Nhen nhóm từ chuyển biến tích cực
Âm nhạc 2016 với tràn ngập các câu chuyện làm nghề, câu chuyện bên lề về đời sống nghệ sĩ, nhưng đọng lại là những dấu ấn, những thành công, những chuyển động và những xu hướng âm nhạc. Cùng điểm lại những diện mạo ấn tượng và những chuyển động của âm nhạc Việt 2016 - một loại hình nghệ thuật được coi là thịnh nhất, sôi động nhất trong đời sống văn hóa - nghệ thuật đất nước.
Âm nhạc giải trí có chuyển biến tích cực
Nếu nhìn kỹ sẽ thấy âm nhạc giải trí năm qua có sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh rất nhiều bản “hit” có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng, đặc biệt là giới trẻ như: “Anh cứ đi đi” của Hari Won, “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng - MTP, “Phía sau một cô gái” của Soobin Hoàng Sơn… sự xuất hiện của nhiều gameshow truyền hình góp phần phát hiện nhiều gương mặt trẻ; trong khi ngoài đời sống văn nghệ, các thành phố lớn trên cả nước đã diễn ra nhiều liveshow ca nhạc có chất lượng nghệ thuật của các nghệ sĩ được xếp vào hàng ngôi sao như: Thu Phương, Tùng Dương, Lệ Quyên… Điều đó cho thấy dẫu vẫn còn những băn khoăn nhưng đã có nhiều tín hiệu vui trong đời sống âm nhạc.
Ở bình diện chung, những đêm nhạc được tổ chức quy mô, luôn được những người tổ chức có ý thức về chất lượng nghệ thuật. Chẳng hạn như liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát của Thu Phương mang tên “Mùa thu của Phương” vào tháng 11 vừa qua là một không gian ấm cúng, đầy chất tự sự, được đầu tư rất công phu từ âm thanh, ánh sáng, dàn nhạc… nhưng chỉ để dành chỗ cho khoảng 500 khán giả. Đó là chủ ý vì trong khi với ca sĩ ấy, ê-kip ấy hoàn toàn có thể diễn ở những không gian lớn gấp nhiều lần. Hay các đêm nhạc của Lê Minh Sơn, của Phú Quang vẫn xuất hiện đều đặn tiếp tục khẳng định vị trí vững chắc của họ trong đời sống nghệ thuật đa dạng này… Ở góc độ âm nhạc giải trí trên truyền hình, việc chiêu trò là một trong những “mặc định” không thể thiếu của truyền hình thực tế thiên về giải trí, tuy nhiên, nhiều gương mặt mới cũng đã được phát hiện từ đây như Lê Thiện Hiếu (tác giả ca khúc “Ông bà anh”) là một thí dụ.
Tất nhiên, những gương mặt ấy mới chỉ dừng lại ở mức độ tiềm năng thôi. Việc có một hoặc một vài tác phẩm bỗng dưng tạo “cơn bão” trên cộng đồng mạng sau khi tham gia một chương trình truyền hình thực tế là điều đã trở nên quen thuộc. Trong khi, một bài được đẩy lên thành “hit” cũng sẽ rất sớm trôi qua, nó chỉ tồn tại trong khoảng một tuần, tức là khoảng thời gian giữa hai số phát sóng của một chương trình. Nếu may mắn, bản “hit” đó mới tiếp tục tồn tại trên cộng đồng mạng.
Những gương mặt trẻ trên truyền hình, họ có ưu thế mang tính thời đại vì được sự hỗ trợ tối đa của công nghệ, của một đội ngũ đứng sau có nghề, của mạng xã hội… song cái gì cũng có hai mặt, sự nổi tiếng đến bất thình lình thì cũng trôi qua một cách nhẹ nhàng. Muốn thật sự sống được trong đời sống nghệ thuật, muốn cái tên mình được ghi nhận như một nghệ sĩ có tài, tâm huyết và đam mê cống hiến thì vẫn không thể bỏ qua được các yếu tố về tài năng, sự trau dồi, học hỏi và niềm đam mê bất tận.
Nhen nhóm những tín hiệu vui
Sự chuyển biến tích cực nhất, theo ghi nhận của tôi, là cái tên Ninh Đức Hoàng Long đã ghi danh vào làng Opera thế giới sau khi đoạt giải nhất từ một trong ba cuộc thi thanh nhạc lớn nhất của Hung-ga-ri và cũng chính anh nhận được lời mời trở thành nghệ sĩ solist trong nhiều chương trình hòa nhạc diễn ra tại Hung-ga-ri, Pháp, Áo, Thụy Điển… trong dịp cuối năm 2016 và đầu 2017 này.
Còn có những chuyển động mang theo những tín hiệu vui. Chẳng hạn như chương trình “Sing my song” đang phát sóng trên VTV3. Chương trình khu biệt các thí sinh là người chơi vừa phải biết sáng tác, vừa biết hát. Họ sẽ tự thể hiện những ca khúc của chính mình. Rõ ràng, việc xuất hiện một chương trình dành cho những người chơi có khả năng sáng tác thu về nhiều kết quả đến bất ngờ. Nó tạo nên một hơi thở mới cho các chương trình truyền hình thực tế, sau khi đã có quá nhiều các cuộc thi chỉ đơn thuần thiên về tiếng hát. Đồng thời của việc này sẽ khuyến khích các bạn trẻ yêu âm nhạc, là khán giả của cuộc thi thông qua truyền hình ý thức thêm hoặc ít nhất mở rộng thêm khái niệm về việc tham gia đời sống âm nhạc, nhất là làng nhạc giải trí thì cần phải trang bị những gì ngoài giọng hát.
Âm nhạc là tấm gương phản chiếu những gì phát sinh từ chính đời sống thực nên nếu nói sự tác động để thay đổi diện mạo thì là điều vô cùng cần thiết nhưng ít nhiều vẫn phải để điều này thuận theo lẽ tự nhiên của dòng chảy âm nhạc. Hơn mười năm trước, chúng ta đã từng rất đau đầu, từng tốn nhiều giấy mực để bày tỏ những băn khoăn khi nhạc thị trường với những ca từ nhảm nhí đã tràn ngập mọi ngõ ngách trên khắp đất nước Việt Nam. Nhưng rồi những điều đó đã tự lắng xuống, và lại có thêm những vấn đề mới phát sinh, lại có những băn khoăn, lo lắng. Những tín hiệu đang hé mở từ chính những gương mặt trẻ xuất hiện trong các chương trình truyền hình năm qua là một minh chứng tiếp theo cho điều này. Cho nên, trong năm 2017 đang tới, rất khó có thể thay đổi được diện mạo của âm nhạc, nhưng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn 2016. Điều đó được bắt nguồn từ những nhen nhóm có từ năm 2016.
Từ góc nhìn của một người nghiên cứu và hoạt động âm nhạc, tôi cho rằng, dẫu không thể thay đổi được nhu cầu thưởng thức âm nhạc một cách cơ bản, tức là thay đổi diện mạo âm nhạc, thì vẫn rất cần việc quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là trên truyền hình, trong các chương trình truyền hình thực tế cần có những biện pháp hữu hiệu để góp phần tăng cường chất lượng nghệ thuật, loại bỏ dần những yếu tố nhảm nhí, phản cảm.
(Nguồn: http://www.nhandan.com.vn)