Những dấu lặng trong âm nhạc...
Hãy buông duyên nợ kiếp người để được thảnh thơi, an lạc…, còn có cái gì thường trụ, bất biến giữa cõi tạm này đây. Dẫu sớm hay muộn ai cũng phải ra đi, may ra có cái gì còn ở lại thì cũng chỉ với một điều kiện là chốn dương gian còn có loài người. Con người được sinh ra ở cõi trần là đáng quý nhất, không có bất cứ thứ gì quý giá hơn.
Tôi bất chợt thốt lên, ôi! cuộc đời cũng chỉ là kiếp phù du thôi, ta cũng cần biết đến điều này để đừng chạy theo nó như một cái bóng…, hãy đánh thức tâm hồn rộng mở yêu thương với tất cả mọi người ở quanh ta ngay trong từng giây phút hiện tại, sự sống chỉ trong một hơi thở, nhìn cái hạn hữu của thời gian để sống với nhau cho thật ý nghĩa.
Chẳng biết sao mấy hôm nay tôi cứ suy nghĩ miên man như thế. Mới đó thôi, sáng ngày 24/6/2015 trước giờ khai mạc phiên chính thức Đại hội Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa IX (2015–2020), Giáo sư Trần Văn Khê, tiến sỹ âm nhạc học đầu tiên của Việt Nam, người có công truyền bá âm nhạc Việt Nam với bạn bè quốc tế đã “Giã từ cõi thực để vào hư…”(*).
Năm ngày sau, vào trưa ngày 29/6/2015 cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, cách nhau trong khoảng một giờ đồng hồ, lần lượt các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân - sinh thời cả hai nhạc sĩ là bạn thân của nhau và đến cuối chặng đường hình như cũng có sự hẹn hò tiếp nối cuộc hành trình để về cõi hư không.
Sáng 2/7/2015 rất đông những người thân, các tầng lớp nhân dân, những người yêu mến các nhạc sĩ, bạn bè, đồng nghiệp, cùng các cấp chính quyền tiễn đưa nhạc sĩ Phan Nhân và sáng 3/7/2015 tiễn đưa nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Nỗi tiếc thương chưa dứt thì bàng hoàng thay chiều cùng ngày (3/7/2015) tại Hà Nội, nhạc sĩ An Thuyên cũng lặng lẽ tạm biệt chốn dương trần, nhẹ nhàng thanh thoát về giữa thênh thang mây trời.
Sự ra đi của các nhạc sĩ tài năng tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam là thiệt thòi lớn đối với gia đình, người thân và quê hương, đất nước.
Đối với đồng nghiệp hôm nay và các thế hệ tương lai mãi mãi thiếu đi bóng mát chở che của những cây đại thụ mà không có gì có thể bù lấp những khoảng trống vắng ấy được. Chợt thấy cay nơi khóe mắt, bởi ai cũng biết rằng không chỉ các nốt nhạc mới mang đến cho người nghe những cung bậc cảm xúc, mà ngay cả các dấu lặng trong âm nhạc cũng mang lại những giá trị, những ý nghĩa lung linh, huyền diệu, đẹp đẽ vô cùng.
(*) Trích thơ Xuân Diệu.