"Những mùa Nga" ở Đức
Các nhà hát và dàn nhạc Nga sẽ trình diễn trong những sự kiện văn hóa phong phú và đa dạng tại khắp nước Đức trong suốt năm nay.
Stephan Steinlein, Chánh văn phòng Tổng thống Đức và Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nga Olga Golodets mở màn "Những mùa Nga". Nguồn: DW
Nghệ sỹ piano 11 tuổi Alexandra Dovgan lần đầu trình tấu tại phòng hòa nhạc của Berlin Philharmonic vào ngày 7/1 – ngày Giáng sinh của nước Nga. Giống như một thiên thần ngày Giáng sinh, cô bé đã mở màn "Những mùa Nga" với âm nhạc của Bach. Bản thân Dovgan là một tài năng âm nhạc được hưởng chế độ giáo dục sớm của nước Nga.
Sau đó là Iolanta — vở opera cuối cùng của nhà soạn nhạc Pyotr Tchaikovsky do các nghệ sỹ trẻ của nhà hát nổi tiếng Mariinsky Theater, thành phố St. Petersburg biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Valery Gergiev – giám đốc nghệ thuật nhà hát. Trong câu chuyện thần tiên đầy mê hoặc, công chúa Iolanta bị mù bẩm sinh đã được trao món quà nhìn thấu tình yêu...
Người ta có thể coi chương trình biểu diễn của đêm ra mắt "Những mùa Nga" như một nỗ lực mang tính biểu tượng để tạm quên đi chuyện chính trị và hướng đến sức mạnh gắn kết và hòa giải của văn hóa – âm nhạc có thể giúp người ta xích lại gần nhau, tạm gác chuyện sáp nhập Crimea, chiến tranh ở Donbass hay việc tuyên truyền chống lại đạo diễn nhà hát Kirill Serebrennikov.
Giới thiệu nền văn hóa Nga với thế giới
Valery Gergiev, “bộ trưởng văn hóa” không chính thức của nước Nga. Nguồn: DW
Trao đổi văn hóa đã được chứng minh là hiệu quả trong đối thoại ngay cả trong những thời kỳ tồi tệ nhất. Khi bầu không khí chính trị đã bớt căng thẳng, Nga và Đức đã bắt đầu triển khai một mô hình festival văn hóa song phương, lần lượt được tổ chức vào năm 2002/2003 và 2014/2015. Các chương trình của những festival này do cả hai quốc gia xây dựng và bao gồm cả những dự án chung, trong đó có màn trình diễn của khách mời.
Dẫu sao, festival "Những mùa Nga" năm nay lại là đường một chiều, hoàn toàn từ phía Nga. Đây là một dự án lớn do chính phủ Nga và Bộ Văn hóa Nga khởi xướng năm 2016 với mục tiêu giới thiệu sự phong phú và giàu có vô song của văn hóa Nga với khán giả quốc tế. Năm 2017, được tổ chức tại Nhật Bản, “Những mùa Nga” thu hút 3,5 triệu khán giả và năm 2018, diễn ra tại Ý, nó gồm 310 sự kiện ở 74 thành phố, thu hút số lượng khán giả kỷ lục là 6 triệu người. Năm nay, Đức là trung tâm chú ý sau khi các chiến lược gia của Bộ Văn hóa Nga loại bỏ Mỹ và một số quốc gia khác do ít phù hợp với quan điểm của nước Nga.
Giờ đây nước Đức có thể tận hưởng những "món quà văn hóa nhập khẩu" từ Nga, không chỉ ở các thành phố lớn như Berlin hay Munich mà còn tại Darmstadt, Zerbst và Quakenbrück. Theo Bộ Văn hóa Nga, 453 sự kiện văn hóa tại 77 thành phố Đức sẽ được diễn ra trong vòng 12 tháng với sự tham gia của Bảo tàng Nga, Bảo tàng Tretyakov, nhà hát Mariinsky, Dàn nhạc trẻ toàn Nga, dàn nhạc thính phòng Moscow Virtuosi, cùng nhiều nhà hát như Vakhtangov, Helikon-Opera, ET CETERA...
Chương trình này giống như một kiểu Who's Who của văn hóa Nga với rất nhiều các màn múa, cả trên sân khấu và sân băng. Các nghệ sỹ trình diễn bao gồm cả sinh viên của Học viện Ballet Nga huyền thoại Vaganova và Eifman Ballet tại St. Petersburg, cũng như những nghệ sỹ nhào lộn trên băng trình diễn Carmen on Ice của Ilya Averbukh.
Các dự án triển lãm quy mô lớn không khả thi với thời gian tổ chức nên các triển lãm quy mô nhỏ hơn đã được ấn định như triển lãm ảnh “St. Petersburg từ góc nhìn của một thiên thần: nhìn từ nhà thờ thánh Isaac Cathedral” ở Düsseldorf.
Nhạc trưởng Vladimir Spivakov và Yuri Bashmet sẽ trình tấu cùng các dàn nhạc của mình. Còn Valery Gergiev, “bộ trưởng văn hóa” không chính thức của nước Nga và nghệ sỹ Nga nổi tiếng bậc nhất trên sân khấu phương Tây, cũng có mặt trong chương trình âm nhạc xuất sắc này. Khán giả có cơ hội thưởng thức màn trình diễn của nhạc trưởng bậc thầy với dàn nhạc Nga nhiều lần trong năm, tại Munich, Baden-Baden, Frankfurt và cuối cùng là tại Berlin, nơi "Những mùa Nga" sẽ khép lại dưới ngọn đũa chỉ huy của ông vào tháng 12/2019.
Sergei Diaghilev - ông bầu của đoàn Ballets Russes, qua nét vẽ của họa sỹ Nga Valentin Serov
Chiến dịch văn hóa này là cách người Nga tái hiện hiệu ứng từ những mùa diễn của đoàn Ballets Russes dưới sự bảo trợ của Sergei Diaghilev, người cách đây một thế kỷ đã truyền cảm hứng cho Paris qua những màn biểu diễn opera và ballet đầy táo bạo. Những gì Ballets Russes trình diễn đã trở thành bệ phóng đưa văn hóa Nga từ vùng ngoại vi vào vị trí trung tâm của đời sống văn hóa quốc tế, trong đó có tác phẩm của nhà soạn nhạc cách tân hàng đầu thế kỷ 20 Igor Stravinsky... Ballets Russes còn có mối liên hệ gần gũi với những trào lưu nghệ thuật tiên phong của thời kỳ đó – Art Nouveau (Tân nghệ thuật), Art Deco, Fauvism (Dã thú), Cubism (Lập thể), thậm chí cả Surrealism (Siêu thực).
Thương gia và nhà bảo trợ nghệ thuật Diaghilev đã phải mạo hiểm với kế hoạch biểu diễn và thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn tài chính. Chương trình "Những mùa Nga" mới này không như vậy, nó được chính phủ Nga tài trợ. Dù hào hứng chờ đón những tài năng nghệ thuật Nga và những màn trình diễn của băn hóa Nga nhưng nhiều nhà phê bình nghệ thuật Đức cho rằng, có vẻ như các nhà tổ chức thiên về các phiên bản dàn dựng cổ điển của Nhà hát Vakhtangov Moscow và Nhà hát Alexandrinsky St. Petersburg hơn là những cách tân táo bạo.
Hiện tại, Pháp được Bộ Văn hóa Nga cân nhắc như điểm đến tiềm năng của "Những mùa Nga" năm 2020.
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)