Những tiên tri chính xác về âm nhạc thế kỉ 21
Từ thập niên 1970, khi nền công nghiệp âm nhạc còn đang phát triển cực thịnh với những album bán được hàng triệu bản là… “chuyện thường”, một người đàn ông đã nhìn thấy trước một cuộc chuyển mình dữ dội của nền công nghiệp âm nhạc khi thế kỷ 21 bắt đầu.
Các ca sĩ sẽ không thể làm giàu từ việc bán đĩa hát trong thế kỷ 21, nền công nghiệp âm nhạc sẽ hoàn toàn đổi khác so với thế kỷ 20. Điều này đã được học giả người Pháp Jacques Attali khẳng định từ thập niên 1970.
Thuở đó, các ca sĩ vẫn có thể sống “rủng rỉnh” bằng nghề, có thể làm giàu bằng giọng hát và những sản phẩm âm nhạc của mình. Những nghệ sĩ tên tuổi thời kỳ này có thể bán hàng triệu bản album một cách dễ dàng.
Tương lai của nền công nghiệp âm nhạc chưa bao giờ xán lạn đến thế. Số lượng các album âm nhạc bán ra tăng trưởng không ngừng cho tới tận năm 1999 - năm sinh lời nhất trong lịch sử âm nhạc.
Tuy vậy, khi đứng trước thế kỷ 21, cùng với sự phổ biến của Internet và các file nhạc MP3, lượng đĩa nhạc bán ra ngay lập tức sụt giảm không phanh, một cuộc chuyển mình như cơn địa chấn xảy đến trong nền công nghiệp âm nhạc.
Từ trước đó hơn hai thập kỷ, cụ thể là năm 1976, học giả người Pháp Jacque Attali đã nhìn ra trước điều này. Ông viết một cuốn sách dự báo về cuộc khủng hoảng của nền công nghiệp âm nhạc với mức độ chính xác đáng kinh ngạc - cuốn “Tiếng ồn: Kinh tế chính trị của âm nhạc”, trong đó, ông Attali đã gọi cuộc chuyển mình sắp xảy ra là “cuộc khủng hoảng phát triển”.
Khi đó, ông Attali dự báo rằng rồi khán giả sẽ có quá nhiều những sản phẩm âm nhạc để lựa chọn, đến mức các sản phẩm này… không còn nhiều giá trị như trước nữa. Dự đoán này là chính xác khi nhiều người trong chúng ta chẳng còn nhớ nổi lần cuối cùng mình chi tiền mua một đĩa nhạc “xịn” là bao giờ.
Nếu trước đây, khi một nghệ sĩ “trình làng” một đĩa nhạc, anh ta sẽ có thể ngay lập tức kiếm tiền từ sản phẩm vừa ra mắt, dù ít dù nhiều; nhưng giờ đây, việc kinh doanh âm nhạc không còn diễn ra theo cách thuần túy như vậy nữa.
Jacques Attali là một nhà kinh tế học, triết học và chính trị học khá có tiếng,
ông là tác giả của hơn 50 đầu sách. Giờ đây đã ở tuổi ngoài 70,
ông Attali vẫn tiếp tục nghiên cứu và viết sách.
Lý giải về những dự đoán chính xác của mình trước biến động trong nền công nghiệp âm nhạc, ở giai đoạn chuyển giao thế kỷ, ông Attali từng cho rằng âm nhạc rồi sẽ được sản xuất ra đến mức “ê hề, thừa mứa” khiến người nghe “ngập lụt” trong các nhạc phẩm mà họ sẽ không bao giờ có thể nghe hết được. Đó chính là khi hình thức kinh doanh âm nhạc theo kiểu băng đĩa gần như sụp đổ.
Trong hoàn cảnh này, người nghe sẽ được lợi, nhưng nghệ sĩ sẽ bắt đầu gặp khó, bởi họ phải năng động hơn bao giờ hết, không thể sống dựa vào việc bán đĩa hát được nữa.
Giờ đây, khi những biến chuyển trong nền công nghiệp âm nhạc đã diễn ra theo đúng như những gì ông Attali dự đoán, rằng việc bán đĩa nhạc sẽ bị sụt giảm mạnh mẽ bởi “cuộc khủng hoảng phát triển”, thì ông Attali lại vừa có một dự đoán mới cho tương lai của nền âm nhạc.
Theo ông Attali, rồi đây, thứ duy nhất hiếm có đối với con người nói chung, chính là thời gian rảnh rỗi và chỉ có thời gian là không thể “copy”. Vì vậy, khi một nghệ sĩ “bán” cho khán giả những trải nghiệm “sống”, những trải nghiệm duy nhất chỉ có một lần, như những buổi hòa nhạc chẳng hạn, thì riêng loại trải nghiệm này sẽ có giá trị không thay đổi.
Giờ đây, khi đã bước vào thế kỷ 21, và những dự báo từ thế kỷ 20 của ông đã được chứng minh bằng chính thực tế, ông Attali lại bắt đầu có niềm tin rằng tương lai dành cho những nghệ sĩ chân chính theo đuổi sự nghiệp âm nhạc vẫn còn đó, nếu họ có đủ tài năng để đưa lại cho khán giả những trải nghiệm “sống” thực sự đắt giá.
(Nguồn: http://dantri.com.vn)