Nhạc sĩ Trần Tiến: Tết lại ngồi nhớ mẹ

14/02/2019

Nhạc sĩ Trần Tiến. Ảnh: Mỹ Thanh

"Mẹ tôi" là ca khúc nhạc sĩ Trần Tiến dành để tưởng nhớ đến người mẹ đã khuất của mình. Là người gắn bó với mẹ nhất trong gia đình, ông viết nên những câu hát như gan ruột. Trong một lần giỗ mẹ, Trần Tiến đã hát ca khúc này khiến cả nhà đều xúc động.

“Mẹ ơi, con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ thơ”. … Những giai điệu sâu lắng của bài hát “Mẹ tôi” luôn làm thổn thức trái tim người nghe mỗi lần nhắc đến.

Với nhạc sĩ Trần Tiến, nỗi nhớ về người mẹ đã trở thành nguồn mạch cảm xúc trong nhiều sáng tác của mình. Nỗi nhớ ấy càng trở nên cồn cào, day dứt khi mẹ đã khuất, còn ông thì đã già.

Bài hát “Mẹ tôi” được Trần Tiến viết cách đây hơn 20 năm. Ông nói: “Tôi đã mong muốn viết về mẹ của tôi từ lâu rồi. Có 1 hôm tôi đi diễn với anh Trịnh Công Sơn, hôm đó là hôm giỗ mẹ tôi nhưng tôi vẫn phải đi diễn. Trong cánh gà tôi viết 1 nửa bài hát này. Thế rồi tôi khóc.

Bao nhiêu năm trôi qua nữa, lại đến 1 ngày giỗ, sau cùng tôi mới hoàn thành xong cái bài đó. Nói chung, bài này tôi viết nhạc đầy đủ từ lâu rồi và để trên bàn thờ. Tôi để trên bàn thờ cạnh hình mẹ chứ không có mang đi đâu hát cả. Tôi không hát được, khó hát lắm, hát tôi dễ khóc".

Bài hát không chỉ khiến Trần Tiến mà còn làm hàng triệu người nghe khóc cùng ông mỗi khi giai điệu về “Mẹ tôi” lại vang lên day dứt và lắng sâu ở đâu đó.

Bài hát "Mẹ tôi" do ca sĩ Võ Hạ Trâm thể hiện. Video: Nguồn Truyền hình Vĩnh Long.

Nỗi nhớ mẹ cũng là nỗi nhớ thường đến với ông trong những ngày Tết. Mẹ và Hà Nội, mùa Tết lạnh của xứ Bắc giờ đã là một phần ký ức đối với ông. Bởi lẽ Trần Tiến nhiều năm nay đã lựa chọn phương Nam làm nơi trú ngụ. Ông chủ yếu sống ở Vũng Tàu, trong một ngôi nhà nhỏ ven biển thành phố bình yên, xinh đẹp. Ở đó, ông luôn được tự do với những cảm hứng bất tận, và dễ dàng xê dịch với những chuyến du ca nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Trần Tiến, sinh năm 1947, tuổi Đinh Hợi, ở một thôn nghèo bên dòng Sông Đáy, Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội.

"Mẹ tôi" hay nhiều ca khúc của ông viết về quê nhà, về Hà Nội luôn đau đáu với “quê hương” với "ngày xưa", với những con phố đầy ngẫu hứng trong bài hát của ông. Nơi đó còn có những cái tết cô đơn, mất mát và đã trở thành một phần ruột thịt, vĩnh viễn không thể nào quên.

(Nguồn: https://laodong.vn/)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.