Nghệ thuật hàn lâm - Gập ghềnh đường đến công chúng
Gần đây, thông tin về dự án xây dựng một nhà hát dành riêng cho các thể loại nghệ thuật hàn lâm được UBND TP Hồ Chí Minh đầu tư tiếp tục gây sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, hành trình tìm kiếm một lớp khán giả kế cận, am hiểu và thẩm thấu những tác phẩm nghệ thuật gắn với hai chữ “hàn lâm” thực không dễ, dẫu rằng, hầu hết những người được hỏi đều cho rằng đó là điều cần thiết.
Chủ động tìm khán giả
Một loạt chương trình nghệ thuật hàn lâm, kinh điển được thể hiện nhẹ nhàng, trẻ trung, nhiều màu sắc hơn trong thời gian qua đã cho thấy quyết tâm tìm đến khán giả đại chúng của các nghệ sĩ trong lĩnh vực này. Đó là những đêm nhạc được ưu ái dành cho học sinh, sinh viên trong khuôn khổ chương trình “Giai điệu mùa thu”, một trong những sự kiện âm nhạc đình đám tại TP Hồ Chí Minh hằng năm khi mời các nghệ sĩ nổi tiếng, tài năng trẻ Việt Nam đang sinh sống, học tập ở các quốc gia về nước biểu diễn.
Thời gian gần đây, một số nhà hát giao hưởng, thính phòng đã mạnh dạn chủ động đưa âm nhạc hàn lâm xuống đường, ra phố, về nông thôn tìm khán thính giả. Chẳng hạn, các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã phối hợp triển khai dự án âm nhạc cộng đồng lớn mang tên “Luala concert” – định kỳ hàng tuần đưa nhạc Giao hưởng - thính phòng ra khỏi nhà hát, đi biểu diễn ngay trên vỉa hè Hà Nội. Dự án này 2 năm qua đã gặt hái những thành công nhất định, được dư luận xã hội đánh giá cao.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chia sẻ: “Nếu cứ sơn son thếp vàng, đóng khung nhạc cổ điển trong nhà hát thì không mấy ai biết về nó cả. Đưa nhạc cổ điển ra đường phố, hòa nhập nó với đời sống dân dã, mọi người sẽ nhận ra nó gần gũi và sau đó họ sẽ không ngại đến nhà hát nghe hòa nhạc. Khi ấy nhạc giao hưởng thính phòng sẽ có khán giả và sẽ phát triển bền vững”.
Một buổi hòa nhạc thính phòng
Con đường gian nan
Có thể nói, những nỗ lực đưa nhạc hàn lâm ra khỏi nhà hát tìm đến công chúng của các nghệ sĩ, dàn nhạc Việt Nam thời gian qua đã mang tới một luồng gió mới trong cách thưởng thức nhạc giao hưởng, thính phòng cho đông đảo công chúng yêu nhạc. Tuy nhiên, để âm nhạc hàn lâm đến gần với công chúng còn là con đường nhiều gian nan.
NSƯT Hoàng Điệp, giảng viên Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy Nhạc viện TP HCM chia sẻ: “Ở Việt Nam, nhạc hàn lâm không đến được với công chúng do còn tồn tại những sai lầm trong nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa âm nhạc đối với đời sống cộng đồng. Cũng vì thế dòng nhạc hàn lâm thường ít được quan tâm và đầu tư từ nhiều phía”.
Trên thực tế, nước ta có rất nhiều học sinh - sinh viên có năng khiếu, tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc hàn lâm, đi du học nước ngoài, đã tốt nghiệp các trường, học viện âm nhạc danh tiếng, nhưng không trở về quê hương để cống hiến. Trong khi đó, công tác đào tạo ở các trường nghệ thuật chính quy cũng gặp không ít trở ngại. Bạn trẻ ngày nay bày tỏ rất rõ suy nghĩ không thích theo đuổi ngành học nghệ thuật hàn lâm (học miệt mài mười mấy năm), để rồi sau đó cuộc sống bấp bênh, vất vả chạy show hàng đêm kiếm sống và giữ nghề.
Theo NS Bùi Công Duy, giảng viên Học viện Âm nhạc Việt Nam, muốn nâng cao dân trí âm nhạc thì cách đi nhanh nhất chính là xã hội hóa. Xã hội hóa là làm mọi thứ thành dễ, mang đến những gì khán giả dễ đón nhận và âm nhạc cũng sẽ không có sự lựa chọn nào hay hơn là đi theo con đường này.
Hiện nay, nguy cơ tình trạng hụt hẫng về đội ngũ kế thừa cũng phổ biến trong lĩnh vực nghệ thuật dân tộc. Nhìn lại, đã lâu rồi sự nghiệp đào tạo tài năng trẻ đàn, múa dân tộc không thấy xuất hiện những mầm non nào nổi bật có thể phát huy thành quả nghệ thuật của thế hệ đi trước. Chưa kể, sự lép vế trong hoạt động biểu diễn, tuyên truyền, quảng bá, hiệu ứng công chúng… Những khó khăn khách quan lẫn chủ quan đè nặng lên đôi vai người quản lý các đơn vị nghệ thuật.
“Nói nhạc hàn lâm xa lạ với giới trẻ là không phải vì lý do giới trẻ không được học rồi nghe không được, mà vì điều kiện hoạt động âm nhạc của chúng ta còn đang rất khập khiễng. Giới trẻ không có thời gian để làm điều đó. Dòng nhạc này còn xa lạ với công chúng lỗi một phần cũng do giới âm nhạc cổ điển, họ tự bó mình vào một khuôn khổ, không tích cực hoạt động và không thường xuyên giao tiếp với giới trẻ”.
NSƯT Tạ Minh Tâm (Nhạc viện TP HCM) |
(Nguồn: http://giaoducthoidai.vn)