Nhạc trẻ Việt tiếp tục chọn lọc và sáng tạo

07/08/2013

Nhiều kênh truyền hình cáp đã dành hẳn những khung giờ vàng để giới thiệu các video clip ca khúc của những ca sĩ trẻ. Xét về chất lượng của phần đạo diễn hình ảnh, các góc máy quăng bắt... cho thấy về sự hấp dẫn, bắt mắt người xem không có sự thua kém nhiều so với các ngôi sao xứ Kim chi.

Khi âm nhạc đến từ... phim truyền hình

Quay lại khoảng thời gian 15, 20 năm về trước, nhạc phổ thông Việt Nam chịu tác động khá nhiều từ những ca khúc của Trung Quốc, Hong Kong hay Đài Loan trên phương diện giai điệu, tiết tấu và hòa âm. Thời điểm đó, nhiều bài hát ra đời do trào lưu phim ảnh và đĩa hát bằng tiếng Hoa đã mặt nào có ảnh hưởng nhất định tới đời sống tinh thần của người Việt.

Những nhóm nhạc nổi tiếng một thời như Tứ Đại Thiên Vương, Tiểu Hổ với những cái tên quen thuộc như Lưu Đức Hòa, Lê Minh rồi Ngô Kỳ Long hay Tô Hữu Bằng làm mưa làm gió những năm cuối thập niên 90. Đồng thời, những bộ phim truyền hình do Hong Kong, Đài Loan không chỉ cuốn hút khán giả bởi nội dung hấp dẫn, dàn diễn viên đẹp như mơ, mà còn bởi những bản nhạc đầy ấn tượng, được chuyển thể sang tiếng Việt và được giới nghe nhạc trẻ mến mộ, trong đó những ca khúc trong các bộ phim của Bao Thanh Thiên, Hoàn Châu Cách Cách, Tây Du Ký, Bến Thượng Hải, Tể Tướng Lưu Gù… đã trở thành hiện tượng, và từ đó không ít nhạc phẩm của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng ít nhiều từ những nhạc phẩm gốc Hoa kể trên.

Bên cạnh, những nhạc phẩm Hoa được dịch sang lời Việt, dòng nhạc đại chúng, đặc biệt hướng tới giới trẻ giai đoạn gần đây lại chịu tác động khá lớn từ dòng nhạc phổ thông của Hàn Quốc mà chúng ta thường hay gọi bằng cái tên KPOP.

Thị trường KPOP được xem là rất đa dạng với nhiều ban nhạc và ca sĩ nổi tiếng, họ nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn có sức lan tỏa ra khu vực và thậm chí là thế giới, sự phổ biến của KPOP được đánh giá là một phần nổi của văn hóa Hàn Quốc đương đại ở Châu Á.

Cũng giống như nhạc phim tiếng Hoa, khi KPOP kết hợp với những bộ phim truyền hình dài tập, người xem Việt Nam lại có cơ hội được thưởng thức những ca khúc giàu chất trữ tình, cảm động, ở đó là sự kết hợp tài tình giữa phong cách âm nhạc thịnh hành hiện đại của Hàn Quốc và những giai điệu dễ nghe, dễ thuộc phù hợp với chất Á Châu. Những nhạc phẩm Hàn Quốc dễ đi vào lòng người có lẽ bởi sự hòa trộn của những nhân vật có ngoại hình đẹp như mơ cộng với văn hóa gần gũi tương đồng của người Việt, trong đó phải kể đến Trái tim mùa thu, Anh em nhà bác sỹ, Giày thủy tinh, hay Ước mơ vươn tới một ngôi sao...

Sao chép, học hỏi và... sáng tạo!

Ở góc độ khác, nếu nhìn vào một bộ phận ca sĩ trẻ Việt Nam, hẳn nhiều người không mấy thiện cảm bởi sự dập khuôn từ kiểu tóc, ăn mặc, trang điểm cho đến phong cách biểu diễn và những đoạn video được sao chép giống đến 99% của các bạn diễn Hàn Quốc. Nhiều người nói không sai khi phát biểu VPOP là bản sao của KPOP. Nhiều ca sĩ trẻ mới vào nghề thay vì tạo cho mình một phong cách riêng biệt lại bắt chước y chang một ca sĩ đang nổi danh nào đó của Hàn Quốc, với những bước vũ đạo, kiểu hát cho đến tạo hình hoàn toàn đậm chất của xứ sở Kim Chi.

Khi nhìn nhận về góc độ này, nhà báo Quỳnh Như (báo Bình Dương) chia sẻ quan điểm của mình: "Nhạc Việt trẻ bây giờ về phần hình thức, ăn mặc, cách nhảy, điệu bộ…bắt chước của Hàn Quốc rất nhiều, hoặc là lập ban nhạc hoặc hát đơn lẻ, nói chung là phong cách ăn mặc, đầu tóc, nhảy nhót hoặc cả hướng đi trong âm nhạc thì đều hướng theo Hàn Quốc. Hoặc là sang Hàn Quốc để quay video clip, cố gắng để bắt quen với ca sĩ Hàn Quốc, rồi mời tham gia các chương trình này kia, để câu kéo khán giản hơn. Cũng bởi vì giới trẻ bây giờ thích KPOP nhiều hơn, nên các ca sĩ cũng theo xu hướng ấy thôi!".

Ở góc độ của giới trẻ nghe nhạc Hàn Quốc, trên các diễn đàn, không ít ý kiến cho rằng hiện nay ở Việt Nam, giới trẻ nghe hơi cuồng quá so với cả ngày xưa. Giới trung niên nhìn nhận lúc nghe nhạc thì chỉ đơn thuần thích ca sĩ này, ca sĩ kia. Giờ các fan trẻ bây giờ không những thích mà còn ăn ngủ cùng ca sĩ, khóc lóc, thở than, và nhiều khi hơi thái quá theo kiểu cuồng tín cuối xuống để hôn chỗ ghế mà thần tượng KPOP vừa rời khỏi chỗ...

Mặc dù còn nhiều tranh luận mang tính tiêu cực về dòng nhạc trẻ Việt Nam bị tác động từ KPOP, nhưng có thể thấy việc tiếp thu và du nhập dòng KPOP không phải là chỉ có những mặt xấu. Nhìn nhận một cách công bằng, nhờ sự học hỏi từ KPOP mà Việt Nam đã có sự ra đời nhiều video có chất công phu như những album Vút bay hay Trắng đen của Mỹ Tâm, Fly của Vy Oanh hay Get On the Floor của nhóm 365. Bên cạnh đó, nhờ học hỏi tính chuyên nghiệp của các ban nhạc Hàn Quốc mà phần vũ đạo cũng như thanh nhạc và sử dụng nhạc điện tử của nhiều nhóm nhạc Việt Nam được cải thiện. Thậm chí Mỹ Tâm cũng nhiều lần sang Hàn Quốc học hỏi và cống hiến đến khán thính giả Việt nhiều clip ấn tượng và được đánh giá chất lượng cao.

Rõ ràng việc học hỏi có tính chọn lọc và sáng tạo cũng đang đưa dòng nhạc trẻ Việt Nam bám sát hơn với xu hướng chung của dòng nhạc khu vực và thế giới.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam 30)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...