Nhạc Việt 2012: Những góc nhìn ...“vô danh”

26/02/2013

Năm 2012 là một năm khởi sắc của nhạc Việt nói chung đặc biệt là nhạc nhẹ nói riêng. Mỗi ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất đều đi tìm “chiều sâu” trong tất cả các sản phẩm của mình. Các hoạt động âm nhạc không chỉ mang đến những tinh thần, yếu tố sáng tạo rất mới mà còn mở rộng giao lưu với các nghệ sĩ nước ngoài. Đặc biệt, năm vừa qua là năm các nghệ sĩ “vô danh” gần như tạo được tiếng vang và bắt đầu đặt những “viên gạch” đầu tiên để tỏa sáng trong mùa nhạc mới 2013.

Ca sĩ “vô danh” lên ngôi

Không đâu khác, chính từ các cuộc thi âm nhạc, trên hệ thống các website âm nhạc, hay trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới là Youtube, những nghệ sĩ mới, dường như chưa được biết đến đã tỏa sáng. Họ có giọng hát, có sáng tác riêng và được khán giả đón nhận. Năm 2012, những cái tên quen thuộc của làng giải trí gần như định vị khá “yên ổn”, duy chỉ có các nhân tố mới như Bảo Trâm, Hoàng Quyên, Hương Tràm, Đinh Hương... mới có sức hút dư luận đến bất ngờ.

Điểm đáng ghi nhận ở các cuộc thi âm nhạc 2012 chính là góp phần đưa những giọng hát tuyệt vời ấy đến với công chúng. Tuy chỉ là những “tân binh” của làng nhạc nhưng họ nhanh chóng có MV, Single để cho thấy tinh thần “xung trận” của lớp nghệ sĩ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Không chỉ có giọng hát, với sự hỗ trợ đắc lực nhất từ cuộc thi mà họ tham gia, những gương mặt ấy dần tỏa sáng và đến gần hơn với khán giả. Năm 2012 cũng là năm đánh dấu sự thăng hoa trong nghệ thuật “lăng xê” cần có một cuộc thi âm nhạc mà từ trước tới nay ít khi làm được. Có thể, bản thân ca sĩ trẻ họ có tố chất để khán giả nhớ và yêu thích, cộng hưởng trong một chương trình truyền hình đủ sức hấp dẫn người xem thì việc quảng bá khá thuận lợi.

Scandal không ít nhưng những hoạt động ấn tượng để ghi dấu tên tuổi họ cũng không thiếu, đó là diện mạo chung của hoạt động ca sĩ trong năm 2012 vừa qua. Bên cạnh, khán giả bắt đầu đón nhận nhiều nhân tố mới có thể thay thế trong vài năm tới. Không riêng gì “phái đẹp” vẫn luôn chiếm lĩnh thị trường, các nam ca sĩ trẻ trung, mới mẻ cũng tạo được ấn tượng riêng trong năm vừa qua. Trúc Nhân, Bùi Anh Tuấn, hay YaSuy... chính là những giọng hát được khán giả nghe và bắt đầu nhìn nhận ở họ khác trước rất nhiều.

Nếu như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng... luôn là những cái tên dẫn đầu trong sự quan tâm của công chúng thì năm nay Bảo Anh, Phạm Thu Hà, Tiên Cookies... gần như tạo được thế cân bằng. Từ những đam mê nhỏ nhoi trong cuộc sống hàng ngày, họ tìm kiếm cơ hội, tỏa sáng, từ giọng hát “vô danh” họ được khẳng định, có vị trí riêng. Ca sĩ 2012 là vậy! Tươi mới và nhiều hứa hẹn hơn.

Bài hát yêu thích 2012

Một trong những sự kiện âm nhạc được chú ý rất nhiều và góp phần phản ánh góc nhìn của khán giả trong thị trường nhạc nhẹ hiện nay. Đó là Bài hát yêu thích. Chương trình “Bài hát yêu thích” được xây dựng với mục đích tìm ra bài hát nào được ca sĩ nào thể hiện thành công và được công chúng yêu thích nhất tại một thời điểm nhất định, có thể hiểu đơn giản là tìm ra “hit” trong thời điểm mỗi tuần, mỗi tháng. Và chương trình “Bài hát yêu thích” là nơi để khán giả thể hiện sự yêu thích đối với các bài hát. Với tiêu chí này, chương trình “Bài hát yêu thích” được kỳ vọng trở thành sân chơi âm nhạc hấp dẫn, phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc của số đông khán thính giả và góp phần làm phong phú thêm đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Giải thưởng lớn nhất trong năm của chương trình Bài hát yêu thích là “Bài hát của năm” đã thuộc về “Chiếc khăn Piêu” là lựa chọn hoàn toàn xứng đáng và không hề mất đi tính thời đại. Nhạc Việt của năm 2012 đã chứng kiến những cuộc “lật đổ” ngoạn mục, và chiến thắng của “Chiếc khăn Piêu” cũng nằm trong số đó. Việc Tùng Dương nhận giải thưởng “Bài hát của năm” cho thấy được sự làm việc hết mình cũng như một năm “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” với chàng ca sĩ ngày càng biết cân bằng những nét cá tính với dòng chảy đại chúng.

Sẽ rất thiếu sót nếu như không nói đến phần phối tuyệt vời và gây hưng phấn của “Jazz man” Nguyên Lê, người đàn ông có thể biến ảo mọi thứ với âm nhạc với cây đàn đặc biệt do chính ông “sản xuất”. “Chiếc khăn Piêu” là một ca khúc mang đậm âm hưởng của miền núi phía Bắc, và phải nhắc lại rằng, đây là một ca khúc trúc trắc, khó hát và trên hết, đã có rất nhiều danh ca từng thành công trước Tùng Dương. Giải thưởng “Bài hát của năm” vừa là niềm vui với một giải thưởng quan trọng, nhưng cũng là niềm vui với yếu tố khai thác mang tính dân tộc lên ngôi, và chạm được đến trái tim ngày càng đa dạng và khó tính của công chúng.

Tuy nhiên, ban tổ chức chương trình này sẽ còn phải xử lý những ngổn ngang với khiếu kiện và bất bình của nghệ sĩ và khán giả trong công tác tổ chức và bình chọn để rút kinh nghiệm cho mùa giải sau.

 Live show “nhạt màu” tạp kỹ

Bên cạnh ca sĩ, ca khúc mảng liveshow và các chương trình nghệ thuật không thể thiếu trong tổng thể làm nên đời sống âm nhạc phong phú như hiện nay. Màu tạp kỹ nhạt dần, thay vào đó là những chương trình mang tính nghệ thuật cao, hướng đến âm nhạc chỉ đạo và tôn vinh người nghệ sĩ sáng tạo là chính. Như một nhu cầu tuần hoàn của chính các show nghệ thuật, khi khán giả đã quá quen thuộc thì họ phải thay đổi và đưa ra thực đơn mới.

Nhưng với những chương trình ca nhạc, năm vừa qua, các mô tuýp kịch bản như Tác giả - Tác phẩm, hay chọn một chủ đề, chọn câu chuyện, và ca sĩ là trung tâm ngày một thịnh hơn. Chương trình Điều còn mãi của báo điện tử Việtnamnet là một minh chứng. Chính sự thay đổi này góp phần làm nên diện mạo mới cho loạt live show cuối năm 2012.

Từng cá nhân ca sĩ bắt đầu ý thức nhiều hơn về đẳng cấp, họ không sa vào chuyện phải lấp đầy ghế ngồi, thay vào đó là những chương trình đặc biệt “cá nhân”. Như Mỹ Linh cùng với Tour “Và em sẽ hát...”, hay đêm nhạc Tùng Dương hát tình ca, Cẩm Ly với đặc sản “Tự tình quê hương”, những đêm diễn của Trịnh Nam Sơn... Khán giả đang dần được thưởng thức những show diễn không chỉ có sự đầu tư kinh phí cao mà chất lượng khác các show tạp kỹ rất nhiều. Không phải thời điểm này mới có, nhưng giữa lúc thị trường quá khó khăn, không cách nào khác các chương trình phải tự nâng cao chất lượng và kéo khán giả về phía mình. Bởi sự chọn lựa gắt gao của công chúng một phần chi phối ngược lại suy nghĩ làm show hiện nay.

Đã từng có một khoảng thời gian, các đêm nhạc Tác giả - Tác phẩm, đặc biệt là mang dấu ấn cá nhân của một nhạc sĩ thường khó khăn trong việc thu hút khán giả đến với sân khấu. Nhưng giờ đây lại là sở thích rất đặc biệt của khán giả, đêm nhạc duy nhất chỉ 1 cái tên lại có sức hút cực kỳ lớn. Điển hình như loạt chương trình “In the Spotlight”. Sự thay đổi về quan điểm thực hiện các chương trình nghệ thuật này đã mang đến cho các show diễn dù cá nhân ca sĩ, hay dòng nhạc, nhạc sĩ... đều hướng đến giá trị trung tâm. Không còn là những tiết mục rời rạc được sắp đặt theo lịch thời gian của ca sĩ, hay chỉ xếp hàng ra hát đủ bài thì thôi, các chương trình kiểu này tôn vinh cái hay của giai điệu, ca từ và cả những phút sáng tạo thật sự của người ca sĩ khi trình bày. Khán giả đan xen ở nhiều lứa tuổi và gu âm nhạc khác nhau. Các chương trình nghệ thuật phải thay đổi để tự cứu lấy chính những giá trị đẹp đẽ mà âm nhạc có được. Chắc chắn rằng, xu hướng ấy sẽ tạo nên cái nhìn khác hơn về các live show hiện nay! 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...