Nhìn nhận về sự tiến triển của âm nhạc thiếu nhi Hà Nội mười năm đầu thế kỉ 21
Trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam, âm nhạc thiếu nhi dù chỉ là một nhánh nhỏ khiêm tốn nhưng nó liên quan tới hàng chục triệu công chúng trẻ em cả nước ...
Âm nhạc cho thiếu nhi không chỉ là giải trí, tiêu khiển mà chức năng giáo dục của nó được đặt lên vị trí hàng đầu. Cùng với các nội dung khác, âm nhạc góp phần quan trọng trong việc xây dựng thẩm mĩ cho lớp trẻ và hình thành nhân cách của các em. Đánh giá về ảnh hưởng của âm nhạc đối với trẻ em, xin phép không bàn tới trong bài viết này, chỉ xin nêu một số nhận xét tổng hợp về âm nhạc thiếu nhi ở Hà Nội trong 10 năm qua (từ 2000 đến 2010) để chúng ta cùng suy ngẫm.
Nếu nói sáng tác là khâu đầu tiên trong chuỗi các hoạt động âm nhạc thì dòng chảy âm nhạc dành cho trẻ em vừa qua vẫn cứ lặng lẽ ra đời khá nhiều ca khúc. Hàng năm, nhà văn hóa trung tâm Hà Nội và nhà văn hóa các quận huyện thường xuyên ra mắt các tập bài hát dành cho học sinh, với số lượng vài chục bài trong mỗi tập, được phổ biến vào các dịp hè và các kì tập huấn cho cán bộ phụ trách văn nghệ các đơn vị.
Hội âm nhạc Hà Nội và Sở Giáo dục- Đào tạo đã có cuộc vận động sáng tác cho học sinh phổ thông thu hút số lượng hàng trăm bài viết của nhiều tác giả từ các vùng miền gửi tham dự, trong đó có cả các tỉnh ngoài.
Chào mừng Đại lễ ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, Hội đồng Đội và trường Đội Lê Duẩn với sự tham gia của một số nhạc sĩ trong Hội âm nhạc Hà Nội đã tập hợp, xuất bản tuyển tập 100 bài hát tiêu biểu của 62 tác giả viết về Hà Nội những năm qua.
Trại sáng tác âm nhạc cho trẻ em do nhạc sĩ An Thuyên tổ chức cũng đã thu hút gần 20 tác giả góp phần đánh thức nhiệt tình của anh em nhạc sĩ trở lại với sáng tác thiếu nhi, hình như lâu nay có lúc bị sao nhãng.
Sáng kiến xây dựng “Tổng tập âm nhạc thiếu nhi Việt Nam” để tập hợp hàng ngàn bài hát của các thế hệ nhạc sĩ trong gần 1 thế kỉ đã khởi động và có kết quả tốt. Tập 1 đã phát hành, bao gồm sáng tác của các tác giả sinh từ năm 1910 cho đến 1929, các tập tiếp theo đang được biên soạn. Đây là một việc làm có ý nghĩa lớn, nhằm tôn vinh sự đóng góp của các thế hệ đi trước, các nhạc sĩ đã từng chăm chút cho tuổi thơ qua những tác phẩm của họ, cũng có thể coi đây như một biên niên sử về âm nhạc thiếu nhi, được ghi lại một cách hoàn chỉnh, công phu.
Các tuyển tập bài hát về Bác Hồ, về các thầy cô và mái trường, về biển đảo, về các ngày lễ lớn ở Hà Nội đã ra mắt các em trong 10 năm qua như:
- 50 ca khúc thiếu nhi (nhiều tác giả), Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Nội và Hội âm nhạc Hà Nội ấn hành, 2001.
- Mùa thu ngày khai trường (45 bài của nhiều tác giả), Vũ Trọng Tường sưu tầm, biên soạn, Nhà xuất bản Thanh niên, 2002.
- 100 ca khúc đặc sắc thiếu nhi với Bác Hồ (nhiều tác giả), Hoàng Giai sưu tầm và giới thiệu, Nhà xuất bản Âm nhạc.
- Tập ca khúc tuổi thơ (57 bài của nhiều tác giả), Bùi Quang Tuấn tuyển chọn, Nhà xuất bản Âm nhạc.
- Giai điệu tuổi thần tiên (20 bài của nhiều tác giả), Nhà văn hóa trung tâm Hà Nội, 2005.
- Tập ca khúc thiếu nhi về biển đảo (30 bài của nhạc sĩ Phạm Tuyên và Hoàng Giai), Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2006.
- 65 ca khúc thiếu nhi chọn lọc, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2007 ...
Bên cạnh đó là tập nhạc in riêng của một số tác giả, như một sự tổng kết, làm thành điểm nhấn về những đóng góp cho phong trào âm nhạc thiếu nhi trên chặng đường dài tâm huyết của họ. Trong 10 năm qua, có thể kể:
- Tuyển tập âm nhạc tuổi thơ (150 bài của Hoàng Long- Hoàng Lân), Nhà xuất bản Giáo dục, 2002, tái bản lần thứ 1năm 2003, tái bản lần thứ 2 năm 2004.
- 12 con giáp (của Hoàng Giai), kèm theo đĩa nhạc, Nhà xuất bản Kim Đồng.
- Tập bài hát bổ trợ học tiếng Việt (của Phan Trần Bảng), kèm theo đĩa nhạc, Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm Hà Nội, 2001.
- Mùa xuân tình bạn (50 ca khúc, ca cảnh, hợp xướng, tiểu phẩm khí nhạc của Cao Minh Khanh), Nhà xuất bản Dân trí, 2011.
- Bài hát cho học sinh tiểu học và mẫu giáo, (115 bài của Hoàng Long- Hoàng Lân), Nhà xuất bản Giáo dục.
- Một số ca khúc và hợp xướng thiếu nhi (của Đoàn Phi), tác giả tự biên tập.
- Tuyển chọn các bài hát thiếu nhi (của Vũ Nhân), tác giả tự biên tập.
Cùng nhiều tập nhạc khác của các nhạc sĩ Vũ Trọng Tường, Lê Minh Cường, Hà Hải và các bài hát do nhạc sĩ khác đã viết trong các trại sáng tác do Hội tổ chức, trong đó có một số bài đã được trình bày trong các sinh hoạt âm nhạc giới thiệu tác phẩm mới hàng tháng mà chúng tôi không thể kể hết.
Đó là những minh chứng về mặt sáng tác. Khâu thứ 2 là hoạt động biểu diễn. Chúng ta đã gặp nhiều chương trình liên hoan, hội thi văn nghệ diễn ra ở các quận huyện và thành phố hàng năm, như Giai điệu tuổi hồng, hội thi Ca khúc măng non, các chương trình chào mừng các ngày kỉ niệm lớn của đất nước cũng như của thành phố với nhiều sắc màu, được dàn dựng công phu, khá phong phú và đa dạng. Ở đó đã thu hút hàng ngàn diễn viên nhỏ tuổi tham gia, tạo nên một không khí sôi nổi, vui tươi, hào hứng trong công chúng nhỏ tuổi Hà Nội.
Trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, các chương trình ca nhạc cho trẻ em cũng đã sử dụng một số sáng tác mới nhưng chủ yếu là các chương trình đã được dàn dựng sẵn mà truyền hình ghi lại qua các kì cuộc hội diễn. Nổi bật trong vài năm qua là chương trình Đô Rê Mi và chương trình tìm kiếm tài năng nhí do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện, tuy cũng có tiếng vang và có ảnh hưởng tới thiếu nhi Hà Nội và cả nước, nhưng không ít vấn đề mà các nhạc sĩ quan tâm vẫn trăn trở, như sự bắt chước người lớn, việc lựa chọn sử dụng các bài hát không đúng tâm sinh lý lứa tuổi ...
Về mặt lí luận, đã có một số hội thảo về âm nhạc thiếu nhi, về bài hát cho học sinh phổ thông được nhiều nhạc sĩ, nhà lí luận, nhà sư phạm âm nhạc tham gia hết sức sôi nổi. Trên báo chí cũng có nhiều bài viết và trả lời phỏng vấn về vấn đề này, những hồi chuông cảnh báo đã rung lên, thậm chí có tính chất báo động đỏ về tình trạng âm nhạc thiếu nhi, về sự thiếu vắng các bài hát hay. Các phụ huynh cũng lên tiếng phàn nàn về những điều bất cập, những yếu kém của âm nhạc thiếu nhi hiện nay. Có thể tóm tắt trong mấy điểm sau:
- Còn thiếu bài hát hay cho các em, mặc dù số lượng sáng tác không ít, nhưng thiếu những tìm tòi sáng tạo, tác phẩm viết chung chung, đôi khi thiếu tính nghệ thuật, dễ dãi, hời hợt, ít ấn tượng cả về âm nhạc và ca từ.
- Còn thiếu những chương trình mới, hấp dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hội diễn, còn lặp lại nhiều tiết mục bài hát ra đời đã lâu, chưa thấy bài mới, bài hay xuất hiện.
- Việc tuyên truyền phổ biến những tác phẩm mới chưa được chú ý đúng mức, ngay cả những tác phẩm được giải thưởng vẫn còn nằm nguyên trên giấy.
Ở đây, cũng cần phải ghi nhận những thành tựu về giáo dục Âm nhạc trong nhà trường phổ thông ở Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung, bởi giáo dục Âm nhạc đã được triển khai đại trà trong các trường tiểu học và trung học cơ sở từ năm 2002, với bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 9. Âm nhạc là một môn học chính thức, với chương trình, sách giáo khoa và hướng dẫn về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá ... đang có nhiều chuyển biến tích cực. Từ khi Hà Nội chỉ có vài trăm giáo viên Âm nhạc rải rác ở các trường, nay tất cả các trường tiểu học và THCS, ít nhất đều có một giáo viên giảng dạy Âm nhạc và phụ trách phong trào văn hóa, văn nghệ. Cần phải nhắc đến điều này, bởi vì chính các giáo viên Âm nhạc là một lực lượng chuyển tải bài hát của các nhạc sĩ tới học sinh, là chiếc cầu nối nhanh nhất và có hiệu quả nhất tới trẻ em, miễn là sáng tác của nhạc sĩ phải hay và có chất lượng nghệ thuật. Bài hát có sống được trong lòng các em hay không phụ thuộc vào cả những điều đó.
Vậy thì, có hay không sự chuyển mình của âm nhạc thiếu nhi 10 năm qua.
Xin thưa là có, nhưng bước chuyển vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế đòi hỏi. Xã hội đã có nhiều thay đổi, khán thính giả có những yêu cầu mới, trình độ thưởng thức cũng đã nâng cao hơn trước rất nhiều. Do nhiều nguyên nhân, chúng ta cần chỉ ra để tìm những bước đi cho thời gian từ nay đến năm 2020 và trước mắt là năm 2015.
Xin có một vài đề xuất cụ thể sau:
Về phía sáng tác, đề nghị các nhạc sĩ quan tâm hơn nữa vào lứa tuổi thiếu nhi hiện nay, để có những tìm tòi mới (nói vui, có tìm thì mới tòi ra những cái cần thiết), khai thác đề tài, đổi mới về ngôn ngữ, hình tượng âm nhạc, về ca từ, về hình thức âm nhạc, về hòa âm, phối khí ... tránh cái chung chung, vô thưởng vô phạt, nhạt nhẽo. Chỉ riêng về đề tài sáng tác, chúng ta còn nhiều vấn đề cần trao đổi. Cũng cần mở rộng thêm các thể loại âm nhạc như ca cảnh, hợp xướng và cả tác phẩm khí nhạc, tiểu phẩm ...
Về phía dàn dựng, biểu diễn, không nên “già hóa” các cháu, tránh bắt chước người lớn một cách thô bạo, cần giữ được nét ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu của tuổi nhỏ trong các tiết mục và chương trình âm nhạc.
Về phía Hội âm nhạc Hà Nội, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan truyền thông, với Sở Giáo dục- Đào tạo để có thể quảng bá những sáng tác của các nhạc sĩ, chủ động kết hợp với một số đơn vị biểu diễn, nhà thiếu nhi các quận, các trường học để phổ biến kịp thời những sáng tác mới tới thiếu nhi. Trang website của Hội âm nhạc Hà Nội ra đời trong một vài tháng tới chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc chuyển tải tác phẩm và các thông tin âm nhạc sốt dẻo tới giới nhạc sĩ. Không nhất thiết tổ chức cuộc thi mà Hội đứng ra yêu cầu, động viên các nhạc sĩ trong Hội, mỗi năm cố gắng viết một bài hát cho thiếu nhi, chỉ một mà thôi, biết đâu trong số mấy trăm bộ óc thông minh của Hội viên sẽ tìm kiếm được vài tác phẩm tốt để khen thưởng thì đó cũng là điều đáng quí.
Nhân đây cũng xin cung cấp một thông tin, năm 2015, Bộ Giáo dục- Đào tạo thực hiện chủ trương của nhà nước về “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, môn Âm nhạc cũng đã được xem xét, để tiến hành đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Rất cần những bài hát mới cho các lứa tuổi để tuyển chọn, bổ sung trong chương trình giáo dục Âm nhạc. Hiện nay, các tác giả biên soạn sách giáo khoa Âm nhạc còn lúng túng trong việc tìm chọn bài bài hát cho học sinh. Rất mong được mọi người quan tâm.
Tóm lại, bức tranh âm nhạc thiếu nhi tuy vẫn có cả những màu sáng và màu tối, nhưng nếu chúng ta vì trẻ thơ, tăng thêm nhiệt huyết và niềm tin vì mầm non tương lai, chắc chắn sẽ có nhiều giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy âm nhạc trẻ thơ phát triển những bước mới, tốt đẹp hơn.
(Nguồn: http://www.music.edu.vn)