Những bài hát hay về Tây Ninh
Bài hát về Tây Ninh thì có một số bài của các nhạc sĩ nổi tiếng sáng tác từ lâu như: Son sắt Tây Ninh của Phạm Tuyên, Ai về Tây Ninh của Xuân Hồng, Tây Ninh vững bước đi lên của Hoàng Hà, Về lại Tây Ninh của Phan Nhân, Phù sa nồng nàn của Trần Quang Huy, Trăng sáng trên hồ Dầu Tiếng của Nguyễn Văn Tý, vv… Gần đây tôi phát hiện có thêm bài Vì ngày mai Tây Ninh của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác năm 1982.
Điểm lại, theo tôi có 4 bài hát về Tây Ninh đáng chú ý, mọi người đều rất thích, xin kể theo thứ tự thời gian đó là bài: Nhạc rừng, Lên ngàn của Hoàng Việt, Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục và bài Ai về Tây Ninh của Xuân Hồng.
Bài Nhạc rừng của Hoàng Việt, tại sao tôi đề cập bài này? Dù là nói đến miền Đông Nam Bộ nhưng từ các nguồn tư liệu cho thấy nhạc sĩ sống, chiến đấu và sáng tác ở vùng biên giới Tân Biên Tây Ninh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp 1951, cảm hứng và khung cảnh trong bài hát đều ở Tây Ninh. Bài hát với điệu valse mượt mà rất vui tươi thanh thoát... tạo một bức tranh thiên nhiên sinh động có tiếng suối róc rách, tiếng chim rừng líu lo... cho thấy dù ở trong một hoàn cảnh chiến đấu đầy gian lao khó khăn nhưng các chiến sỹ vẫn lạc quan.yêu đời:
“Cúc cu! cúc cu! chim rừng ca trong nắng
Im nghe! im nghe! ve rừng kêu liên miên.
Rừng hát gió lay trên cành biếc lao xao! rì rào! dòng suối uốn quanh làn nước trôi trong xanh.
Róc rách! róc rách! nước luồn qua khóm trúc.
Lá rơi! lá rơi! xoay tròn nước cuộn trôi.
Có anh chiến sĩ đi qua khu rừng vắng.
Lắng nghe nhạc rừng tâm hồn vui phơi phới.
Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang.
Cây rừng dội tiếng theo lời ca mênh mang...”.
Bài hát nổi tiếng Lên ngàn của Hoàng Việt sáng tác năm 1952 nói lên hình ảnh gian khổ của người phụ nữ thời kháng chiến ngược dòng Vàm Cỏ Đông cắt lúa thay chồng nuôi con trong trận lũ lụt lịch sử của Tây Ninh năm Nhâm Thìn 1952:
“Hò ơi!
Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi
Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng
Nước chảy ngược dòng hò ơ...
Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Cồng
Cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con”.
Có một số trang web ghi là Tráng Cồng (có lẽ vì do cao độ nốt nhạc ta nghĩ thế thật ra là Trảng Cồng, ngày xưa Tây Ninh rất có nhiều Trảng như Trảng Lớn, Trảng Bàng, Trảng Sụp, Trảng Mây...). Trảng Cồng là một địa danh ở xã Phước Vinh, cặp bờ sông Vịnh thuộc huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh. Từ một vùng đất hoang sơ hẻo lánh của Tây Ninh đã nổi tiếng cả nước nhờ bài hát Lên ngàn của Hoàng Việt.
Bài Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục sáng tác năm 1966 ngợi ca về một dòng sông anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ, dòng sông nầy cũng là niềm tự hào của người dân Tây Ninh: "Ơ...Ơi! Vàm Cỏ Đông ơi hỡi dòng sông nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng, đuổi Pháp đi rồi nay đuổi giặc Mỹ xâm lăng...”. Trong chiến tranh Việt Nam, sông Vàm Cỏ Đông cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Bằng những giai điệu tiết tấu dịu dàng thắm thiết, bài hát Vàm Cỏ Đông đã đi vào lòng người cho đến tận hôm nay.
Dòng Vàm Cỏ Đông chảy qua tỉnh Tây Ninh khá dài khoảng 100 km (qua 5 huyện Châu Thành, Hòa Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và Trảng Bàng). Tỉnh Long An lấy làm nhạc hiệu cho Đài địa phương. Tác giả ca khúc Vàm Cỏ Đông cũng đã được nhận Giải thưởng Nguyễn Thông lần thứ III vào năm 2009.
Bài thứ tư sáng tác gần đây của Xuân Hồng: Ai về Tây Ninh đang thịnh hành hiện nay (hát rất nhiều trong các cuộc thi, hội diễn...). Tiết tấu vui tươi, lời lẽ giản dị, gieo vần dễ nhớ, tính chất thời sự và thực tế của nó gây sự chú ý mọi người. Bài hát đã gần như khái quát hết các địa danh vùng miền của Tây Ninh, những tự hào về truyền thống đấu tranh và tình cảm mến khách chân thành của người dân Tây Ninh:
“Ai về Tây Ninh xin về cùng em.
Đưa anh viếng thăm núi Bà Đen cảnh đẹp,
Người quen mến khách.
Đón anh đến thăm bến Tầm Long,
Vàm Cỏ Đông đẹp như trong tiếng hát.
Xuôi con nước ta xuống Bến Cầu
Qua Gò Dầu đến Vàm Trảng nước sâu.
Về thăm chiến khu Dương Minh Châu.
Biên giới đất thiêng rừng Tân Biên.
Đến thăm Châu Thành xuôi bước về lại Ninh Điền .
Từng tên đất trên quê hương em
Ghi dấu chiến công của quân dân.
In dấu bước chân của các anh từng đến nơi đây…”.
Đây là những bài hát đẹp hay, có giá trị nghệ thuật cao, có ý nghĩa về mặt lịch sử, có đời sống lâu dài, nhưng chưa ai lên tiếng hay có cuộc hội thảo nào bàn về chủ đề này. Theo tôi, sau này chúng ta nên thu âm lại một số bài hát Tây Ninh sáng tác gần đây và phát sóng cho mọi người thưởng thức hay tổ chức biểu diễn mới có dịp thẩm định, đánh giá lại tác phẩm.
Nghe Vàm Cỏ Đông (Quốc Đại):
Về Tây Ninh quê em (Thanh Thúy):
Nhạc rừng (Thanh Ngọc - Đông Quân):