Nhạc thiếu nhi, đôi điều nhìn lại
Ngày nay bài hát viết cho thiếu nhi quá ít. Cũng có, nhưng, xin lỗi… không hay, và nếu có hay thì cũng được một thời gian thôi rồi sau đó lại nhàm chán. Tại sao? Có lẽ do tác động bên ngoài như âm thanh, ánh sáng, vũ điệu bắt mắt đã đánh lừa lỗ tai người nghe, trong đó trẻ con là người bị ảnh hưởng nhiều nhất? Bài hát, nói chung nếu giả tạo chạy theo thị hiếu thấp kém nó sẽ giống như những chiếc bong bóng nhiều màu không giữ được lâu vì nó sẽ… xì hơi! Sáng tác nhạc cho thiếu nhi, những nhạc sĩ thường không mặn mòi hơn những dòng nhạc thị trường, vả lại, đưa được những giai điệu và từ ngữ trong sáng vào tâm hồn một đứa trẻ, không dễ chút nào! Thật vậy, nhìn chung trong những nhạc sĩ đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam có rất ít nhạc sĩ viết nhạc cho thiếu nhi, nếu có chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mấy mươi năm qua cũng có những cuộc vận động sáng tác nhạc thiếu nhi, nhưng có quá ít bài đứng được với thời gian!
Nhắc đến nhạc thiếu nhi, tôi nhớ cố nhạc sĩ Lê Thương, có lẽ ông là một nhạc sĩ tâm huyết với nhạc thiếu nhi. Trong tập “Nhi đồng ca” do Lê Thương Chủ biên, Quảng Hóa xuất bản năm 1970 gồm 30 bài chọn lọc của các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Phạm Duy, Hoàng Quý, Lưu Hữu Phước, Đức Quỳnh, Vân Thanh, Ngô Ganh, Phạm Trọng, Lê Cao Phan, Hùng Lân, Y Vân Phùng Sửu, Lê Dinh, Minh Kỳ, Minh Lương Hồ Tấn Vinh, Bùi Tuấn Anh, Lương Phương, Viết Chung.
Hãy nghe cố nhạc sĩ Lê Thương viết lời giới thiệu trong tập nhạc mỏng “Nhi đồng ca” này:
“Chúng tôi giới thiệu tuyển tập 30 bài hát tuổi ngọc này, mến gởi các thanh thiếu nhi, các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục, các anh em nhạc sĩ, như món quà Trung Thu của năm Canh Tuất này.
Xếp vào một thuyển tập đầu, chúng tôi cũng không cho đó là những tiêu chuẩn đáng chú trọng nhất trong số hàng ngàn bài nhạc tương tự đã xuất hiện mấy chục năm nay.
Lý do lựa chọn, trước hết là sự thuận tiện tiếp xúc với một số tác giả quen biết dễ dàng, sau là tập trung được một số tác phẩm của những nhạc sĩ đã góp công từ lâu bằng bài hát gợi ý mỹ thuật đã được phổ biến qua các làng sóng điện hoặc được nhiều người ưa thích…”
Thế hệ chúng tôi đến bây giờ đã là U 60-70, những ngày còn trẻ, dù sống trong chiến tranh, chúng tôi cũng có được những bài hát thiếu nhi nằm lòng như Ai bảo chăn trâu là khổ (Phạm Duy), Tía em má em (Văn Lương)… Đôi khi chúng tôi không thấy mặt mũi bản nhạc ra làm sao, chỉ nghe hát rồi bắt chước hát theo… vậy mà, sau này thấy được bản nhạc, coi lại thì không sai một nốt và lời nào! (Trường hợp này chỉ đúng với những bài hát hay). Theo tôi, điều kiện ắt có và đủ để bài hát đi vào lòng người: hát được, thuộc được và… nghe được! Cá biệt, có những bài hát rất hay nhưng chỉ có ca sĩ mới hát được còn “quần chúng” chỉ…biết nghe!
Ở bài viết ngắn này, tôi muốn nói đến nhạc phẩm Thằng Cuội và Tuổi Thơ, hai nhạc phẩm đã đi vào lòng chúng tôi, dù thời gian đã quá lâu nhưng mỗi lần nghe lại hoặc có ai nhắc tới là thấy mình trẻ lại… một chút, và cũng cảm thấy vui vui. Thế mới biết bài hát nào hay nó sẽ đi theo ta suốt cuộc đời và ta chết chớ nó không chết!
Cố nhạc sĩ Lê Thương sáng tác không nhiều, tuy nhiên chỉ mỗi trường ca Hòn Vọng Phu cũng đủ để người đời tôn vinh tên tuổi ông. Ngoài mảng ca khúc, ông còn sáng tác một số nhạc kịch: Trên sông Dương Tử, Lịch sử loài người, Trọng Thủy - Mỵ Châu, Giai nhân và ác quỷ… Ông có nhiều nhạc phẩm viết về tuổi thơ như: Cô Bán Bánh, Con Mèo Trèo Trên Cây Cau, Thằng Bé Tí Hon, Ông Ninh Ông Nang… Nhưng Thằng Cuội và Tuổi Thơ là hai nhạc phẩm tiêu biểu viết về tuổi thơ đã ghi vào tiềm thức chúng tôi. Có thể nói đây là hai bài hát xuất hiện rất lâu đời, từ thời tuổi trẻ chúng tôi cho đến bây giờ đầu đã bạc, răng đã long mà mỗi lần nghe lại cứ tưởng… mới hôm qua, để rồi giựt mình tiếc nuối thời “bắt bướm hái hoa”.
Nhắc về cố nhạc sĩ Lê Thương như thế, đê chúng ta thấy được ông quan đến tuổi thơ như thế nào!
Bây giờ về già, có đôi lúc hình ảnh tuổi chợt đến với tôi như một nỗi nhớ tình cờ, bởi dòng đời vốn nghiệt ngã phải vặn mình trôi theo… Và nhớ nhớ quên quên là cái bệnh rất “dễ thương” của người già? Trong nhạc phẩm Tuổi Thơ, chắc tác giả cũng có một tuổi thơ giống chúng tôi nên ông mới viết thực đến như vậy:
… Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa
chiều lại ra dạo chơi vườn hoa
Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn
Bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên…
Trẻ con theo bánh ưa trái cây ưa bánh
Hàm răng hay sún vì chua
Mà ai cho bánh thì ưa
Dầm mưa dang nắng chơi cát dơ me mắng
Sống vui trong bầu trời thơ
Sướng thay cho đời trẻ thơ…
Riêng về nhạc phẩm Thằng Cuội, tôi cứ phân vân mãi, định có dịp nào đó để hỏi ông, nhưng tiếc rằng chưa kịp thì ông đã qua đời năm 1966. Hỏi rằng tại sao không gọi là anh, chú, bác, ông… Cuội, mà gọi là thằng Cuội, vì Cuội đã già rồi? (… Có cây đa to có thằng Cuội già…).
Vẫn biết Cuội là một nhân vật ở mãi tận cung trăng cùng với chị Hằng (người ta quen gọi là chị Hằng, không ai gọi là con Hằng, còn Cuội thì gọi là thằng?), Tuổi thơ chúng tôi dù không gặp Cuội nhưng vẫn muốn thấy Cuội mỗi tháng khi trăng Rằm về, vì chỉ có Rằm trăng mới to và sáng, nhìn Cuội rất rõ:
Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ
Lặng yên ta nói cho Cuội nghe
Ở trên trăng mãi làm chi…
Các em thích cười
Muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông trời cho mượn cái thang…
Tiếc quá, ở thành phố các em không được nhìn thấy thằng Cuội trên cung trăng bởi sự che khuất của các nhà cao tầng và người ta đã vô tình quên lãng ánh trăng cũng vì thành phố được đốt bằng đèn cao áp và nhiều ánh sáng khác lung linh muôn màu, có đèn quên trăng!
Nhân vật tên Cuội trên cung trăng là không có thật, nhưng Cuội dưới mặt đất thì có thật, đó mới đích thực là những thằng Cuội mà thỉnh thoảng tôi gặp trong đời sống hàng ngày!
Hơn nửa thế kỷ qua, thế hệ chúng tôi đã hát Tuổi Thơ và Thằng Cuội, hai nhạc phẩm có giai điệu đẹp và ca từ trong sáng. Nhạc thiếu nhi, ngoài giải trí ra, đó còn là một hành trang chân-thiện-mỹ để trẻ con mang nó bước vào đời. Và điều đáng được quan tâm hàng đầu là đừng “nhồi sọ” trẻ thơ bằng những bài hát “người lớn”. Đời các em đang trong sáng, xin hãy đừng tung hỏa mù…
Ước mong rằng bây giờ và mai sau có nhiều bài hát hay như Tuổi Thơ và Thằng Cuội để cho trẻ em vui hát những ngày còn thơ.
Mong lắm thay!