Ngôi Miễu - Trú sở Thần linh và nơi trình diễn nghệ thuật

02/08/2018

Tín ngưỡng nữ thần vốn là một hiện tượng văn hóa sơ khai, có nguồn gốc lâu đời, gắn liền với hình thái thờ Mẫu. Rất nhiều dân tộc trên thế giới đều sùng tín nữ thần, đặc biệt là vị thần sản sinh ra vạn vật (Vạn vật chi mẫu). Theo đó, cội nguồn sự sống bắt đầu từ thuộc tính nữ. Nó như một hiện tượng văn hóa phổ biến khắp thế giới. Suốt chiều dài lịch sử, do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, quan niệm trọng nam khinh nữ, nên tín ngưỡng nữ thần có xu hướng tồn tại trong môi trường văn hóa dân gian, đặc biệt mạnh lên khi người Việt thiên di vào vùng đồng bằng Nam Bộ, cộng hưởng với văn hóa Chăm. Bởi vậy, uy nghi các nữ thần bao trùm cả vùng đồng bằng rộng lớn, từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam vào đến vùng miền Tây Nam Bộ với những vị nữ thần, như Thiên Y A Na, Bà Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Bà Đen, Bà Chúa Xứ, Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thiên Hậu, Kim Huê, Thánh Anh La Sát, Thất Thánh Nương Nương, Cố Hỷ, Thượng Động, Cô Hồng, Cô Hạnh, Bà Kim, Bà Mộc, Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Thổ… Tất cả đều được thờ tự rải rác hay phối tự trong cơ sở tín ngưỡng nữ thần, mà cụ thể là ngôi miễu.

Miễu Bà chúa Xứ

Xét về mức độ phổ biến, hễ đâu có đình cũng thường có thêm miễu. Số lượng miễu tuy chưa thể thống kê một cách đầy đủ, nhưng theo phán đoán có thể nhiều hơn cả đình. Bởi lẽ, đình có quy mô lớn, nằm lộ thiên giữa chốn công cộng. Trong tiến trình lịch sử, đình đóng nhiều vai trò khác nhau, từ cao nhất là Hành cung[1] cho đến ngôi nhà làng (thiết chế công cộng làng xã) mà hiện tại còn bảo lưu công năng thờ tự. Để xây dựng đình đòi hỏi huy động nhiều nhân lực, vật lực, tài lực, trong khi miễu xưa nay đều thống nhất trên một chức năng thờ tự. Đình mang trong mình bản thể của xã hội phong kiến với quyền uy thuộc về phái nam, từ uy quyền quan phương cho đến tư tưởng trọng nam. Còn miễu “đại diện” cho phái nữ, có lẽ bởi thế mà không kém phần yếm thế. Miễu mang sắc màu tín ngưỡng rõ rệt, tồn tại tự phát trong dân gian và không đồng nhất về mặt quy mô. Chốn thường trú của thần linh này thường gắn kết với hoạt động diễn xướng thực hành nghi lễ. Và trong khuôn khổ ít nhiều khép kín về không gian, nhỏ hẹp về quy mô, cộng thêm tính chất tư gia cho phép nhiều ngôi miễu mọc lên theo ý chí, nguyện vọng cá nhân, không thống thuộc vào bất cứ đoàn thể nào. Ở nhiều địa phương có những gia đình lập am, miễu ngay trong khuôn viên nhà mình và đương nhiên họ cũng có thể tổ chức “lễ hội tại gia” giống như việc Hầu bóng ở các bản điện, đền từ tại gia khu vực miền Bắc.

Trong quá khứ, Đình, Chùa, Miếu, Phủ thuộc thiết chế văn hóa truyền thống. Chúng không chỉ là cơ sở tín ngưỡng, thờ tự mà còn đóng vai trò thiết chế cộng đồng nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, giống như chức năng Nhà văn hóa, Nhà hát, sân khấu… hiện đại. Vì thế, hàng loạt loại hình nghệ thuật truyền thống gắn kết một cách tự nhiên với cơ sở tín ngưỡng, từ lễ Kỳ yên ở đình, lễ Vu Lan ở chùa cho đến Lễ hội vía các Nữ thần ở miễu, chưa kể đến những sinh hoạt diễn ra tại gia thất, như lễ Tạ trang, lễ Đội bát nhang, lên đồng…

Giống như nhà hát, sân khấu… trong xã hội đô thị, miễu đóng vai trò cung ứng cơ sở vật chất cho hoạt động biểu diễn của loại hình nghệ thuật Hát bóng rỗi. Hát bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, gồm các tiết mục: Lễ khai tràng, Chầu mời thỉnh tổ, Mời tiên ra tuồng, Phước Lộc, Trạng Nàng xuống huê viên, Múa bóng, trong đó, Lễ khai tràng và Chầu mời thỉnh tổ là hai tiết mục mang đậm màu sắc tín ngưỡng, thuộc về phần lễ, còn lại có thể liệt vào phần hội, mang tính chất giải trí, thưởng thức nghệ thuật. Trung tâm của trình diễn văn nghệ phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh nằm ở tiết mục Chầu mời thỉnh tổ. Ở tiết mục này, các bà bóng thay phiên nhau trình diễn các bài: Chầu ông, Chầu bà, Chầu cô, Chầu cậu và Chầu chiến sĩ. Qua năm bài Chầu bao quát toàn bộ nội dung (đức tin) thể hiện ở đối tượng thờ tự được mời về dự tiệc trong ngày hội miễu, gồm: Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Động, Bà Kim, Bà Mộc, Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Thổ, Bà Cửu Thiên Huyền Nữ… cô Hồng, cô Hạnh, Cậu Chài, Cậu Quý và chiến sĩ trận vong.

Nhạc cụ đệm cho hát Chầu mời có thể xê dịch về số lượng, nhưng chủng loại thường tập trung vào các loại: đàn cò, trống lệnh và phách.

Đàn cò làm nhiệm vụ trình bày các khúc rao, gian tấu, chuyển hơi và phụ họa cho giọng hát. Tùy thuộc vào chức năng của từng phần mà nó đảm nhận những vai trò khác nhau, như tạo không khí, xác định giọng (ở phần rao), liên kết các bộ phận, báo hiệu chuyển điệu (chuyển đổi điệu thức) giữa các đoạn…

Trống lệnh do người hát (bà bóng) đảm nhận nhằm mục đích khai mạc cuộc lễ, tô điểm hoặc “đỡ” cho giọng hát. Người hát sử dụng trống và một chiếc dùi, gõ lên mặt hay tang trống. Tiết tấu của trống lệnh thường xuyên xuất hiện đảo phách nhằm tạo sự tương phản với nhịp điệu đồng độ ở phách.

Phách do một người sử dụng có chức năng giữ nhịp. Trong suốt bản hát, nó chỉ thay đổi nhịp một lần khi chuyển từ nhịp 2 sang nhịp 1 ở hát lý.

Xét về hình thái nghệ thuật, nhạc đình, miễu đều thuộc phạm trù nhạc lễ. Về mặt cơ cấu, tổ chức, đặc biệt là hình thức nghệ thuật, tính chất nhạc đình có thể coi như dòng trực hệ của âm nhạc cung đình, sau khi chuyển hóa bối cảnh, “xã hội hóa”, nhạc đình nhập thân môi trường văn nghệ dân gian. Còn nhạc miễu đi lên bằng con đường dân gian, tích hợp nhiều loại hơi, bản bản từ nghệ thuật truyền thống, như nhạc Tuồng, nhạc lễ, Cải lương, nhạc dân gian...

Mặc dù tồn tại trong xã hội hiện đại, Hát bóng rỗi vẫn chảy âm thầm giữa nhiều dòng chảy văn hóa. Loại hình nghệ thuật này tuy chưa lọt vào hạng mục cần bảo tồn hay nguy cơ thất truyền, nhưng với đà phát triển theo cấp số nhân về thông tin, cộng thêm “bài toán chưa có lời giải” về cách thức bảo tồn nghệ thuật dân gian, hát Bóng rỗi tất yếu đi đến mai một, xuống cấp, đặc biệt là sự thờ ơ của khán thính giả hôm nay.

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

[1] Tạ Chí Đại Trường: “Những bài dã sử Việt”, Nxb Tri Thức, năm 2009.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...