Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Âm nhạc là lăng kính của thời đại

15/07/2019

Vài năm trở lại đây, các ca khúc nhạc trẻ đang tạo nên một “làn sóng” mạnh mẽ trong thị trường âm nhạc Việt. Ở đó, ghi nhận nhiều ca khúc đã cán mốc “triệu view”. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó thì các sản phẩm âm nhạc này đang phát triển theo trào lưu hơn là tập trung vào yếu tố nghệ thuật. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã có cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long.

PV: Dưới góc độ là người nghiên cứu âm nhạc, ông đánh giá sao về việc liên tiếp các ca khúc Việt đạt được lượng người nghe kỷ lục trên mạng xã hội trong thời gian qua?

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long: Trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay thì có một thực tế là thói quen nghe nhạc đã có rất nhiều thay đổi. Thay vì cách nghe truyền thống qua băng đĩa, giờ đây âm nhạc đã được truyền tải, lan tỏa một cách rộng rãi hơn thông qua nền tảng kỹ thuật số.

Đây cũng là một sự chuyển dịch mang tính bản lề và tất yếu khi cuộc cách mạng công nghệ, đã làm thay đổi cách thưởng thức âm nhạc không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Chính vì vậy việc nghe nhạc trên mạng xã hội hiện nay đang tạo ra nhiều yếu tố tích cực và mang tính thời đại.

Cùng nhờ sự thay đổi này mà thời gian qua đã có rất nhiều ca khúc đạt được lượng người nghe kỷ lục trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đồng hành với sự phát triển này luôn luôn có hai mặt, được và chưa được. Trong đó, chưa được là có thể không hẳn số lượng lượt nghe ấy là thưởng thức, thậm chí có khi còn là lượng nghe “ảo”.

Cũng có khi là nghe theo tâm thế “mọi người nghe thì ta cũng nghe”. Tức là thường thức theo tâm lý đám đông, xuất phát từ sự tò mò. Chính vì vậy với các ca khúc đạt được con số “triệu view” trong thời gian qua chỉ phản ánh được phần nào chứ chưa toát lên được hết bản chất nghệ thuật ở trong tác phẩm.

Mới đây, ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã tạo nên một cơn “địa chấn” trong làng âm nhạc khi MV “Hãy trao cho anh” đạt được được lượng người nghe kỷ lục chỉ sau vài ngày phát hành. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?

- Theo tôi đây là một trường hợp tương đối đặc biệt. Bởi hiện tại ở Việt Nam chỉ có Sơn Tùng M-TP mới làm được điều đó. Với ca khúc “Hãy trao cho anh” mới được phát hành tôi nghĩ đã đạt được tới đẳng cấp quốc tế. Ca khúc đã thu hút được sự tham gia của các nghệ sĩ thế giới như Snoop Dogg. Đây là một đóng góp của Sơn Tùng M-TP dành cho âm nhạc, đặc biệt là với âm nhạc đại chúng cho giới trẻ Việt Nam hiện nay. Ca khúc bên cạnh lọt vào Top thịnh hành của Youtube còn lọt vào danh sách MV được nghe nhiều nhất ở Mỹ. Đây là điều mà âm nhạc của Việt Nam chưa ai làm được.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công này thì ca khúc cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng xã hội. Đơn cử, nhiều người cho rằng không biết trong ca khúc Sơn Tùng M-TP đã hát cái gì? Bản thân tôi nghe cũng không nghe hết được lời hát dù cậu ấy hát bằng tiếng Việt. Tuy vậy, cá nhân tôi vẫn đánh giá đây là một sản phẩm âm nhạc có chất lượng. Bởi khi âm nhạc đã “quốc tế hoá” thì chúng ta cứ thử cảm nhận bằng tinh thần, không gian, chất lượng nghệ thuật...

Kiểu như việc thưởng thức các sản phẩm của các nghệ sĩ quốc tế thì không hẳn ca khúc nào chúng ta cũng có thể hiểu được nội dung. Nhưng tôi rất muốn Sơn Tùng M-TP trong thời gian tới sẽ phát triển bằng việc cho ra mắt các ca khúc hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt thì người nghe sẽ có thể nghe rõ hơn.

 Trong MV mới “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP có sự tham gia của các nghệ sĩ thế giới như Snoop Dogg…

Mặc dù các ca khúc nhạc trẻ đạt nhiều thành công trên mạng xã hội, tuy nhiên theo quan điểm của nhiều nhạc sĩ lão thành cho rằng ca khúc có nhiều người xem chưa chắc đã hay, đó chỉ là trào lưu của giới trẻ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ở vấn đề này, theo cá nhân tôi thì chúng ta nên đứng ở góc độ của các thế hệ nhìn vào. Tôi nhìn vào Sơn Tùng M-TP với tâm thế của người trẻ và lý giải nó từ góc độ đó. Còn với thế hệ mình nhìn vào thì những nhận định của các nhạc sĩ lão thành là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, với một xã hội ngày một phát triển chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại đó. Bởi dù không muốn thì nó vẫn sẽ diễn ra. Điều cơ bản là sau những va đập thì tất cả rồi sẽ đi vào một quỹ đạo. Với Sơn Tùng M-TP, các sản phẩm đầu tiên ra đời so với những sản phẩm về sau đã thấy bản thân giọng ca này có những nỗ lực không mệt mỏi. Do đó, với mỗi sản phẩm âm nhạc chúng ta nên đứng ở nhiều góc độ để phân định.

Vậy chúng ta có nên phân định rõ giữa nhạc giải trí và nhạc nghệ thuật?

- Trên thế giới không có sự phân định này mà ở mỗi một dòng nhạc sẽ có một đối tượng khán giả riêng. Tuy nhiên, ở Việt Nam có những đặc thù riêng do bối cảnh lịch sử đã tạo nên sự phân định giữa các dòng nhạc. Hiện nay âm nhạc Việt Nam đang tồn tại song song hai dòng âm nhạc chính thống và nhạc thương mại. Do đó, ở mỗi dòng nhạc lại hướng đến những giá trị riêng, khán giả riêng. Và hơn cả, chúng ta nên nhìn nhận thật thoải mái.

 Trân trọng cảm ơn ông!

(Nguồn: http://daidoanket.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...