tố di truyền về văn hóa, cả nhận thức về những biến cố lịch sử hào hùng và đớn đau lẫn những khát vọng chuyển dịch đổi đời của bao thế hệ, cả sự đồng điệu và chông chênh giữa những phận người trong từng hoàn cảnh...vv và vv...Và để phát lộ ra những điều này không gì ngoài sự tinh tế và tài năng của người sáng tác. Đó chính là nội lực làm nên độ rung cảm mới lạ và sức hút cho tác phẩm âm nhạc. Thế nhưng, trong không gian nhỏ hẹp của một tỉnh thành, mỗi tác phẩm viết ra dường như lúc nào cũng được tác giả của nó cực kì tâm đắc, bạn bè đồng nghiệp khó bề nhìn mặt nhau mà đánh giá thật lòng.
Bây giờ nói về khả năng “bay” của “chim”, tức là sức lan tỏa của tác phẩm trong công chúng âm nhạc.
Có một thực trạng phổ biến ở nhiều tỉnh thành thuộc diện “tỉnh lẻ” là hoạt động quảng bá tác phẩm ít được chú trọng và kém hiệu quả. Hầu hết các nhạc sĩ đều là công chức hưởng lương nhà nước nên việc bỏ ra một khoản “ngân lượng” kha khá để đầu tư cho tác phẩm là điều xa xỉ. Mặc dầu hiện nay đang có sự tiếp sức về “năng lượng” từ quỹ hỗ trợ sáng tác của Thủ tướng và của địa phương, nhưng so với chi phí để đưa được một ca khúc đến với công chúng rộng rãi thì còn rất khiêm tốn. Các nhạc sĩ nhận được tiền đầu tư theo định mức thường chỉ dừng lại ở việc thu âm tác phẩm rồi tự nghe, “tự sướng”, ít ai dám tiếp tục hi sinh tài lực để đẩy cho nó đến với những không gian rộng lớn hơn. Cho nên phần lớn các ca khúc vẫn chỉ lòng vòng trong môi trường “hát cho nhau nghe”, cùng hát cùng vỗ tay cùng khen nhau. Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, chúng tôi gọi đùa đó là những “tiếng chim trong vườn nhà” hoặc “cánh chim trong ngõ phố”.Tâm lí “thỏa mãn non” này còn biểu hiện ngay ở các nhà tổ chức. Chẳng hạn lâu nay trong các cuộc thi, cuộc vận động, cuộc trại sáng tác vốn được tổ chức thường xuyên tại các địa phương, sau khi đã hoàn thành việc “Tổng kết, trao giải và báo cáo tác phẩm” thì Ban tổ chức cũng tự “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và các tác phẩm đoạt giải được cất vào ngăn kéo, không ai nhận trách nhiệm nuôi dưỡng, nâng cánh cho những ca khúc mà trong một chừng mực nào đó chúng đã có giá trị vượt trội. Bên cạnh đó, ngay trong từng tỉnh thành, các cơ quan truyền thông, các đoàn biểu diễn nghệ thuật dường như cũng chưa mặn mà lắm trong việc quảng bá tác phẩm “cây nhà lá vườn” của địa phương mình. Đã vậy, các tổ chức nghề nghiệp như Hội VH-NT và Chi hội Nhạc sĩ cũng đều thiếu mọi điều kiện để làm “bà đỡ” cho tác phẩm đến với công chúng ngay trong nội hạt chứ chưa nói đến phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, căn bệnh “tỉnh lẻ” còn biểu hiện ở một vài “triệu chứng thâm căn” khác như “mục hạ vô nhơn”, “duy ngã độc tôn”, “đèn nhà ai nấy rạng”, có khi còn “vặt lông cánh” nhau để... giảm bớt đà bay(!).
Cuối cùng, nếu gọi là đóng góp một giải pháp “chắp cánh” cho ca khúc thuộc “khu vực tỉnh lẻ” thì chính là việc điều trị các “triệu chứng” của “căn bệnh tỉnh lẻ” nói trên. Đó là giảm bớt tâm lí tự tôn, tự thỏa mãn, chịu lắng nghe và tiếp cận những yếu tố mới; có kế hoạch tập trung nguồn lực và biết liên kết, tận dụng các phương tiện đang có nhằm mở rộng không gian cho những “chú chim ca khúc” đang sở hữu tiếng hót khác biệt đầy nội lực. Bên cạnh đó, với trách nhiệm là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nên dành một nguồn lực hỗ trợ “trọn gói” cho những tác phẩm có giá trị cao đã được thẩm định qua các giải thưởng hằng năm, các cuộc liên hoan âm nhạc, các trại sáng tác... Một trong những cách tiếp sức hiệu quả nhất đối với ca khúc là liên kết với hệ thống VTV để giới thiệu ca khúc mới đến với công chúng cả nước. Nếu không, những tác phẩm dù xuất sắc đến đâu cũng khó lòng cất cánh bay xa, tất cả rồi vẫn chỉ là những cánh chim la đà, tự hót ru mình trong vườn nhà, ngõ phố.
(Tham luận tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX)