Nhạc sĩ Huy Thục và 50 năm viết Chiếc xe thồ Điện Biên

09/05/2014

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nhạc sĩ Huy Thục vẫn hào hứng, vẫn phơi phới kể về Điện Biên như thể mới ngày hôm qua, ông vừa kéo violon vừa tuyên truyền cho chiến dịch.


Chiến dịch Điện Biên Phủ đã huy động hơn 20.000 chiếc xe đạp thồ tham gia
vận chuyển hàng hóa, vũ khí

Văn nghệ sĩ bám sát lịch sử

Nhạc sĩ Huy Thục hoạt động cách mạng từ năm 1946. Ông bắt đầu đi vào con đường âm nhạc từ năm 1950 bằng chơi đàn violon và thuộc Đoàn văn công Quân khu Hữu ngạn. Nói về các ca khúc hào hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Huy Thục nhớ lại thế hệ nhạc sĩ đàn anh của mình, những người đã mất. Đó là nhạc sĩ Đỗ Nhuận với Đồi Him Lam, Giải phóng Điện Biên, Hành quân xa, Hoàng Vân với Hò kéo pháo, Nguyễn Thành với Qua miền Tây Bắc...

Nhạc sỹ Huy Thục sinh năm 1935, quê ở Hà Nam. Ông hoạt động cách mạng từ tháng 8 năm 1945, bắt đầu đi vào con đường âm nhạc từ năm 1950 bằng chơi đàn violon. Ông là một nhạc sĩ có khối lượng sáng tác lớn. Các tác phẩm: Kèn xuất trận (thơ Tô Đức Chiêu), Tiếng hát trên đường quê hương, Ơi dòng suối La La, Tiếng đàn ta-lư, Tiến lên chiến sĩ đồng bào (phổ thơ Bác Hồ), Đợi (thơ Vũ Quần Phương), Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Hợp xướng Hoan hô chiến sĩ Điện Biên... 

"Trong kháng chiến chống Pháp, các nhạc sĩ đều bám chặt ở các sư đoàn. Họ bám sát lịch sử và cũng đổ máu như các anh hùng chiến sĩ khác. Khi đi chiến dịch mỗi người đều vác theo cái "cần câu". Mỗi người có góc nhìn khác nhau, có anh câu được con cá to, có anh câu được con cá nhỏ, có anh vác cần về không", nhạc sĩ Huy Thục chia sẻ.

Ông cho rằng, khi hát các bài hát của những nhạc sĩ này chúng ta phải hiểu rằng họ có công rất lớn đối với từng chiến dịch. Họ bám sát gót người chiến sĩ, họ thao thức mất ngủ, chọn góc đọ thì mới ra được những bài hát lịch sử.

Cũng theo nhạc sĩ Huy Thục, văn nghệ sĩ là người rất nhạy cảm trước những vấn đề chính trị, bám sát vào lịch sử, viết về lịch sử, có nhân sinh quan, có con mắt nhìn cuộc sống bằng những lời ca rất văn học.

Họ viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng hình tượng văn học nghệ thuật. Lịch sử dài lắm, không thể nhớ hết được, do vậy, thế hệ trẻ hãy đọc nhiều, nghe nhiều, hát nhiều các tác phẩm văn học nghệ thuật mà các văn nghệ sĩ đã viết ra.

Viết bài "Chiếc xe thồ Điện Biên" trong 50 năm

Không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng nhạc sĩ Huy Thục đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền cho chiến dịch Đông Khê, Thất Khê, chiến dịch Đông Xuân... Trên tay ông là chiếc violon và sau lưng là chiếc ba lô toàn ảnh chiến dịch. "Tôi vừa là phát thanh viên vừa là cái loa, tự hát cho quần chúng nghe, khi nào khản cổ đành chịu. Khi quân ta thắng một trận lại viết một bài hát dạy cho chiến sĩ mình. Đó là bài Hoan hô chiến thắng Đông Xuân, Tấm huy hiệu Điện Biên...", ông nhớ lại.

Tuy nhiên, khi sáng tác các bài hát về Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông còn ít tuổi, thành ra những bài hát của ông về Điện Biên không được vang dội như những nhạc sĩ đàn anh đi trước. Sức tuyên truyền của nó không tỏa lan được mà chỉ phổ biến ở từng đại đội.

Nhạc sĩ Huy Thục chia sẻ:"Trong Chiến dịch Điện Biên tôi viết thất bại. Chính cái "vác cần về không" khiến tôi ấp ủ và có một nỗi trăn trở là, cũng những hy sinh ấy, gương mặt ấy tại sao không viết được? Nỗi trăn trở ấy cứ theo đuổi, khiến tôi ấp ủ, chắt chiu nhặt nhạnh và đến năm 1981 khi học ở Hungary về tôi ra một loạt các tác phẩm về Điện Biên như: Lời ra Điện Biên, Mùa hoa ban, Từ Mường Lò đến Mường Thanh, Âm vang Điện Biên, Hợp xướng Hoan hô chiến sĩ Điện Biên phổ thơ Tố Hữu..."

Và trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Huy Thục đã cho ra đời 10 bài hát về Điện Biên. Một trong những tác phẩm đó là bài hát "Chiếc xe thồ Điện Biên" đã được nhạc sĩ Huy Thục trăn trở ấp ủ viết trong 50 năm mới thành công. Bài hát này được ông sáng tác năm 1953 khi tham gia chiến dịch Đông Xuân. Ông kể rằng, khi chiến dịch Điện Biên nổ ra, ông phát hiện ra những người dân công và chiếc xe thồ. Ông đã viết bài Chiếc xe thồ Điện Biên nhưng thấy vẫn không hay. Ông sửa đi sửa lại.

Đến kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên, khi lên thăm Điện Biên ông tiếp tục sáng tác bài xe thồ lần thứ tư, tuy nhiên vẫn thất bại. Và chỉ đến năm 2004, khi kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, ông viết thành công bài hát này.

Lời bài hát: "Chiếc xe thồ Điện Biên"

Pì pì pò pì pò! Pi po pi po! Pí pí po pí po!
Nghe tưởng như tiếng ô tô
Thác reo, sấm vang
Tiếng chuông xốn xang

 

Keng kính, keng kính keng
Theo nhịp bài hát xe thồ rộn ràng
Em ơi có biết
Chiếc xe thồ này
Năm mươi sáu đêm ngày, thồ hàng tới Điện Biên.

 

Kính kính keng keng kính keng
Tránh xa ra tránh xa
Cho đoàn xe thồ anh đi.
Trước một tí hỡi em mở đường ơi!
Mặt trận đang chờ đợi súng đạn và lương khô.
Xe thồ anh lên chốt
Cố vượt qua đèo dốc
Mang cả tình yêu thương của tấm lòng quê hương

 

Kính kính keng kính keng
Vững tay lái nhanh
Qua rừng Tây Nguyên anh nhớ về Điện Biên
Mùa trăng lên anh nhớ về đèo Lũng Lô
Ngày yêu em đi chiến dịch thật tình cờ
Đẹp trong mơ
Đầy tình thơ
Đầy thương nhớ
Như nhện chăng tơ

 

Kính kính keng keng kính keng
Kính kính keng keng kính keng

Đường gập gà gập ghềnh
Dốc núi chênh vênh
Kìa núi non nhấp nhô
Xe thồ mình nhấn ga lên
Có anh có em
Bánh xe lướt nhanh
Nghe tiếng chim líu lô
Theo nhịp em gánh anh thồ cùng đi
Non xanh nước biếc
Suối rung cung đàn
Tay anh lái nhịp nhang
Thồ hàng tới Điện Biên

 

Kính kính keng keng kính keng
Tránh xa ra tránh xa
Cho đoàn xe thồ anh đi.
Tới bản tí hỡi em mở đường ơi!
Hàng về giữ chiến hào
Áo quần và thư riêng
Anh thồ lên tới chốt
Giữa đèo xe xịt lốp
Anh đợt chờ em lên
Đón gió đèo Pha Đin

 

Kính kính keng kính keng
Vững tay lái nhanh
Qua rừng Tây Nguyên anh nhớ mùa hoa ban
Tìm gặp em đi giữa mùa hoa Pơ Lang.
Hẹn xuân sang
Khi lũ giặc lại tràn vào
Ngàn yêu thương
Miền biên cương
Nhằm phía trước
Xe thồ anh… đi

 

Kính kính keng keng kính keng
Kính kính keng keng kính keng

(Nguồn: http://giaothongvantai.com.vn)

L

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.