Nhạc thử nghiệm: Có cần được khen?

13/06/2013

Có gì mâu thuẫn không giữa những gì được cho là “thử nghiệm” xuất hiện khá tràn lan trong các bài báo về âm nhạc với thứ âm nhạc được gọi đích danh là “nhạc thử nghiệm”?

Một mang ý nghĩa chỉ hành động dám “thử” để làm mới (dù cái đem ra thử có khi rất cũ), một thì xác định nhiệm vụ rõ ràng phải đem lại cái gì đó hoàn toàn khác lạ, thậm chí quái dị, để tìm ra những gì mới mẻ. Cùng chung mục đích là cái mới, vậy chúng khác nhau như thế nào mà cái thì rất dễ được khen, cái thì hoặc có thể bị ném đá ngay tức khắc, hoặc mãi nằm trong sự hoài nghi…

Thử nghiệm trên… mặt báo

Sau đêm diễn Cầm tay mùa Hè 2013 với hai diva Thanh Lam và Hà Trần, có ngay muôn lời có cánh ca ngợi những thử nghiệm mới mẻ đã giúp 2 diva và các khán giả trung thành cùng thăng hoa.

Chữ “thử nghiệm” sau show diễn này có vẻ bị lạm dụng, tới nỗi một trong các “khổ chủ” - cũng là người thích thử nghiệm nhất và đã chuyên tâm vào con đường này nhiều năm nay là ca sĩ Trần Thu Hà - đã phải lên tiếng “nói lại cho rõ” rằng, đó là chỉ là nhạc cũ, bài cũ, lâu rồi không diễn hoặc chưa từng diễn, nên mọi người tưởng mới. Một vài bài được soạn hòa âm mới, nhưng nếu nói “thử nghiệm” có lẽ hơi quá lời, vì cũng không có gì mới lạ được đem ra sử dụng cả, có chăng là một tinh thần mới cho những bài hát cũ đã quá lâu không được “chính chủ” hát lại (vậy bản phối bài Dệt tầm gai của Trung tâm Thúy Nga ở hải ngoại cũng do Hà Trần hát có thể gọi là thử nghiệm được không? Nếu được tại sao fan Hà Trần đa số phản đối, nếu không, thì dựa vào đâu để xét đến tiêu chí “thử nghiệm”?).

Điều gì khiến những bài hát từ một album đã phát hành gần 10 năm trước, nay đem ra diễn live trên sân khấu, sử dụng các bản phối gần như nguyên gốc, lại được cho là thử nghiệm mới? Khán giả (có một phần báo chí) không cập nhật về những thay đổi diễn ra trong âm nhạc, không biết đến album này, hay là có sẵn một suy nghĩ mặc định cứ diva, mà là diva nổi loạn như Thanh Lam, Hà Trần, lại có cộng sự danh tiếng Quốc Trung thì ắt phải có thử nghiệm, đương nhiên phải phá cách, và tất nhiên mới mẻ?

Vậy “thử nghiệm” trong trường hợp này, tức là thử nghiệm trên mặt báo, có gì khác với thứ “nhạc thử nghiệm” bấy lâu được một số nghệ sĩ Việt Nam âm thầm theo đuổi (trong vòng “thử nghiệm”, hiển nhiên) và rất ít có cơ hội xuất hiện trên báo, dù chúng có chung cái tên “thử nghiệm”?

Nếu “thử nghiệm” chỉ đơn giản là soạn một hòa âm mới cho một ca khúc cũ, mà các chất liệu để làm ra cái mới đó cũng dùng toàn những cái đã cũ hoặc ít nhất không còn mới thì chẳng lẽ mỗi bản remix cũng được coi là một thử nghiệm? Nếu thử nghiệm mà phổ thông, mà dễ tìm dễ nghe thế thì nó đã là đại chúng rồi, cần gì phải “thử” nữa.


Thanh Lam, Hà Trần cùng nhạc sĩ Quốc Trung trong những ngày tập luyện cho chương trình
Cầm tay mùa hè 2013 tại Hà Nội

Truyền bá “thử nghiệm”

Như vậy rõ ràng cần một cách hiểu khác để thử nghiệm thực sự là chính nó, là những gì đưa ra nhằm thử thách những thói quen cũ và tạo dựng những thị hiếu mới. Có những thử nghiệm theo thời gian ngắn dài khác nhau sẽ dần đi vào dòng chính (mainstream), kết thúc sứ mệnh ban đầu và tận hưởng thành công.

Tất nhiên vẫn sẽ tồn tại kiểu “thử nghiệm” mà bản chất chỉ là những kết hợp chưa từng có hoặc hiếm hoi giữa các thành tố, các nhân vật đã quen mặt quen tên. Một phần cũng vì sự hạn chế của thuật ngữ tiếng Việt. Nhưng chính vì thế mà càng cần phải có sự rõ ràng để không xảy ra trường hợp khán giả thắc mắc một cách chính đáng: Sao Thanh Lam, Hà Trần thử nghiệm thì hay và dễ nghe mà Kim Ngọc hay Phó An My làm cái trò gì khó “nuốt” thấy ghê? Câu hỏi dạng này hoàn toàn có thể xuất hiện, và như thế sẽ rất thiệt thòi cho cả hai bên, vì họ bị hiểu lầm.

Và có lẽ để trình trạng hiểu lầm này dần bớt đi nên gần đây Kim Ngọc (một nữ nhạc sĩ đã có chút tên tuổi ở dòng “đại chúng” trước đây qua một số ca khúc được các diva biểu diễn nhưng nay cô chuyển hẳn qua dòng nhạc thử nghiệm) đã mở một trung tâm chuyên về nghệ thuật và âm nhạc thử nghiệm, trong nỗ lực nhằm “truyền bá” sự say mê với khu vực âm nhạc rất đặc biệt này tới khán giả và cả giới làm nhạc. Thời gian mà trung tâm này khai trương gần trùng với sự kiện âm nhạc thử nghiệm lớn nhất trong năm là Liên hoan Âm thanh Hà Nội mà người khởi xướng cũng là cái tên rất nổi bật trong cả dòng thử nghiệm lẫn mainstream là Trí Minh.

Chính Trí Minh là người đã hòa âm phần lớn các ca khúc trong đĩa Thanh Lam - Hà Trần từ “ngày xưa” để nay sau gần 10 năm các bản phối ấy lại được khoác lên mình tấm áo “thử nghiệm”. Trong khi thứ âm nhạc thử nghiệm thực sự mà Trí Minh và Kim Ngọc theo đuổi đến nay vẫn chỉ được biết đến qua các kỳ festival hiếm hoi mà những buổi diễn thử nghiệm khán giả đến xem chủ yếu là… người nước ngoài, còn các bản ghi âm của họ chủ yếu nằm trong… iPod cá nhân hay số ít bạn bè thân thiết.

Thực ra thì có một “cửa” để nhạc thử nghiệm - xin nhắc lại là thực sự thử nghiệm - đến được với số đông hơn khán giả (chỉ là đông hơn chứ đại chúng thì chưa chắc) là kết hợp với các ngôi sao ca nhạc. Nếu Trí Minh kéo được chị gái mình là diva Thanh Lam vào những dự án thử nghiệm rất bí hiểm của anh, chẳng hạn piano, jazz với tuồng (hát bội), thì chắc anh sẽ được lên báo nhiều hơn; nếu Kim Ngọc rủ rê các bạn Mỹ Linh, Hà Trần tham dự các buổi trình diễn Ai đem con nhện giăng mùng thì biết đâu họ đã chẳng còn phải là nghệ sĩ underground nữa.

Nhưng underground là một thuộc tính gần như đã thành chuẩn mực của “nhạc thử nghiệm”, kể cả khi những thử nghiệm ấy khai thác các chất liệu âm nhạc vốn thuộc về đại chúng.

Tại Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2013 vừa diễn ra, trong đêm diễn cuối cùng, các nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn chung với các DJ nổi tiếng Việt Nam, ở phần chơi của các DJ Việt Nam, cả ngàn khán giả trẻ đắm say cuồng nhiệt vì rất… dễ nhảy; đến phần diễn cuối của nhóm Mimetic (Áo) thì phản ứng thú vị diễn ra: nhạc rất dồn dập, khán giả vẫn vô cùng phấn khích nhưng không… nhảy được, vì nhịp bị nghịch chân. Một số nỗ lực nhảy theo nhạc dường như bất thành nên cuối cùng họ chia thành từng nhóm hoặc đứng lắc lư, hoặc rồng rắn đi lòng vòng, người thì hú hét kẻ thì… bỏ về. Câu nhận xét nghe được nhiều nhất là: nhạc gì lạ thế, nghe phê quá mà sao không nhảy được.


Nghệ sỹ Phó An My, một trong những nghệ sỹ thể nghiệm có tiếng tăm tại Việt Nam

Còn nhóm Mimetic sau buổi diễn chia sẻ rằng việc họ chơi nhạc mà khán giả bỏ về diễn ra ở khắp những nơi họ từng lưu diễn, lý do chung đều giống nhau, đã nói ở trên. Họ hoàn toàn có thể thay đổi tiết tấu, nhịp điệu để giữ khách ở lại tới phút cuối. Nhưng như thế họ đâu còn là họ!

Khi chấp nhận là nghệ sĩ underground, mà không phải là thứ underground theo mốt đang rất thịnh hành hiện nay, thì giới làm nhạc thử nghiệm đã tự xác định con đường của mình là phải đi trước hoặc có khi đi ngược lại đám đông. Nhạc thử nghiệm, theo đúng khái niệm “experimental music”, đã có lịch sử hơn một thế kỷ, khởi từ đầu thế kỷ 20, trong nỗ lực chung nhằm phá vỡ những khuôn mẫu đã quá quen thuộc của nhạc cổ điển. Nó muốn mở ra những không gian thưởng thức mới, trên cơ sở khai thác hết mức có thể sự phức tạp của cảm xúc con người, để việc nghe nhạc không thuần túy là giải trí, cũng không nhất thiết gánh lên mình sứ mệnh giáo dục hay dẫn dắt thẩm mỹ, mà là kích thích người ta khám phá những gì mình chưa từng biết.

Theo thời gian, có những thử nghiệm đã được chấp nhận bởi số đông, trở thành đại chúng (chẳng hạn nhạc điện tử với muôn vàn các nhánh và các kết hợp thú vị của nó) và mở đường tiếp cho những thử nghiệm mới.

Cấp tiến nhưng không nhiều tiền

Ở Việt Nam có một cộng đồng nghệ sĩ chuyên về các dòng thử nghiệm, trong đó số theo đuổi âm nhạc thử nghiệm không nhiều (nhiều thì còn gì là thử nghiệm nữa!) nhưng họ có quyết tâm rất lớn và đủ sự cực đoan để theo đuổi.

Điều thú vị nữa là giới làm nhạc thử nghiệm lại là những người rất cởi mở và cấp tiến. Nghệ sĩ nhạc pop có thể không dám đụng đến “thử nghiệm” vì sợ mất fan hoặc đơn giản là ngại làm cái gì mình chưa quen, chứ dân thử nghiệm họ có thể rẽ sang pop bất cứ lúc nào, như một cuộc giải lao, làm cái gì đó cho vui, như Kim Ngọc sáng tác ca khúc cho bạn mình hát, Trí Minh lên sân khấu chơi nhạc DJ cho Thanh Lam – Hà Trần và làm nhạc chill-out thư giãn tặng bạn bè. Họ dễ dàng nhận được lời khen từ những lần rẽ ngang như vậy, nhưng rõ ràng lời khen không phải là thứ họ cần hay động lực để họ phải bỏ cái họ đã tâm huyết bao năm mà chạy theo thú vui nhất thời.
Một điều nữa mà giới làm nhạc thử nghiệm trên toàn thế giới đều chung “số phận” ấy là trong khi có một dòng thử nghiệm khác, là hội họa, có vẻ rất ăn nên làm ra với những bức tranh triệu đô, ngay cả ở Việt Nam, những bức tranh trừu tượng hay đôi khi là kết quả của một trò đùa nghệ thuật, vẫn có giá cao ngất ngưởng và được mua nồng nhiệt, thì âm nhạc thử nghiệm dù sáng tạo đấy, trừu tượng đấy, bí hiểm đấy và cũng… hù dọa được khối người đấy, vẫn phải ngậm ngùi đứng nhìn mà lấy làm tiếc.

Cũng dễ hiểu, tranh còn có thể treo lên (và khoe), còn nhạc thử nghiệm, bật lên cho khách nghe có khi còn bị tưởng là… đuổi khéo!

(Nguồnhttp://thethaovanhoa.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...