Nhạc xưa: Cấp phép nhỏ giọt
Quan điểm của Cục Nghệ thuật Biểu diễn là làm theo quy định của Nghị định 79, nghĩa là vẫn theo cơ chế xin - cho
Thống kê trên website của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), đến thời điểm này, tổng cộng đã có 2.470 ca khúc sáng tác trước năm 1975 và các tác giả hải ngoại được cấp phép phổ biến. Con số này quá ít so với khối lượng khổng lồ các ca khúc được sáng tác và yêu thích trước năm 1975 ở miền Nam, chưa kể số lượng ca khúc sáng tác trước năm 1954 ở miền Bắc.
“Đánh trống bỏ dùi”
Khi dòng nhạc xưa được công chúng ngày càng yêu thích, thị trường biểu diễn và nhạc số rất khát ca khúc thuộc dòng nhạc xưa này để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người yêu nhạc. Trong khi đó, công tác thẩm định cấp phép của cơ quan chức năng vẫn theo cách ai muốn thì làm hồ sơ xin.
Cách đây 3 năm, Cục NTBD có thông báo gửi các sở văn hóa - thể thao và du lịch đề nghị thu thập những bài hát được sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam và bài hát do các nhạc sĩ Việt kiều sáng tác tại hải ngoại để tiến hành xét duyệt và công bố rộng rãi cho mọi người biết, sử dụng. Đây là động thái tích cực nhằm hướng đến mục đích quản lý tốt chất lượng nội dung các ca khúc, quản lý tốt hoạt động sản xuất băng đĩa, biểu diễn, qua đó tạo điều kiện cho nghệ sĩ, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này hoạt động thuận lợi nên được người trong giới đồng tình, ủng hộ. Thế nhưng cho đến nay, việc cấp phép ca khúc này vẫn rất nhỏ giọt.
Nhạc sĩ Đức Huy và ca sĩ Anh Khoa trình diễn những ca khúc của thập niên 1970
trong chương trình “Sol vàng” (Ảnh do chương trình cung cấp)
Còn nhớ khi trả lời báo chí về động thái tích cực này, ông Nguyễn Đình Chương, Cục trưởng Cục NTBD, hào hứng cho rằng cơ quan có chức năng kiểm duyệt này khuyến khích tất cả đơn vị, cá nhân nào có bài hát trước 1975 chưa được cấp phép, tập hợp gửi về Cục NTBD để thẩm định cấp phép, số lượng càng nhiều càng tốt. Ông Chương nhấn mạnh không thể có chuyện những tác phẩm hay lại bị cấm, không bao giờ nhà quản lý làm chuyện ngược đời như vậy. Cũng theo ông Chương, từ trước đến nay, việc thẩm định và cho phép phổ biến là không thường xuyên. Chính vì vậy gây ra sự phiền hà cho người có nhu cầu sử dụng, khiến người dân hiểu lầm là cơ quan quản lý nhà nước khắt khe, làm khó. Còn khi tập hợp được khối lượng ca khúc tương đối tốt, hội đồng nghệ thuật sẽ thẩm định dần và cục sẽ cấp phép dựa trên kết quả thẩm định này.
Rất nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng ủng hộ động thái này của cơ quan quản lý nhà nước bởi sau nhiều năm thực hiện cơ chế xin - cho, Cục NTBD đã chủ động sưu tập cấp phép phổ biến cho những ca khúc trước 1975. Ca sĩ Ánh Tuyết cho biết đã gửi tới Cục NTBD bản sao hơn 3.000 ca khúc mà chị tập hợp được để ủng hộ việc làm của cục. Không chỉ ca sĩ mà các hãng băng đĩa cũng rất kỳ vọng vào cách làm đổi mới này bởi nó tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc cho nhà sản xuất. Lâu nay, khi biên tập để chuẩn bị sản xuất sản phẩm mới hay tổ chức chương trình biểu diễn, các công ty băng đĩa đều mất thời gian để tìm hiểu, hỏi xem ca khúc A hay B đã được cấp phép hay chưa, nếu chưa thì phải làm đơn xin. Bài hát đề nghị cấp phép có khi được duyệt, có khi không, có lúc nhanh, có lúc chậm và nhiều khi rất phức tạp, phiền hà.
Vẫn phải cơ chế xin - cho
Tuy nhiên, hơn 3 năm sau khi Cục NTBD có động thái tích cực nhằm xóa bỏ cơ chế xin - cho trong cấp phép ca khúc trước năm 1975, số lượng ca khúc được cấp phép trong diện này vẫn rất nhỏ giọt. Theo thống kê trên website của Cục NTBD, từ đầu năm 2016 đến nay mới chỉ có 18 ca khúc được cấp phép phổ biến. Năm 2015, con số này là 108 ca khúc, năm 2014 là 290 và nhiều nhất là năm 2013 với 541 ca khúc. Một ca sĩ nổi tiếng chia sẻ sự thất vọng vì những mong đợi về sự thay đổi đã không diễn ra.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục NTBD, cho rằng việc thẩm định và cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 phải tuân theo quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu. Theo đó, tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phải nộp hồ sơ đến Cục NTBD để xin cấp phép phổ biến.
Một đại diện khác của Cục NTBD cũng cho hay phải có hồ sơ đề nghị cấp phép, cục mới có căn cứ trả lời. Vị này cũng nói thêm là thực tế thời gian qua, các sở văn hóa - thể thao và du lịch không gửi danh sách ca khúc sưu tập về cục để thẩm định như thông báo của cục đã nói ở trên.
Ngay từ khi nhận được thông báo của Cục NTBD 3 năm trước, một lãnh đạo sở nhận định rằng công việc này sẽ không làm tới đâu nếu thiếu kế hoạch chi tiết. Ngoài ra, khi tổ chức tìm kiếm, sao chép, tổng hợp đánh giá các nhạc phẩm để gửi về cục, các địa phương cũng cần có nguồn tài chính để thực hiện chứ không thể chỉ đơn giản ra một văn bản thông báo như thế là xong.
Né tránh?
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc triển khai thẩm định ca khúc theo tinh thần của công văn từ 3 năm trước của Cục NTBD, ông Đào Đăng Hoàn cho hay sẽ tìm hiểu thêm thông tin để cung cấp cho phóng viên. Chiều 13-6, khi phóng viên liên lạc lại, ông Hoàn cho biết đã đi công tác phía Nam và cho số điện thoại của trưởng Phòng Quản lý băng đĩa Cục NTBD để liên lạc. Tuy nhiên, sau khi nghe phóng viên xưng danh, điện thoại của vị trưởng phòng này hoàn toàn im lặng, cuộc gọi tiếp theo rơi vào trạng thái tắt máy không liên lạc được. |
(Nguồn: http://nld.com.vn)