Nhạc sĩ Huy Thục - người phổ nhạc hay nhất Thơ chúc Tết của Bác Hồ

20/05/2015

Cuối năm 1967, các biên tập viên văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) bận rộn và lo lắng với chuyện lần đầu tiên phổ nhạc bài thơ chúc Tết “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua…” của Hồ Chủ tịch. Tuy ít người phổ nhạc (vì sợ phổ không hay, không xứng tầm thơ Bác) nhưng mỗi bài phải thu đi thu lại những hình thức khác nhau như: đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca…

Cuối năm 1968, sự bận rộn và lo lắng ấy còn được nhân lên gấp vài lần. Ban biên tập Đài TNVN đề nghị các nhạc sĩ trong và ngoài Đài phổ nhạc bài Thơ chúc Tết (Thơ Xuân Kỷ Dậu 1969) của Hồ Chủ tịch.

“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to!
Vì độc lập, vì tự do!
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!
Tiến lên chiến sĩ đồng bào,
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Một cuộc thi đua thầm lặng trong Đài Tiếng nói Việt Nam diễn ra nhưng không kém phần sôi nổi. Ở phòng Văn thơ, nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết hào hứng tập luyện những câu thơ “như lời hiệu triệu kêu gọi tiến lên”. Nghệ sĩ đàn Tranh - Đinh Khắc Ban say sưa tập những hợp âm “xuân” vui tươi hồ hởi trên 10 ngón tay điêu luyện của mình để làm nền cho Trần Thị Tuyết.

Phòng Dân ca cử người xuống Nam Định để mời nghệ sĩ Kim Liên về Hà Nội vừa ngâm Kiều, hát Văn bài thơ của Bác và đưa những lời thơ này vào trong các bài dân ca, soạn lời mới chào xuân. Phòng Nhạc mới thì “tung” người đi gặp các nhạc sĩ để phổ nhạc.

Tôi (nhạc sĩ Dân Huyền – PV) và nhạc sĩ Lưu Cầu vừa dắt xe đạp ra cổng cơ quan để đến gặp nhạc sĩ Huy Thục thì may mắn gặp luôn anh Thục cũng vừa đến. Chúng tôi cùng lên phòng làm việc của ông Phạm Tuân.


NS Huy Thục (Ảnh: K.T)

Anh Thục đưa bản nhạc phổ thơ của Bác Hồ và cho biết: “Khi ở chiến trường Quảng Trị cùng với Đội văn nghệ xung kích của quân đội, tôi đã đọc bài thơ mới của Bác Hồ và được bên Tuyên huấn đề nghị phổ nhạc. Mấy hôm nay, tôi cùng anh chị em ra Hà Nội, tôi tranh thủ chép lại và đem đến để Đài ta xem, cần sửa thì sửa cho hay hơn và cho thu thanh sớm nếu được”.

Chúng tôi rất cảm động trước những lời khiêm tốn của một nhạc sĩ từ chiến trường ra. NS Phạm Tuân bảo đưa Đoàn ca nhạc của Đài và cả Đoàn văn công Quân đội cùng dàn dựng cho kịp. NS Phạm Tuân giao cho hai nhạc sĩ Triều Dâng và Bửu Huyền có mặt ở đó lo liệu và hoàn tất công việc này.

Nhạc sĩ Huy Thục tâm sự tiếp: “Bài thơ của Bác ngắn gọn, súc tích và rất hay, mang tính khái quát cao. Trong đó chứa đựng những thành tựu của một năm đã qua và mang tính chất “hịch”, có ý nghĩa chiến lược cho năm tới và các năm sau. Phải phổ nhạc làm sao để giữ được tứ thơ, hồn thơ quyện được vào chặng đường lịch sử của quân và dân ta ở cả hai miền Nam Bắc mà Người đã khẳng định trong thơ chúc Tết Kỷ Dậu – 1969. Phổ nhạc cho thể thơ Lục bát (6/8) cực kỳ khó, từ trước tới nay rất ít nhạc sĩ phổ nhạc thành công. Tôi đã cố gắng tối đa coi đó là niềm vinh dự được phổ thơ của Chủ tịch nước, là nguồn động viên cuộc đời người sáng tác nhạc”.

Chương trình phát thanh Tết Kỷ Dậu – 1969 thật trang nghiêm và rạo rực phấn chấn tâm hồn. Sau lời chúc Tết của Hồ Chủ tịch, bài hát phổ thơ của nhạc sĩ Huy Thục “Tiến lên chiến sĩ đồng bào” lại vang lên như thôi thúc, như giục giã toàn quân dân cả nước. Có tất cả 8 ca khúc phổ thơ được chọn để thu thanh và lần lượt được truyền đi trên sóng Đài TNVN.

Nhà báo Trần Lâm sau Tết khen ngợi Ban Văn Nghệ tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông không quên nhận xét: “Chỉ có bản phổ nhạc của Huy Thục là khá nhất, đi vào lòng người, nghe có chất Chèo của đồng bằng Bắc Bộ và có cả chất Ví, Giặm Nghệ Tĩnh quê Bác”.

Nhạc sĩ Huy Thục họ Lê, còn có bút danh là Lê Anh Chiến, sinh năm 1935 ở Hà Nam, nhưng từ nhỏ đã theo gia đình lên Hà Nội. Năm 12 tuổi, ông tham gia Đội nhi đồng cứu quốc, được giao đánh trống trong đội kèn đồng Mai Hắc Đế. Sau đó làm liên lạc cho một đơn vị quân đội.

Năm 1954, ông vào Đoàn văn công Quân khu Hữu Ngạn, sau đó về học sáng tác âm nhạc ở Trường Âm nhạc Việt Nam rồi đi tu nghiệp ở Hunggari. Về nước, ông tham gia giảng dạy ở Trường Nghệ thuật Quân đội, rồi Trưởng đoàn Ca múa Quân đội. Trước khi về hưu, ông mang quân hàm Đại tá, được giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt đầu và được tặng thưởng Huân chương Độc Lập.

Lớn lên và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến, ông đã sáng tác hàng trăm nhạc phẩm sống mãi với thời gian. Những ca khúc đó trở thành tiếng nói đồng điệu của hàng triệu con người qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau như: “Tiếng đàn Ta Lư”, “Dòng suối La La”, “Tên lửa ta đánh rất hay”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”... Độc tấu đàn bầu “Vì Miền Nam”, Hợp xướng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”…

Một niềm vui và hạnh phúc trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Huy Thục là phổ nhạc thành công hai bài thơ chúc tết của Bác Hồ Xuân 68 và Xuân 69 – hai bài thơ cuối cùng trong số 22 bài Thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch. Hơn 6 năm sau bài thơ chúc Tết năm 1969, ngày 30/4/1975 những lời tiên đoán của Bác về một mùa xuân đại thắng đã trở thành sự thật: Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!/.

(Nguồn: http://vov.vn)

 

H

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.