Ngũ tấu kèn đồng Red Socks chơi nhạc cụ truyền thống tại Việt Nam

11/05/2015

Điểm đặc biệt của chương trình chính là màn trình diễn với các nhạc khí thuộc bộ hơi truyền thống của Đức mang tên alphorn (kèn sừng).

Tối 8/5, tại Nhà hát lớn Hà Nội, 5 nghệ sĩ của nhóm nhạc kèn đồng “Red socks- Những chiếc tất đỏ” đến từ Đức, đã có chương trình biểu diễn nhân sự kiện Ngày Châu Âu 2015 (9/5). Chương trình còn có sự tham gia của ban nhạc tre nứa “Sức sống mới” của Việt Nam.


Các nghệ sĩ của Đức và Việt Nam kết hợp biểu diễn trên sân khấu

Những âm thanh vang vọng, hào hùng của bản nhạc “The Eart of Oxford Mach”, do nhạc sĩ William Bird sáng tác, được nhóm ngũ tấu “Những chiếc tất đỏ” đến từ Đức thể hiện, đã mở màn cho chương trình âm nhạc.

Tiếp sau đó là nhạc phẩm của các nhà soạn nhạc kinh điển như Bach, Handel, đến các nhạc sĩ người Mỹ của thế kỉ 20, với những bản nhạc jazz, tango Argentina.

Điểm đặc biệt của chương trình chính là màn trình diễn với các nhạc khí thuộc bộ hơi truyền thống của Đức mang tên alphorn (kèn sừng).

Nghệ sĩ Philip Luedecke, một thành viên của nhóm cho biết: “Chúng tôi có 5 thành viên và chơi 5 loại nhạc cụ kèn đồng khác nhau. Thể loại âm nhạc chúng tôi chơi rất đa dạng, phong phú. Chúng tôi chơi nhạc cổ điển Châu Âu, chơi cả nhạc đương đại, hiện đại và cả nhạc truyền thống Đức. Với nhạc truyền thống, chúng tôi chơi với nhạc cụ có mang theo là “kèn sừng”, rất đặc trưng của miền Nam nước Đức. Trước kia, nó được chơi ở vùng núi cao, còn bây giờ, người ta phải cải tạo cho nó khác đi để có thể chơi trong các dàn nhạc”.

Trong không gian Nhà hát lớn, âm thanh của những chiếc kèn đồng, kèn sừng được hòa trộn hài hòa với các nhạc cụ của Việt Nam, như đàn Tơ rưng, sáo, kết hợp với bộ gõ qua phần tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ trong ban nhạc “Sức sống mới”. Đó là các nhạc phẩm: “Canon in D”, “Tây Nguyên vẫy gọi” và “Mùa hái quả”. Nói về bản nhạc “Mùa hái quả” (nhạc sĩ Hữu Xuân- 1941).

Anh Nguyễn Việt Dũng, một người đến dự buổi biểu diễn cho biết: “Bản nhạc đó là sự kết hợp rất tuyệt vời giữa nền văn hóa của nước chúng ta và Châu Âu. Nghe bản nhạc mình thấy được sự sôi động của mùa gặt, một cảm giác rất vui với những người nông dân ở đồng ruộng. Thứ hai, một điều đặc biệt là với bản nhạc “Canon in D” mình được nghe rất nhiều nhưng đây là lần đầu tiên mình được nghe một sự kết hợp như thế. Rất mới mẻ”.


Các nghệ sỹ Đức biểu diễn kèn sừng- nhạc cụ truyền thống của nước Đức

Được thành lập từ năm 2010, 5 chàng trai của nhóm ngũ tấu kèn đồng “Những chiếc tất đỏ” thường xuyên biểu diễn tại Đức và nước ngoài, với cách thể hiện trẻ trung, sáng tạo nhưng rất đỗi thân thiện. Nhóm đã dành được nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Cuộc thi kèn đồng quốc tế Passau và cuộc thi Jan Koetsier./.

(Nguồn: http://vov.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...