Nhà thơ Nga Sergey Mikhalkov và Quốc ca Liên Xô
Nhà thơ Nga nổi tiếng Sergey Mikhalkov là tác giả phần lời Quốc ca Liên Xô (cùng với G. El-Registan) và Quốc ca Nga.
Từ năm 1962, ông là Tổng biên tập Tạp chí điện ảnh trào phúng "Ngòi nổ". Có đến hơn 20 năm ông liên tục giữ các cương vị lãnh đạo của Hội Nhà văn Liên bang Nga, Hội Nhà văn Liên Xô và Hiệp hội Nhà văn quốc tế các nước SNG. Ông đã đoạt giải thưởng Lênin, 3 giải thưởng Stalin và 3 giải thưởng Nhà nước Liên Xô; là Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa. Ông được trao tặng 4 Huân chương Lênin, Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng nhất, Huân chương Sao đỏ, Huân chương "Công trạng đối với Tổ quốc" hạng hai, và nhiều huân, huy chương khác...
Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu câu chuyện Sergey Mikhalkov viết Quốc ca Liên Xô, trích từ cuốn sách của ông "Tôi là nhà văn Liên Xô".
Tôi cùng anh bạn cũ Gabo (Gabriel Arkadyevich Ureklyan, bút danh là G. El-Registan) phần lớn thời gian ở ngoài mặt trận và chỉ thỉnh thoảng mới ghé qua Moskva. Gabo tạm trú ở khách sạn Moskva, còn tôi về căn hộ của mình.
Một lần, chúng tôi đến quán Aragvi và gặp ở đấy một nhóm nhà thơ Moskva nổi tiếng. Mấy ông bạn tụ tập tại đây ăn trưa sau một cuộc họp với Kliment Voroshilov (Dân ủy phụ trách quốc phòng Liên Xô từ 1934-1940).
- Họp gì mà quan trọng thế? - Tôi tò mò hỏi.
- Họp bàn về việc sáng tác Quốc ca Liên Xô. Đã có thông báo về cuộc thi viết lời quốc ca hay nhất! - Mọi người trả lời - Tất cả các nhạc sĩ đều được mời!
Trên đường trở về khách sạn, tôi chia sẻ với Gabo thông tin này.
- Nhưng tại sao họ lại không mời tớ nhỉ? - Tôi hỏi anh bạn với một chút băn khoăn.
- Chính cậu nói rằng họ mời "các nhạc sĩ", còn cậu là nhà thơ thiếu nhi! - El-Registan đáp.
- Nhưng dù sao tớ cũng đã sáng tác một số bài hát! - Tôi phản đối.
Sáng hôm sau, nghe tiếng chuông cửa đánh thức, tôi bật dậy khỏi giường. Gabo đứng bên ngưỡng cửa.
- Tớ nằm mơ thấy tớ và cậu trở thành tác giả Quốc ca! - Anh ta đứng bên ngưỡng cửa nói - Tớ thậm chí đã chép lại mấy lời thấy trong mơ!
Gabo chìa cho tôi xem tờ biên lai khách sạn, trên đó tôi đọc: "Nước Nga vĩ đại", "Tình hữu nghị các dân tộc", "Lenin"…
"Mà tại sao chúng mình lại không thử sức xem sao?" - Tôi nghĩ.
Nhưng sáng tác Quốc ca như thế nào, thì không ai trong chúng tôi biết. Nội dung của nó phải ra sao? Nên chọn thể thơ nào là tốt nhất?
Công việc đầu tiên là tra từ điển.
"Quốc ca là bài hát chính thức của một nước, dùng khi có nghi lễ trọng thể…".
Thế còn nội dung? Cần bám sát cơ sở của Hiến pháp Liên Xô.
Vần điệu của bài thơ như thế nào? Chúng tôi nhớ lại "Quốc ca đảng Bolshevich" thường nghe trên radio, lời của V.I. Lebedev-Kumach, nhạc của A.V. Aleksandrov. Chúng tôi quyết định lấy khổ thơ đầu tiên của bài ca chính thức này làm cơ sở cho việc gieo vần.
Đã nói là làm. Chúng tôi bắt tay ngay vào việc. Tôi sáng tác, Gabo bổ sung, biên tập hình thức.
Xong xuôi, chúng tôi gửi bài dự thi tới nhạc sĩ Dm. Shostakovich qua đường bưu điện.
Lần sau trở về từ mặt trận, chúng tôi được biết nhạc sĩ vĩ đại đã phổ nhạc bài thơ của chúng tôi, rằng tất cả các phương án lời và nhạc đã được một Ủy ban cao cấp do K. Voroshilov đứng đầu xem xét, và hàng tuần được Ủy ban này nghe trình diễn theo các phương án khác nhau tại phòng hoà nhạc Beethoven của Nhà hát Lớn Liên Xô.
Chúng tôi may mắn được tham dự một trong những buổi trình diễn đó. Sau khi nghe xong một lượt, Ủy ban của chính phủ lại đưa ra những nhận xét sơ bộ: "Các phương án thể hiện Quốc ca vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu cần thiết. Cần tiếp tục làm việc".
Không có điều kiện lưu lại Moskva, chúng tôi lại ra mặt trận làm nhiệm vụ. Rồi bất ngờ nhận được lệnh khẩn cấp trở về Moskva. Chúng tôi được triệu tập tới điện Kremlin, gặp Voroshilov.
Và thế là chúng tôi có mặt tại điện Kremlin.
- Đồng chí Stalin quan tâm tới tác phẩm của các anh! - Voroshilov nói với chúng tôi. Đừng có mà tự phụ. Chúng tôi sẽ làm việc cùng các anh.
Nằm trên chiếc bàn trước mặt nguyên soái là cuốn sách bìa đỏ in ti-pô. Trong đó tập hợp tất cả các phương án lời Quốc ca Liên Xô do hàng chục tác giả gửi về dự thi. Ở trang 83, có đánh dấu phần lời của chúng tôi cùng với ghi chú của Stalin.
Cho đến cuối mùa thu chúng tôi bận rộn với việc chỉnh sửa lời Quốc ca.
Ngày 26/10/1943, lúc 10 giờ tối diễn ra buổi trình diễn Quốc ca tiếp theo. Tôi và El-Registan ngồi trong khán phòng trống của Nhà hát Lớn. Trên hàng ghế của chính phủ có mặt các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng và chính phủ do Stalin dẫn đầu. Các phương án Quốc ca do ban nhạc Cờ đỏ của Hồng quân trình bày dưới sự chỉ huy của giáo sư A.V. Aleksandrov. Buổi trình diễn kết thúc vào khoảng 12h đêm.
Trở về nhà, tôi cùng với Gabo ngồi bên bàn trà và chia sẻ những ấn tượng về buổi biểu diễn đã qua.
Những suy nghĩ của chúng tôi bị cắt đứt bởi tiếng chuông điện thoại:
- Bây giờ đồng chí Stalin sẽ nói chuyện với các đồng chí!
- Hy vọng tôi không đánh thức các đồng chí chứ?... (giọng nói quen thuộc với âm điệu Grudia)… Hôm nay chúng tôi đã nghe trình diễn Quốc ca. Vẫn chưa đạt.
- Nghĩa là thế nào, thưa đồng chí Stalin?
- Còn kiệm lời. Không nói gì về Hồng quân. Cần phải bổ sung một khổ thơ nữa. Thể hiện vai trò của quân đội chúng ta trong cuộc chiến đấu anh dũng chống bọn xâm lược. Thể hiện sức mạnh và niềm tin vào chiến thắng.
- Thưa đồng chí, bao giờ cần phải có ạ? - Tôi hỏi.
- Bao giờ viết xong thì chuyển đến. Chúng tôi sẽ xem xét - Stalin trả lời.
Chúng tôi ngồi sáng tác và thay đổi khổ thơ mới của Quốc ca cho đến sáng. Chúng tôi còn làm việc thêm một ngày nữa, rồi chuyển 4 câu thơ mới cho Voroshilov, nhân tiện gửi thêm một số dòng và câu thơ của khổ thơ thứ ba.
Ngày 18/10, Tổng biên tập Báo "Đại bàng Stalin", Chính ủy lữ đoàn V. P. Moskovsky, gọi điện thoại cho chúng tôi và thông báo về cuộc triệu tập khẩn cấp của Stalin.
Cùng ngồi chờ gặp Tổng tư lệnh tối cao để báo cáo có hai vị tướng nổi tiếng. Chúng tôi nhận ra họ. Các nguyên soái không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy một thiếu tá và một đại uý đi những đôi ủng dính đầy bụi đường, được Poskrebyshev, thư ký của Stalin đến mời vào.
Chỉ vào một cánh cửa đồ sộ với tay cầm bằng đồng to tướng, ông ta lạnh lùng nói:
- Xin mời vào. Mọi người đang chờ. Các anh biến đi đâu lâu thế?
Trên lối đi mờ tối giữa các cánh cửa, chúng tôi bất giác làm dấu thánh và bước vào phòng làm việc.
Đồng hồ chỉ 22 giờ 30 phút.
Dưới những bức chân dung Suvorov và Kutuzov treo trên tường là một chiếc bàn dài. Phía bên phải là chiếc bàn nhỏ dùng để đặt những chiếc máy điện thoại đủ màu. Ngồi sau bàn dài là "các chân dung sống" với vẻ mặt khá căng thẳng: Molotov, Berya, Voroshilov, Malenkov, Shcherbakov… Đích thân Stalin cầm tờ giấy trong tay đứng đối diện với chúng tôi.
- Xin chào đồng chí Stalin - Chúng tôi nói.
Stalin không trả lời. Rõ ràng ông không vui.
- Hãy đọc đi! - Stalin nói - Các đồng chí có phản đối không? Điều chủ yếu là giữ nguyên những ý tưởng này. Như thế liệu có được không?
- Có thể suy nghĩ đến mai được không ạ? - Tôi hỏi.
- Không được, chúng tôi cần ngay hôm nay. Bút, giấy đây… - Stalin mời chúng tôi ngồi vào bàn.
Chúng tôi ngồi đối diện với "các chân dung sống". Bầu không khí khác thường này khiến chúng tôi đâm lúng túng.
- Thế nào? Làm việc ở đây bất tiện phải không? - Stalin vừa cười vừa nói. Bây giờ các đồng chí sẽ được chuyển đến chỗ khác.
Thiếu tá và đại uý được dẫn tới căn phòng bên cạnh phòng khách. Người ta mang nước chè, bánh mỳ kẹp thịt tới. Chúng tôi ăn và uống nước chè.
Sau khi thảo luận về 4 câu thơ mới, Stalin nói với các uỷ viên Bộ Chính trị.
- Những kẻ xâm lược như thế nào nhỉ? Đê hèn, được không? Các đồng chí nghĩ sao?
- Rất đúng, thưa đồng chí Stalin! Đê hèn! - Berya nhất trí.
- Chúng ta kết thúc ở đây! Đồng chí Shcherbakov, hãy cho đánh máy ngay văn bản này.
… Vào đêm Giao thừa năm 1944, Quốc ca mới của Liên Xô đã ngân lên trên Đài phát thanh Liên bang. Nó vang lên một cách hào hùng để chúc mừng nhân dân Liên Xô cùng với quân đội của mình đã giải phóng phần lãnh thổ bị xâm chiếm và bẻ gãy xương sống của bọn phát xít.
Năm đó tôi 30 tuổi.
(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn)