Nhạc “Tâm thần”

17/02/2014

 Đi tìm hướng phát triển mới cho nhạc thị trường Việt là một nhiệm vụ vô cùng cao qúy. Có quá nhiều người đang “cuồng” lên với lý tưởng đó và đưa ra không ít những ý tưởng táo bạo (kể cả …táo tợn!) để hình thành nên loại âm nhạc đương đại và cả “đương….dại” của Việt Nam. Chẳng hiểu từ đâu mà tôi tự thấy mình cũng phải có phần trong cái nhiệm vụ cao quý ấy. Lâu nay loay hoay mãi tôi vẫn chưa tìm ra được loại hình nào cho phù hợp với sự phát triển nhanh đến chóng mặt của âm nhạc thị trường nước nhà lúc này. Cuối cùng một ý tưởng “độc” đã đến với tôi nhân ngày Sức khỏe và Tâm thần thế giới trong tháng 10 năm nay: nhạc thị trường Việt phải phát triển theo hướng…Nhạc tâm thần!

Giữa những triệu chứng của bệnh tâm thần và những biểu hiện bên ngoài của nhạc thị trường Việt Nam hiện nay có những điểm tương đồng đến kinh ngạc.

Người tâm thần luôn buồn rầu, bi quan, mất tự tin – Không khó gì để tìm thấy các ca khúc với ca từ buồn chán, thất tình, chia ly, trong dòng ca khúc thị trường Việt Nam. Có thể nói không quá đáng rằng nhạc tình Việt Nam bây giờ là nhạc thất tình, nhạc tâm thần! Đã đành khi buồn, thất tình, người ta dễ cảm xúc, do đó dễ có sáng tác nhưng nỗi buồn của rất nhiều người viết ca khúc thị trường hiện nay là đã đến mức “nhẩy cầu”. Hãy nghe nữ ca sĩ trẻ Adele nói về nỗi buồn, thất vọng trong mối tình đầu của mình, là nguồn hứng để cô viết nên ca khúc: Rolling in the deep (một ca khúc thuộc hàng top hit của cô), “…tôi được cảnh báo cuộc sống của tôi sẽ rất nhàm chán,….và sáng tác bài hát như một cách để đáp trả”; hay như Pixie Lott viết Cry me out với chủ trương “…một giai điệu buồn nhưng ca từ vẫn phải thật mạnh mẽ…”; hoặc như Taylor Swift viết về cuộc chia tay của mình qua ca khúc We are never ever getting back together để thay vì kể lể, ỉ ôi, đã đi thẳng tới giải Grammy!

Người tâm thần cảm thấy bất lực trước công việc hằng ngày dù việc rất đơn giản – Trong nhạc thị trường và nhạc “trẻ” Việt Nam hiện nay cũng thế. Trong một ca khúc, thường thì nội dung của điệp khúc nói lên cách giải quyết vấn đề đã được đặt ra ở phiên khúc hoặc “chính kiến” (thường là tích cực, lạc quan) của người sáng tác. Nhưng ở đa số ca khúc Việt Nam hiện nay không như thế, các tác giả gần như bất lực, không đưa ra được cách giải quyết nào mà chỉ “than thở để mà thở than”. Có thể nói nhạc thị trường, nhạc “trẻ” Việt Nam hiện nay là nhạc của sự bất lực, nhạc tâm thần!

Lo âu, bồn chồn, đứng ngồi không yên là biểu hiện bên ngoài thường gặp ở người tâm thần – Ca sĩ hát nhạc thị trường, nhạc trẻ Việt thường vừa đi lui đi tới trên sân khấu không cần biết có thích hợp với nội dung bài hát mình đang thể hiện hay không. Mặc dù ca từ bi quan, âm nhạc ở điệu thứ không vui nhưng người hát vẫn lăng xăng diễn, có khi kết hợp cả với nhóm múa diễn những điệu múa “lệch pha, lạc quẻ”. Thỉnh thoảng lại phải đưa tay về phía trước với thủ điệu như muốn “bắn bỏ” khán giả đang xem. Hoặc có khi bài hát đang thể hiện là một ca khúc thuộc loại nhạc đỏ, nhạc truyền thống nhưng người hát vẫn diễn như “đứng ngồi không yên” như bồn chồn, lo âu” với giọng hát thật nghèo nàn nhưng vẫn ăn khách! Nếu ai có dịp xem chương trình do HTV9 trực tiếp gần đây nhân “Đêm chung kết thứ tư Người dẫn chương trình 2013” sẽ thấy được ví dụ trên đây ở một nhóm nhạc nam đang nổi đình đám như kết quả của công nghệ lăng-xê hơn là tài năng. Có người đã thốt lên khi xem tiết mục này: “Ơ,…sao cứ như là tâm thần vậy!” Chính xác! Đó là một dạng của nhạc tâm thần!

Nói lẩm bẩm, cười một mình và thường là cười khóc vô duyên cớ, cảm xúc không ổn định – Đặc biệt biểu hiện này nếu kết hợp với “đứng ngồi không yên” sẽ là dấu hiệu cho thấy mức độ trầm trọng của bệnh tâm thần. Nghe các ca khúc thị trường, phổ thông hiện nay được lưu hành rất nhiều không chỉ trên sân khấu đời thường mà cả trên các kênh truyền hình, chúng ta thấy có một điểm chung là: nội dung thường khó hiểu không phải do tính triết lý của ca từ mà vì người hát chỉ như lẩm bẩm chi đó, không rõ lời. Người nghe (xem) chỉ còn cách đoán được nội dung ca từ qua nét mặt, bộ điệu của người hát. Thế nhưng, ca sĩ của loại nhạc này thường cười, khóc không theo, thậm chí ngược với ca từ. Đó là “cười khóc vô duyên cớ, cảm xúc không ổn định”. Khán thính giả nhạc Việt hiện đang được (bị?) “nhồi nhét” cho loại nhạc (mang dấu hiệu) tâm thần!

Người tâm thần thường bị hoang tưởng. Có người cho mình có nhiều khuyết điểm, nhiều tội lỗi không đáng sống. Có người lại cho mình tài giỏi, có nhiều phát minh luôn đòi gặp gỡ cấp trên để trình bày – Trong hoạt động biểu diễn âm nhạc hiện nay, hiện tượng này được gọi là “bệnh sao”. Đó là một loại bệnh mà nhiều người mong được có. Nó có thể tự phát từ trong cá nhân của người mang bệnh mà cũng có thể do môi trường (truyền thông, báo chí, nhà đài,v.v…) làm cho phát triển. “Bệnh sao” cũng là một biểu hiện của nhạc tâm thần đó chứ!

Còn nhiều sự tương đồng nữa giữa bệnh tâm thần và một số loại âm nhạc đang phổ biến hiện nay. Một số người tỏ ra lo lắng cho nhạc Việt cũng như lo lắng cho người mắc bệnh tâm thần. Họ có thiện chí đấy nhưng hình như họ đang “lo bò trắng răng”? Biết đâu âm nhạc đó là xu hướng của thời đại, là món ăn tinh thần cần thiết cho con người đương đại? Theo số liệu của Bệnh viện Tâm thần Trung ương, số người “có vấn đề” về tâm thần ở nước ta hiện nay lên đến gần 20% dân số. Nghĩa là cứ 5 người “tỉnh” thì có một người “say”! Đặc biệt, sau mùa thi Đại học vừa qua người ta khảo sát thấy mức độ tâm thần trong giới trẻ gia tăng 30%. Thế nhưng người Việt ngày càng được coi là hạnh phúc. Chỉ số “hành tinh hạnh phúc” (HPI = Happy Planet Index) của chúng ta đứng từ thứ hạng 12 (là 61,23; trên 178 quốc gia, vào năm 2006), đã lên đến hạng 5 (là 66,5 vào năm 2009) và hạng 2 (là 60,4 vào năm 2012). Hoặc theo khảo sát trong năm 2013 của Liên Hiệp Quốc về mức độ hạnh phúc của người dân, Việt Nam là quốc gia hạnh phúc thứ 63/ 156 nước trên thế giới.

Như vậy, không phải cứ bệnh là phải chữa, phải chống. Bệnh có khi lại tạo cơ hội khác tốt hơn cho con người! Nhiều trường hợp chỉ cần có giấy xác nhận (mặc dù không đúng sự thật) là đang mang bệnh tâm thần là có thể thoát tội, giảm nhẹ án phạt đó thôi! Đã đến lúc chúng ta xem lại có nên cứ để nhạc tâm thần phát triển hoặc tìm cách phát triển thêm cho loại nhạc này. Biết đâu loại nhạc này làm chúng ta hạnh phúc hơn!

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 33)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...