"Nhạc xưa" có bị lạm dụng?
Trở lại như một giấc mơ của những người yêu nhạc xưa, và ca sĩ cũng có nhiều “đất” hơn để thỏa sức sáng tạo, tuy nhiên cơn sốt đã dần hạ nhiệt khi không còn gì là mới mẻ khi nhắc đến nhạc tiền chiến hay Bolero. Hầu như người người làm album, nhà nhà tổ chức show dần đẩy những tình khúc nhạc xưa vào một công thức trở nên nhàm chán.
Cuộc chơi đầu tiên thường có lợi
Một giọng hát khàn, hơi ngắn tưởng chừng như chỉ hợp Rock như Phương Thanh đã khiến công chúng của dòng nhạc xưa, đặc biệt là Bolero bất ngờ khi cô quyết định ra mắt album Chanh Bolero. Có thể nói album này đã làm cho người nghe nhạc nghĩ khác về một cách hát nhạc xưa quá quen thuộc và cũ kĩ. Khán giả bắt đầu lạ tai hơn, không cần phải quá sướt mướt hay mùi mẫn mà Bolero vẫn có sức hút theo kiểu của Phương Thanh. Và album này đã mang đến cho làng nhạc trẻ một cơn sốt cũng như hiện tượng lúc bấy giờ. Nhạc xưa vẫn có sự tồn tại âm ỉ của nó trong đời sống âm nhạc theo nhiều dòng chảy khác nhau, nhưng để có một ca sĩ nhạc trẻ quyết định làm album dành riêng cho nhạc xưa, hay Bolero thì có thể nói Phương Thanh tạo được làn sóng bước đầu.
Tiếp theo đó, khán giả cũng được thưởng thức sự sáng tạo trong cuộc chơi với nhạc xưa ở biên độ rộng hơn. Nhiều ca sĩ dần chuyển hướng đi vào tầng lớp khán giả đại chúng thật sự. Không ai khác, Cẩm Ly và Quốc Đại cũng nhanh chóng tạo được thiện cảm với người yêu nhạc xưa qua nhiều bài hát cũng như album được phát hành. Có thể nói trong vòng 5 năm trở lại đây, nhạc xưa nói chung hay nhạc Bolero đã chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ trong các sản phẩm âm nhạc được thực hiện mỗi năm. Dù là ca sĩ có bước đi chậm hơn một chút, nhưng Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên là những ca sĩ có chiến lược dài hơi cho nhạc trữ tình xưa trong đó có Bolero. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng được nhắc đến như một hiện tượng mới cho Bolero khi anh ra mắt series album Dạ khúc cho tình nhân rất thành công.
Điểm nổi bật nữa là Đàm Vĩnh Hưng luôn cố gắng mang vào album của mình vài bài hát Bolero hiếm hoi được cấp phép, một cuộc chơi không hề đơn giản để chiếm lĩnh thị phần khán giả khá đông của dòng nhạc này. Rồi anh cũng táo bạo thực hiện live show dành riêng cho nhạc xưa mang tên Thương hoài ngàn năm, may mắn, live show tạo nên thương hiệu cho Đàm Vĩnh Hưng và trong năm 2014 vừa qua, Thương hoài ngàn năm 2 lại tiếp tục ghi dấu ấn cho nhạc xưa trong lòng công chúng. Không hề thua kém, Lệ Quyên cũng được xếp vào hàng những ca sĩ tạo được cơn sốt cho chính tên tuổi của mình khi hát nhạc Bolero.Lệ Quyên đã thực hiện được 3 album nằm trong series Khúc tình xưa, tuy nhiên, khán giả sẽ thấy các album này không đồng chất Bolero nhưng vẫn là màu sắc chủ đạo mang đến những ngày huy hoàng nhất của nhạc trữ tình xưa đến với khán giả hôm nay. Và cô cũng được chào đón như một ca sĩ được chọn lựa để thực hiện các album nhạc xưa khi Phương Nam Phim quyết định mời Lệ Quyên thực hiện album Tình khúc Vũ Thành An. Cũng từ đó đến nay, không ít ca sĩ chọn nhạc xưa, nhạc Bolero để thực hiện album trong đó có: Quốc Thiên, Uyên Trang, Phương Vy... Và không phải ai cũng thành công.
Vẫn còn nhiều tranh cãi
Khi Phương Thanh ra mắt Chanh Bolero, đã có không ít ý kiến cho rằng đó không phải là Bolero, cũng không hát đúng với cách hát của dòng nhạc này. Hay đến với Lệ Quyên, khán giả ban đầu vẫn chưa hợp tai với cách ngắt nhả chữ của cô cái đến từ Hà thành. Tất cả tạo nên nhiều sự khác biệt cho Bolero, nhạc xưa của ngày xưa và hôm nay. Tuy nhiên, điều mà công chúng thường cảm thấy hài lòng nhất chính là những bản hòa âm phối khí mới. Đa phần trong các album nhạc xưa nói chung hay Bolero nói riêng thì phần hòa âm luôn được làm mới một cách tinh tế, uyển chuyển trên tinh thần cũ và người nghe bắt gặp cả hai cảm xúc trong khi nghe, đó là vừa quen vừa lạ tai. Như trong album của Quốc Thiên – Tình ca vượt thời gian, khán giả vẫn được nghe lại các bài hát những năm 90 thế kỷ trước, nhưng khoác lên nó là bản phối khí hiện đại, mang tinh thần của nhạc nhẹ hôm nay nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi là giai âm của nhạc xưa.
Và ca sĩ cũng tạo được nhiều tranh cãi là Trần Thu Hà khi cô quyết định hát lại nhạc xưa qua 2 album Tình ca qua thế kỷ. Đây là 2 album không chỉ có những bản tình ca Bolero mà có những khúc hát truyền thống cách mạng thời chiến, rồi nhạc xưa... và cách hát của Hà Trần không theo một lề lối và cách hát mọi người thường nghĩ. Chính điều này đã mang đến cho công chúng không ít lời tranh cãi, liệu có cần phá cách hay cứ giữ mãi tinh thần của nhạc xưa. Ngay cả nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng luôn tạo ra nhiều ý kiến tranh luận như thế khi một ca sĩ nào thể hiện lại. Vừa qua có ca sĩ Hồ Trung Dũng cũng làm nên sự khác biệt với album hát nhạc Trịnh.
Hay đem một chút cổ điển vào nhạc xưa theo cách thể hiện của ca sĩ Phạm Thu Hà thì như thế nào? Rõ ràng, nhạc xưa hay nhạc Bolero sẽ được hát và làm mới như thế nào luôn tạo ra được nguồn cảm hứng bất tận cho ca sĩ cũng như giới sáng tác. Riêng với công chúng thì luôn đòi hỏi sự nghiêm túc khi chọn nhạc xưa để thể hiện. Vừa qua, không ít ca sĩ hát nhạc Bolero, nhạc xưa theo kiểu giật gân, gây sốc đã tạo ra cái nhìn thiếu thiện cảm như Quách Tuấn Du... khi tự xưng và tìm cách làm mới một cách không cần thiết. Rồi Bolero xuất hiện trong các cuộc thi âm nhạc như một chiêu thu hút sự quan tâm của công chúng đang dần đẩy dòng nhạc này vào cuộc biến tướng rẻ tiền không còn là sân chơi sáng tạo.
Liệu nhạc xưa nói chung hay Bolero nói riêng có tiếp tục giữ được sức hút của mình khi mà có quá nhiều sự lạm dụng dòng nhạc này trong thời gian qua? Cần lắm những sáng tạo vừa có tinh thần gìn giữ và tinh thần làm mới để nhạc xưa luôn là một giá trị đẹp trong đời sống âm nhạc Việt Nam.
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)