Những suy nghĩ về Đào tạo sáng tác khí nhạc dân tộc cổ truyền cách tân
Nếu nói về Âm nhạc mới Việt nam thì rất rộng nên trong hội thảo này, xin quí vị cho phép tôi được đề xuất, trinh bày một số ý kiến về lĩnh vực khí nhạc, sáng tác những tác phẩm viết cho dàn nhạc dân tộc đương đại. Trước khi vào nội dung chính, xin cho tôi được đôi lời tóm lược tình trạng âm nhạc hiện nay. Điều này có quan hệ tới vấn đề chính mà tôi sẽ trình bày ở dưới đây.
Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển loại hình này cùng với những khái niệm về truyền thống - đương đại, vấn đề Bảo tồn – Phát huy và Kế thừa – Phát triển, về phong cách, ngôn ngữ, bút pháp, sự tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa âm nhạc thế giới…đã được chúng ta bàn luận nhiều trong các hội thảo, nhiều bài viết đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành, trong các công trình lý luận, đặc biệt là công trình “Âm nhạc Việt Nam – Tiến trình và thành tựu” của nhóm tác giả: PGS-TS Tú Ngọc, PGS-TS Nguyễn Thị Nhung, TS Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên đã tổng hợp, phân tích, đúc kết tương đối cụ thể, chi tiết và quan trọng là đã khẳng định âm nhạc mới, trong đó có phần sáng tác và biểu diễn những tác phẩm khí nhạc dân tộc đương đại đã góp phần xây dựng nền âm nhạc mới Việt Nam theo đúng quan điểm, đường lối Văn hóa – Nghệ thuật của Đảng là KHOA HỌC – DÂN TỘC – ĐẠI CHÚNG và đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Nghị quyết TƯ 5 ( khóa VIII, 1998): “Xây dựng một nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến – đậm dà bản sắc dân tộc” đã đạt được những thành tựu, phản ánh các giai đoạn lịch sử của đất nước, phục vụ có hiệu quả cho quân dân cả nước trong sự nghiệp Cách mạng giành Độc lập-Tự do-Thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời kỳ đổi mới, đất nước mở cửa, tiếp nhận cơ chế thị trường, có nhiều cái tốt nhưng cũng có những cái chưa tốt ( nếu không muốn nói là xấu), nền văn hóa (trong đó có âm nhạc) của chúng ta bị ảnh hưởng đáng kể, các cơ quan lãnh đạo quản lý, các báo chí, phương tiện truyền thông đã phê phán, uốn nắn những hiện tượng xấu đó. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp, hội thảo và qua báo chí, truyền thông đấu tranh với những lệch lạc, sai định hướng, không chỉ phê phán một số nhỏ nhạc sĩ (về sáng tác), diễn viên (về biểu diễn) mà cả các cá nhân, tổ chức( in ấn nhạc phẩm, thu thanh, ghì hình sản xuất những băng đĩa, tổ chức các buổi biểu diễn…) đã thương mại hóa âm nhạc, làm mất đi những giá trị đích thực của âm nhạc . TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã viết nhiều bài về tình trạng âm nhạc hiện nay. Bài Vai trò của âm nhạc trong việc xây dựng tính cách, tâm hồn con người Việt Nam và bài Những vấn đề bức xúc trong đời sống âm nhạc hiện nay đã nêu toàn cảnh tình hinh âm nhạc, Ông nhấn mạnh: để thực hiện Nghị Quyết 5 ( khóa VIII- 1998) và Nghị quyết số 23 của Bộ chính trị (16/6/2008): Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới thì không chỉ toàn ngành âm nhạc tiến hành mà phải có sự phối hợp với Bộ Văn hóa-TT-DL, với các cơ quan quản lý văn hóa, với Đài Tiếng nói VN, Truyền hình TƯ, các cơ quan truyền thông, báo chí…để có một kế hoạch đồng bộ, thống nhất thì việc thực hiện mới có hiệu quả. Đánh giá thực trạng quá trình phát triển âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, ngoài thành tựu Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân còn nêu nhiều nhược điểm và những kiến nghị những giải pháp để khắc phục những nhược điểm đó.
Tôi nghĩ đào tạo là vấn đề then chốt, là khâu đầu tiên rất quan trọng để chúng ta có những nhạc sĩ có đủ khả năng sáng tác những tác phẩm âm nhạc có giá trị về nội dung tư tưởng và có giá trị cao về nghệ thuật, thứ hai là những tác phẩm đó phải được đầu tư dàn dựng, trình diễn để phục vụ công chúng, phải được công chúng cảm thụ , hiểu và yêu thích …Như vậy âm nhạc mới góp phần xây dựng tâm hồn, tính cách con người, mới nâng cao được trình độ thẩm mỹ của công chúng. Đó là mục tiêu cuối cùng của chúng ta. Nhưng thực hiện được mục tiêu đó còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề mà tôi sẽ lần lượt trình bầy dưới đây
1/ Đào tạo – Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về đội ngũ nhạc sĩ sáng tác các thể loại khí nhạc dân tộc cổ truyền đương đại. Ngay từ năm đầu tiên thành lập (1956), Trường Âm nhạc đã có bộ môn âm nhạc dân tộc, giảng dạy các bài bản cổ truyền, các bài dân ca, dân nhạc của các dân tộc, các vùng miền, các làn điệu âm nhạc sân khấu như Chèo, Tuồng, Cải lương và tập luyện diễn tấu các loại nhạc cụ dân tộc như Sáo, Bầu, Nhị, Nguyệt, Tranh, Tam thập lục… do các nghệ nhân đặc trách.
Hai năm sau, số lượng học sinh học các nhạc cụ dân tộc đã có đủ một dàn nhạc dân tộc loại trung. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, hai nhạc sĩ Tạ Phước và Tô Vũ đã sáng tác bản Hòa tấu đầu tiên Nông thôn đổi mới để dàn nhạc dân tộc đương đại tập luyện, biểu diễn. Một năm sau, tác phẩm Nhớ về Nam độc tấu Sáo Trúc và dàn nhạc dân tộc do hai nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và Ngọc Phan sáng tác đã ra đời cùng với một số tác phẩm của các nhạc sĩ khác.
Trước thực tế đời sống nghệ thuật nước ta đã có những Nhu cầu đòi hỏi khách quan khá bức thiết và về chủ quan chúng ta đã có những lực lượng cần thiết về biểu diễn, về sáng tác và sưu tầm nghiên cứu, năm 1962 Bộ Văn hóa –Thông tin đã quyết định thành lập đoàn Ca nhạc Dân tộc TƯ. Đây là một chủ trương thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật hợp quy luật, hợp với ý nguyện cả của những người làm nghệ thuật lẫn công chúng yêu nghệ thuật dân tộc.
Từ đó, khi chúng ta đã có một dàn nhạc dân tộc đương đại gồm gần 10 Nghệ nhân và hơn 40 diễn viên được đào tạo chính quy tại Trường âm nhạc Việt Nam, sử dụng thành thạo hơn 20 loại nhạc cụ dân tộc , nên rất nhiều nhạc sĩ yêu âm nhạc dân tộc đã sáng tác nhiều thể loại từ độc tấu, song tấu các loại nhạc cụ dân tộc tới hòa tấu từ nhỏ tới quy mô lớn để dàn nhạc tập luyện, biểu diễn. Đi đầu là cố nhạc sĩ Nguyển Xuân Khoát với Tổ khúc 6 chương Ông Gióng, một tác phẩm rất có giá trị nghệ thuật, đã sống cùng năm tháng cho tới ngày nay, tiếp theo là nhạc sĩ Hoàng Đạm với Dòng kênh trong độc tấu đàn Bầu, Hội nghị Diên Hồng hòa tấu lớn có lời thoại, nhạc sĩ Huy Thục với Vì Miền Nam độc tấu đàn Bầu…cùng với rất nhiều nhạc sĩ khác đã hình thành một lực lượng sáng tác khá hùng hậu. Trong đội ngũ sáng tác, có thể tạm chia thành 2 bộ phận :
a/ Những nhạc sĩ chuyên về sáng tác được đào tạo ở nước ngoài và trong nước, nắm rất vững những kỹ năng sáng tác nhạc không lời. Tuy học ở nước ngoài nhưng với lòng yêu mến âm nhạc dân tộc, nhiều nhạc sĩ đã tự tìm hiểu, học tập những tinh hoa âm nhạc dân tộc, bổ sung những kiến thức cần thiết để viết những tác phẩm dân tộc. Kết quả, nhiều nhạc sĩ đã thành công, có nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại có chất lượng được công chúng yêu mến đón nhận. Còn những nhạc sĩ học ở trong nước, ngoài những kỹ năng cơ bản sáng tác nhạc không lời tiếp thu của thế giới còn được học âm nhạc dân tộc cổ truyền, lại được các giáo sư, giảng viên là những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng, có trình độ về phương pháp đào tạo, có nhiều kinh nghiệm kết hợp tinh hoa âm nhạc dân tộc với tinh hoa âm nhạc thế giới giảng dạy nên cũng rất thuận lợi trong sáng tác những tác phẩm có chất lượng.
b/ Những tác giả khởi đầu được đào tạo để trở thành những diễn viên , sử dụng thành thạo 1, 2 nhạc cụ dân tộc để biểu diễn, được học từ 6-7 tuổi, 15 năm qua sơ cấp, trung cấp, đại học, có người lại là con cháu của các nghệ nhân, nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng, thừa hưởng “ gien” âm nhạc của ông cha, nên âm nhạc dân tộc đã thấm vào máu, lại qua biểu diễn các tác phẩm độc tấu , hòa tấu, ít nhiều cũng nắm được cách viết , nên khi có cảm hứng cũng sáng tác, trước hết viết tác phẩm độc tấu cho nhạc cụ chính mình biểu diễn, sau đó phát triển sang các nhạc cụ khác, các thể loại khác như song tấu, hòa tấu…Ưu điểm của những tác phẩm của các tác giả này là gần gũi với dân gian dân tộc, ít phát triển xa nên màu sắc dân tộc được tô đậm do giai điệu thể hiện được đặc trưng, phong cách của dòng nhạc tác giả lựa chọn, “ khoe” được những kỹ thuật diễn tấu độc đáo của nhạc cụ như luyến, láy, nhấn, rung, vuốt, vỗ…nên được rộng rãi công chúng yêu mến đón nhận vì âm nhạc dễ hiểu, hấp dẫn. Chúng ta có thể kể: viết cho đàn Nguyệt có cố nhạc sĩ Xuân Khải, Xuân Ba, cho đàn bầu có Nguyễn Tiến, Thanh Tâm, Xuân Khải, cho Sáo trúc có Ngọc Phan, Đinh Thìn, Đỗ lộc, Hồng Thái, Tiến Vượng, cho đàn Nhị có Thao Giang, Trần Chính, Thế Dân, cho Đàn Tranh có Phương Bảo, Bích Vượng, Thúy Hoan, Nguyễn văn Đời, cho Tỳ Bà có Mai Phương, cho Sáo H’Mông có Lương Kim Vĩnh, cho đàn T’ưng có Nay Phia, Đỗ Lộc…còn rất nhiều tác giả khác, xin thứ lỗi không thể kể hết. Nhưng các tác giả thuộc bộ phận này cũng có những hạn chế do không được đào tạo chuyên ngành sáng tác để nắmđầy dủ những kỹ năng sáng tác nhạc không lời nên những tác phẩm viết ra chỉ là những tiểu phẩm ngắn gọn, chưa có ai viết được những tác phẩm dài hơi, có qui mô lớn.
Gần 20 năm qua, tôi được tham gia trong hội đồng giám kháo các cuộc thi, liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, 3 lần làm chủ tịch Hội Đồng( 2003, 2008, 2012) khi báo cáo tổng kết cuộc thi thì thấy có rất ít những sáng tác mới, các thí sinh đều chọn những tác phẩm cũ, sáng tác từ 2-30 năm trước để dự thi. Chất lượng của những sáng tác mới cũng ở mức trung bình chưa có những tìm tòi sáng tạo đáng kể. Nhiều tác phẩm chưa làm nổi bật những tinh hoa của các dòng nhạc dân tộc. Cách viết thể loại độc tấu chưa tạo điều kiện để diễn viễn phát huy tối đa về kỹ thuật diễn tấu. Về hòa tấu cũng vậy, tác giả chưa nắm vững những đặc trưng, tính năng của các loại nhạc cụ, nên mầu sắc âm thanh của từng loại nhạc cụ không được nổi bật. Hầu hết là diễn tấu đồng âm, đôi chỗ có lĩnh tấu nhưng đặt giai điệu lĩnh tấu ở âm khu không thuận lợi, âm lượng nhỏ, các bè phụ họa lại quá dầy, âm lượng lớn nên át bè lĩnh tấu, chưa nói đến biết cách sử dụng những nhân tố âm nhạc để tạo hình tượng trong hòa tấu nên đã làm thể loại hòa tấu nghèo nàn, chỉ có thể gọi là đồng tấu. Hàng năm, Hội nhạc sĩ cũng có cuộc thi có giải thưởng, mấy lần tôi được dự trong Hội đồng chấm thi thì thấy rất ít tác phẩm khí nhạc dân tộc được giải Nhất, chỉ có giải Nhi, Ba hoặc Khuyến khích. Tôi nghĩ tình trạng đó do nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ do Đào tạo.
Về Đào tạo, tôi thấy Nhạc viện đã rất chú trọng đến âm nhạc dân tộc. Các giáo trình, giáo án đều rất có bài bản, khoa học. Qua mỗi thời kỳ lại có những điều chỉnh, bổ sung để nâng cao hiệu quả đào tạo. Nhưng trong tình hình mới, để không bị ảnh hưởng bởi những tác động của cơ chế thị trường, ngoài việc kiên trì định hướng, trong giáo trình, giáo án chúng ta nên tập trung vào 2 lĩnh vực âm nhạc truyền thống và âm nhạc hàn lâm, có qui chế chặt chẽ trong các học kỳ, các sinh viên đại học sáng tác nhạc truyền thống, bắt buộc phải có những bài tập viết về âm nhạc dân tộc ở các thể loại từ dễ đến khó, nhỏ đến lớn. Các sinh viên sáng tác nhạc hàn lâm phải viết những bài tập mang đậm mầu sắc dân tộc Việt Nam. Nên tăng giờ giảng dạy về tính năng nhạc cụ dân tộc và phối khí cho dàn nhạc dân tộc đương đại, vì phối khí cho dàn nhạc Giao hưởng và dàn nhạc Dân tộc có những nguyên lý, phương pháp chung , nhưng cũng có nhiều cái riêng, không thể áp dụng toàn bộ cách phối khí Giao hưởng cho dân tộc được. Khi thi tốt nghiệp đại học, cùng với tác phẩm dòng nhạc Hàn lâm, rứt khoát phải có 1 tác phẩm nhạc dân tộc.
Nên chăng, Nhạc viện lập một thư viện âm thanh ( như các nhạc viện quốc tế đã làm) trong đó có đủ mọi tư liệu về nhạc cụ dân tộc chủ yếu, có dẫn giải bằng lời và bằng âm thanh minh họa về tính năng, màu sắc âm thanh, âm lượng, âm vực, âm khu thuận lợi, các kỹ thuật diễn tấu đặc trưng của nhạc cụ đó…cùng với những tác phẩm dân tộc đương đại có chất lượng cao thuộc các thể loại độc tấu, song, tam, tứ, tấu đến hòa tấu lớn nhỏ.Việc có những tác phẩm không khó khăn tốn kém gì, chỉ cần nhạc viện mượn băng đĩa của các tác giả sao chép lại. tôi tin rằng các tác giả sẵn sàng cung cấp vô điều kiện. Có thư viện âm thanh như vậy sẽ giúp rất nhiều cho sinh viên tham khảo mỗi khi sáng tác, kể cả dòng nhạc Nhẹ để dân tộc hóa, xây dựng một dòng nhạc Nhẹ Việt Nam.
2/ Sáng tác và vấn đề đầu tư cho sáng tác - Cho dù ngành đào tạo đã làm hết chức năng, đã trang bị đầy đủ mọi kiến thức cần thiết cho sinh viên tốt nghiệp ra trường, nhưng sáng tác lại là việc của sinh viên đó. Có vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tế sáng tác? có hòa mình vào thực tiễn cuộc sống ? có chịu tìm tòi sáng tạo ?...
Nói chung, hầu hết nhạc sĩ thuộc các thế hệ từ già đến trẻ, kể cả những sinh viên mới tốt nghiệp ngành sáng tác, ai cũng mong muốn mình viết được tác phẩm để phục vụ xã hội. Nhạc sĩ trẻ mới vào nghề thì thận trọng, khiêm tốn, khởi đầu bằng những thể loại nhỏ rồi dần dần từng bước phát triển, viết các thể loại lớn. Nhạc sĩ lớn tuổi đã viết nhiều thể loại, đã có những tác phẩm thành công thì tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để sáng tạo những cái mới để viết những tác phẩm có quy mô lớn, có giá trị về nội dung tư tưởng, về nghệ thuật để trước hết phục vụ yêu cầu ngày một cao của công chúng, sau là mong muốn trong sự nghiệp sáng tác của mình có những tác phầm sống với thời gian và để lại cho đời sau.
Mong muốn thì như vậy nhưng thực hiện thì không dễ. Để viết một tác phẩm khí nhạc có quy mô lớn, có chất lượng thì phải mất hàng năm, ngày đêm suy nghĩ tim đề tài, xác định nội dung, chọn thể loại, hình thành sơ bộ cấu trúc, hình thức âm nhạc, xây dựng chủ đề chính, phụ…và tim tòi sáng tạo những cái mới. Thời gian thai nghén có khi mất tới 5-7 tháng. Nhưng viết xong thì đến công đoạn dàn dựng, biểu diễn, đơn vị nghệ thuật nào sẽ nhận dàn dựng biểu diễn ? và lấy kinh phí ở đâu, ai cấp?
Hàng năm Nhà nước cấp kinh phí cho các Hội Văn học Nghệ thuật hoạt động, trong đó có khoản tiền đầu tư cho sáng tác, nhưng không thể dàn trải ở diện rộng mà phải chọn lọc, mà cũng chỉ đầu tư cho sáng tác, còn tiền dàn dựng biểu diễn thì không biết lấy ở đâu? Cho nên, nhiều nhạc sĩ đã viết xong , đành ngậm ngùi cất vào tủ để chờ thời cơ. Do đó, nhiều nhạc sĩ đã chọn những thể loại dễ viết, không mất nhiều thời gian, dễ biểu diễn lại có thu nhập… để sáng tác.
Có một tin vui để chúng ta hy vọng: Ngày 2-11-2012 Hội Nhạc sĩ tổ chức một buổi tọa đàm về “Sáng tạo âm nhạc về đề tài lịch sử”. Trong buổi đó có các dồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn TƯ, Quốc hội, Hội đồng Lý luận Văn học- Nghệ thuật TƯ, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật TƯ tham dự. Sau khi nghe các nhạc sĩ đọc tham luận và phát biểu, các đồng chí lãnh đạo đã đề xuất 2 vấn đề:
1/ Phải khôi phục. dàn dựng và biểu diễn những tác phẩm có giá trị cao về nội dung tư tưởng, về Nghệ thuật viết về lịch sử từ nhiều thập kỷ trước.
2/ Nên đặt hàng các nhạc sĩ viết các tác phẩm theo yêu cầu của nhà nước về nội dung , thể loại và qui mô lớn nhỏ, nhà nước sẽ đầu tư đầu vào và đầu ra.
Tôi nhớ năm 1995, để có những tác phẩm qui mô lớn chào mừng 50 năm ngày Quốc Khánh 2-9, Bộ Văn hóa- Thông tin đã mời một số nhạc sĩ để đặt hàng viết tác phẩm. Tôi và 2 nhạc sĩ Xuân Tứ, Trọng Đài viết về hòa tấu dân tộc. Cả 3 tác phẩm do chúng tôi viết đều được công nhận sử dụng trong các chương trinh. Tổ khúc 4 chương Tây Nguyên của tôi vinh dự được biểu diễn trong chương trình chính thức. Năm 1996, được Hội Nhạc sĩ VN trao Giải Nhất thể loại Hòa tấu lớn và sống cho tới ngày nay, nhiều lần được biểu diễn tại Hà Nội và Tp HCM. Năm 2005, Bộ Văn hóa-TTin cũng đặt hàng viết tác phẩm Nhạc Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương. 5 nhạc sĩ gồm tôi và các Nhạc sĩ Huy Thục, Nguyễn Chính, Đặng Nhất Mai và Đào Đăng Hoàn được tham gia viết. Kết quả, cả 5 tác phẩm chúng tôi viết đều được dùng chính thức trong lễ hội hàng năm. Tôi giới thiệu như vậy không có ý tự khoe mình mà muốn nói: Hiệu quả của việc đặt hàng, khi tác giả đã nhận thì sẽ có trách nhiệm, hết lòng dốc sức, dùng hết khả năng của mình để viết tác phầm có chất lượng.