Những nẻo đường… cao học
Những tưởng chuyện đi học, lại là học cao học thì ai cũng muốn, như thể cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Vậy mà, trên những nẻo đường đi học cao học, lại khối chuyện oái ăm, bi hài. Ấy là câu chuyện của các học viên đến từ miền Trung, Tây nguyên, Tây Nam bộ và tít tắp Ca Mau, Bạc Liêu… đi học cao học tại Học viện Âm nhạc Huế.
Con số ấn tượng
Thông tin thời nay quả thật là nhanh, vừa ra thông báo tuyển sinh và đào tạo cao học âm nhạc tại Huế thì chỉ mấy ngày sau, thi sinh cả nước, đặc biệt là thí sinh ở các tỉnh, thành miền Trung, Tây nguyên, Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long… đã có nhiều cuộc điện thoại gọi đến Học viện để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết. Mới đó mà đã 3 khóa tuyển sinh đào tạo cao học âm nhạc tại Huế kể từ khóa đầu tiên vào năm 2011, với tổng số học viên là 127 người, trung bình trên 40 học viên/1 khóa, quả là một con số ấn tượng đối với việc tuyển sinh đào tạo cao học âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Huế so với các Học viện, Nhạc viện Việt Nam - Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế đã nói với tôi như vậy sau buổi khai giảng lớp cao học khóa III. Tôi chưa kịp hỏi thêm, thầy Đức đã tiếp: Nhưng mà cũng lắm nỗi niềm lắm anh ơi, có lẽ anh nên trực tiếp tìm hiểu để cảm thông, chia sẻ với các học viên cao học âm nhạc của Học viện chúng tôi.
Trốn chồng, mẹ bồng con đi học.
Cô Nguyễn Thị Q.N tâm sự: từ việc tìm hiểu thông tin để đi thi cho đến trúng tuyển đi học em đều phải dấu ông xã em. Cũng may là anh ấy công tác ở tỉnh xa, nhiều khi cả tháng, vài tháng mới về nhà một lần. Tại sao không nói thật với anh ấy? - Tôi hỏi. Được vậy thì nói làm gì, chắc chắn là anh ấy sẽ gạt ngay. Con thì còn nhỏ, việc dạy học ở trường, việc nhà còn chưa kham nổi, nói chi tới chuyện đi học. Rồi đi học thì con nhỏ ai trông, ai chăm. Thôi thì liều vậy, lúc gửi được thì em gửi con cho ông, bà đưa đón học mẫu giáo, chăm sóc, giờ dạy ở trường thì nhờ cô bạn dạy thế, lúc không gửi được thì em bồng con theo, cũng phức tạp lắm anh ơi, đó là chưa kể tiền bạc, chi phí ăn ở. Nhưng bọn em đều có chung một suy nghĩ rất đơn giản thực tế: được đi học và dù sao học ở Huế vẫn rẻ hơn ở nhiều nơi. Rồi ông xã cũng đã biết? - Dạ, thì tất nhiên, và anh ấy cũng đã thông cảm, không giận cũng không tỏ ra đồng tình, vậy là em mừng lắm rồi.
Vừa học vừa làm cách xa chừng…500 cây số.
Đó là trường hợp cô Phan Thị N.H. Thật oái ăm cho cô ấy. Nhà trường đồng ý cho cô đi học nhưng phải đảm bảo giờ dạy ở trường. Số giờ không nhiều lắm nhưng vừa đi học vừa đi làm cách nhau ngót… 500 cây số đường thì e chỉ có Lão Tôn bên Tàu với 72 phép thần thông biến hóa mới có thể làm được, chưa nói là Lão ấy có dạy được chương trình cải cách giáo dục phổ thông của ta hay không, ấy là điều còn phải xem xét lại. Và rồi cô đã xử lý ra sao? - Dạ, thì phải nhờ người dạy thay thôi anh ạ, mà đúng hơn là mướn (thuê) người dạy thay. Vì dạy giúp một vài buổi thì được, nhưng có khi em đi học liên tục cả 3 tháng liền, bạn em dạy giúp cũng phải kêu trời.
Quyết bảo vệ quyền được đi học.
Trường hợp cô Nguyễn Thị L khi viết đơn xin đi học đã không được hiệu trưởng phê duyệt, nhưng cô vẫn quyết vào Huế để dự thi tuyển rồi tính sau. Cũng may là đúng vào dịp nghỉ hè nên chuyến “trẩy kinh ứng thí” của cô có vẻ êm xuôi, mát mái, chẳng ai có thể cản ngăn được. Đến khi có giấy báo trúng tuyển nhập học, cô không biết phải xoay xở thế nào, thôi thì thêm một lần năn nỉ, tỉ tê, biết đâu hiệu trưởng có thể chạnh lòng. Nào ngờ, ước mơ, khát vọng được đi học của cô đụng phải khuôn mặt lạnh lùng không chút thiện cảm của ông hiệu trưởng. Bấy giờ, ngọn lửa truyền thống anh hùng của những cô gái trên quê hương Đồng Lộc bỗng rực lên trong ánh mắt quả quyết của cô - Em xin đi học để nâng cao trình độ mà thầy không cho thì thầy cứ ký vào đơn là không cho đi học để em lên trình sở cứu xét cho em. Ông hiệu trưởng chợt tỉnh “thói quen” quyền lực thường ngày của một vị chức sắc công quyền - Này, thôi, đưa đơn đây để tôi ký cho đi học.
Hành trình ngót 1.500 cây số đến trường.
Tôi mời anh Nguyễn Thành Ng. (một học viên đến từ đồng bằng sông Cửu long) ra Cantin uống nước để trò chuyện cho tiện. Ng. nói tôi cứ ra trước, lát đã thấy cậu chàng cắp một chai rượu trắng và mấy con cá khô trông rất lạ. Tôi nói: uống rượu thì làm sao mà học - Dạ, cuối giờ rồi làm chút chút lai rai với anh cho vui, em mới lần đầu tiên ra Huế mà, hì hì… Ng. đích thị là một anh Hai lúa miệt vườn, tôi nghĩ như vậy. Và cũng vì câu chuyện anh kể cho tôi nghe cứ bỗ bã, thô mộc, hài hước, “zui zui” kiểu dân Nam Bộ - Anh hỏi em đi từ trong đó ra đây bằng phương tiện gì à, nhiều phương tiện lắm anh ạ. Tờ mờ sáng vợ em chèo ghe chở em lên thành phố, rồi em bắt xe ôm vào bến xe mua vé về Sài gòn, xuống xe ô tô lại bắt xe ôm đến ga tàu hỏa, rồi gặp được chuyến tàu nào ra Bắc gần nhất là mừng như bắt được vàng, cũng có khi phải đợi đến tối mới có tàu ra Bắc, mà nói thiệt với anh, bọn em ít tiền, chủ yếu là đợi bắt tàu giá thấp thôi, đi chậm cũng được như TN2, TN4 chẳng hạn, sau đó, lại tiếp tục hành trình ngót 25 tiếng nữa thì mới ra tới Huế. Đoạn, nhai tý khô cá, nhấp 2 ly rượu, anh cao giọng: mà đôi khi gấp quá, trễ ngày nhập học, em cũng phải liều đi máy bay, chơi luôn. Đoạn, Ng. nhấp thêm một ly nữa, không quên mời tôi nâng ly, anh hạ giọng - Những chuyến tàu bay như vậy đi đứt tiền bán một lứa heo anh ạ, rồi thì việc học còn dài dài, còn phải ra vào nhiều chuyến nữa và cả chục thứ phải chi tiêu anh ạ. Nghĩ cũng tội cho vợ em tất bật tối ngày, đồng áng, heo, gà, cóp nhặt từng đồng nuôi con, nuôi chồng đi học. Anh uống đi, mà mồi một một chút, cá Sắp bổi đó anh, quê em đặc sản là các loại cá như cá Sắp bổi, cá Kèo, cá Thòi lọt, mà nhờ mấy con khô cá này với chai xị đế cũng đỡ tiền ăn một ngày trên tàu đó anh ạ, hì hì…
Lời kết
Đi học và học sau đại học sẽ cống hiến tốt hơn cho nhà nước và xã hội, đó cũng là chủ trương nhất quán của đảng và nhà nước, nên dù khó khăn, gian khổ đến mấy, các học viên đều cố gắng vượt qua. Chỉ tiếc là điều kiện kinh tế xã hội miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn nghèo. Chí ít, có được sự động viên của nhà nước, gia đình và xã hội thì ước mơ, khát vọng được học tập vươn lên của thế hệ trẻ và con đường đi học của họ dù còn nhiều gian nan, vất vả vẫn xanh thắm màu như những nẻo đường phù sa./.