Nhạc sĩ Thế Bảo: Để có nền phê bình âm nhạc lành mạnh
* Ông có nhận xét thế nào về tình hình phê bình âm nhạc trong thời gian qua và hiện nay?
- Tình hình chung trên báo chí hiện nay là chúng ta chưa có được một thói quen phê bình, tranh luận mà đa số là tường thuật, giới thiệu cộng một chút nhận xét (không những âm nhạc mà các môn nghệ thuật khác cũng thế). Phê bình gồm cả những nhận định khen và chê, nhưng hiện nay, chúng ta chủ yếu là khen, mà có khi khen cũng không đúng, sinh ra “tâng bốc”.
Trong thế kỷ 20, ở thập niên 1930 có cuộc tranh luận về “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” giữa Hoài Thanh và Hải Triều. Thập niên 1960 có cuộc tranh luận về âm nhạc dân tộc giữa Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Đình Tấn. Hai cuộc tranh luận khá sôi nổi nhưng cũng là quá ít ỏi. Phê bình chưa trở thành một thói quen, chưa tạo được một không khí quyết liệt và thường xuyên như một hoạt động bình thường trong đời sống nghệ thuật. Phải chăng do xu hướng “dĩ hòa vi quý” lấn át?
TS Thế Bảo (ảnh: Nguyễn Đình Toán)
* Còn lực lượng phê bình âm nhạc của chúng ta, họ đi đâu hết rồi?
- Nói về lực lượng phê bình âm nhạc, chúng ta cũng có nhiều, nhưng họ chưa hoạt động thường xuyên và quan trọng là họ không có “đất” để hoạt động. Hàng chục, thậm chí hàng trăm tờ báo hiện nay nhưng không có báo nào có một trang phê bình nghệ thuật, chứ đừng nói riêng lĩnh vực âm nhạc. Các tạp chí chuyên ngành thỉnh thoảng có bài phê bình, nhưng nó lại không có đời sống thật sự trong xã hội để tác động đến đông đảo mọi người.
Mặt khác, ngày nay lĩnh vực âm nhạc chia làm nhiều “phân khúc” với nhiều loại hình khác nhau, mỗi người cũng chỉ chuyên trách một hoặc vài lĩnh vực. Nhưng những người có khả năng phê bình âm nhạc thì không hoạt động báo chí thường xuyên, những người hoạt động báo chí lại không chuyên về phê bình. Dành “đất” cho họ và huy động lực lượng này tham gia vào công việc phê bình có lẽ là điều chúng ta chưa làm được.
* Khó khăn là thế, nhưng thưa ông, công việc phê bình có tác động như thế nào đối với đời sống âm nhạc?
- Không những lĩnh vực âm nhạc mà các lĩnh vực nghệ thuật khác cũng thế. Các nhà lý luận phê bình Nga đại ý nói rằng: công tác phê bình được ví như ngọn roi quất vào mông ngựa, nó sẽ làm cho con ngựa “lồng lên” chạy nhanh hơn và chạy đúng đường. Giới phê bình âm nhạc nếu làm tròn chức năng của mình, họ sẽ là người canh giữ ngôi đền nghệ thuật, để lúc nào nó cũng “lung linh”.
* Phê bình và tiếp nhận phê bình chưa thành nếp ở Việt Nam chúng ta, theo ông thì ách tắc này bao giờ mới được khai thông?
- Có lẽ trước hết cần đả thông tư tưởng, người phương Tây thấy hay, dở họ nói ngay, không rào đón như Việt Nam. Cũng có khi họ nói không đúng và không đúng thì trao đổi, tranh luận để sáng tỏ vấn đề. Cái cốt lõi trong phê bình là sự chân thành, cầu tiến, người phương Tây nói chung thẳng thắn, không để bụng và không “thù” nhau vì phê bình.
Người phê bình cũng như bác sĩ, cắt những ung nhọt để cơ thể bệnh nhân khỏe mạnh, cũng có khi họ cắt nhầm, nhưng đa số là họ cứu được bệnh nhân và với cái tâm trong sáng. Nếu người phê bình và người được phê bình hiểu được tinh thần như thế chúng ta mới có một văn hóa phê bình thật sự và nghệ thuật mới tiến bộ.
* Ngoài ra chúng ta cần những yếu tố nào nữa để có một nền phê bình âm nhạc mạnh, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đời sống âm nhạc?
- Như trên đã nói, chúng ta cần có một không khí phê bình dân chủ, biết lắng nghe nhau và tranh luận quyết liệt; cần có đất để người phê bình hoạt động; cần có người dám phê bình như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9; cần đội ngũ phê bình có trình độ và đông đảo để người phê bình không cảm thấy cô độc và công tác phê bình phải được tiến hành thường xuyên nó mới góp phần tích cực vào sự phát triển của âm nhạc.
Nguồn TT&VH