Nhạc chế ra đời từ đâu?

17/03/2015

Một ca khúc ra đời được công chúng đón nhận với những mức độ tình cảm khác nhau. Người không thích nó có thể coi như chưa hề nghe đến nó. Người yêu thích nó thì có thể thấm âm được ngay giai điệu toàn bài. Có một lúc nào đó, giai điệu tự nhiên ngân vang trong ký ức của họ và họ... tự đặt ra một ca từ mới để hát cho vui. Nhạc chế ra đời như vậy.


Minh họa: DAD

Tôi còn nhớ năm 1965, bộ tiểu thuyết Ỷ thiên Đồ long ký của Kim Dung được dịch giả Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch ra với tựa đề Cô gái Đồ long rất thịnh hành tại Sài Gòn. Ngày tết, người Sài Gòn thường chơi bầu cua cá cọp để lấy may. Vậy là một ai đó đã chế ra một câu hát khá vui theo giai điệu một bài tình ca của một nhạc sĩ viết trước đó: “Có cô gái Đồ long lắc bầu cua/Lắc một cái ra hai con gà mái/Hai chú cọp/Hai trái bầu”. Câu nhạc chế nổi tiếng hơn cả bản nhạc của chính tác giả, phổ biến rộng rãi đến độ đi vào một con hẻm nào có người chơi bầu cua là cũng nghe được thiếu nhi hát. Tôi cũng lẩm nhẩm hát theo “Có cô gái Đồ long lắc bầu cua...”.

Nhạc chế ra đời như một tất yếu của sự thưởng ngoạn âm nhạc. Vốn trước đó, người nhạc sĩ viết ra ca khúc chỉ có một con đường để đi, một tâm trạng cần diễn đạt, một nội dung cần gởi gắm. Ca khúc đi vào cuộc đời và “sinh mệnh” của nó phụ thuộc vào sự yêu thích của người thưởng ngoạn. Một ca khúc hay có thể hàng vạn, thậm chí hàng triệu người nghe (hoặc xem). Và bởi công chúng thưởng ngoạn đông đảo quá cho nên cách thưởng ngoạn cũng rất khác nhau. Có những người không thích, nghe hoặc xem qua một lần rồi không chú ý nữa. Có những người yêu thích, mới nghe hát vài lần đã thẩm thấu giai điệu ca khúc dù không thể thuộc và nhớ trọn vẹn phần lời. Vậy là trong một lúc cao hứng, người ta... nghĩ ra một lời mới - thông thường là một lời vui vui, đặt vào giai điệu của ca khúc. Thuật ngữ của pháp luật gọi đó là tác phẩm phái sinh (nếu so với nguyên tác). Ngôn ngữ phổ thông gọi đó là nhạc chế.

Có nhiều nhạc sĩ cảm thấy khó chịu, bực bội khi nghe người khác chế lời mới cho giai điệu ca khúc của mình. Họ đứng ở góc độ chủ quan của người sáng tác, cứ muốn cho đứa con tinh thần mình còn gin mãi nên rất sợ người khác pha chế nó. Họ gọi việc chế ra lời hát khác là hành động xuyên tạc lời bài hát (nguyên tác). Tôi đã chứng kiến một cảnh khá hy hữu trước năm 1975: một nhạc sĩ gây gổ rồi nhào vào định đánh một diễn viên kịch hài khi anh này hát “Khói lam buồn như khói của tàu bay” (nguyên tác: Khói lam buồn như muốn ngừng thời gian).

Tôi thì ngược lại không bao giờ nghĩ như vậy và cũng không bao giờ phiền trách một người nào đó chế nhạc của mình ra với lời mới của họ. Chuyện hiển nhiên là nhạc sĩ không thể cấm đoán người thích nghe ca khúc của mình chế ra một lời mới bởi nhạc sĩ không thể biết họ là ai, họ ở đâu. Người ta có yêu thích giai điệu ca khúc của nhạc sĩ thì mới chịu khó gia công chế ra lời mới, chứ không yêu thích thì huỡn đâu mà chế với pha cho tốn thì giờ.

Những năm 1993, chiếc phonelink (máy nhắn tin) được xem là phương tiện tiên tiến để truyền đạt thông tin di động. Báo Thanh Niên ký hợp đồng thuê bao cả chục chiếc phonelink, trang bị cho ban biên tập, thư ký tòa soạn và trưởng ban. Bạn có chiếc phonelink trong người, cơ quan muốn thông tin cho bạn thì chỉ cần gọi điện thoại bàn đến tổng đài, nhờ nhắn tin cho phonelink số đó. Câu nhắn tin thường ngắn gọn “Về cơ quan gấp. Họp giao ban”. Tổng đài truyền thông tin ấy đi là 1 phút sau bạn nhận được thông tin.

Ai có phonelink, mỗi tháng phải đóng phí 30.000 đồng cho tài vụ. Vàng thời điểm ấy giá 300.000 đồng/chỉ; nghĩa là số tiền cước phí phonelink hằng tháng tương đương 350.000 đồng ngày nay. Mất hết 30.000 đồng để mỗi tháng chỉ nhận được cỡ... 10 câu nhắn tin, quả thật là cái giá quá mắc. Tôi cũng có một cái phonelink như vậy và mỗi tháng cũng ngoan ngoãn đóng 30.000 đồng cho nhà mạng thông qua hình thức trừ lương.

Chính vì vậy mà anh em trong Báo Thanh Niên lưu truyền bài Phonelink ca - chế theo giai điệu Tàu đêm năm cũ của nhạc sĩ Trúc Phương: “Trời ơi là trời/Tôi có phonelink nên nó trừ lương tôi dài dài/Hỡi quý công ty, tôi trả lại phonelink được không?/Nếu không tôi phải đeo/Nó trừ lương là méo/Một đêm dần tàn/Tay xách phonelink tôi thẫn thờ đi qua cầu Hàn/Liệng xuống sông sâu cho của nợ trôi theo dòng ngâu/Bởi phonelink còn đeo/Nó trừ lương là nghèo”.

Tháng 8.1995, tôi đến thăm nhạc sĩ Trúc Phương, vui miệng khoe luôn ra chuyện có bài Phonelinkca chế theo giai điệu Tàu đêm năm cũ. Anh Trúc Phương nói: “Đâu đâu, em hát cho anh nghe coi”. Tôi lên dây đàn, chơi đúng boléro mùi, hát bài nhạc chế trên. Nhạc sĩ Trúc Phương không được khỏe lắm nhưng nghe bài hát thì cười tươi như hoa: “Hay! Hay! Nghe vừa thú vị vừa tức cười lắm”. Anh bảo tôi hát lại rồi lẩm nhẩm hát theo “Trời ơi là trời/Tôi có phonelink nên nó trừ lương tôi dài dài...”.

Ca khúc là tài sản riêng của từng nhạc sĩ nhưng âm nhạc lại là cái vốn chung của con người. Bạn thấy đó, nhạc chế chính là con đường để phát triển dân ca, đặc biệt là trong nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Thoạt tiên, các nhạc sư, thầy đờn hoặc một người nào đó sáng tác được bài bản. Nếu giai điệu bài bản ấy hay, người đi sau có quyền lấy giai điệu ấy làm nền, viết ra lời mới, diễn tả một tâm tình mới, nội dung mới. Thí dụ chỉ một giai điệu nhạc bài Văn Thiên Tường, những người yêu đờn ca tài tử có thể viết cả ngàn bài Văn Thiên Tường khác với cả ngàn nội dung khác nhau. Ví giặm Nghệ An, quan họ Bắc Ninh cũng được phát triển như vậy.

Trong các mục đích của sinh hoạt âm nhạc thì mục đích cơ bản nhất, gần gũi nhất vẫn là nhằm góp phần giải trí cho con người. Buồn hay vui, không buồn hay không vui thì chuyện đầu tiên của âm nhạc cũng hướng đến việc giải trí. Nhạc chế chủ yếu tạo ra nụ cười hồn nhiên; mà có thêm được nụ cười thì càng tốt cho cuộc sống con người. Một lần tôi đau răng, phải đến nha sĩ. Trong khi chờ, tôi nghe một ông khách cao hứng hát: “Xưa hôn em một lần/Về đau răng một tháng”. Câu hát ngộ nghĩnh khiến tôi cười lăn cười bò. Một lần khác, tôi về quê ở Duy Xuyên (Quảng Nam), nghe một anh hát trên bàn nhậu: “Trồng cỏ ta nuôi bò/Bò ăn cho bò béo/Béo nên bò vàng ươm mỡ sa”. Tôi hỏi người hát: “Nhạc ai vậy anh?”. Đáp: “Đó là bài Bài thơ quê lụa của Vũ Đức Sao Biển. Nguyên ổng viết là Trồng dâu ta nuôi tằm nhưng quê tôi chừ đã mất nghề trồng dâu nên bà con tôi chế ra như vậy. Trồng cỏ thực tế hơn trồng dâu”. Tôi thật vui khi thấy anh có lý hơn mình. Cũng may, anh không biết tôi là tác giả của Bài thơ quê lụa.

Lại một lần khác, một ca sĩ ở nước ngoài về, hát bài nhạc chế bằng tiếng Anh theo giai điệu ca khúc Điệu buồn phương Nam của tôi: “I want to love you/I want to see you/I want to find you, I want to sleep with you/I want to find yau, I want to sleep with you”. Tôi xin lỗi, không hiểu những câu tiếng Anh trên có sai sót gì không bởi nó là nhạc chế, ai muốn chế cỡ nào thì chế. Những câu này không do tôi viết ra. Thế nhưng, bản dịch nhạc chế này ra tiếng Việt thì cực kỳ xuất sắc, e còn hay hơn cả ca từ trong nguyên tác của tôi “Anh muốn yêu em/Muốn trông em hoài/Muốn được nhìn em, anh muốn ôm em ngủ vùi/Muốn được nhìn em, anh muốn ôm em ngủ say”. Tôi tạm gọi bài trên đây là Điệu buồn phương... Tây; bởi chỉ có ở phương Tây mới có ca từ tiếng Anh được hát theo giai điệu của dân ca Việt!

Trong vòng mười năm trở lại đây, các trang mạng xã hội phát triển cực nhanh. Sự phát triển ấy tạo điều kiện cho các bạn trẻ muốn được đóng góp, muốn được tự giới thiệu, muốn được tự chứng tỏ nên tham gia rộng rãi những tiết mục “chế biến” độc đáo, mới lạ. Đã có nhiều tài năng, kỹ năng mới được khen ngợi; nhiều sáng kiến được cộng đồng mạng yêu thích. Cái hay nhất của những tiết mục chế biến này là đem lại nụ cười vui tươi, sảng khoái cho đông đảo dân cư mạng; đồng thời thu nhận được các ý kiến chia sẻ tích cực. Cuộc sống thường ít niềm vui, nhiều lo nghĩ; các bạn đem lại nụ cười cho cuộc sống là hành động giàu tính nhân văn, nhân hậu. Hãy cứ suy nghĩ tích cực như vậy để thấy nhạc chế đem lại nhiều ích lợi cho cuộc sống. Tất nhiên ở mặt khác, rất mong các bạn cũng nên quan tâm chọn cách chế cho thích hợp, chủ yếu để làm vui cho đời mà không tổn thương chính tác giả.

(Nguồn: http://www.baomoi.com)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...