Nhạc sĩ Hoàng Thu Trang: Lập trung tâm quảng bá văn hóa Việt tại Pháp
Nhạc sĩ Hoàng Thu Trang (định cư tại Pháp) về Việt Nam tổ chức đêm nhạc The world as one - Thế giới như một hồi cuối tháng 5 vừa qua. Sau đêm nhạc ấy, trở lại Pháp, chị đã quyết định thành lập Trung tâm Art Space tại Pháp dành cho trẻ em Pháp và trẻ em Việt kiều.
“Đây là dự án phát triển và quảng bá văn hoá Việt Nam thông qua các hoạt động giáo dục nghệ thuật, hướng đến đối tượng chủ yếu là trẻ em Pháp và trẻ em Việt Nam, cũng như người Pháp yêu mến văn hoá Việt” - nhạc sĩ Hoàng Thu Trang mở đầu cuộc trò chuyện.
Nhạc sĩ Hoàng Thu Trang (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh với ông Driss Said (giữa), Phó thị trưởng phụ trách Văn hoá của thành phố Saint Herblain, trong buổi trình bày về dự án Art Sapce - Ảnh: NVCC
* Cụ thể thì Art Space tập trung vào những loại hình gì, và thành quả bước đầu của Art Space?
- Ban đầu, khi dự án Art Space từng bước được triển khai, tôi gặp rất nhiều áp lực. Tôi tự tin những điều chúng tôi làm sẽ dễ dàng tiếp cận với cộng đồng người Việt tại Pháp nhưng với các bạn nhỏ người Pháp, tôi lại không chắc chắn lắm.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã diễn ra thuận lợi, thậm chí là tuyệt vời hơn nhiều so với mong đợi. Rất nhiều phụ huynh là người Pháp, gia đình không có ai là người Việt hoặc gốc Việt, nhưng họ đều cảm thấy vui vẻ, cởi mở khi đưa con tới tham gia các hoạt động và các lớp học tại Art Space. Vì bên cạnh các kiến thức về âm nhạc, nghệ thuật và thể thao nói chung, họ còn được tiếp cận thêm với những điều đặc sắc, mới mẻ của văn hoá Việt một cách chuyên nghiệp và khác biệt. Rất ít hoặc thậm chí chưa có một mô hình giáo dục nào ở thành phố Nantes nơi tôi đang sinh sống và trên nước Pháp nói chung mang văn hoá Việt tới tiếp cận với trẻ em Pháp như chúng tôi.
Các học sinh tại Trung tâm Art Space bao gồm trẻ em Pháp và trẻ em Việt kiều độ tuổi từ 2-12.
* Sự khác biệt của Art Space so với các trung tâm dạy nhạc, văn hoá khác tại Pháp là gì?
- Art Space được xây dựng theo mô hình Nhà Văn hoá, tức là trẻ em có thể đến đây, chơi, học tập, giao lưu và tiếp xúc với tất cả các hoạt động văn hoá nghệ thuật khác nhau, từ võ cổ truyền Việt Nam, hội hoạ, múa dân gian, nhảy hiện đại, tiếng Việt và cả tiếng Anh. Điều này tạo nên sự khác biệt với đa số các mô hình đạo tạo ngoại khoá ở Pháp và ở thành phố Nantes, khi đa số đều tập trung đào tạo riêng biệt 1 loại hình hoạt động như: nghệ thuật, thể thao, hoặc chỉ có các môn về âm nhạc chứ không bao gồm các khoá học tìm hiểu về hội hoạ, nhảy múa, ngoại ngữ…
Bên cạnh đó, Art Space còn dự kiến tổ chức đều đặn ít nhất 3 buổi hoà nhạc mỗi năm tại các nhà văn hoá thành phố, để giới thiệu về âm nhạc và văn hoá Việt Nam tới khán giả Pháp. Các chương trình đều có sự tham gia của các bạn sinh viên, học sinh, trẻ em người Pháp và người Việt đang tham gia sinh hoạt tại Art Space. Các tiết mục biểu diễn bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, thậm chí kết hợp 2 thứ tiếng trong cả các tiết mục dân ca, các điệu múa dân gian mang đậm bản sắc Việt, thể hiện nét đẹp của sự giao thoa văn hoá Việt - Pháp.
Một góc "không gian nghệ thuật" Art Space
* Art Space có giáo trình riêng không, thưa chị?
- Sau nhiều năm ấp ủ, tôi cùng một bạn đồng nghiệp là thạc sĩ Nghiêm Như Hoa đã quyết định đặt bút viết chương trình Phát triển năng khiếu nghệ thuật sớm, hay còn gọi là Cảm thụ âm nhạc, dành cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gốc Việt sống ở nước ngoài, dùng cho lứa tuổi từ 2 đến 6, chia theo 4 trình độ, ứng dụng cho các khoá học tại Art Space. Chương trình sử dụng chất liệu âm nhạc thế giới (cổ điển và hiện đại), và có lồng ghép nhiều tác phẩm âm nhạc Việt Nam cũng như hình ảnh văn hoá Việt (chiếm khoảng 30 - 40% số lượng tác phẩm).
Tôi sử dụng rất nhiều bài hát trong kho tàng nhạc thiếu nhi Việt Nam, bằng tiếng Việt hoặc đã được viết thêm lời Anh, lời Pháp. Tôi cũng đưa vào các bài đồng dao, dân ca, các bài hát ru Việt Nam… bên cạnh các bài hát tiếng Anh và tiếng Pháp quen thuộc mà các bạn nhỏ được học ở trường.
Bên cạnh đó, chúng tôi hợp tác với Hiệp hội Minh Long Saint Herblain để đưa vào giới thiệu bộ môn Võ cổ truyền Tây Sơn Võ Đạo cho trẻ em. Trong thời gian tới tôi sẽ biên soạn một vở nhạc kịch ngắn có kết hợp âm nhạc dân gian và võ cổ truyền Việt Nam để các bạn nhỏ trình diễn trong một buổi hoà nhạc đầu năm sau tại Pháp.
* Chị có định mở rộng và phát triển Art space trong tương lai, trong đó có việc về Việt Nam mở Art Space?
- Trong thời gian tới, sau khi mô hình đi vào hoạt động ổn định tại Nantes, chúng tôi sẽ phát triển tới các thành phố lân cận và cả ở nước ngoài, đương nhiên trong đó có Việt Nam. Đó là mục tiêu trong tương lai không xa.
Người Pháp yêu thích sự đa dạng văn hóa “Rất nhiều trường tiểu học và các hiệp hội của Nantes liên hệ và mời chúng tôi thu xếp tới nói chuyện về âm nhạc và giới thiệu các nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống, du lịch, ẩm thực Việt và thậm chí cả ngôn ngữ tiếng Việt cho học sinh của họ. Điều đó cho thấy người Pháp rất tôn trọng và yêu thích sự đa dạng văn hoá và chú trọng giáo dục cho trẻ em từ sớm. Họ luôn mong muốn con cái có thêm kiến thức, được tiếp cận với các nền văn hoá đa dạng trên thế giới, trong đó có văn hoá Việt. Phản ứng của cả trẻ em và người lớn đều rất tích cực: họ yêu mến và hào hứng với những kiến thức và trải nghiệm thú vị mà chúng tôi mang tới” (Phát biểu của nhạc sĩ Hoàng Thu Trang). |
(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/)