Nhạc sỹ “Có phải em mùa thu Hà Nội”: Mơ một lần được đến…Hà Nội
Những ngày vào thu, cứ văng vẳng ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội”… “Tháng Tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ. Từ độ người đi thương nhớ âm thầm… Có phải em là mùa thu Hà Nội. Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sóng hát...” Giai điệu mượt mà, da diết, thấm đẫm chất… Hà Nội.
Những ai yêu Hà Nội đều thích đều yêu nghe ca khúc này. Có một điều khá thú vị là tác giả của bài thơ và ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội đều là người chưa được đặt chân tới Hà Nội… Nhà thơ Tô Như Châu thì đã mất, chúng tôi chỉ biết trông cậy vào nhạc sĩ Trần Quang Lộc.
Tìm Trần Quang Lộc thật khó khăn, dù là nhạc sỹ khá thành công với nhiều ca khúc được khán giả yêu thích như Có phải em mùa thu Hà Nội, Về đây nghe em, Chợt nghe em hát, Cho tôi làm lại từ đầu, Em còn nhớ Huế không… nhưng nhạc sỹ lại chọn các sống ẩn dật, xa rời phồn hoa phố thị.
Hỏi người quen trong giới nghệ sỹ thì cũng chỉ biết đôi chút là nhạc sỹ Trần Quang Lộc ngày trước ở Sài Gòn nhưng sau này hình như đã đi Mỹ. Có người lại khẳng định nhạc sỹ đang sống ở thị xã Bà Rịa (Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
May mắn, nhà thơ Lê Huy Mậu - Chủ tịch Hội VHNT Bà Rịa- Vũng Tàu biết địa chỉ của nhạc sỹ ở Bà Rịa. Nhưng khi chúng tôi tìm đến nơi thì nhà đóng cửa. Nghe hàng xóm nói ông đang điều trị bệnh tại bệnh viện Bình Dân ở Sài Gòn. Lại lộn ngược lên Sài Gòn. Nhưng đến đúng bệnh viện thì được biết ông vừa mới ra viện được chừng 1 tiếng. Thế là một lần nữa, chúng tôi lại về Bà Rịa. Và lần này chúng tôi may mắn.
Nhạc sỹ Trần Quang Lộc và ca sỹ Thái Thanh - Người thể hiện đầu tiên ca khúc
Có phải em Mùa thu Hà Nội. Ảnh: Nhạc sỹ Trần Quang Lộc cung cấp.
Nhạc sỹ Trần Quang Lộc sinh năm 1945 ở Quảng Trị. Ông theo học Nhạc viện quốc gia Huế trước khi vô Sài Gòn 1969. Theo nhạc sỹ kể thì khi theo học ở Huế, ông đã có những ca khúc được nhiều người biết đến, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là Về đây nghe em mà ông phổ thơ của nhà thơ A Khuê.
Sau khi vô Sài Gòn, nhạc sỹ vẫn hay về Đà Nẵng chơi. Năm 1971, trong một lần giao lưu với nhóm thơ “Hàn Giang”, nhà thơ Tô Như Châu (Một người bạn nhưng lớn hơn nhạc sỹ cả chục tuổi) đã khoe với nhạc sỹ. “Tao có bài thơ này viết về Hà Nội hay lắm, mày thích tao cho”. Cầm bài thơ đánh máy dài gần 5 trang giấy, nhạc sỹ đọc lướt qua và những câu thơ lãng mạn thấm đẫm chất Hà Nội khiến nhạc sỹ sửng sốt.
“Nghe đâu đây, hồn Trưng Vương sóng hát..” “Bài thơ hay quá. Anh để em phổ nhạc cho”- Nhạc sỹ đã nói như thế.
Cả nhà thơ, cả nhạc sỹ đều chưa đến Hà Nội nhưng với họ, Hà Nội luôn là nơi rất đẹp, rất lãng mạn, nhất là vào mùa thu. Hơn nữa, vùng đất Đà Nẵng thời điểm đó cũng có nhiều người Hà Nội di cư đang sống, trong đó có cả những nghệ sỹ Hà Nội.
Cùng sinh hoạt chung, những nghệ sỹ được nghe rất nhiều về Hà Nội với nỗi nhớ thương khắc khoải.
Nhạc sỹ kể: “Tôi được nghe kể về Hồ Gươm, về bãi sông Hồng, về những con phố nhỏ se lạnh chiều đầu thu. Tôi được nghe rất nhiều bài thơ, bài hát hay về Hà Nội và tôi đã mơ về Hà Nội rất nhiều”.
Nhạc sỹ bảo ông yêu thích nhất là ca khúc Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương mà tới bây giờ, ông cho rằng đó là ca khúc hay nhất về Hà Nội. Nhạc sỹ cũng thích nghe giọng Hà Nội, nhất là giọng của các cô gái Hà Nội vừa dịu dàng trong trẻo, đáng yêu.
Nhạc sỹ cũng thừa nhận ngày đó đã có một cô gái Hà Nội trong trái tim ông và “Yêu người yêu cả quê hương” nên Hà Nội càng đẹp, càng lãn mạn.
Nhà thơ Cao Hữu Điền, bạn của nhà thơ Tô Như Châu kể: “Hồi năm 1973, có một lần tôi hỏi nhà thơ Tô Như Châu là “Anh chưa ra Hà Nội sao có bài thơ về Hà Nội hay thế?”. Nhà thơ Tô Như Châu đã trả lời: “Tôi vẫn đến Hà Nội đấy chứ. Tôi đến trong những giấc mơ”. |
Chỉ trong một đêm nhạc sỹ đã hoàn thành ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội. Ông không phổ hết bài mà chỉ lựa những tứ thơ hay nhất để làm lên ca khúc tuyệt vời đậm chất Hà Nội. Khi vô Sài Gòn, nhạc sỹ đã chọn ca sỹ Thái Thanh để hát thử ca khúc này.
Thái Thanh rất thích ca khúc này nên đã chọn để hát ở nhiều nơi. Tuy nhiên, chỉ vừa hát được 1 lần trên đài phát thanh Pháp- Á thì đột nhiên Thái Thanh không hát nữa. Nhạc sỹ đi hỏi nguyên nhân thì được trả lời là “Đây là ca khúc có xu hướng thân miền Bắc nên không thể hát”. Đó là vào năm 1971.
Bị cấm hát, ông cất đứa con tinh thần vào tủ và lo mưu sinh. Ông đã gần như quên khuấy nó...
Có lẽ nhạc sỹ đã quên ca khúc này thật bởi mãi tới năm 1994, nghĩa là sau hơn 20 năm ra đời ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội”, khi được một nhà sản xuất yêu cầu chọn 10 ca khúc để làm album “Chợt nghe em hát”, ông vẫn không chọn ca khúc này. 60 bản nhạc trong tập nhạc ông đưa đi hòa âm, cũng không có nó. Và người có công lớn để đưa Có phải em mùa thu Hà Nội trở lại với công chúng chính là nhạc sỹ Đức Trí.
Cầm tập nhạc 60 ca khúc của Trần Quang Lộc, nhạc sỹ không chỉ xem xét các ca khúc đã được chọn mà cẩn thận xem cho bằng hết. Và con mắt nhà nghề của anh đã nhìn ra một ca khúc đã “bị loại” nhưng lại có ca từ, giai điệu rất hay. Và Đức Trí đã đề nghị Trần Quang Lộc đưa ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội vào album. Người thể hiện lại ca khúc này sau hơn 20 năm vắng bóng chính là Hồng Nhung - Một cô gái Hà Nội gốc.
Album “Chợt nghe em hát” với ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội đã lập nên một kỷ lục thời bấy giờ khi 30 ngàn bản được bán trong vòng một tuần. Album cũng góp phần làm nên tên tuổi một diva của Việt Nam là Hồng Nhưng, người sau này được mệnh danh ca sỹ hát nhiều ca khúc về Hà Nột nhất, ca sỹ thể hiện hay nhất về Hà Nội.
Sau Hồng Nhung, đã có nhiều ca sỹ khác cũng chọn Có phải em mùa thu Hà Nội để thể hiện như Lam Trường, Tuấn Ngọc, Thanh Lam, Ý Lan, Thu Phương… và cũng đều có những thành công nhất định. Nhưng thành công nhất có lẽ là ca sỹ Thu Phương.
Với ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội do Thu Phương thể hiện trong album “Ngủ ngoan nhé ngày xưa”, cô ca sỹ gốc Hải Phòng này đã đoạt nhiều giải thưởng như Giải video hay nhất, giải ca sỹ thể hiện hay nhất, giải nhạc sỹ sáng tác hay nhất... do VTV trao tặng.
Năm 1998, Có phải em mùa thu Hà Nội đã được trao giải Nhất của Hội VHNT Việt Nam. Nhiều chương trình VHNT lớn đã chọn ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội để thể hiện, trong đó có chương trình Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhạc sỹ Trần Quang Lộc và ca sỹ Thu Phương- Người thể hiện thành công nhất ca khúc
Có phải em mùa thu Hà Nội. Ảnh: Nhạc sỹ Trần Quang Lộc.
Nhạc sỹ Trần Quang Lộc kể: “Tôi không ngờ hiệu ứng của ca khúc lại mạnh mẽ đến thế. Đi tới đâu từ sài Gòn cho tới Huế, Đà Nẵng tôi cũng được nghe ca khúc này. Thậm chí khi ra nước ngoài, chỉ cần giới thiệu là nhạc sỹ của Có phải em mùa thu Hà Nội thì ai cũng biết”.
Câu chuyện bán ca khúc của Trần Quang Lộc cũng được giới nhạc sỹ xôn xao. Đó là một lần có đơn vị hỏi mua ca khúc Có phải là mùa thu Hà Nội. Sau khi tham khảo bạn bè, ông biết nhạc sỹ Xuân Hồng đã bán ca khúc Đôi mắt cho một hãng dược phẩm với giá 100 đô/từ nên ông bảo với người mua “Tôi cũng đồng ý bán 100 đô/từ cho ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội. Bên mua chấp nhận. Ông cẩn thận đếm đi đếm lại ca khúc, với 130 từ thì có nghĩa ca khúc ông sẽ bán được 13 ngàn đô. Tin đó lan truyền cho giới nghệ sỹ Sài Gòn. Những người bạn thân đã kéo nhau tới Hội quán Văn Nghệ ăn nhậu trước: “Hôm nay nhạc sỹ Trần Quang Lộc sẽ bao tất cả”.
Ông bao thật, nhưng sự thực người mua chỉ mua có 7 từ là “Có phải em mùa thu Hà Nội” và trả ông 700 đô nên cuối cùng ông phải móc thêm hầu bao mới đủ chi phí cho “Đại tiệc” trên.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sỹ tham gia dạy nhạc, hoà âm ở Sài Gòn. Nhưng cuối thập niên 80, không muốn sống ở mảnh đất Sài Gòn luôn ồn ào náo nhiệt, nhạc sỹ đã rời đô thị, chọn mảnh đất Bà Rịa để an phận. Ông bảo: “Cả cuộc đời tôi chỉ biết có làm nhạc, viết nhạc nên tôi muốn tìm nơi tĩnh lặng để không bị chi phối. Với tôi một căn nhà nhỏ, một mảnh vườn là đủ cho cuộc sống”.
Ở nơi đây ông vẫn âm thầm viết nhạc, làm nhạc hoà âm rồi dạy học. Nhiều khách hàng của ông là những người hàng xóm, khi thì một bà chủ tiệm tạp hoá muốn ông viết nhạc cho đoạn quảng cáo để đưa lên cho đài địa phương, khi thì nhà thờ muốn nhạc sỹ hoà âm cho một chương trình Lễ trọng. Rồi những đứa trẻ quê muốn học nhạc hay là một anh sinh viên trường nhạc nhờ chỉ dẫn bài thi tốt nghiệp. Nhạc sỹ nhận tất. Ông bảo sống bằng nghề nhạc chân chính không thể giàu, dù ông có nhiều bài nổi tiếng nhưng cũng chỉ tạm đủ sống.
Thương người cha nghèo, mấy đứa con ông bên Mỹ đã bảo lãnh ông qua nhưng chỉ một thời gian ông lại trở về. “Anh thấy những ca khúc của tôi rồi đấy, toàn là những guốc mộc, áo the, củ khoai củ sắn… toàn những hương vị của quê hương như thế thì sao tôi lại có thể bỏ đi được”- Ông bảo.
Hơn nữa theo ông ở quê còn có cái tình. Hôm đi mổ ở Sài Gòn, không đủ tiền ông chỉ cần alo Trung tâm tác quyền là được ứng trước tiền cả năm. Rồi chẳng cần thông báo gì nhưng vẫn có bạn bè, vẫn có người hâm mộ một tới thăm. Chỉ như thế là ông thấy ấm lòng - Điều mà theo ông có lẽ chỉ có ở quê hương.
Một mong ước lớn với ông chính là được ra Hà Nội. Đã 2 lần lẽ ra ông được ra Hà Nội. Một lần thì do Hội VHNT mời ra lãnh giải ca khúc hay nhất nhưng ông lại bị bệnh. Lần sau, ra trong Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì ông lại kẹt việc nhà.
“Có lẽ là cái duyên anh ạ. Tôi chưa có duyên đến Hà Nội nên chưa đi. Nhưng tôi vẫn mong sẽ được ra Hà Nội dù chỉ một lần, được đến với không khí của mùa thu lá vàng, hồ Tây xao động hay con đường phố xào xạc. Được một lần đặt chân tới Hà Nội, biết đâu tôi sẽ lại có cảm hứng sáng tác thêm về nữa!”- Nhạc sỹ tâm sự.
(Nguồn: http://www.tienphong.vn)