Những bất cập trong đời sống âm nhạc hiện nay
Một dạo dư luận xôn xao về những nhận xét thẳng thắn và rất có nghề của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về một số ca sỹ thời thượng đang tung hoành trên sân khấu âm nhạc Việt Nam. Đã có người trong số được nhận xét ấy phản ứng. Thực ra, khi họ đã là “người của công chúng” thì bất cứ ai cũng có thể có nhận xét của mình. Nhiều người cũng nghĩ như nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, chỉ có điều họ không có điều kiện để phát biểu trên các phương tiện truyền thông. Cũng có người nghĩ rằng nói ra cũng chẳng thay đổi được gì.
Tại sao ca sỹ nọ phản ứng mạnh như thế? (Sau đó có “hạ giọng”). Bản thân họ có biết mình như thế nào và đang ở chỗ nào trong các thang bậc của âm nhạc không? Có thể có người biết, có thể nhiều người không biết bởi vì họ, mỗi người đều có một khu vực công chúng tung hô. Họ được nuông chiều. Họ nhận tiền cát sê cao phần lớn là do những công chúng này sẵn sàng bỏ tiền mua vé với giá cao ngất ngưởng (nhất là nếu so với giá vé của các dàn nhạc giao hưởng trong nước). Đã có người viết rằng những người gọi là ca sỹ đó lên sân khấu để hét chứ không phải là hát. Bây giờ số khán giả ruột của họ chấp nhận mọi thứ dễ dàng. Giọng khê, giọng rè, hát tròn, hát bẹt, hát sai, hát đúng thế nào cũng được hoan nghênh. Và bởi thực chất không phải là để khán giả thưởng thức giọng hát của mình (vì nhiều khi giọng hát đó hơi thảm hại), họ dùng các phụ gia như kiểu quần áo, đầu tóc lập dị, trang sức… và nhảy nhót không ngừng. Khán giả của họ thích nhìn hơn là nghe dù là ở chương trình ca nhạc, còn nghe thì chủ yếu là tiếng động, là nhịp điệu của bộ gõ, kèn… và những giọng gào thét. Khán giả cũng thích gào thét!
Nhưng nếu ai đó muốn nghe giai điệu của những ca khúc mà các ca sỹ thời thượng phục vụ cho giới trẻ này hét thì cũng thất vọng thôi. Vì sao? Hiếm có giai điệu hay, hiếm ca sỹ có thể khoe giọng của mình với cái gọi là “nhạc trẻ” này vì phần lớn các bài hát chỉ viết trong vòng một octave (quãng 8), chỉ như nói (vì tiếng Việt có sáu thanh và hai bán thanh, với độ cao khác nhau). Lời lẽ thì nhạt nhẽo, sáo rỗng. Họ phục vụ một công chúng có yêu cầu về âm nhạc đơn giản và dễ dãi. Sáng tác, biểu diễn và thưởng thức âm nhạc thế này là điều khiến cho những người yêu nhạc, tôn trọng âm nhạc phải nghĩ ngợi, nếu không nói là buồn phiền.
Nếu không thích ăn món gì đó thì người ta có thể tự quyết định không ăn. Nhưng thứ “nhạc trẻ” này vang lên ở khắp nơi khắp chốn, không muốn nghe cũng bị nó lọt vào tai.
Hàng hóa không đạt phẩm chất thì không được bán ra thị trường. Âm nhạc chất lượng kém vẫn hoành hành, chỉ cần lời lẽ của nó không phạm vào một số điều cấm.
Tiếp tay cho sự hoành hành của dòng âm nhạc chất lượng tồi tệ, cho các ca sỹ “hét” trên sân khấu này là một số người viết thiếu trách nhiệm trên các phương tiện truyền thông, ngoài mạng ra còn là trên nhiều cơ quan do Nhà nước quản lý.
Lấy thí dụ về hai sự việc xảy ra gần đây.
Sự việc thứ nhất: một vài ca sỹ hạng trung sang Mỹ kiếm ăn nay trở về nước cũng là để kiếm tiền, thế mà có hàng chục bài báo viết đi viết lại về anh ta, cả chuyện bố mẹ, vợ con ra sao, đánh bóng tên của anh ta cứ như một người hùng. Truyền hình cũng dành riêng cho anh ta một chương trình, hai chương trình gì đó. Đúng là một sự tiếp thị sang trọng.
Ngay đấy thôi là sự ra đi của nhạc sỹ Hoàng Hiệp, người có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. Không có nhiều bài viết về ông, râm ran và kỹ lưỡng như vài ca sỹ nọ. Nhiều người chờ đợi một buổi biểu diễn hoành tráng vĩnh biệt ông, ở đó sẽ vang lên những khúc ca đã sống với thời gian như Câu hò bên bến Hiền Lương, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, Lá đỏ, Nhớ về Hà Nội, Trở về dòng sông tuổi thơ… mà không có. Các lái buôn âm nhạc có lẽ không thấy món lãi lớn, còn những người đánh giá đúng cống hiến về âm nhạc của ông thì không có tiền để tổ chức.
Ở đây cũng nên nói thêm về trách nhiệm của giới truyền thông. Cách họ viết bài, hướng họ khai thác về âm nhạc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc nắn dòng thị hiếu âm nhạc của công chúng. Họ phải chịu trách nhiệm khi nắn nót tô vẽ cho những giá trị ảo. Không ai dám kết luận ngay là có những động cơ không vô tư, nhưng nếu có ai đó phụ trách mục âm nhạc mà không am hiểu về âm nhạc thì cũng nên đi học hoặc đi tìm hiểu (đã có lần trong một cuộc họp báo của một ban nhạc Jazz Pháp do Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội tổ chức, một phóng viên đứng lên hỏi một câu xanh rờn “Thưa ông, nhạc Jazz là nhạc gì?”. Ông nhạc sỹ kiên nhẫn giảng giải trong khoảng 15 phút. Nếu thực tình không biết Jazz là gì thì phải tìm hiểu trước khi đi họp, hoặc hỏi ai đó chứ không phải là hỏi ở chỗ ấy khi mình nhân danh một phóng viên phụ trách về văn hóa đi họp)
Dù vô ý hay cố ý viết những điều không đúng sự thật thì những người đó cũng phải chịu trách nhiệm về ngòi bút của mình. Tiện đây kể thêm, có một bài viết về một họa sỹ mới vào nghề, đọc cứ như là tác giả đang viết về Van Gogh hoặc Gauguin, đặt bên cạnh một vài bức ảnh chụp những bức tranh vẽ còn vụng về của họa sỹ nọ. Trường hợp này là “viết lấy được”. Trong khi nhiều bài hát ngô nghê nhạt nhẽo chế ngự sân khấu và các chương trình âm nhạc của các phương tiện truyền thông thì trong kho âm nhạc Việt Nam vẫn còn nhiều bài hát hay, ngay cả những bài mới sáng tác gần đây không được nhìn đến. Có những ca khúc sôi nổi về tuổi trẻ vẫn chưa được các đoàn thể thanh niên khai thác. Có gần hai chục bản hợp xướng đặc sắc, đồ sộ không được dựng, mà hợp xướng là một phần quan trọng của ca khúc. Có những người trẻ tuổi tự đẩy mình xa cái mà họ gọi là “nhạc đỏ” (âm nhạc của cuộc đấu tranh giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước, trong đó có nhiều bài trữ tình quý giá). Nhưng chính “nhạc đỏ” và cả “nhạc vàng” nữa (có lẽ nên gọi là nhạc lãng mạn) là cốt lõi tạo nên gương mặt của ca khúc Việt Nam chứ không phải mấy bài “nhạc trẻ” sáng tác dễ dãi, biểu diễn nhố nhăng kia.
Lại nói về biểu diễn. Nhiều chương trình thi hát hoặc là sân chơi âm nhạc, của trẻ em thì được dựng một cách méo mó theo kiểu người lớn về vũ đạo, về hình thể, về phong cách biểu diễn và nhất là chọn bài hát, ngoài những bài hát của nước ngoài, còn là những bản tình ca, ví dụ như: Cậu bé mười tuổi” hát “anh yêu em”. Xin hãy trả các em trở về với bản chất hồn nhiên của tuổi thơ, đừng biến các em thành các ông cụ bà cụ tuổi thiếu niên nhi đồng. Làm như thế rất phản cảm và có tác hại lâu dài.
Khu vực âm nhạc trí tuệ không được chú ý đúng mức. Khi đó là giá trị đích thực mà khán giả thấy ngại ngùng thì phải giúp người ta tiếp cận để quen, để yêu (đừng đòi hỏi phải hiểu âm nhạc cổ điển - khí nhạc). VTVI của Đài Truyền hình Việt Nam mỗi tuần có một chương trình âm nhạc cổ điển - thính phòng nhưng được phát vào lúc nửa đêm. Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội thu hút các tài năng trẻ của Việt Nam và các nước thì chỉ được đưa tin, không có chương trình truyền hình hoặc truyền thanh phát thanh trực tiếp, không có buổi tường thuật kỹ, trong khi ở đó có nhiều tài năng âm nhạc chơi hay và đầy hứa hẹn.
Những tác phẩm âm nhạc được giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ cũng không được phổ cập đến đông đảo công chúng (một vài tác phẩm mới có được giới thiệu trên truyền hình).
“Điều còn mãi” của Vietnam Net là chương trình nhạc thuần Việt, từ tác phẩm đến những người thể hiện đều chuẩn mực, được nhiều người hoan nghênh và có truyền hình trực tiếp (có điều, lẽ ra không nên đưa tác phẩm khí nhạc thể nghiệm vào vì nó chưa chắc đã khớp với tên gọi “Điều còn mãi”, và viết như thế thì có thể làm cho những khán giả mới làm quen với khí nhạc Việt Nam bị hoang mang).
“Ngày âm nhạc Việt Nam” từ lần thứ tư cũng chọn tác phẩm thuần Việt, không có tác phẩm nước ngoài (như lần 3), không có nhạc trẻ đưa vào theo kiểu “mặt trận” (như lần 1). Gần đây có những chương trình đồ sộ về hợp xướng rất hay của Việt Nam. Có năm bản Tiến quân ca của Văn Cao vang lên trên sân khấu, nhiều khán giả xúc động mắt rớm lệ, dù rằng hằng ngày thường được nghe Quốc ca.
Những chương trình như thế này, những chương trình âm nhạc chính thống phát trên các kênh phát thanh truyền hình đã vinh danh âm nhạc đích thực của Việt Nam. Nhưng như thế chưa đủ xứng với vị trí của dòng nhạc này trong đời sống âm nhạc nước ta, chưa thắng được các giá trị ảo đang tiếm ngôi. Các giá trị ảo này không tự biến mất (thậm chí ngày còn phình to) nếu không làm mọi cách để âm nhạc chuẩn mực có thể lấn át nó. Việc làm này ngoài giới chuyên môn còn cần đến sự hợp lực của giới truyền thông, những người yêu mến và tôn trọng các giá trị âm nhạc Việt Nam.
Đã đến lúc cần nhà nước tài trợ cho hoạt động biểu diễn (đồng thời kêu gọi sự tài trợ mang tính xã hội hóa). Nên có một tổ chức săn sóc đến đời sống âm nhạc để nó phát triển lành mạnh, để xây dựng một thị hiếu có văn hóa và có thẩm mỹ âm nhạc cho đông đảo công chúng.
Công việc này có thể do Hội Nhạc sỹ Việt Nam, có thể do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm, cũng có thể là sự kết hợp giữa cả hai, bởi vì văn hóa và thẩm mỹ âm nhạc cả về sáng tác và biểu diễn góp phần xây dựng văn hóa dân tộc.