Nhân kỷ niệm 60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam (12/1957 - 2017): Chuyện của nhạc và thơ
Nhạc với thơ, thơ với nhạc vốn có mối quan hệ hữu cơ, mối giao duyên đặc biệt khiến người ta phải nói: Trong thơ có nhạc và trong nhạc có thơ. Về chất thơ trong thơ, xin nhường các bài thơ. Tôi chỉ xin nói sự cảm thụ của mình về chất nhạc trong thơ.
Trước hết phải nói rằng ngôn ngữ của chúng ta rất giàu nhạc điệu. Với 6 thanh không, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng làm cho câu nói thường cũng như câu thơ, có các từ với dấu giọng khác nhau, xen kẽ vào nhau tạo thành sự lên bổng xuống trầm rất nhạc. Chả thế mà có người nước ngoài bảo: - Các bạn Việt Nam nói, nghe như hát vậy.
Trong câu nói cũng như trong câu thơ, những từ đơn hoặc những cặp từ kép đi với nhau đã có sự phân nhịp hình thành tiết tấu âm nhạc. Một bài thơ với thể 6-8 chẳng hạn, câu 6 có thể có sự phân nhịp như sau:
2/2/2; 2/4; 3/3
Câu 8 có thể có sự phân nhịp như sau:
2/2/2/2; 3/3/2; 4/2/2; 1/3/2/2…
Đối với các thể thơ khác và nhất là thơ mới thì sự phân nhịp lại còn phong phú hơn.
Trong một câu thơ, một bài thơ, những trọng âm được nhấn mạnh để làm rõ ý, rõ nghĩa cũng giúp cho sự hình thành tiết tấu âm nhạc.
Có lẽ vì trong thơ có nhiều yếu tố của nhạc như vậy nên thơ đã dùng nhạc để nâng cao hiệu quả truyền cảm tới người nghe - ngoài cách đọc thơ, còn ngâm thơ. Và nhạc cũng thấy trong thơ có mầm mống của mình nên dùng thơ để phổ nhạc – (ngâm thơ chính là cách phổ nhạc tùy hứng rất quần chúng…)
Việc phổ nhạc vào bài thơ, các cụ ta làm từ lâu rồi, nhiều bài rất sáng tạo và mẫu mực, có khi tạo nên cả một hệ thống, thành một giọng ca hát mang tính độc lập, có những đặc trưng riêng như ca Trù, hát Văn, hát Chèo, hát Quan họ… (mới chỉ kể vài dòng ở đồng bằng - chưa kể đến ca hát của các dân tộc thiểu số và các vùng khác trên đất nước ta).
Riêng với thể thơ lục bát chẳng hạn, chỉ với hai câu, dân gian có thể hát thành các điệu sa mạc, trống quân, cò lả, ru em, ru con v.v…
Thêm một số tiếng đệm ới a, phú lý, dầu mà, tình bằng hoặc đảo chữ, đảo câu có thể hát theo các điệu hát Sắp, hát Cách, Sa lệch của Chèo; Ngồi tựa mạn thuyền, Chuông vàng gác cửa tam quan của Quan họ; các điệu Cờn, Xá, Nhịp một của hát văn… Tôi rất phục tài các cụ ngày xưa đã sáng tác bài dân ca Quan họ “Gió đưa cây cải”. Bài này chỉ vẻn vẹn có hai câu thơ Lục bát (6/8) “Gió đưa cây cải về trời - Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Cái giỏi của các cụ là gói trọn hai câu đó trong một ca khúc tròn trĩnh, hoàn chỉnh Câu 6 trong lời một và câu 8 trong lời hai. Thời nay các nhạc sĩ chưa ai làm được như thế.(Nếu có làm được thì câu 6 một giai điệu riêng, câu 8 một giai điệu khác, không thể giống nhau).
Ở các thể thơ khác: 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, song thất lục bát … các cụ còn tạo nên nhiều làn điệu phong phú khác nữa.
Vì vây tôi nghĩ rằng trong sáng tác bài hát, phổ thơ là một cách làm rất dân tộc và kế thừa một truyền thống tốt đẹp. Trường hợp rất đáng ghi nhớ trong phổ thơ của chúng ta là bài thơ xuân 1969 của Hồ chủ tịch, nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp đã phổ nhạc. Tuy nhiều người cùng phổ một bài thơ của Bác, nhưng mỗi người một vẻ và bài nào cũng toát lên một tinh thần lạc quan, ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc, bài nào cũng đáng quý, đáng yêu. Hồi ấy, nhạc sĩ Huy Thục là người phổ thơ của Bác Hồ hay nhất,được người nghe khen ngợi. Một số ca khúc khác được các nhạc sĩ phổ thơ cho đến nay đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng như: Tình em (Huy Du – Ngọc Sơn), Hà Nội Huế Sài gòn (Hoàng Vân - Lê Nguyên), Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh – Cầm Giang), Nhịp cầu nối những bờ vui (Văn An - Phan Văn Từ), Màu cờ tôi yêu (Phạm Tuyên - Diệp Minh Tuyền), Đi học (Bùi Đình Thảo – Minh Chính)…
Trong quá trình sáng tác của mình, tôi cũng phổ nhạc một số bài thơ thành những bài hát cho các em và người lớn như: Tập bước (Thơ Lê Phương Liên), Tiếng yêu (Thơ Thanh Hà), Chỉ thiếu anh (Thơ Trần Thanh Hương), Nhớ Hà Nội xưa (Thơ Nguyễn Văn Trung), Thanh Miện quê tôi (Thơ Vũ Hiền),Tiếng hát trái tim (Trích thơ Tố Hữu)… Những bài hát này đã được sử dụng dưới các hình thức biểu diễn, xuất bản, phát trên sóng Phát thanh Truyền hình. Có bài đã sống hàng chục năm nay. Điều tôi rất mừng là chưa bị các nhà thơ có thơ tôi phổ nhạc nổi nóng, mà còn được các tác giả thơ cảm ơn. Một số bài được các thính giả yêu cầu, đó là niềm động viên cả đôi tác giả và cũng ghi nhận sự thành công ở mức độ nào đó của các bài hát này.
Việc phổ thơ tôi thấy không đơn giản, mà rất công phu, phải tìm tòi suy nghĩ.
Trước hết, chọn sao được bài thơ đồng cảm với đề tài mình đang ấp ủ. Hoặc ít nhất mình phải rung động với bài thơ ấy.
Có thơ rồi phải cân nhắc xem nên dùng cả hay trích đoạn. Có phải đảo lên, đảo xuống hay không? Đoạn nào, ý nào nên nhắc lại. (có lẽ trong văn chương sự nhắc lại có khi không lợi, nhưng trong âm nhạc, sự nhắc lại rất cần thiết). Đến khi làm nhạc tuy rất “tình” nhưng phải “tỉnh”. Tình là muốn nói đến cảm xúc đối với thơ. Tỉnh là phải có sự cấu trúc về âm nhạc. Vì nếu chỉ dựa vào dấu giọng bằng trắc của thơ để tạo nên giai điệu thì âm nhạc mất tính độc lập, chẳng khác gì “ngâm thơ có nhịp”. Ngược lại chỉ chú trọng đến ttính độc lập của âm nhạc mà coi nhẹ tiết tấu và bằng trắc của thơ thì khi hát lên sẽ có những chỗ cắt nhịp không đúng với cặp từ hoặc ngừng nghỉ khi câu thơ chưa hết hoặc bị sai dấu huyền, sắc… thì chẳng những nghĩa của từ đó khác đi mà nghe sẽ không hay. Nên giai điệu và lời ca luôn luôn phải được “cưới nhau”.
Sự kết hợp giữa thơ và nhạc rất lạ. Tuy hai mà một. Tuy một nhưng vẫn là hai. Thơ kết hợp với nhạc sẽ thành bài hát. Nhưng cả thơ và nhạc đều không mất đi cái bản sắc của riêng mình. Mà hỗ trợ nhau, chắp cánh cho nhau để bay bổng và tồn tại. Thật là mối quan hệ bình đẳng và cũng rất đặc biệt. (có thể lây bài Lá đỏ làm thí dụ. Nhạc Hoàng Hiệp – thơ Nguyễn Đình Thi. Hát lên là một bài hát hoàn chỉnh. Đọc lời là 8 câu thơ nguyên vẹn đầy cảm xúc, nếu tấu riêng nhạc không lời, cũng là một bài nhạc nhiều người ưa thích).
Nói trong nhạc có thơ, tôi nghĩ đây là điều rất thú vị. Nói đến thơ, người ta hình dung ra ngay đến cái đẹp, cái tinh tế và cô đọng, sự gợi cảm sâu sắc qua hình tượng nghệ thuật và lời văn chọn lọc, đầy suy nghĩ tìm tòi. Nói trong nhạc có thơ là cách nói khái quát , liên tưởng một cách tuyệt diệu. Người ta còn khẳng định rằng khi lời nói bất lực thì dành cho âm nhạc. Nếu nhạc không có cái đẹp tinh tế, cái gợi cảm sâu sắc, giàu tưởng tượng để nói lên tư tưởng và tình cảm con người thì làm sao hoàn thành được sứ mạng đó.
Còn cụ thể, thì tất nhiên nội dung đề tài của nhạc phải chắt lọc, giai điệu chất thơ (kể cả trữ tình lẫn anh hùng ca…) cấu trúc và bố cục gọn gàng mạch lạc. Phải biết sử dụng đúng chỗ, đúng liều lượng những thủ pháp âm nhạc trong tác phẩm. Muốn gây ấn tượng, chủ đề âm nhạc phải hay và thường dùng cách nhắc lại cho người nghe dễ nhớ. Nhưng nhắc lại thế nào để khỏi nhàm tai và đem lại cái mới cho người nghe trong sự xuất hiện của giai điệu nối tiếp. Đây là một mâu thuẫn khá “hắc búa” mà các nhạc sĩ phải tỉnh táo giải quyết.
Về độ dài của tác phẩm cũng có điều đáng nói. Trước đây, người ta viết giao hưởng 3 chương, 4 chương. Sohubert viết giao hưởng số 8 (Inacheve) 2 chương - có lẽ cho rằng chưa đủ 4 chương chăng? Rồi có giao hưởng 1 chương gọi là giao hưởng thơ hoặc thơ giao hưởng (Symphoni Poeme).
Tôi cũng không biết người đặt ra tên giao hưởng thơ nghĩ thế nào mà lại gọi vậy. Nhưng khi tôi viết bản Tổ khúc giao hưởng thơ “Dưới cờ Đại Việt” thì tiếp thu được tinh thần của thể loại này là sự cấu trúc, bố cục cũng như các chủ đề âm nhạc phải cô đọng, súc tích, giàu hình tượng để nói lên nội dung mình đề cập. Có lẽ nhạc đã mượn đặc điểm đó của thơ để gọi lên một thể loại của mình.
Nếu nói rằng trong nhạc chẳng những chỉ có nhạc mà còn có thơ - trong thơ không chỉ riêng thơ mà có cả nhạc – thì sự đan chen vào nhau của 2 loại hình nghệ thuật này cũng là điều tất yếu. Nó chẳng hại nhau mà còn làm nên sức mạnh.
Trong lĩnh vực sáng tác ca khúc – nhiều nhạc sĩ làm cả lời ca. Nhưng hầu như ai cũng có lần tìm đến thơ để phổ nhạc – hoặc có bài do một người khác đặt lời. Như vậy, nếu có sự cộng tác giữa thi sĩ và nhạc sĩ thì hay biết bao nhiêu. Các nhà thơ sẽ làm nhiều thơ “ca từ” cho nhạc sĩ. Các nhạc sĩ sẽ phát huy tính ưu Việt của nhạc chắp cánh cho thơ.
Nếu kể đến hiệu quả cuối cùng của tác phẩm thì sự cộng tác còn có cả các ca sĩ và nhạc sĩ phối khí và biểu diễn.
Một bài hát với nội dung tốt, có lời ca đẹp, âm nhạc hay, được thể hiện qua giọng ca hấp dẫn, truyền cảm với phần đệm sáng tạo sẽ đem lại kết quả tuyệt vời. Người nghe sẽ hát và hát mãi trong lòng người nghe…/.
(Nguồn: http://vov.vn/)