Nhạc Việt...hết thời?

24/07/2014

PGs TS Vũ Nhật Thăng đã kết kuận bài phát biểu của mình tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nhân chương trình tập huấn về Lý luận phê bình âm nhạc vào tháng 12 năm 2011 rằng: “Khi một số loại nhạc nào đó đã đạt tới đỉnh thì người ta lại muốn, cũng là phải tìm đường để lập nên các đỉnh khác.

Thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước....” Đáng buồn là thời vang bóng, những giai đoạn “đỉnh điểm” của Nhạc Việt trước đây có lẽ đã đến lúc tắt lịm. Dù đồng ý hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận hiện tượng này: âm nhạc Việt Nam đang ở vào một vùng trũng, một “đỉnh điểm thấp” đặc biệt đối với nhạc kinh điển và truyền thống. Có người hỏi tôi, “Âm nhạc thính phòng, giao hưởng có vị trí nào trong nền âm nhạc Việt Nam?”. Câu trả lời thật đơn giản: Hãy cứ xem những chương trình này được phát vào giờ nào trên các đài truyền hình thì biết được ngay loại âm nhạc này được đối xử ra sao. Hiếm khi trước 23 giờ! Những tinh hoa của nghệ thuật âm nhạc, những niềm tự hào của âm nhạc Việt Nam trước nền âm nhạc bác học thế giới luôn được phát sóng vào lúc công chúng đã đi ngủ! Còn trong những giờ “vàng”, giờ “bạc”, giờ “đồng” trên truyền hình có gì? Ai có một chút văn hóa âm nhạc tối thiểu cũng không khỏi nhăn mặt khó chịu, lắc đầu ngao ngán khi vô tình xem những gameshow âm nhạc, những chương trình ca nhạc vốn từng được xem là có uy tín nhưng ngày càng nhiều loại ca sĩ, ca khúc mang đầy “tinh thần hữu nghị” Hàn – Việt, Trung – Việt, Mỹ – Việt. Chữ “Việt” nằm sau một cách “khép nép” bởi vì trong những ca khúc ấy, chất “Việt” rất khiêm tốn cho dù ca từ bằng tiếng Việt! Điều đáng báo động là ngày càng có nhiều sáng tác, chương trình ca nhạc “hai dòng máu” như thế trên màn ảnh nhỏ. Văn hóa Hàn quốc, Trung quốc đã âm thầm thâm nhập và chi phối thẩm mỹ âm nhạc của người Việt một cách đáng báo động. Có phải Nhạc Việt đã...hết thời?

“Nếu âm nhạc có khả năng truyền đạt cảm xúc, suy tư một cách trực tiếp “không cần phiên dịch” (nhưng cần hiểu biết) thì không vì thế âm nhạc phải có các cách cấu trúc, xử lý giống nhau trên toàn thế giới” [trích “Ngẫu hứng từ chủ đề THỜI GIAN – KHÔNG GIAN ÂM NHẠC”, PGs TS Vũ Nhật Thăng, tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật số 6, tháng 12/1988]. Nhận định sâu sắc này có tuổi lớn gần gấp rưỡi tuổi đời của một số “ca sĩ” trẻ đang “hot” hiện nay. Gần nhất phải kể đến trường hợp của chàng trai “tuổi 20” người Thái Bình, nổi lên từ “underground”, Nam tiến thành công và được các phương tiện truyền thông gọi là “nhân tố sáng giá của Nhạc Việt”. Và anh cũng là người tạo ra nghi án đạo nhạc đang thu hút nhiều sự quan tâm của các giới. Một lần lên máy bay VietJet tìm chỗ ngồi trong chuyến bay Đà Lạt – Tp. HCM, tôi nghe một ca khúc thị trường bằng tiếng Anh. Nếu không bàn đến chất giọng, kỹ thuật ca hát thì giai điệu, phần nhạc nền (background, chứ không phải phần “hòa âm” như nhiều người thường gọi!) đã làm tôi chú ý và tự trách mình lâu rồi không theo dõi nhạc pop thế giới nên chẳng biết tác giả. Nhưng sau đó ca khúc này được hát bằng một thứ ngôn ngữ “hình như là tiếng Việt”. Tôi nghĩ chắc đây là loại ca khúc “điệu Tây, lời ta” và hỏi vợ tôi ngồi bên cạnh: “Em thích nghe lời Anh hay lời Việt trong ca khúc này?” – “Lời Anh hợp hơn”. Đúng là như vậy vì mặc dù đây là một ca khúc Việt được báo mạng cho là “đã đạt được con số lượt nghe khổng lồ, hơn 82 triệu lượt tính đến ngày 7/3/2014” nhưng “có đến 82 % chất nhạc của K-Pop”. Về sau, hỏi ra tôi mới biết bài hát “hai dòngmáu” này là của chàng trai trẻ Thái Bình ấy. Điều đáng bàn và đáng buồn là một nhạc sĩ có tên tuổi, uy tín trong giới ca khúc Việt Nam, người đã đề cử mộtbài hát mang nghi án đạo nhạc của chàng trai Thái Bình ấy vào “Bài Hát Yêu Thích”, lại lên tiếng bênh vực, bảo vệ cho việc anh ca sĩ trẻ đạo toàn bộ phần nhạc nền của một ca khúc Hàn Quốc bằng cách so sánh việc Charles Gounod sáng tác “Ave Maria” trên nền của bản Prélude số 1trong tập “Bình quân luật cho đàn phím, Tập I” của J.S. Bach! Thật là một so sánh vừa khiên cưỡng vừa báng bổ âm nhạc kinh điển. Tôi tự hỏi người nhạc sĩ tự nhận mình đã từng “học tại Học viện Âm nhạc với một giáo viên người Nga” có thấy ngượng ngùng khi nói như thế không?

Chỉ cần một người có chút ít kiến thức và yêu thích âm nhạc kinh điển sẽ “nóng mặt” khi thấy một so sánh như vậy. Đã thế, người nhạc sĩ ấy lại còn đánh đồng việc “làm giai điệu trên một hòa thanh có sẵn” (đây chỉ là một loại bài tập hòa âm chứ không phải “môn học chính thức ở một trường chuyên về âm nhạc” như ông ngộ nhận) với việc “đánh cắp phần nhạc nền của người khác”. Người nhạc sĩ ấy coi thường kiến thức của công chúng âm nhạc kinh điển hay có phải Nhạc Việt đã...hết thời?

Trong khi đang viết bài này, tôi lại được tin người nhạc sĩ có tiếng tăm (hay tai tiếng?) trong showbiz Việt và là thầy của chàng trai trẻ “chuyên gia đạo nhạc nền” trên đây cũng vừa bị dính nghi án đạo nhạc đối với một ca khúc đình đám của anh. Có người cho rằng ca khúc đó có đoạn đầu giống với ca khúc Nga “Opera #1” do ca sĩ Vitas thể hiện và còn có thêm một phần tham khảo nhạc dạo ca khúc “Somebody that I used to know” của Gotye ft Kimbra. Quả là “thầy nào, trò đó” và tệ hại hơn nữa những “thầy, trò” kiểu đó đang được đề cao. Có phải Nhạc Việt đã...hết thời?

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây rộ lên phong trào “nhắn tin, bình chọn”. Người ta cho rằng đó là ý kiến của tập thể, của quần chúng. Chúng ta cũng đã rõ không phải lúc nào số đông cũng phản ảnh được chân lý. Ở ngoại quốc, tại những cuộc thi âm nhạc uy tín như Eurovision, American Idol,...yếu tố “tin nhắn bình chọn” vẫn được tính đến nhưng hiếm khi nào mâu thuẫn với sự lựa chọn của ban giám khảo, của tiêu chuẩn nghệ thuật. Lý do: sự thật luôn được tôn trọng và công chúng có được một nền giáo dục âm nhạc căn bản. Ở Việt Nam, sau những cuộc thi âm nhạc luôn rộ lên những “nghi án sắp đặt”, người theo dõi thường lắc đầu ngao ngán, khó hiểu khi những kết quả bình chọn được công bố. Ngày nay, âm nhạc của chúng ta được đánh giá và tôn vinh không phải nơi chất lượng mà phần nhiều dựa vào “lượng tin nhắn bình chọn”. (Đó là chưa kể đến những “phù phép” để có được số lượng tin nhắn bình chọn áp đảo). Có phải Nhạc Việt đã...hết thời?

Một vấn nạn khác đã từng được báo chí đưa ra là ban giám khảo trong những cuộc thi âm nhạc gần đây. Đã lâu rồi ít thấy một cuộc thi nào như Tiếng Hát Mãi Xanh 2014 với thành phần Ban Giám khảo là những người có học thuật và tài năng âm nhạc thật sự. Các nhà tổ chức có vẻ như thành lập Ban Giám khảo dựa trên tiêu chí ăn khách hơn là chuyên môn. Tháng 5 vừa qua, các phương tiện truyền thông ầm ĩ đưa tin ca sĩ L.T. chính thức nhận là giám khảo cho cuộc thi “Giọng Hát Việt” vì có chuyên môn vững vàng! Một người “hát tiếng Việt như tiếng Anh và hát tiếng Anh như tiếng Việt” ấy lại được chọn làm giám khảo chuyên môn cho một cuộc thi hát được nhiều người quan tâm. Những người trong nghề đều biết chuyên môn âm nhạc của người đó là một dấu chấm hỏi và chấm than lớn. Có phải Nhạc Việt đã...hết thời?

Tuy chỉ mới xét đến một số mặt: sáng tác, biểu diễn, đánh giá (thưởng thức) và giám khảo của nền nhạc Việt Nam (công bằng mà nói, đó là V-pop chứ không hoàn toàn là Nhạc Việt) hiện nay, tôi đã đủ thông cảm câu nói đầy bức xúc của vợ tôi sau khi xem trực tiếp truyền hình về một cuộc thi âm nhạc gần đây: Nhạc Việt hết thời rồi! Trong tôi vẫn còn nguyên một dấu hỏi lớn.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...