Những giai điệu đẹp về tháng 6

13/06/2016

Tháng 6 đi vào nhiều bài hát với ký ức về mùa thi của tuổi học trò, những mối tình khắc khoải trong nhịp mưa rơi mùa hạ.

Tháng Sáu mùa thi

Trong nhiều sáng tác về thời áo trắng, Tháng Sáu mùa thi của Nguyễn Văn Hiên khiến nhiều người nghe xao xuyến, bồi hồi nhớ về tuổi trẻ của mình. Ca khúc với giai điệu từ tốn như lời kể chuyện, đưa người nghe vào không gian hoài niệm:

"...Cơn mưa đưa mình vào tháng Sáu
Thời gian trôi theo tiếng ve kêu
Nghe mùa hạ bồn chồn gõ cửa
Nhớ không em kỷ niệm rất nhiều..."

Với tuổi học trò, có nhiều quãng thời gian để nhớ nhưng nỗi nhớ da diết nhất thường dành cho mùa hạ, cho tháng 6. Tháng 6 có mùa thi - mùa cao điểm của lũ học trò lười. Ngoài những đêm chong đèn học bài, tháng 6 đến cùng rất nhiều xao động. Là những nôn nao khi phượng đỏ lửa, tiếng ve kêu rát sân trường, những thắc thỏm về ngày chia tay, những mối tình học trò ấp ủ, là những đắn đo đầu tiên của tuổi trẻ về tương lai.

"...Tháng Sáu mùa thi
Con đường học trò, anh đưa em đi
Trong nếp nghĩ, chín dần bao dự định,
Ngọn đèn đêm, thao thức suốt canh thâu.

Tháng sáu mùa thi
Anh hiểu lắm cái nhíu mày chân thật
Những nghĩ suy khiến con người chợt lớn
Em bắt đầu, nơi anh đi qua..."

Giai điệu da diết của Tháng Sáu mùa thi qua giọng hát trầm ấm của Minh Hà khiến kỷ niệm càng thêm dịu dàng, ấm áp. Ca khúc khiến học trò cảm thấy bồi hồi bắt gặp chính mình, còn những người đã đi qua những năm tháng đó sẽ ngoái nhìn và bất chợt thấy lòng dịu lại:

"...Để nhận ra giữa màu xanh trùng điệp
Một mảnh lòng mình xanh rất xanh..."

Tháng Sáu trời mưa - tác giả: Hoàng Thanh Tâm

Ca khúc Tháng Sáu trời mưa của Hoàng Thanh Tâm được phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyên Sa năm 1987. Bài thơ ra đời năm 1959 viết về cái tình của những đôi lứa yêu nhau. Với giai điệu chậm rãi đầy khắc khoải như những cơn mưa dai dẳng mùa hạ, ca khúc diễn tả trọn vẹn sự nồng nàn, say đắm của một người đàn ông đang yêu. Bài thơ có 32 câu (đọc bài thơ của Nguyên Sa) nhưng Hoàng Thanh Tâm chọn những câu đắt nhất để diễn tả cái tình ý đó:

"...Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận...

Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng tiếc mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc..."

Chọn lọc ý thơ của Nguyên Sa, nhạc sĩ viết thêm bốn câu, đẩy tình cảm lên đến cao trào:

"...Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến
Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn
Mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng vỗ
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn..."


Ca sĩ Thái Hiền thể hiện ca khúc của Hoàng Thanh Tâm.

Bài hát là khao khát của những người yêu nhau muốn được kéo dài vô tận quãng thời gian bên nhau, mới "mong cho mưa phong tỏa đường về". Người đàn ông bày tỏ nỗi tham lam trong tình yêu khi muốn "biến cuộc đời thành những tối tân hôn". Ý thơ, lời nhạc đều rất tình.

Ca khúc đi vào lòng nhiều thế hệ yêu nhạc trữ tình qua giọng hát liêu trai của Thái Hiền - con gái Phạm Duy. Ngọc Lan cũng là một trong những người thể hiện thành công Tháng Sáu trời mưa ở hải ngoại. Sau này, ca khúc được Ngọc Anh, Đàm Vĩnh Hưng... hát lại.

Nhiều người thường nhầm cho rằng đây là sáng tác của Ngô Thụy Miên. Trên thực tế, Ngô Thụy Miên cũng có một bài hát Tháng Sáu trời mưa, cũng phổ nhạc cùng bài thơ của Nguyên Sa nhưng giai điệu và phần ca từ có nhiều điểm khác.

Tháng Sáu trời mưa - bản của Ngô Thụy Miên

So với Tháng Sáu trời mưa của Hoàng Thanh Tâm, bản nhạc của Ngô Thụy Miên ít phổ biến hơn. Ngô Thụy Miên viết ca khúc này năm năm 1984 - trước Hoàng Thanh Tâm ba năm - và được ca sĩ Hải Lý thu âm. Sau đó, ít người hát lại bản này.

Ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, đều đều, chậm hơn so với bản của Hoàng Thanh Tâm. Trong khi tình yêu trong bài hát của Hoàng Thanh Tâm đã đậm sâu và táo bạo, đẩy đến tận cùng khao khát của người yêu nhau, Tháng Sáu trời mưa của Ngô Thụy Miên giống cuộc hẹn hò của những người mới bắt đầu yêu, muốn mượn mưa làm cơn cớ để được ngồi bên nhau mãi.

Bài hát của Ngô Thụy Miên phổ nhạc khổ thứ hai trong bài thơ của Nguyên Sa mà bản của Hoàng Thanh Tâm không có:

"...Đôi mắt em, anh xin, đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya..."

Cũng có người thích bản của Ngô Thụy Miên hơn nhưng đa phần cho rằng giai điệu đều đều, không điểm nhấn của ca khúc dễ làm người nghe thấy nhàm chán.

Tình khúc tháng Sáu

Tình khúc tháng Sáu là một ca khúc khác của Ngô Thụy Miên sáng tác dựa trên ý tưởng bài thơ Tháng Sáu trời mưa của Nguyên Sa. Ca khúc ra đời năm 1970, cũng viết về tình yêu và lấy cảm hứng từ cơn mưa tháng Sáu. Ca khúc mang giai điệu buồn bã.

"...Tháng Sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em
Trời mênh mang xõa kín bờ mi ngoan
Gót bước buồn lây trong gió chiều mưa bay
Hồn bâng khuâng nghe tiếng gọi đam mê
Anh muốn cùng mây giăng kín đường về
Gọi tên em, gọi tên em cho nát bờ môi ấy
Hãy nói bằng đôi môi, bằng tiếng rượu nồng
Mình yêu nhau, mình yêu nhau
Dù trời mưa bay, mưa bay..."

Khánh Hà là nữ ca sĩ thể hiện thành công ca khúc này bằng chất giọng đưa đãi có phần rất điệu của cô.

Khúc mưa

Không trực tiếp nhắc đến tháng 6 trong tiêu đề nhưng Khúc mưa cũng là một trong những bài hát hay viết về chủ đề này. Ca khúc mang giai điệu lãng mạn thường gặp trong nhạc Phú Quang, được Hồng Nhung thể hiện thành công.

"...Tháng Sáu, mưa, mưa
Giá trời đừng mưa, và anh đừng nhớ
Trời không mưa và anh không nhớ, anh còn biết làm gì.
Em như hạt mưa trên phố xưa,
Nuôi kỷ niệm bám hoài trí nhớ
Kỷ niệm như rêu, anh níu vào chợt ngã
Tình xưa giờ quá xa
Hoa cúc vườn nhà ai thả từng chùm
Cho anh thương áo em vàng
Tháng sáu trời buồn
Tháng sáu riêng anh, bầy chim sẻ hiên nhà bay mất
Như em như em..."

Cách hát của Hồng Nhung nhấn nhá và thả từng từ khiến người nghe cảm nhận được từng giọt mưa cùng tâm trạng của chủ thể khi nhớ nhung về cuộc tình và người con gái đã thành kỷ niệm.

 (Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.