Những câu chuyện về âm nhạc có thể khiến bạn rơi nước mắt
Những câu chuyện về sức mạnh của âm nhạc khi được kể ra dưới đây, có thể bạn không tin, có thể bạn chê "sến", nhưng bạn sẽ xúc động...
Bức ảnh trên được chụp vào ngày 10/10/2011, trong cuộc nội chiến ở Libya, nhiếp ảnh gia Aris Messinis của hãng tin AFP đã chụp lại được hình ảnh một người chơi ghita vô danh trên đường phố thành phố Sirte.
Giữa cuộc đấu súng căng thẳng, người đàn ông này bất chấp sự an toàn của mạng sống vẫn đứng say sưa biểu diễn. Nhiếp ảnh gia Messinis đã không thể đến tận nơi phỏng vấn hay hỏi tên anh nhưng đã kịp chụp lại khoảnh khắc ấn tượng về anh:
“Tôi quan sát anh qua ống kính và nhận ra rằng anh cũng là một chiến binh, khi các đồng đội đang cầm súng chiến đấu, người đàn ông này cầm đàn ghita và đàn hát say sưa. Tôi đứng cách anh tới 50m cộng thêm tiếng súng nổ quá lớn nên không thể nghe được tiếng hát của anh. Trong suốt thời gian tôi ở đó chụp ảnh, tôi không thấy anh cầm súng chiến đấu, anh chỉ hát”.
Davide Martello là một nghệ sĩ dương cầm tự do người Ý. Tháng 6/2013, khi Martello đang ở thành phố Sofia, Bulgaria để thực hiện một chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố thì anh xem thời sự và thấy những hình ảnh về cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay lập tức, Martello tới quảng trường Taksim ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ và biểu diễn dương cầm ở đó trong ba đêm liền. Đỉnh điểm có hôm anh biểu diễn suốt 13 tiếng.
Bầu không khí vui vẻ trên quảng trường Taksim ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Martellow chia sẻ về trải nghiệm của mình: “Mọi thứ diễn ra như một bữa tiệc âm nhạc, mọi người xung quanh tôi đều vui vẻ. Thật tuyệt vời khi tôi có thể chia sẻ với họ những cảm xúc của mình bằng âm nhạc”.
“Tôi không nghĩ rằng âm nhạc lại có thể có sức ảnh hưởng mạnh như vậy trong một tình huống căng thẳng như thế. Âm nhạc có thể dập tắt những cơn thịnh nộ. Tôi đã thấy những người cảnh sát cởi mũ bảo hiểm và ngồi xuống trò chuyện với những người biểu tình, họ cùng nhau nghe nhạc rất yên bình”, Martellow vui vẻ nhớ lại.
Trong bức hình được chụp hồi tháng 8/1992, nhiếp ảnh gia Mikhail Evstafiev đã ghi lại hình ảnh nghệ sĩ Vedran Smailovic chơi đàn trong Thư viện Quốc gia Bosnia đã bị phá hủy tan hoang. Vedran Smailovic vốn được biết tới là “người chơi đàn cello của thành phố Sarajevo”.
Năm 1992, khi chiến tranh đang diễn ra tại Bosnia, Vedran Smailovic thường tình nguyện đến chơi đàn miễn phí tại những lễ tang được tổ chức trong thành phố Sarajevo bất chấp nguy hiểm.
Ngày 25/8/1992, một quả báo bắn trúng Thư viện Quốc gia đã khiến tòa nhà cổ có lối kiến trúc ấn tượng bị phá hủy gần như hoàn toàn. Bên cạnh đó, 700 cuốn sách quý được in từ trước thế kỷ 15 cùng hàng loạt sách cổ khác cũng bị hóa thành tro bụi.
Trước khi bị tấn công, Thư viện Quốc gia Bosnia từng là một trong những niềm tự hào của đất nước này khi chứa tới 1,5 triệu cuốn sách, trong đó có hơn 155.000 cuốn sách quý.
Để tôn vinh người nghệ sĩ yêu hòa bình và những giá trị văn hóa, sau này, nhà soạn nhạc người Anh David Wilde đã sáng tác một bài biểu diễn độc tấu cho cello có tên “Người nghệ sĩ cello của thành Sarajevo”. Ca sĩ người Mỹ John McCutcheon cũng sáng tác một nhạc phẩm ca ngợi Vedran Smailovic có tên “Trên đường phố Sarajevo”.
Ngày 13/4/2012, cô bé 7 tuổi người Anh Charlotte Neve đang xem TV với mẹ thì bị xuất huyết não. Sau hai cuộc phẫu thuật cấp cứu để ngừng xuất huyết não, Charlotte rơi vào tình trạng hôn mê sâu, bác sĩ dặn gia đình cô bé hãy chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Sau nhiều ngày Charlotte không tỉnh lại, mẹ của cô bé vào viện để tạm biệt Charlotte lần cuối, khi đó, bỗng nhiên hệ thống phát thanh của bệnh viện phát đi bài hát “Rolling in the Deep” do ca sĩ Adele thể hiện.
Trước đây, hai mẹ con Charlotte từng cùng nhau hát bài này. Bà Neve liền hát theo tiếng nhạc cho con gái nghe lần cuối và kỳ lạ thay miệng Charlotte bắt đầu nở một nụ cười khiến tất cả các bác sĩ có mặt phải kinh ngạc.
Chỉ trong hai ngày sau đó, Charlotte đã bắt đầu phục hồi khả năng nói, thính giác và thị giác, thậm chí em còn có thể ra khỏi giường để đi lại. Câu chuyện kỳ diệu của bé Charlotte từng xuất hiện trên rất nhiều tờ báo lớn của Anh.
Ngày 24/9/2013, một nhóm những nhạc công người Mỹ có tên Improv Everywhere đã thực hiện một dự án nghệ thuật đường phố có tên “Conduct Us” (Hãy chỉ huy chúng tôi). Buổi trình diễn được tổ chức ở thành phố New York, Mỹ. Họ đặt một chiếc bục dành cho nhạc trưởng phía trước dàn nhạc, trên bục có gắn một tấm biển đề “Hãy chỉ huy chúng tôi”.
Những người qua đường ở thành phố New York hôm đó đều có cơ hội được đứng lên bục và chỉ huy dàn nhạc. Nhờ đó, những người dân bình thường cũng có cơ hội trải nghiệm đầy thú vị với nhạc thính phòng một cách dân dã và thân thiện.
Đầu tháng 12 này, ở thành phố Kiev, Ukraine, hàng trăm ngàn người dân đã xuống phố biểu tình. Trong bức hình được chụp ngày 7/12 bởi nhiếp ảnh gia Andrew Meakovski, chúng ta có thể thấy một thanh niên ngồi chơi piano phía trước một hàng dài các cảnh sát chống bạo động. Người thanh niên này có tên Markiyan Matsekh.
Trong khi những người dân vẫn tiếp tục biểu tình và cảnh sát có mặt để duy trì trật tự đám đông, Matsekh say sưa chơi đàn. Anh chơi những bản nhạc cổ điển của Chopin với mong muốn xoa dịu không khí căng thẳng giữa hai bên.
(Nguồn: http://dantri.com.vn)