Nhạc kịch ở Việt Nam, câu chuyện 20 năm

29/05/2013

Trong cùng một tối, TP.HCM có buổi biểu diễn nhạc kịch Chicago phiên bản tiếng Việt và đêm thi Bước nhảy hoàn vũ chủ đề nhạc kịch. Trước đó là buổi diễn tổng kết lớp huấn luyện về musical của nghệ sĩ Mỹ Michael Parks Masterson (có sự tham gia biểu diễn của Đức Tuấn, Hà Okio, Hạ Trâm và nhiều diễn viên kịch khác…).

Vài hôm sau báo mạng rầm rộ đưa tin hai sao của làng giải trí là Hồ Ngọc Hà và Thanh Hằng dùng phong cách nhạc kịch Broadway để kết hợp tại một event. Thời của nhạc kịch – musical đã tới rồi ư? Sự bùng nổ bất ngờ hay có liên quan tới một phong trào từng rầm rộ hơn 20 năm trước mà ít người còn nhớ?

3 năm lịch sử

Trước khi nhiều người Việt Nam biết đến nhạc kịch Broadway thì “kịch hát”, “ca kịch mới” hay “kịch hát mới” đã xuất hiện ở Việt Nam từ thời đầu tân nhạc và lên tới đỉnh cao vào năm 1990. Cuộc bùng nổ của “kịch hát” trong khoảng cuối những năm 1980 ở phía Bắc, là lúc nhạc pop chính thức hoàn thành việc “phổ cập” thị trường biểu diễn nơi đây với sự xuất hiện của những ngôi sao nhạc nhẹ và các đoàn ca múa nhạc nhẹ.


Nghệ sỹ sân khấu người Mỹ Michael Parks Masterson trong chương trình biểu diễn musical tại Nhạc viện TPHCM hôm 18/4/2013. Tuy chưa thể gọi đây là một musical đúng chuẩn Broadway nhưng chỉ cần vài nhấn nhá, công chúng TPHCM đã thật sự bị thuyết phục

Khi có sự kết hợp, ở những mức độ khác nhau, với các diễn viên kịch, các nhạc sĩ chuyên sáng tác cho sân khấu, thì kịch hát ra đời. Khán giả khi ấy rất háo hức trước sự mới mẻ của nhạc nhẹ và đã quen với loại hình sân khấu truyền thống được dàn dựng theo lối “cải cách” khi ấy, nhất là chèo (mà điển hình là “cơn sốt” mang tên Nàng Sita), nên đã đón nhận nồng nhiệt một loại hình sân khấu đối với họ còn rất lạ lẫm nhưng chưa đựng nhiều yếu tố hấp dẫn: những câu chuyện lâm li đi cùng những giai điệu mang tính thời thượng và cách trình diễn mới mẻ hoàn toàn. Khán giả đã cuồng nhiệt, các nhà tổ chức biểu diễn lại rất nhạy bén, thế là chúng ta đã có một quãng thời gian huy hoàng cho dòng kịch hát cách tân, diễn ra trong 3 năm 1988-1990.
Theo một thống kê trong cuốn Âm nhạc mới Việt Nam – Tiến trình và Thành tựu (Viện Âm nhạc - 2000), thì trong quãng thời gian trên, đã có 18 vở kịch hát mới, chủ yếu theo phong cách nhạc nhẹ, với đề tài phong phú (từ dân gian tới đương đại và lấn sang cả nước ngoài) được sáng tác, dàn dựng và tham gia 2 Liên hoan kịch hát Toàn quốc, chưa kể rất nhiều các vở diễn khác không đi hội diễn.

Ngày ấy, có hai vở diễn đã gây cơn sốt lớn là Câu chuyện tình của Nhà hát Tuổi trẻ (âm nhạc do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác dựa trên truyện Love Story nổi tiếng của Erich Segal) và Yêu trước Phật đài (âm nhạc của Trọng Đài) do Đoàn ca Múa Hải Phòng dàn dựng. Nên nhớ đây là 2 trong số ít những đoàn có dàn nghệ sĩ nhạc nhẹ và bán cổ điển mạnh nhất miền Bắc lúc đó.

Bằng tên tuổi sẵn có, dàn nghệ sĩ tài năng và tư duy dàn dựng, trình diễn có tính đột phá, các đơn vị này đã đưa nghệ thuật kịch hát đại chúng lên tới đỉnh cao cả về giá trị thương mại (báo chí thời ấy còn nhắc việc khán giả đổ xô đi xem Yêu trước Phật đài đến mức lãnh đạo ngành văn hóa lo sốt vó, tưởng Phật tử biểu tình phản đối) và những đổi mới rất cần thiết cho sân khấu khi đó. Các trích đoạn của vở Câu chuyện tình được Đài Truyền hình Trung Ương (VTV) phát sóng nhiều lần cũng giúp cho vở diễn này nói riêng và kịch hát nói chung trở nên đại chúng hơn. Màn diễn lâm li khi Jenny sắp qua đời lấy được nước mắt bao người với vẻ đẹp mong manh của Khánh Huyền cùng giọng hát đẹp mượt mà của Kim Phúc (hát lồng cho Khánh Huyền) và gương mặt đẹp trai của Trọng Thủy (vai Oliver).

Các tác phẩm kịch hát của Việt Nam khi đó chủ yếu được sáng tác dựa trên cấu trúc một vở operetta, một kiểu opera nhẹ, đã được đại chúng hóa, nhạc nhẹ hóa. Các phần hát được viết gần như những bài hát đơn lẻ, có xen kẽ những màn múa. Ở đây có điểm tương đồng với nhạc kịch ở Broadway và West End, vì operetta cũng là một trong những “nguyên liệu” đầu tiên và chủ chốt tạo nên diện mạo của dòng musical.

Các nhạc sĩ sáng tác kịch hát đều đã có nhiều kinh nghiệm soạn nhạc cho các tác phẩm sân khấu truyền thống, lại có kỹ năng sáng tác nhạc kịch opera được trang bị từ trường nhạc, được cộng hưởng bởi phong trào nhạc nhẹ đang tới hồi sôi nổi, nên đã cho ra đời những vở diễn kết hợp khéo léo các chất liệu âm nhạc khác nhau, từ dân gian Việt Nam tới pop/rock và cả opera.

Các diễn viên hoặc ca sĩ tham gia trào lưu kịch hát cũng đã đem đến những lối diễn tươi mới, không quá ước lệ như sân khấu truyền thống, không đặt nặng chuyện “chuẩn mực” như sân khấu kịch nói kinh viện. Điều ngày nay người mê kịch ngày nay thấy rõ ở cách dàn dựng của sân khấu kịch ăn khách nhất cả nước – sân khấu Idecaf – trong các vở diễn mang màu nhạc kịch. Và đó chính là yếu tố làm nên sự hấp dẫn mang tính đại chúng của loại hình kịch này.

Với những gì đã có trong 3 năm “lịch sử” ấy, lẽ ra kịch hát ở Việt Nam hoàn toàn có “cơ” phát triển để ngày nay chúng ta không còn phải mơ ước nhập khẩu nhạc kịch Broadway, hoặc nếu có nhập thì cũng đã có sẵn cơ sở để Việt hóa một cách dễ dàng như kịch nói đã làm. Tiếc là phong trào rầm rộ ấy sau năm 1990 bỗng nhiên xẹp dần đều rồi biến mất hẳn ở ngay chính những đơn vị đã từng là “chủ soái” của phong trào. Nguyên nhân thấu đáo khó cắt nghĩa.


Vở nhạc kịch Tin ở hoa hồng một thời được rất nhiều người yêu thích. Vở diễn này, với vai nam chính do Thành Lộc đảm trách, đã trở thành tiền đề cho những vở diễn theo hướng nhạc kịch hoặc những màn náo kịch của sân khấu Idecaf ngày nay

Tin ở hoa hồng?

Cho tới năm 2001, một vở diễn rụt rè xuất hiện mang mác “thử nghiệm”, Tin ở hoa hồng, do nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung sáng tác nhạc dựa trên vở kịch nói cùng tên đã rất nổi tiếng của Lưu Quang Vũ. Tin ở hoa hồng tiến gần hơn tới nhạc kịch musical kiểu Broadway khi các màn hát theo cấu trúc ca khúc xen kẽ với những lời thoại được hát lên (recitative) và có cả nhảy múa nữa.

Vở diễn này, với vai nam chính do Thành Lộc đảm trách, đã trở thành tiền đề cho những vở diễn theo hướng nhạc kịch hoặc những màn náo kịch của sân khấu Idecaf ngày nay. Tin ở hoa hồng, nếu được đầu tư hơn nữa về dàn dựng và phần nhạc đệm thì hoàn toàn có thể coi là một vở musical Việt vừa hấp dẫn, vừa đặt ra được những chuẩn mực phù hợp với điều kiện thực hiện cũng như thị hiếu khán giả Việt Nam.

Đến nay, khi Broadway không còn quá xa lạ với khán giả Việt Nam, việc đi Singapore, Bangkok, Hong Kong hay cả Mỹ, Anh xem nhạc kịch với nhiều người đã là thói quen, thì ở trong nước, những nỗ lực nhằm cho ra đời ít nhất một sân khấu cho nhạc kịch vẫn còn đang ở trong vòng… mơ ước.

10 năm trước, khi ca sĩ Đức Tuấn thận trọng chia sẻ mong ước được hát các bài hát trong những vở nhạc kịch nổi tiếng cho khán giả Việt Nam, đáp lại chủ yếu là sự thờ ơ, nay thì nhạc kịch xuất hiện như một “bài thi” không thể thiếu ở các show truyền hình thực tế ăn khách bậc nhất, từ Đồ Rê Mí tới qua Cặp đôi hoàn hảo tới Bước nhảy hoàn vũ.

Nhiều ca sĩ đã coi musical, dù chỉ là lớp vỏ về ngoài, như một phương tiện tham khảo bổ ích khi dàn dựng các tiết mục biểu diễn – như trường hợp Hồ Ngọc Hà và Thanh Hằng đã nhắc tới ở đầu bài viết.

Ồn ào nơi khác là vậy, còn ở địa hạt chính của nhạc kịch là sân khấu thì việc dàn dựng các vở nhạc kịch theo chuẩn mực – dù là kịch hát kiểu Việt Nam hay Broadway nhập khẩu – vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm. Idecaf nhiều năm qua miệt mài “nhạc kịch hóa” kịch mục của mình nhưng vẫn còn khá thận trọng, cũng bởi diễn viên có khả năng ca hát – diễn xuất – nhảy múa không nhiều.

Các vở diễn cải lương hoành tráng do đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng như Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga rõ ràng có dấu ấn không nhỏ của… Broadway và cũng là một gợi ý thú vị cho một kiểu nhạc kịch mang tính Việt Nam, nhưng khó mà duy trì lâu do quy mô quá lớn (khổ nổi nếu không lớn, không hoành tráng thì lại không ra được tinh thần lai musical nữa, sẽ lại trở về với cải lương “cũ”).

Ở khu vực nghiệp dư và bán chuyên nghiệp, năm 2007 có vở Jesus Christ Superstar được dàn dựng và diễn tại Đại hội Giới trẻ Tổng giáo phận Sài Gòn 2007 (hát bằng tiếng Anh) và mới đây nhất là Chicago (hát bằng tiếng Việt) từ một vở diễn tốt nghiệp được đem đi dự thi Tài năng Đạo diễn trẻ toàn quốc.

Nói riêng về Chicago, vở diễn tuy không có đột phá gì về lối dàn dựng, nhưng cho thấy một niềm tin đáng phấn khởi rằng có thể làm musical mà không nhất thiết phải có… ca sĩ. Các diễn viên còn rất trẻ của Chicago đã vừa hát vừa nhảy múa vừa diễn xuất trong một câu chuyện cũng khá phức tạp suốt gần 2 giờ đồng hồ đúng như những đòi hỏi cơ bản nhất của nghệ sĩ nhạc kịch.

Xem Diễm Phương diễn vai Velma (vai diễn đã đem lại giải Oscar cho Catherine Zeta Jones trong phiên bản phim của Chicago), dù biết rõ là cô học từ phim rất nhiều, vẫn phải bất ngờ về khả năng mà một diễn viên chưa có nhiều tên tuổi có thể làm được (sắp tới vở này sẽ được diễn lại, khán giả chưa xem có thể tới xem để kiểm chứng điều này).

Người Nhật, người Hàn, người Hoa, người Thái đã diễn nhạc kịch Broadway bằng tiếng của chính họ từ lâu (mới đây nhất là phiên bản Miss Saigon tiếng Thái), và nay, các bạn trẻ người Việt tin rằng họ có thể làm được với tiếng Việt.

Khán giả đã được “đào tạo”, nghệ sĩ đang dần có, thế giới đã phẳng hơn, liệu đã tới lúc để nhạc kịch kiểu Việt Nam, hoặc Việt hóa, thực sự xuất hiện và tái lập thời huy hoàng ngày trước được không? Tất nhiên vẫn biết mỗi thời mỗi khác, nhưng giữa sự loay hoay và rụt rè nhằm đưa một cái thực ra đã cũ ra với công chúng như một món mới, việc tham khảo lại một tiền đề đã bị bỏ lỡ 20 năm chắc cũng không thừa.

(Nguồnhttp://thethaovanhoa.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...