Ngoài cấm và hạn chế là gì?
Cấm và hạn chế là hai cơ chế được áp dụng phổ biến ở nước ta. Trong mọi hoạt động, hễ đứng trước tình huống khó xử, nhà nước có chiều hướng áp dụng hai biện pháp trên. Cấm là hạn chế tuyệt đối, còn hạn chế là cấm trong phạm vi có giới hạn. Cấm và hạn chế tuy hai là một, tuy một là hai. Chúng thể hiện tư duy, năng lực điều hành của nhà quản lý. Trước vấn đề phức tạp, chưa có tiền lệ hoặc biện pháp xử lý hiệu quả, nhà quản lý sẵn sàng áp dụng cơ chế này.
Gần đây, sự kiện Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bỏ cấp phép đối với ca khúc trước năm 1975 cho thấy sự đổi mới tư duy trong công tác điều hành, song, đằng sau đó là Quy chế của Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch, cơ chế Tự thẩm định của chính quyền địa phương, Hội đồng thẩm định… Đây mới là những vấn đề nảy sinh rắc rối, gây nên nhiều ý kiến trái chiều.
Chúng ta thử xét trong quá khứ có tác phẩm âm nhạc nào có khả năng làm mất ổn định an ninh chính trị hay chưa? Song trên thực tế đã có rất nhiều tác phẩm, tác giả vì lý do chính trị mà bị cấm đoán, bắt bớ, cầm tù … Khi chính trị bao trùm lên mọi hoạt động xã hội, công năng văn hóa, nghệ thuật tất yếu sẽ suy yếu. Chúng ta một mặt mong muốn có những tác phẩm ưu tú, xứng tầm thời đại, mặt khác lại tạo ra nhiều rào cản ngăn trở tiến trình phát triển của hoạt động sáng tạo. Ca khúc “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sau ba năm dỡ bỏ lệnh cấm, năm nay có số lượng, thời lượng phát sóng gia tăng một cách đột biến. Ca khúc “Con đường xưa em đi” vốn đã quen thuộc với nhiều người, cũng nhờ sự cấm đoán mà càng trở nên nổi tiếng. Có thể thấy, cấm và hạn chế giống như “con dao hai lưỡi”, trong đó một lưỡi chĩa thẳng vào người sử dụng.
“Đổi mới” nhiều khi đơn giản là dỡ bỏ hàng rào vô hình hoặc hữu hình gây trở ngại tiến trình phát triển. Khoảng chục năm trước, hàng loạt công viên trong thành phố gỡ bỏ hàng rào, từ đó, người dân đến công viên tập thể dục, đi kèm với nhiều hoạt động văn hóa. Chính tại điểm này, cơ quan quản lý cần thiết kế hành lang pháp lý, an toàn cho các hoạt động văn hóa cùng phát triển lành mạnh, nhằm tránh tình trạng va chạm nhau giữa các dạng thức văn hóa, nhóm xã hội…
Nhà nước đã từng bước chuyển từ tình trạng cai trị sang kiến tạo, phát triển. Kiến tạo hay phát triển đòi hỏi bắt đầu từ tư duy, đổi mới, sáng tạo, tạo hành lang pháp lý, an toàn, nhân văn, thiết lập đường biên hữu hình, vô hình cho các dạng thức văn hóa cùng tồn tại song hành, chứ không chỉ có cơ chế cấm hay hạn chế. Văn hóa, nghệ thuật giống như cây đời mọc trên mảnh đất xã hội. Mảnh đất xã hội màu mỡ thì cây văn hóa, nghệ thuật đâm chồi, nảy lộc, hứa hẹn một mùa bội thu trên chặng đường phát triển.