Nhìn từ Bài hát Việt 2012: Xu hướng “trải nghiệm”

20/03/2013

Tưởng chừng như khá cũ và quen thuộc với khán giả nhưng Bài hát Việt phiên bản 2012 vẫn âm thầm mang đến nguồn ca khúc mới dồi dào cho đời sống âm nhạc. Không còn tô đậm những tình khúc ủy mị đã rất hot trên thị trường trong khoảng thời gian dài, Bài hát Việt bắt đầu đưa ra nhiều suy nghĩ khác hơn về ca khúc do người trẻ sáng tác hiện nay. Nghiêng về đề tài xã hội, những trải nghiệm thực tế hơn là ảo cảm...Bài hát Việt 2012 đang góp phần xóa đi vẻ “yếu đuối” trong ca khúc.

Có ý kiến cho rằng, Bài hát Việt không quá nhiều tác giả mới xuất hiện mỗi tháng, nhưng với chừng ấy cái tên qua mỗi tháng, thêm vào đó một vài nhân tố mới xuất hiện cũng tạm gọi là vui cho những nỗ lực của Bài hát Việt. Giới sáng tác hôm nay rất nhiều, chuyên hay không chuyên có khắp mọi nơi nhưng để có được các bài hát được chọn lọc qua Hội đồng thẩm định nghệ thuật thì phải phù hợp một số tiêu chí cũng như đạt được chất lượng nhất định cả về mặt ca từ, giai điệu, hòa âm phối khí... Và trong cách làm nghiêm túc ấy, Bài hát Việt 2012 thật sự đã tìm được hơi thở mới cho chính con đường của mình. Có thể những trải nghiệm ấy ở thời điểm hiện tại khó đồng nhất với thị hiếu số đông nhưng sẽ là từng viên gạch đầu tiên tạo nên một “ngôi nhà mới” khác biệt hơn rất nhiều.

Điểm qua 9 bài hát được chọn để biểu diễn trong live show Bài hát Việt tháng 9, đa số đều được đánh giá rất cao về mặt giai điệu cũng như hòa âm phối khí. Những tay sáng tác trẻ mạnh dạn hơn khi giới thiệu tác phẩm rất riêng, không cố chạy theo những gì đang rất sôi nổi ngoài thị trường mà tìm một tiếng nói riêng. Đặc biệt, họ còn chú ý đến cả tính thực tế, sữ trải nghiệm thực tiễn cho chính ca khúc của mình. Như bài hát “Về nhà thôi” – một sáng tác của Hải Nam, phối khí Cao Nhật Trung đã được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh nhận định: “Giai điệu gần gũi, tư duy trẻ, bài hát dễ sử dụng trong nhiều dịp sự kiện.”

Cũng nằm trong dòng chảy tạo nên cách nghĩ rất khác về đề tài trong ca khúc không chỉ là tình yêu đôi lứa ủy mị, mà còn rất nhiều câu chuyện đáng quan tâm và đi vào âm nhạc cũng lung linh, nhiều xúc cảm. Và ca khúc “Đếm ngược” là nhạc sĩ Lưu Thiên Hương đã thành công, chị chia sẻ: “Khi kết thúc ở thế giới này thì sẽ bắt đầu ở thế giới khác rất đẹp”. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng đã rất đề cao những tác phẩm có sự tìm tòi chủ đề mới mẻ như “Đếm ngược”: “Tôi thấy điều khó khăn của nhạc sĩ là tìm ra chủ đề hay. Tôi nể cô ấy ở việc tìm tòi đề tài, và cô ấy có rất nhiều đề tài hay.”

Và rất nhiều ca khúc có suy nghĩ tương đồng đã xuất hiện ở Bài hát Việt một cách đều đặn, tạo nên xu hướng mới trong giới sáng tác. Chọn tên ca khúc cũng là cách tạo nên hiệu ứng mới cho khán giả, và đôi khi nó cũng khá “thực tế” như đề tài mà nhạc sĩ đã chọn, ca khúc “Sao phải chán?” của Huỳnh Sang là một ví dụ ấn tượng. Bài hát mang thông điệp: Hãy sống ý nghĩa từng phút, đừng để khó khăn làm mình buồn cháng và tốn thời gian cho nó. Tin tưởng giao bài hát này cho ba chàng trai của nhóm Three B Band, Huỳnh Sang cũng đã tự tay hòa âm ca khúc này.

Hay sự tìm tòi trong những giá trị cổ xưa, trải qua sự khám phá ở bản thân người nhạc sĩ, rồi nó được tư duy sáng tạo nâng đỡ làm nên ca khúc mới. “Hồ xự xang xê cống” do Thanh Lâm sáng tác và Thanh Tâm phối khí – một tên gọi khá ấn tượng lấy từ tên gọi của 5 sắc âm trong âm nhạc của dân tộc Việt Nam, hay còn được gọi là Ngũ Cung.. Nhóm MTV cũng đã gây bất ngờ khi thể hiện ca khúc này theo chất giọng mộc mạc của dân ca miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là phần hò ngọt ngào ở đoạn gian tấu. Ca khúc dường như đã thật sự mang nhạc country của vùng đất Nam Mỹ về Việt Nam. Một cách hòa nhập rất có ý nghĩa hiện nay, khi chúng ta đang cố gắng định hình “bản sắc” riêng trong ca khúc Việt nhưng cũng không xa rời nhạc hiện đại của thế giới.

Câu chuyện của những “trải nghiệm” ấy một lần nữa được tô đậm ở Bài hát Việt tháng 10. Những tư duy mới, phong cách khác lạ và ca từ cũng được chọn lọc hơn từ trong chính cuộc sống xã hội đã được đưa vào ca khúc Việt có vẻ nhuần nhuyễn hơn, nghe lôi cuốn hơn. Từng bước từng bước, đề tài mới về xã hội đã được yêu thích và có chỗ đứng nhất định trên diện mạo chung của Bài hát Việt.

Qua ca khúc đầy chất funky “Có sao đâu” được sáng tác, phối khí bởi Võ Duy Kha, ca sĩ Quốc Thiên thể hiện, khán giả không còn đắm chìm trong những câu chuyện tình buồn ướt át nữa. Võ Duy Kha chia sẻ: “Cuộc sống có khi vui, khi buồn, lúc thành công, lúc thất bại. Hãy bình tâm trước những đa đoan bộn bề của cuộc sống. Hãy đón nhận nhó dũng cảm, như thế sẽ vượt qua được hết những khó khăn trong cuộc sống.”

Hay ca khúc đậm chất power pop pha trộn country mang tên “Bận rộn” do Châu Đăng Khoa sáng tác và trình bày, Thanh Tâm phối khí. Đây là ca khúc trẻ trung sôi động, viết về sự bận rộn của mọi người trong công việc, học hành, mà quên đi những giá trị quý giá khác trong cuộc sống như gia đình, bạn bè, người yêu... Chàng cựu sinh viên marketing trường ĐH Kinh Tế TpHCM Châu Đăng Khoa (trùng tên với một guitarist nổi tiếng - nhạc sĩ Châu Đăng Khoa) đã đến sân chơi Bài Hát Việt lần đầu tiên vào tháng 11/2011 với ca khúc “Lười”. Sau đó, tháng 8/2012, anh trở lại sân chơi này với ca khúc “Đường về nhà”.

Đã có một thời gian, khán giả nghi ngờ về độ sâu sắc của những nhạc sĩ trẻ. Nhưng đó cũng chỉ là biểu hiện nhỏ của một vài trường hợp và chúng ta đang có rất nhiều con người mới, tiếp tục chung tay cho Bài hát Việt có màu sắc tươi sáng, tự nhìn lại giá trị và tìm ra con đường sáng. Dương Trường Giang – một người quen của Bài Hát Việt hai năm trước, đã trở lại Bài hát Việt tháng 10 vừa qua với ca khúc “Nhìn lại mình đi” do chính anh sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Dân phối khí. Ca khúc đậm chất pop rock này nằm trong dự án “Thanh niên Việt Nam” của ca sĩ Minh Chuyên. Ca khúc đã truyền tải hình ảnh tiêu cực của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.

Chắc chắn một điều rằng, hành trình đi tìm sự “trải nghiệm” của đề tài mới này của Bài hát Việt sẽ không dễ dàng chút nào nếu khán giả không đồng hành và ủng hộ. Liệu xu hướng này có tạo nên một cách nghĩ, cách nghe mới trong đại đa số người nghe nhạc hiện nay? Và đây cũng có thể là giấc mơ khó hoàn thành như thông điệp trong chính một nữ nhạc sĩ trẻ Thùy Hoàng Diễm – người đã giành hai giải Bài hát của tháng và Bài hát ấn tượng do khán giả bình chọn trong liveshow Bài hát Việt tháng 9/2011với ca khúc “Đi thôi”, trong bài hát “Nơi giấc mơ tôi đến” với bản phối của nhạc sĩ Tâm Vinh. Ca khúc mang thông điệp: Trong cuộc sống ai cũng có ước mơ và những rào cản từ bên trong, lẫn bên ngoài. Dù vậy, nếu ước mơ ấy đủ lớn thì đừng ngại bất kì điều gì cả.

Bài hát Việt 2012 đã không ngần ngại đưa ra những “phát ngôn” mới mẻ hơn cho nhạc sĩ trẻ hiện nay. Và đó là cách duy nhất để tạo nên sự khác biệt cho ca khúc Việt trong một giai đoạn mới.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...