Nhạc giao hưởng, ai giao ai hưởng?

03/01/2020

Tuần cuối năm dồn dập được đi nghe hoà nhạc giao hưởng, thể loại mình yêu thích nhưng trước giờ hay bị hồi hộp, hồi hộp không chỉ về chuyên môn hay chất lượng âm nhạc mà lo cho cả nhà tổ chức lẫn khán giả.

Trước hết, nhạc giao hưởng luôn phải sống bằng các nhà tài trợ, không nhà nước thì cũng là các nhãn hàng thương mại cao cấp. Đã nhiều năm, nhiều lần chứng kiến những dàn giao hưởng đông người giỏi chuyên môn, mời nhiều tài năng, nhạc mục xịn và tập luyện công phu mà vé bán vẫn ít hơn vé mời hoặc thu không bù chi. Vậy tìm người Hưởng ở đâu ra? Vẫn biết lực cản lớn nhất giữa kẻ GIAO và người HƯỞNG chính là rào cản giữa dòng nhạc hàn lâm này và số đông khán giả, nào là tâm lý e ngại, kiến thức âm nhạc thiếu từ cơ bản đến tri thức nên không hiểu, không có nhu cầu, không khí nghiêm trang không thoải mái, nào là việc thưởng thức đòi hỏi thái độ, trang phục, hành vi văn minh, lại không có những hiệu ứng giải trí phụ trợ của sân khấu... Nhưng quan trọng nhất là giải pháp gì để tồn tại ở một nơi mà việc cần xây một nhà hát giao hưởng đã bị số đông phản đối mạnh mẽ vì cho rằng có nhiều việc khác còn cấp bách hơn?
Mọi chuyện có lẽ đang bắt đầu thay đổi nhờ những biến chuyển trong đời sống kinh tế, nhu cầu thưởng thức và nhờ những người khai mở.

Sự kiện giàn nhạc giao hưởng hàng đầu London Symphony Orchestra (LSO) biểu diễn mỗi năm một lần trên phố đi bộ Hà Nội là công lớn của nhà tài trợ Việt Nam Airline và nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung. Tuy hình thức này không phải là mới và bỏ qua khía cạnh marketing thương hiệu, đây vẫn là cách tiếp cận hiệu quá ấn tượng vì đầu tiên là dỡ bỏ rào cản giữa công chúng đông đảo và khái niệm "nhạc hàn lâm", khi mọi tầng lớp công chúng "bình dân" hay "quí tộc" đều được tiếp cân thoải mái với các tác phẩm đỉnh cao của dòng nhạc cao cấp này, sau đó là giới thiệu những tác phẩm giao hưởng chơi bởi dàn nhạc đỉnh cao. Tất nhiên sự công bằng trong thưởng thức chưa thể có được khi số đông chỉ được "xem" nhạc qua màn hình và nghe qua loa miễn phí còn số ít mới được thưởng thức trực tiếp từ dàn nhạc, nhưng ít nhất phần lớn khán giả đã được tự cảm thấy cái hay và đẹp của nhạc giao hưởng theo cách của mình, điều mà đáng ra cần được giáo dục từ nhà trường. Nhưng LSO cũng chỉ đến Việt Nam được một lần trong năm, vì vậy dù sự kiện mang tính nhân văn, ấn tượng và văn hoá nhưng chưa thể tác động nhiều đến cảm thụ và thói quen thưởng thức của khán giả. Từ việc được nghe miễn phí đến hành động yêu thích và mua vé đến nhà hát giao hưởng nghe nhạc còn là một khoảng cách quá xa. Đường đi này còn dài và cần nhiều mạnh thường quân nữa như Việt Nam Airline.

Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (SSO) là cái tên mới nhưng đã gây ấn tượng ngay từ khi xuất hiện trong làng nhạc giao hưởng Việt Nam. Không chỉ gây sốc về độ chịu chơi khi là dàn giao hưởng đầu tiên do tư nhân "mạnh thường quân" bỏ tiền thành lập và tuyển dụng nhạc công quốc tế từ đầu, SSO còn tuyển dụng cả nhạc trưởng quốc tế làm giám đốc âm nhạc và trả lương chỉ huy thường xuyên, thay vì mời theo thời vụ, và sự đầu tư này đã bắt đầu hiệu quả vì thực sự nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine là linh hồn của SSO khi góp công không những xây dựng một dàn nhạc tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật thể hiện cao của nhạc công, sự kết nối, thăng hoa của dàn nhạc mà còn lên kế hoạch biểu diễn và mời những tên tuổi lớn của làng cổ điển thế giới về Việt Nam diễn cùng, đồng thời biên tập những nhạc mục hấp dẫn, phong phú cho các bữa tiệc âm nhạc. SSO lại còn được quản lý bởi Thời Đại - đơn vị quản lý sự kiện chuyên nghiệp của giám đốc Trang Minh. Vì vậy cách thức tổ chức của SSO từ website, bán vé cho đến các hình thức tiếp thị, tổ chức biểu diễn đều bài bản và chuyên nghiệp, có thể nói là nhất Việt Nam hiện nay. SSO là một tầm nhìn mới và bài bản về chiến lược đầu tư cho giao hưởng.

Nhìn cách biểu diễn của dàn nhạc SSO trong các đêm diễn và đặc biệt là đêm hoà nhạc Giáng sinh vừa qua, có thể thấy rõ hướng đi "khai mở" của dàn nhạc theo đường dài. không chỉ biểu diễn những tác phẩm âm nhạc hàn lâm chuẩn mực, nhạc trưởng Oliver còn truyền cảm hứng và "giáo dục", hướng dẫn, kết nối khán giả các thưởng thức, thái độ thưởng thức và cảm thụ âm nhạc một cách hiệu quả, vừa gần gũi, vừa vui nhộn mà vẫn rất lãng mạn.

Nhà hát Giao hưởng vũ kịch VNOB và Dàn nhạc Giao hưởng vũ kịch HBSO lại có những hướng khác. Là hai đơn vị nhà nước về vũ nhạc cổ điển, được tài trợ bởi ngân sách hạn hẹp, các nhà điều hành luôn đau đầu tính toàn cân đối giữa nghệ thuật và "nhân sinh". Bên cạnh những chương trình kinh điển và truyền thống cho số lượng khán giả ngày càng kén, việc làm thế nào kéo được số lượng khán giả mua vé đến rạp đông hơn để ít nhất hoà vốn đủ trả lương cho nhân sự chứ chưa nói đến khấu hao tài sản, luôn rất nhức đầu. Năm nay, tiếp nối sự thử nghiệm khá thành công từ năm ngoái, HBSO lại tiếp tục tổ chức Rock Symphony 2 với linh hồn là nhạc trưởng Lê Phi Phi. Phi Phi đã dồn hết kinh nghiệm, tâm huyết và đam mê của mình để biến hai đêm nhạc thành một khán phòng phòng pop rock đúng nghĩa với khán giả nhún nhảy liên tuc từ đầu đến cuối, với nhạc mục toàn giai điệu quen thuộc của những năm từ 60-80 và dùng dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng kết hợp với rock band quậy tưng và thay đổi hẳn hình thức sân khấu nhạc cổ điển truyền thống. Phi Phi đã đau đáu thử nghiệm việc này từ rất lâu và năm nay thì anh bung lụa với dàn nhạc HBSO của Trần Vương Thạch, đồng thời thừa thắng xông lên mang Rock Symphony ra Hà Nội để dựng cho VNOB của Trần Ly Ly, người thuyền trưởng vừa tài ba vừa nhiệt huyết khi liên tục tìm cách vừa nuôi được quân vừa làm được nghề.

Với Rock Symphony nói riêng và công việc chỉ huy nói chung, nhạc trưởng Lê Phi Phi không những chỉ huy mà là người truyền cảm hứng. Có thể nói đây là "live show" đầy tâm huyết và ý nghĩa của Phi Phi, khi kết nối và xoá bỏ khoảng cách giữa các thể loại âm nhạc, giữa khán giả và nghệ sĩ, giữa khái niệm hàn lâm và đại chúng. Deep Purple, AC/DC, The Scorpions... đã làm được cho thế giới với các dàn giao hưởng lớn thì Phi Phi, Olivier, Ly Ly, Vương Thạch - những con người có Tài và Tâm - cũng làm được cho Việt Nam.

Nhạc trưởng Lê phi Phi và tác giả - đạo diễn Phạm Hoàng Nam

Có Giao có Hưởng và có hy vọng. Cám ơn những người khai mở!

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...